Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 175/KH-UBND

Sơn La, ngày 06 tháng 07 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN TRÊN ĐỊA BÀN 07 PHƯỜNG THÀNH PHỐ SƠN LA NĂM 2024

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Kết luận số 1058-KL/TU ngày 04/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại cuộc làm việc với Ban cán sự đảng UBND tỉnh về công tác phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường và các nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường;

Căn cứ Quyết định số 34/2023/QĐ-UBND ngày 02/11/2023 của UBND tỉnh ban hành Quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sơn La;

Căn cứ Công văn số 9368/BTNMT-KSON ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt;

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 431/TTr-STNMT ngày 28/6/2024, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn 07 phường thành phố Sơn La năm 2024 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ MỤC TIÊU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và tự giác thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đối với từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

- Tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý, qua đó tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý, đồng thời tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Làm cơ sở để đánh giá hiệu quả, nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Việc thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được xem là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó UBND các cấp nhất là cấp xã, phường và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò then chốt; đồng thời cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

- Việc thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được thực hiện đồng bộ trên 07 phường của thành phố Sơn La, trong đó ưu tiên tập trung thực hiện tại khu vực đô thị, đông dân cư, khu chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, trường học, cơ quan, doanh nghiệp,....

- Xác định rõ lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trước mắt thực hiện thí điểm tại 01 phường (phường Tô Hiệu), qua đó hoàn chỉnh quy trình, hướng dẫn chuyên môn, tuyên truyền phổ biến để triển khai nhân rộng trên địa bàn 06 phường còn lại tại thành phố Sơn La trong năm 2024.

- Các cơ quan, đơn vị nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước phải tiên phong, gương mẫu thực hiện nghiêm túc việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đồng thời tham gia tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, hộ gia đình, cá nhân nơi cư trú cùng thực hiện.

3. Mục tiêu

3.1. Đến hết ngày 31/8/2024

- Thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phường Tô Hiệu, phấn đấu có ít nhất 40% số hộ thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại hộ gia đình.

- Tất cả các phường, xã trên địa bàn thành phố ban hành chương trình, kế hoạch phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo quy định đồng thời phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

- Xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (sổ tay, tờ gấp, tờ rơi, clip, hướng dẫn kỹ thuật hoặc các hình thức khác phù hợp) và thành lập đội ngũ tuyên truyền viên cấp thành phố, cấp xã để tuyên truyền việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

b) Đến hết ngày 31/10/2024

- Duy trì kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phường Tô Hiệu trong đó có ít nhất 60% số hộ thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại hộ gia đình.

- Đối với 06 phường còn lại (Chiềng Sinh, Quyết Tâm, Quyết Thắng, Chiềng Lề, Chiềng Cơi và Chiềng An) có ít nhất 30% số hộ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại hộ gia đình.

c) Đến hết ngày 31/12/2024

- Duy trì kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Sơn La, trong đó đối với phường Tô Hiệu phấn đấu trên 90% số hộ thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đối với 06 phường còn lại (Chiềng Sinh, Quyết Tâm, Quyết Thắng, Chiềng Lề, Chiềng Cơi và Chiềng An) có ít nhất 50% số hộ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại hộ gia đình.

- Cải tạo, nâng cấp mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố đáp ứng các yêu cầu theo quy định và đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại.

- Đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

- Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố, trọng tâm là kết quả thực hiện thí điểm tại phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La.

II. NỘI DUNG

1. Đối tượng và phạm vi thực hiện

- Đối tượng thực hiện: Các hộ gia đình, cá nhân; các tố chức, cơ quan hành chính sự nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La (đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt năm 2024) trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện.

- Phạm vi thực hiện: Triển khai thực hiện thí điểm tại phường Tô Hiệu dần tiến tới đồng bộ trên phạm vi 07 phường trên địa bàn thành phố đảm bảo đạt mục tiêu Kế hoạch đề ra.

2. Phương pháp thực hiện

2.1. Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Quyết định số 34/2023/QĐ-UBND ngày 02/11/2023 của UBND tỉnh về ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sơn La và Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt ban hành kèm theo Công văn số 9368/BTNMT-KSON ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cụ thể như sau:

- Nhóm 1: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, gồm: giấy thải, nhựa thải, kim loại thải,….

