ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 176/KH-UBND | Ninh Bình, ngày 01 tháng 11 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 11-CTR/TU NGÀY 31/8/2022 CỦA TỈNH ỦY NINH BÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 156-KH/BTGTW, NGÀY 14/6/2022 CỦA BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, QUẢN LÝ, CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG BÁO,TẠP CHÍ, TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ, MẠNG XÃ HỘI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 31/8/2022 của Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đối với hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh;
- Tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng; kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm, nhất là tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích; tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử, “báo hóa” mạng xã hội và “tư nhân hóa” báo chí tạo sự chuyển biến rõ rệt, tích cực trong hoạt động báo chí;
- Triển khai nghiêm túc, đạt hiệu quả và chất lượng công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí, bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng; bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, những hành vi nói, viết trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từng bước khắc phục mọi biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ những người làm báo.
2. Đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin bảo đảm kịp thời, chính xác, toàn diện, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin, nhất là đối với những vấn đề có tính chất quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.
3. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của báo, tạp chí; báo chí điện tử và các loại hình truyền thông khác trên mạng Internet gắn với tăng cường quản lý, hướng dẫn, định hướng cho nhân dân khai thác, sử dụng thông tin mạng đúng đắn.
4. Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, chế độ, chính sách về báo chí theo quy định; kịp thời đề xuất, kiến nghị các biện pháp, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
5. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch liên quan đến thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh như: thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; phát triển thông tin trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…
6. Kiểm tra, xác minh, làm rõ những vấn đề báo chí thông tin, phản ánh. Chủ động phối hợp, tổ chức họp báo trước những vấn đề, sự kiện, vụ việc quan trọng; thông tin tình hình kinh tế - xã hội nổi bật của tỉnh và những vấn đề báo chí cần quan tâm.
7. Chấn chỉnh, xử lý và đề xuất xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí, truyền thông.
8. Hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế, kinh phí, nguồn lực hoạt động; làm tốt công tác cán bộ, thi đua khen thưởng, kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua và hoạt động báo chí.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn Ngân sách Nhà nước theo quy định về phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành; Lồng ghép trong các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan và các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Là cơ quan đầu mối, chủ trì, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp việc triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện này;
- Tổ chức phổ biến, quán triệt, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí. Thường xuyên rà soát, tổng hợp, tham mưu sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ các khó khăn trong hoạt động báo chí và đáp ứng tốt hơn những nhu cầu mới phát sinh của công tác quản lý nhà nước về báo chí;
- Tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, sử dụng tốt các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin mạng trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về báo chí trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, giám sát hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh;
- Đẩy mạnh công tác hướng dẫn thực hiện quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước;
- Tiếp tục hướng dẫn, triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch về phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp đề xuất khen thưởng, kỷ luật các tập thể, cá nhân các cơ quan báo chí. Đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trên lĩnh vực truyền thông. Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đối với cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm, vi phạm Luật Báo chí.
2. Các cơ quan báo chí của tỉnh
- Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng nhiệm vụ được giao; chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động báo chí; giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin của cơ quan có thẩm quyền; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Khắc phục kịp thời tình trạng thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng; thông tin nặng về phê phán mặt tiêu cực, thổi phồng, khoét sâu yếu kém, khuyết điểm mà chưa quan tâm đúng mức đến tuyên truyền nhân tố mới, cách làm hay, những điều tốt đẹp trong cuộc sống;
- Đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chế độ, chính sách về báo chí theo quy định; kịp thời đề xuất, kiến nghị các biện pháp, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện;
- Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ người làm báo, nâng cao chất lượng tính thời sự, tính phát hiện, tính chiến đấu trong công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên báo chí;
- Quán triệt cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người làm báo thực hiện nghiêm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo và Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội về việc không đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin có xu hướng kích động, có yếu tố nhạy cảm có thể gây hoang mang dư luận xã hội; chủ động nhắc nhở, xử lý nghiêm cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người làm báo sai phạm.
3. Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố
- Tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; chủ động cung cấp thông tin liên quan đến ngành, lĩnh vực phụ trách cho các cơ quan báo chí xây dựng tin, bài, chuyên đề, phóng sự tuyên truyền, đảm bảo cho báo chí có nguồn thông tin chính thống, kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền, hạn chế tình trạng báo chí tự khai thác thông tin dẫn đến đưa tin một chiều; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí, phóng viên tác nghiệp theo đúng quy định;
- Khi tiếp nhận thông tin báo chí truyền thông phản ánh không đúng sự thật liên quan đến cơ quan, đơn vị, địa phương cần phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin để có phương án xử lý phù hợp, hiệu quả tránh tình trạng báo chí truyền thông đưa tin kéo dài, làm nóng dư luận.
Trên đây là Kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 31/8/2022 của Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện Kế hoạch số 156- KH/BTGTW, ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo,tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay, đề nghị các cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện nghiêm các nội dung trên. Định kỳ 6 tháng, hằng năm (trước ngày 10/6 và 10/12 hằng năm) gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.
(Kèm theo phụ lục triển khai, thực hiện nhiệm vụ)./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |