- 1 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2 Quyết định 1317/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, giai đoạn 2020-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1718/KH-UBND | Lai Châu, ngày 15 tháng 5 năm 2023 |
Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
UBND tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch tổ chức triển thực hiện về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới cụ thể như sau:
1. Quán triệt quan điểm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới: Đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm trật tự an toàn giao thông là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm các quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của lực lượng chức năng.
2. Quán triệt mục tiêu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới: Thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong nhân dân; giảm thiểu tai nạn giao thông, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
3. Tạo sự đồng thuận, thống nhất của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới về giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân. Tất cả các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.
4. Xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu an toàn giao thông theo công nghệ hiện đại, kết nối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý và nghiên cứu về an toàn giao thông. Ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào lĩnh vực an toàn giao thông, đặc biệt trong quản lý dịch vụ công, hoạt động vận tải, phương tiện tự lái, giao thông thông minh, giám sát và xử lý vi phạm.
5. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho người tham gia giao thông; huy động mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nội dung chương trình của hệ thống đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe đạt tiêu chuẩn hội nhập toàn diện về giao thông đường bộ.
6. Tăng cường năng lực cấp cứu y tế, cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông; quy hoạch mạng lưới cấp cứu y tế; xây dựng đề án tổ chức cấp cứu tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ có kết nối với các bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên trên địa bàn tỉnh đảm bảo khoa học, hiện đại, nhanh chóng, an toàn, hiệu quả; hệ thống các trạm cấp cứu, trung tâm cứu hộ, cứu nạn phải được trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hiện đại, nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao, phản ứng nhanh, đảm bảo khả năng tiếp cận nạn nhân tai nạn giao thông trong thời gian nhanh nhất kể từ khi nhận được thông tin yêu cầu cấp cứu.
7. Từng bước xóa bỏ kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ; bảo đảm 100% các tuyến đường bộ xây dựng mới, nâng cấp cải tạo và đang khai thác được thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông theo quy định; lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ và chống tái lấn chiếm trên tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; đảm bảo các công trình xây dựng khi đấu nối trực tiếp ra đường đô thị, quốc lộ và tỉnh lộ không gây ùn tắc, tiềm ẩn tai nạn giao thông.
8. Các tuyến đường bộ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo phải được ưu tiên xây dựng lắp đặt đầy đủ các hạng mục công trình, trang thiết bị bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm an toàn cho các đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương; tăng cường hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi trên các tuyến đường chính trong nội thị.
9. Kiên quyết loại bỏ xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh không được tham gia giao thông; thực hiện kiểm soát khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông; 100% xe ô tô của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ và nộp phạt vi phạm.
II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Giải pháp về công tác quản lý nhà nước trong thể chế, chính sách
- Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; từng bước thực hiện xã hội hóa phát triển vận tải khách công cộng; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tham gia của tư nhân vào lĩnh vực an toàn giao thông.
- Kiện toàn tổ chức, nâng cao trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ và năng lực hoạt động của Ban An toàn giao thông các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan phù hợp với tình hình mới; gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Ứng dụng khoa học công nghệ mới xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về an toàn giao thông để kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ; xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ trên cơ sở tích hợp số liệu báo cáo tai nạn giao thông tại hiện trường, số liệu của cơ sở cấp cứu và điều trị nạn nhân tai nạn giao thông; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông đường bộ ở các cấp trên toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu quản lý và thi hành pháp luật.
- Đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát trên các xe ô tô kinh doanh vận tải, đảm bảo kết nối, sử dụng chung cho các cơ quan chức năng về thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trong đó có kết nối và chia sẻ với hệ thống dữ liệu đăng ký phương tiện, đăng kiểm phương tiện, giấy phép lái xe.
- Hoàn thiện hệ thống báo cáo và phân tích tình hình trật tự, an toàn giao thông cấp tỉnh.
- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông. Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.
- Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự an toàn giao thông xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.
2. Giải pháp về quản lý bảo trì, kết cấu hạ tầng giao thông
- Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống các tuyến đường địa phương trọng yếu theo quy hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm điều kiện an toàn cho tất cả các đối tượng tham gia giao thông; ưu tiên xây dựng các tuyến liên kết vùng, tuyến tránh đô thị, các điểm kết nối giao thông vận tải, nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ đi qua khu đông dân cư; nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông xung quanh khu vực trường học, bệnh viện.
- Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng ưu tiên cho các phương tiện công cộng, triển khai quy hoạch hệ thống bến bãi, điểm đỗ xe đã được quy hoạch; tăng cường đầu tư trang, thiết bị hiện đại, sắp xếp hợp lý các điểm, bãi đỗ xe hiện tại trong khu vực thành phố, thị trấn.
- Kiên quyết lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ và chống tái lấn chiếm; nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống tự động giám sát giao thông tại các điểm giao cắt. Huy động, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ để phục vụ nhu cầu thiết yếu của lái xe, hành khách, phương tiện dọc tuyến đường nối cao tốc, các quốc lộ và tỉnh lộ.
- Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giám sát và điều hành giao thông thông minh để bảo đảm việc vận hành, khai thác an toàn trên các tuyến đường bộ nối cao tốc và các quốc lộ trọng yếu. Nghiên cứu phương án nhằm xử lý và chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực, hướng dẫn đi lại cho người tham gia giao thông thông qua cổng thông tin trực tuyến.
3. Giải pháp đối với quản lý phương tiện vận tải
- Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về an toàn phương tiện theo chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan; thực hiện kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông; ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, giám sát, kiểm định phương tiện; kiên quyết loại bỏ xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh thuộc diện không được tham gia giao thông.
- Đẩy nhanh ứng dụng toàn diện các hệ thống giám sát hành trình phương tiện; hệ thống cảnh báo lái xe buồn ngủ; hệ thống camera giám sát hình ảnh trên phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định; hệ thống quản lý an toàn, điều hành của bến xe, điều hành xe của các doanh nghiệp vận tải bằng xe ô tô; sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ và kể cả nộp phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông.
- Nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ, triển khai định danh phương tiện gắn với định danh cá nhân khi có chỉ đạo của Chính phủ.
4. Giải pháp đối với người điều khiển phương tiện
Tiếp tục phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; nâng cao chất lượng quy trình, phương pháp và nội dung đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tương đương với các nước phát triển trên thế giới; chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành trên các loại phương tiện hiện đại, công nghệ cao; tăng cường giáo dục đạo đức người lái xe.
5. Giải pháp trong công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông
- Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về an toàn giao thông và văn hóa giao thông, trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến về kỹ năng phòng tránh tai nạn, kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn; hậu quả của tai nạn giao thông đường bộ do chạy quá tốc độ cho phép, sử dụng ma túy, chất có cồn, sử dụng điện thoại, không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, không thắt dây an toàn trên ô tô khi tham gia giao thông, đặc biệt các kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn trên đường bộ cao tốc.
- Tăng cường thời lượng tuyên truyền, hướng dẫn an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống kênh phát thanh trực tuyến, mạng xã hội, các nền tảng truyền thông kỹ thuật số.
- Ứng dụng các giải pháp công nghệ trong công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông qua các nền tảng công nghệ thông tin như: internet, các mạng xã hội, điện thoại thông minh, đặc biệt bằng các công cụ hình ảnh trực quan, các ứng dụng trò chơi; xây dựng và hoàn thiện các cẩm nang, sổ tay an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc, đường giao thông nông thôn ... dưới dạng các ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động thông minh.
- Tuyên truyền qua hệ thống thông tin cơ sở; xây dựng các chương trình phát thanh phù hợp với đặc điểm vùng miền, tôn giáo, ngôn ngữ các dân tộc để truyền thông tại cơ sở, phát trên hệ thống loa truyền thanh của cơ sở kèm theo chuyên mục hỏi, đáp về an toàn giao thông; thường xuyên thực hiện “Năm an toàn giao thông”, “Tháng cao điểm an toàn giao thông” và tuyên truyền vào dịp Lễ, Tết theo chuyên đề cụ thể tại các địa phương.
- Tăng cường giáo dục an toàn giao thông trong trường học, hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy và đưa nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn vào trong chương trình chính khóa, trong các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh, sinh viên; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.
- Tuyên truyền qua các hoạt động khác như: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, phẩm chất đạo đức, nghiệp vụ chuyên môn của lực lượng thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật giao thông, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là lái xe tải và xe khách liên tỉnh; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị kinh doanh vận tải trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
- Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào sinh hoạt thường xuyên của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức tôn giáo. Tiếp tục đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá chất lượng của tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên và là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân (đặc biệt là tại các thị trấn và khu đông dân cư).
6. Giải pháp về thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm
- Ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; trong đó, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống camera ứng dụng công nghệ tự động để nhận diện, phát hiện lỗi vi phạm trên hệ thống đường bộ tại khu vực đông dân cư và trên các tuyến quốc lộ trọng điểm; giám sát hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng chức năng khi tuần tra, thanh tra xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông. Hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- Thường xuyên mở các chiến dịch cao điểm ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma tuý, đặc biệt tập trung vào đối tượng là lái xe chuyên nghiệp như: lái xe tải, xe Container, xe khách tuyến cố định liên tỉnh; các hành vi tổ chức đua xe mô tô, ô tô trái phép; ứng dụng công nghệ để giám sát, xử lý tình trạng sử dụng trái phép, phá hoại, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông.
7. Giải pháp về cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế trong tai nạn giao thông
- Nâng cao năng lực các cơ sở y tế, hệ thống cấp cứu y tế hiện có, đảm bảo khả năng cấp cứu tai nạn giao thông theo quy định, ứng trực 24/24h tại các bệnh viện đa khoa cấp huyện, đồng thời xây dựng mạng lưới thông tin hiện đại, đảm bảo khả năng tiếp cận nạn nhân trong thời gian nhanh nhất kể từ khi nhận thông tin yêu cầu cấp cứu.
- Tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, lái xe, nhân viên Hội Chữ thập đỏ, các tình nguyện viên và người dân sống dọc các tuyến đường trên địa bàn toàn tỉnh
8. Giải pháp về nguồn kinh phí
Rà soát, sửa đổi các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức; phân bổ sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ phù hợp với tình hình thực tiễn bảo đảm đủ nguồn kinh phí cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch này.
1. Ban An toàn giao thông tỉnh
- Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi và tổng hợp đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch hành động của đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện Kế hoạch này; kiện toàn tổ chức, hoàn thiện mô hình, quy định chức năng, nhiệm vụ và nâng cao năng lực hoạt động của Ban An toàn giao thông các cấp cho phù hợp với tình hình mới.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh, trên các trang mạng xã hội, trên các ứng dụng thiết bị thông minh, các ứng dụng trò chơi; tổ chức vận động xây dựng văn hóa giao thông trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự an toàn giao thông; chủ trì xây dựng hệ thống báo cáo và phân tích tình hình trật tự, an toàn giao thông cấp tỉnh.
2. Sở Giao thông vận tải
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát trên các xe ô tô kinh doanh vận tải, đảm bảo kết nối, sử dụng chung cho các cơ quan chức năng về thanh tra, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm; triển khai cập nhật dữ liệu TNGT trên nền bản đồ số giao thông để phục vụ công tác quản lý, phát hiện và xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ; tham mưu, đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống tự động giám sát an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ; thực hiện thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông theo quy định đối với hệ thống đường bộ do địa phương quản lý.
- Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe trên tất cả các tuyến giao thông, tập trung vào các đối tượng xe tải nặng, xe công ten nơ, xe chở vật liệu xây dựng; ngăn chặn xe chở quá tải từ gốc, các tổ chức, doanh nghiệp, các đơn vị khai thác mỏ, cảng, bến,...
3. Công an tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải và UBND các cấp ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông tại hiện trường, số liệu tai nạn, thương tích của cơ sở cấp cứu và điều trị nạn nhân tai nạn giao thông.
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp chặt chẽ với lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động vận tải khách, chở quá số người quy định, chạy sai luồng tuyến, vi phạm quy định về thời gian lái xe, đón, trả khách không đúng nơi quy định, chở hàng quá trọng tải cho phép.