- Nhóm 2: Nhóm chất thải thực phẩm, gồm: các phần thải bỏ từ sơ chế, chế biến thức ăn, các loại rau, củ, quả thải bỏ; thức ăn thừa; thực phẩm hỏng,…;

- Nhóm 3: Nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: Chất thải rắn sinh hoạt có khả năng đốt cháy (lá cây, cành cây, gỗ...); chất thải trơ, chất thải khó phân hủy (chai, lọ thủy tinh, bình gốm, sứ không tái sử dụng, tái chế được thải bỏ,...); chất thải rắn cồng kềnh và chất thải rắn khác còn lại.

Khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón, làm thức ăn chăn nuôi (hoặc ủ chất thải thành phân hữu cơ vi sinh bằng đống ủ; sử dụng thùng nhựa...).

(Chi tiết các loại chất thải được phân theo nhóm tại Phụ lục).

2.2. Lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt

- Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: Chứa đựng trong các vật đựng, túi, bao bì thông thường do các hộ gia đình quyết định; lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

- Chất thải thực phẩm: Khuyến khích chứa đựng trong các vật đựng, túi, bao bao bì, thiết bị màu xanh; đảm bảo kín, không rò rỉ, ngăn ngừa mùi phát tán; được lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trước khi chuyển giao cho Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La. Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Chất thải rắn sinh hoạt khác: Khuyến khích chất thải rắn sinh hoạt có khả năng đốt cháy đựng trong bao bì, thiết bị có màu đen; chất thải trơ, chất thải khó phân hủy đựng trong bao bì, thiết bị có màu trắng; chất thải rắn sinh hoạt khác còn lại đựng trong bao bì, thiết bị có màu vàng. Lưu giữ trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

- Chất thải rắn cồng kềnh: Lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường; khuyến khích tự tháo rỡ để giảm kích thước trước khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

2.3. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại

Căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương quyết định phương án thu gom phù hợp và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, có thể theo các phương án như sau (do địa phương tự quyết định):

- Phương án 1: Rác thải sau khi được phân loại, tiến hành thu gom đến các điểm tập kết, tại điểm tập kết bố trí các thùng đựng rác phù hợp, sau đó bố trí xe thu gom riêng biệt đối với các loại chất thải đã phân loại về khu xử lý chất thải.

- Phương án 2: Thu gom cùng lúc các nhóm chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại hàng ngày (trong trường hợp đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng các yêu cầu thu gom các nhóm chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại).

- Hoặc phương án do UBND thành phố Sơn La thống nhất với Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La nhưng phải đảm bảo việc thu gom, vận chuyển riêng từng loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi đã được phân loại.

- Đối với chất thải rắn cồng kềnh, UBND thành phố (hoặc UBND xã, phường nếu được ủy quyền) có thể lựa chọn phương án thu gom tại điểm cố định hoặc thu gom tại nhà theo thời gian và thông báo rộng rãi. Khuyến khích tổ chức thu gom chất thải rắn cồng kềnh vào các ngày chủ nhật hàng tuần hoặc tối thiểu 01 tháng/lần để kịp thời thu gom, hạn chế việc người dân đổ thải không đúng quy định.

3. Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí: Kinh phí hỗ trợ của thành phố cho công tác phân loại rác (nếu có), kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn kinh phí hợp pháp khác năm 2024.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

1.1. Là cơ quan chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện các quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh.

1.2. Thực hiện biên soạn tài liệu (sổ tay, tờ rơi, tờ gấp) về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền phân loại chất thải rắn sinh hoat tại nguồn cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở 07 phường trên địa bàn thành phố triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

1.3. Chịu trách nhiệm toàn diện về quy trình trình phê duyệt kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố; chịu trách nhiệm toàn diện về các kết luận của các cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan pháp luật của Nhà nước; đồng thời chủ động chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện có sai phạm thì kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét quyết định.

1.4. Hướng dẫn, đôn đốc UBND thành phố Sơn La triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp, định kỳ báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo trong quá trình thực hiện Kế hoạch này.

2. Sở Xây dựng

Phối hợp với UBND thành phố Sơn La thực hiện công tác rà soát quy hoạch xây dựng các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong các đồ án quy hoạch xây dựng làm cơ sở triển khai thực hiện (nếu có).

3. Sở Tài chính

Tham mưu cho UBND tỉnh cân đối, hỗ trợ kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và theo khả năng cân đối của ngân sách địa phương để các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan và UBND thành phố Sơn La tuyên truyền về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với nhận thức của từng lứa tuổi tại các cấp học.

- Chỉ đạo các trường trên địa bàn thành phố Sơn La lồng ghép việc giảng dạy các kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào các chương trình nội khóa và ngoại khóa, nhằm tạo điều kiện cho học sinh hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và tích cực tham gia.

- Triển khai, đôn đốc các phòng giáo dục, các trường học, các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố Sơn La triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

5. Sở Công thương

Phối hợp với các Sở, ban ngành, UBND thành phố Sơn La tổ chức triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm, cụm công nghiệp... lồng ghép truyền thông về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thông qua các hoạt động quản lý của ngành.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo, định hướng cho các cơ quan báo, đài của tỉnh, trung ương đóng trên địa bàn và hệ thống truyền thanh cơ sở tổ chức tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

7.1. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai hướng dẫn quy trình ủ chất thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng quy mô hộ gia đình tại các địa phương.

7.2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về chất lượng phân bón cho tổ chức, cá nhân liên quan bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

8. UBND thành phố Sơn La

8.1. Xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các Văn bản hướng dẫn thực hiện.

8.2. Chịu trách nhiệm bố trí phương tiện, nhân lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa bàn đã chọn và triển khai việc phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi đã phân loại tại nguồn trên toàn địa bàn quản lý.

8.3. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đăng tin, bài, phóng sự về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để thu hút sự tham gia, hình thành nhận thức, thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của các tổ chức, cơ quan, trường học, hộ gia đình, cá nhân, các khu vực công cộng và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

8.4. Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau khi được các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phân loại tại nguồn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

8.5. Chỉ đạo UBND các phường quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch và chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Kế hoạch này. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thu gom, vận chuyển trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại tại nguồn tại địa phương mình. Điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới hương ước/quy ước/quy định bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại rác thải tại nguồn nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu trú kết hợp tuyên truyền các quy định về xử lý vi phạm phân loại rác tại nguồn; biểu dương người tốt, việc tốt và phê bình cá nhân vi phạm việc không phân loại rác, vệ sinh môi trường trên cơ sở thống nhất của địa phương và cộng đồng.

8.6. Xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo) những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này.

8.7. Định kỳ hàng tháng (ngay sau thời điểm triển khai thí điểm) báo cáo kết quả thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức Đoàn thể chính trị - xã hội các cấp

9.1. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú về nội dung, đối tượng và chọn lọc những hình thức phù hợp với từng địa bàn dân cư để tuyên truyền. Đồng thời tổ chức tập huấn cho các Tổ tự quản tại địa bàn dân cư, Hội phụ nữ,…xác định rõ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là tiền đề cơ bản, nòng cốt cho công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân ở cộng đồng dân cư đối với cán bộ, công chức tham gia thực hiện.

9.2. Kịp thời phản ánh, tuyên truyền các mô hình, điển hình, tổ chức, cá nhân, tổ dân phố, khu phố, khu dân cư thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; nhân rộng những mô hình triển khai hiệu quả và cách làm hay. Đưa việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào nội dung đánh giá, nhận xét, làm cơ sở cho công tác thi đua - khen thưởng cuối năm.

10. Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La

10.1. Phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Sơn La và UBND các phường: Tô Hiệu, Chiềng Sinh, Quyết Tâm, Quyết Thắng, Chiềng Lề, Chiềng Cơi, Chiềng An tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại tại nguồn theo Kế hoạch này.

10.2. Thống nhất với UBND các phường, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

10.3. Xây dựng kế hoạch và thực hiện đầu tư, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trang thiết bị để thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau khi đã phân loại tại nguồn được thuận lợi, hiệu quả, đáp ứng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn.

10.4. Xây dựng phương án, thu gom, vận chuyển, bổ sung kinh phí cho việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện phù hợp với việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau khi đã phân loại. Báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 30/8/2024.

10.5. Phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

10.6. Chủ động nghiên cứu, họp tập kinh nghiệm tại một số địa phương có điều kiện hạ tầng tương đồng để vận dụng, áp dụng triển khai hiệu quả Kế hoạch này.

10.7. Quản lý, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn được giao; theo dõi, kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND thành phố, UBND các xã, phường, các tổ chức, cá nhân và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trường triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- MTTQ Việt Nam tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội;
- Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Sơn La; Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh;
- Trung tâm thông tin tỉnh;
- Lưu: VT -
Hiệu 20 bản.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Đặng Ngọc Hậu

 

PHỤ LỤC:

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT VỀ PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

(Kèm theo Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 06/7/20 24 của UBND tỉnh Sơn La)

TT

Tên chất thải

Hình ảnh minh họa

Kỹ thuật trong phân loại

Nhóm 1. Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế

1.1

Giấy thải

 

 

1.1.1

Hộp, túi, lọ, ly, cốc bằng giấy.