- Đổi mới phương pháp tuần tra kiểm soát, tăng cường tuần tra lưu động và kiểm tra theo chuyên đề, đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý vi phạm bằng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.
- Qua công tác tuần tra, kiểm soát và điều tra, xử lý TNGT, kịp thời kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông. Việc kiến nghị giải quyết phải rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đồng thời theo dõi, đôn đốc và thu thập tài liệu, đề nghị xử lý những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, không kịp thời có biện pháp khắc phục đối với các trường hợp đã có kiến nghị để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm.
4. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, nghiên cứu thành lập mới các trạm cấp cứu y tế hoặc nâng cao năng lực các cơ sở y tế, trung tâm cấp cứu 115 hiện có, đảm bảo khả năng cấp cứu tai nạn giao thông theo quy định, ứng trực 24/24h tại các bệnh viện đa khoa cấp huyện, đồng thời xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại, đảm bảo khả năng tiếp cận nạn nhân tai nạn giao thông trong thời gian nhanh nhất kể từ khi nhận được thông tin yêu cầu cấp cứu; đồng thời phát triển mô hình đội, nhóm sơ cứu tai nạn giao thông bằng mô tô, xe gắn máy. Tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, lái xe, nhân viên Hội Chữ thập đỏ, các tình nguyện viên và người dân sống dọc các tuyến đường trên địa bàn toàn tỉnh.
- Chủ trì thống kê số liệu về số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông được cứu chữa tại các cơ sở y tế; phối hợp với Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ.
- Phối hợp với Công an tỉnh phục vụ công tác xét nghiệm ma túy, chất kích thích thần kinh và nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải; tổ chức tổng kiểm tra công tác khám và cấp Giấy khám sức khỏe cho người lái xe và người học lái xe trên toàn tỉnh, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định; phối hợp với Sở Giao thông vận tải thực hiện nghiêm công tác khám sức khỏe định kỳ đối với lái xe kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, xét nghiệm ma túy đối với toàn bộ lái xe được khám sức khỏe, và các nạn nhân bị tai nạn giao thông, cấp cứu tại cơ sở khám chữa bệnh.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép giảng dạy nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn trong chương trình môn học và hoạt động giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.
- Đưa giáo dục an toàn giao thông vào chương trình chính khóa cho học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, trường nghề, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên chuyên ngành sư phạm học liên quan đến giảng dạy về an toàn giao thông.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1317/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tuyên truyền về an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở.
- Chủ trì, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông theo các nội dung nêu tại Kế hoạch này.
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thiện và cụ thể hóa các tiêu chí, hành vi văn hóa giao thông bằng hình ảnh sinh động và đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các tiêu chí, hành vi văn hóa giao thông bằng các hình thức văn hóa truyền thống.
8. Sở Tài chính
Chủ trì, tham mưu báo cáo UBND tỉnh giao dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
9. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh
Xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện chủ đề “Về An toàn giao thông”, đổi mới hình thức và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh, thiếu nhi chấp hành pháp luật an toàn giao thông; tăng cường hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này; chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
- Triển khai việc lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ và chống tái lấn chiếm; hạn chế đấu nối và đẩy mạnh việc xóa bỏ các đường ngang trái phép.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện loại bỏ xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh không được tham gia giao thông trên địa bàn quản lý; gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.
1. Căn cứ nội dung Kế hoạch, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo nội dung kế hoạch này. Định kỳ hàng quý, 06 tháng, 09 tháng, năm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị, đồng thời cụ thể hóa các chương trình giải pháp cho thời gian tiếp theo.
2. Giao Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải theo dõi, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện của các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố; định kỳ tham mưu tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh đảm bảo theo quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Kế hoạch 107/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới do tỉnh Lạng Sơn ban hành
- 2 Kế hoạch 146/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới do tỉnh Hà Giang ban hành
- 3 Kế hoạch 78/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 4 Kế hoạch 2693/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 5 Kế hoạch 1404/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 6 Kế hoạch 328/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới do tỉnh Nghệ An ban hành
- 7 Kế hoạch 71/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới do tỉnh Thái Bình ban hành