- Loại bỏ nước, dung dịch chứa bên trong.

- Thu gọn, ép dẹt, giảm kích thước, thể tích.

1.1.2

Sách, truyện, vở, báo cũ, giấy viết,...;

Thùng, bìa carton;

Lõi giấy vệ sinh, giấy bọc gói, bì thư, biên lai, khay đựng trứng bằng giấy,.;

Các loại bao bì giấy khác không nhiễm bẩn.

- Loại bỏ thực phẩm, sản phẩm chứa đựng ban đầu.

- Thu gọn, ép dẹt, giảm kích thước, thể tích.

1.2

Nhựa thải

 

 

1.2.1

Bao bì nhựa đựng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế,... (không bao gồm bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại).

- Tháo nắp, loại bỏ nước, dung dịch hoặc sản phẩm chứa đựng bên trong.

- Thu gọn, giảm kích thước, thể tích.

1.2.2

Các loại ghế nhựa, thau, chậu nhựa;

Ly, cốc nhựa.

Loại bỏ sản phẩm chứa đựng bên trong.

1.3

Kim loại thải

 

 

1.3.1

Bao bì nhôm, sắt hoặc kim loại khác đựng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế,...(không bao gồm bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại).

- Loại bỏ sản phẩm chứa đựng bên trong.

- Thu gọn, giảm kích thước, thể tích.

1.3.2

Đồ dùng nhà bếp bằng kim loại: xoong, nồi, niêu, ấm nước, bếp gas, vật dụng nhỏ như bát, đĩa, thìa, dĩa,.;

Các loại vật dụng kim loại thải khác.

- Loại bỏ sản phẩm chứa đựng bên trong.

- Thu, xếp gọn các vật sắc nhọn để tránh gây thương tích trong quá trình phân loại, thu gom và xử lý.

1.4.

Thuỷ tinh thải

 

 

1.4.1

Chai, lọ thuỷ tinh đựng bia, rượu, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế.

(không bao gồm bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại).

- Tháo nắp, loại bỏ sản phẩm chứa đựng bên trong.

- Thu, xếp gọn, hạn chế va đập, gây vỡ.

1.4.2

Bình hoa, đồ trang trí bằng thủy tinh, pha lê.

Loại bỏ sản phẩm chứa đựng bên trong; tái sử dụng với đồ vật còn nguyên vẹn.

1.4.3

Thuỷ tinh thải khác.

Thu, xếp gọn các vật sắc nhọn để tránh gây thương tích trong quá trình phân loại, thu gom và xử lý.

1.5

Vải, đồ da

 

 

1.5.1

Quần áo, phụ kiện; giày, dép, vali; chăn, màn, rèm cửa bằng vải,... (không dính thuốc bảo vệ thực vật, axit, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại).

- Tái sử dụng đối với các đồ vật sạch.

- Thu gọn.

1.6

Đồ gỗ

 

 

1.6.1

Đồ chơi; vật trang trí, đồ gia dụng, hộp, khay,...bằng gỗ.

- Tái sử dụng đối với vật dụng còn nguyên vẹn.

- Thu gọn, giảm kích thước, thể tích đối với các vật dụng đã bị hư hỏng để tái chế.

1.7.

Cao su

 

 

1.7.1

Đồ chơi bằng cao su.

- Tái sử dụng đối với đồ chơi còn nguyên vẹn.

- Thu gọn, giảm kích thước, thể tích đối với đồ chơi đã bị hư hỏng để tái chế.

1.7.2

Săm, lốp, vật dụng bằng cao su các loại.

Bó gọn.

1.8

Thiết bị điện, điện tử thải bỏ

 

 

1.8.1

Các thiết bị điện, điện tử nhỏ như: máy ảnh và máy ghi hình; điện thoại di động và điện thoại để bàn; dây cáp và phụ kiện máy tính; bảng điều khiển trò chơi; đồ chơi điện tử; máy tính toán cầm tay; bàn phím; máy tính xách tay và máy tính bảng; máy nhắn tin; bộ đàm, đèn led, đèn halogen,...

Giữ nguyên hình dạng, không tháo dời.

1.8.2

Các thiết bị điện, điện tử lớn như: máy tính để bàn và màn hình; máy fax; máy in và máy quét; dàn âm thanh và loa; tivi; máy đánh chữ; đầu đĩa VCR/DVD, tấm quang năng,.

Tủ lạnh, tủ đông, máy điều hòa, máy rửa bát, máy giặt, quạt điện, quạt sưởi, bếp điện, bếp từ, lò nướng, nồi cơm điện,.

Giữ nguyên hình dạng, không tháo dời.

Nhóm 2: Chất thải thực phẩm

2.1

Thức ăn thừa;

Thực phẩm hết hạn sử dụng.

Bảo đảm được đựng, chứa trong vật đựng, túi, bao bì,. kín, không rò rỉ, ngăn ngừa mùi phát tán.

2.2

Các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn,...;

Các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản.

Bảo đảm được đựng, chứa trong vật đựng, túi, bao bì,. kín, không rò rỉ, ngăn ngừa mùi phát tán.

Nhóm 3. Chất thải rắn sinh hoạt khác

3.1

Chất thải nguy hại

 

 

3.1.1

Bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit thải, dung môi thải, kiềm thải, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại, bình gas mini,.từ hoạt động sinh hoạt;

Sơn, mực, chất kết dính (loại có các thành phần nguy hại trong nguyên liệu sản xuất);

Găng tay, giẻ lau dính dầu, hóa chất;

Kim tiêm, khẩu trang, bông băng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh.

- Bảo đảm được đựng, chứa trong vật đựng, túi, bao bì. để an toàn, tránh phát tán CTNH ra ngoài môi trường.

- Thu, xếp gọn các vật sắc nhọn (như kim tiêm) để tránh gây thương tích trong quá trình phân loại, thu gom và xử lý.

3.1.2

Các loại bóng đèn huỳnh quang thải; thủy tinh hoạt tính thải; nhiệt kế chứa thuỷ ngân thải.

- Không đập vỡ.

- Trường hợp bị vỡ thì lưu giữ bảo đảm an toàn tránh gây thương tích, ngăn ngừa phát tán thủy ngân trong quá trình phân loại, thu gom và xử lý.

3.1.3

Các loại pin, ắc quy thải.

Giữ nguyên hình dạng, không tháo dời.

3.2.

Chất thải cồng kềnh

 

 

3.2.1

Tủ, bàn ghế, sofa, giường, nệm, cũ hỏng,…

Thu gọn, giảm kích thước, thể tích. Trường hợp tháo dỡ thì chất thải sau đó được phân loại vào các nhóm chất thải tương ứng.

3.2.2

Tủ sắt, khung cửa, cánh cửa,…

Thu gọn, giảm kích thước, thể tích. Trường hợp tháo dỡ thì chất thải sau đó được phân loại vào các nhóm chất thải tương ứng.

3.2.3

Cành cây, gốc cây,…

Thu gọn, giảm kích thước, thể tích.

3.3

Chất thải khác còn lại

 

 

3.3.1

Vỏ các loại hạt như macca, óc chó, hạt điều, dừa, vỏ trứng, xơ dừa, rơm, trấu,.từ hoạt động sinh hoạt.

Chiếu cói; chiếu tre, trúc; gối mây, tre,...; Lông gia súc, gia cầm,...; Bã các loại: cà phê, trà (túi trà), bã mía, xác mía, lõi ngô (cùi bắp),.;

Chất thải từ làm vườn từ hộ gia đình như lá, rễ, cành cây nhỏ, cỏ, hoa,.

Thu gọn, giảm kích thước, thể tích.

3.3.2

Phân động vật cảnh; xác động vật cảnh chết không do dịch bệnh,.

Chứa trong vật đựng kín, không rò rỉ, ngăn ngừa phát tán mùi.

3.3.3

Tã, bỉm, băng, giấy vệ sinh, giấy ăn đã sử dụng; giấy ướt đã sử dụng; bông tẩy trang, khẩu trang,...;

Các loại hộp xốp; các loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần;

Bã kẹo cao su, đầu lọc thuốc lá,...;

Bóng bay, băng keo dán, tăm bông tai, tăm chỉ kẽ

răng;

Vỏ thuốc,.

Thu gọn, giảm kích thước, thể tích, bảo đảm tránh rơi vãi.

3.3.4

Giày, dép nhựa, thước kẻ, muôi (vá), thìa (muỗng) bằng nhựa;

Bút, bật lửa đã hết gas, bàn chải đánh răng, vỏ tuýp, hộp kem đánh răng,...;

Các loại nhựa thải khác.

Bó gọn.

3.3.5

Vỏ cứng các loài thuỷ, hải sản;

Xỉ than từ hoạt động sinh hoạt,...;

Gốm, sành, sứ thải.

Thu gọn, giảm thể tích, bảo đảm tránh rơi vãi.

3.3.6

Các loại chất thải còn lại.

 

Bó gọn.