Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1767/KH-UBND

Lai Châu, ngày 17 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 426/QĐ-TTG, NGÀY 21/4/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ; KẾ HOẠCH SỐ 156-KH/TU NGÀY 02/3/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 17-CT/TW NGÀY 21/10/2022 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Quyết định số 426/QĐ-TTg, ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 156-KH/TU ngày 02/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” (gọi tắt là Chỉ thị 17-CT/TW). Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 71/TTr-SYT ngày 10/5/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Các sở, ban, ngành, địa phương nắm vững, tổ chức quán triệt và thực hiện hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định số 426/QĐ-TTg, ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 156-KH/TU ngày 02/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có liên quan và địa phương đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hội nhập trong nước và quốc tế.

- Phát huy những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân, giống nòi dân tộc; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong thời gian qua; bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

- Các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai đầy đủ các nội dung tại Chỉ thị 17-CT/TW; Quyết định số 426/QĐ-TTg; Kế hoạch số 156- KH/TU và Kế hoạch này; phổ biến, quán triệt đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.

- Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Phấn đấu cơ bản thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đều là thực phẩm an toàn; bảo đảm về an ninh thực phẩm, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Trên 95% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; người quản lý; người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm.

- 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được hướng dẫn, tư vấn và kiểm tra, giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

- 100% huyện, thành phố xây dựng và duy trì các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm bảo đảm an toàn.

- Trên 80% hàng hóa thực phẩm được kiểm soát từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh.

- Trên 95% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm) được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- 100% cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm của tỉnh được liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.

- 100% vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn được tổ chức điều tra, lấy mẫu, báo cáo theo quy định. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận dưới 11 người/100.000 dân.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm

- Các cấp, các ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm theo đúng quy định của phát luật; quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đưa các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị và được kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ hàng năm.

- Nêu cao vai trò của người đứng đầu các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phân cấp quản lý công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và phổ biến kiến thức về an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là các chủ trương, chính sách của Đảng, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tăng cường đổi mới, đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ số trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, của cán bộ, đảng viên và người dân trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

- Huy động các nguồn lực để tham gia truyền thông, tuyên truyền về an ninh, an toàn thực phẩm. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh; chú trọng xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục về an ninh, an toàn thực phẩm theo hướng đa dạng, hấp dẫn, có sức thuyết phục và phù hợp với văn hóa, tập quán của từng vùng, từng dân tộc trong tỉnh để tuyên truyền. Khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

- Các cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm có trách nhiệm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về an ninh, an toàn thực phẩm đến các cơ quan truyền thông để kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, chất lượng của tỉnh. Đồng thời công bố tên, địa chỉ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản phẩm hàng hóa vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm minh theo pháp luật những tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, không chính xác về an ninh, an toàn thực phẩm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của Nhân dân.

- Thông tin rộng rãi, dễ tiếp cận số điện thoại đường dây nóng và đầu mối tiếp nhận, xử lý tố giác, phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã.

3. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương

- Tiếp tục rà soát, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, tăng cường năng lực kiểm nghiệm, bảo đảm truy xuất rõ nguồn gốc thực phẩm; cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh nhưng không trái với quy định chung, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm phát triển nhằm đảm bảo công tác an ninh, an toàn thực phẩm.

- Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm.

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm

- Các ngành, các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định hoạt động.

- Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp nhằm kiểm soát tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, việc sử dụng các chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, hóa chất không rõ nguồn gốc trong tất cả các khâu, từ nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; có những biện pháp phù hợp để phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhập lậu lưu thông trên thị trường.

- Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải đảm bảo tính thống nhất từ tuyến tỉnh đến xã, phường, thị trấn, không chồng chéo giữa các ngành, các cấp; chú trọng đối với các bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, hoạt động kinh doanh truyền thống, kinh doanh, quảng cáo trên không gian mạng.

- Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

5. Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng, ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn

- Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, tuần hoàn, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.

- Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn. Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng.

- Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn. Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

- Tập trung triển khai mở rộng quy mô, quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP); thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, phân phối thực phẩm an toàn, phát triển hàng hóa nông sản có chất lượng cao, hướng giảm dần tỷ trọng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi. Tăng cường quản lý bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đối với làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình kết nối sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn; phát huy hiệu quả chương trình OCOP; áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ quản lý chất lượng an toàn thực phẩm; khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển các nhãn hiệu sản phẩm thực phẩm có gắn tên địa danh.

- Xây dựng, thử nghiệm, triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tư vấn, hướng dẫn các cơ sở thực phẩm mô hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn tiên tiến như: GMP, ISO, HACCP, hữu cơ,...

6. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an ninh, an toàn thực phẩm

- Thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm; tiếp tục triển khai có hiệu quả việc giải quyết các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện ở mức độ 3, 4 tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Nghiên cứu xây dựng, ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin tiên tiến, đồng bộ để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm; ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Thông tin rộng rãi các nội dung của ứng dụng công nghệ thông tin để người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cùng khai thác, sử dụng.

7. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đảm bảo các nguồn lực cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm

- Tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp; tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành là thành viên nhằm phát huy tối đa hiệu quả quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm tại địa phương đảm bảo trách nhiệm, đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới sau khi có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.

- Tăng cường, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các ngành, các cấp từ tuyến tỉnh đến cấp xã trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm.

- Trên cơ sở số biên chế được cấp có thẩm quyền giao bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý an ninh, an toàn thực phẩm cho các ngành, các cấp và bố trí đủ kinh phí phù hợp cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, phương tiện làm việc, dụng cụ để kiểm tra, kiểm soát an ninh, an toàn thực phẩm cho các ngành chức năng, các đơn vị cấp huyện, cấp xã nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong giai đoạn hiện nay.

8. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động thực hiện bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm

- Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân về an ninh, an toàn thực phẩm. Lồng ghép các nội dung công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

- Chủ động phối hợp, tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an ninh, an toàn thực phẩm, tập trung khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân để đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh. Tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm của từng đoàn viên, hội viên và người dân. Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội, ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng.

IV. KINH PHÍ

Ngân sách nhà nước theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; lồng ghép từ nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ có liên quan đang thực hiện trên địa bàn tỉnh; các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố

- Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm tại Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định số 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 156-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Xác định các mục tiêu, chỉ tiêu về an ninh, an toàn thực phẩm trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm của địa phương, đơn vị.

- Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm tại nhiệm vụ, giải pháp thứ 8, phần III Kế hoạch này.

2. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh ban hành các văn bản để triển khai thực hiện công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Y tế.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm tại địa phương đảm bảo trách nhiệm, đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.

- Chủ động cung cấp tài liệu truyền thông về an ninh, an toàn thực phẩm đến các ngành, các địa phương nhất là trong các đợt cao điểm về an toàn thực phẩm. Tập huấn nâng cao kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng: người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người quản lý, người tiêu dùng,…Thông tin rộng rãi, dễ tiếp cận số điện thoại đường dây nóng và đầu mối tiếp nhận, xử lý tố giác, phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân công, phân cấp của ngành y tế. Tăng cường quản lý, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm. Xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, hậu kiểm kịp thời các cơ sở sản xuất, sản phẩm thực phẩm sau công bố.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính theo mức độ 3,4 cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo lĩnh vực được phân công phụ trách.

- Chủ động giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, kịp thời có biện pháp xử lý vi phạm và cảnh báo cho người tiêu dùng biết lựa chọn cơ sở thực phẩm an toàn và chọn mua, sử dụng thực phẩm an toàn. Chỉ đạo, thực hiện kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ các sự kiện, hội nghị, lễ hội.

- Thường xuyên củng cố, kiện toàn phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để đảm bảo duy trì, mở rộng, nâng cao số lượng chỉ tiêu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước và yêu cầu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

- Chủ động sẵn sàng phương án tiếp nhận, cấp cứu, điều trị kịp thời người vụ NĐTP, hạn chế tối đa tử vong do NĐTP. Chỉ đạo, phối hợp với các địa phương điều tra, xác định các vụ NĐTP.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan định kỳ hàng năm tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Y tế và Tỉnh ủy về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các mô hình sản xuất, chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch gắn với việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đồng thời bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Phát triển vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp tập trung theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Tiếp tục triển khai nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng.

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về an ninh, an toàn thực phẩm, các cơ chế, chính sách, các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân công, phân cấp của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm chất lượng vật tư nông nghiệp, an ninh, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Công khai trên cổng thông tin điện tử kết quả phân loại A/B/C,….và các cơ sở được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để người tiêu dùng biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính theo mức độ 3,4 cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo lĩnh vực được phân công phụ trách.

- Chủ động giám sát an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.

- Xây dựng và triển khai có hiệu quả hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm xây dựng, phát triển sản phẩm đặc sản, đặc trưng có lợi thế của địa phương, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường và đảm bảo ATTP. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn gắn với sản phẩm trong chương trình OCOP của tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương nghiên cứu bố trí quỹ đất theo quy hoạch để xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm; tiếp tục nhân rộng và tiếp tục xây dựng, triển khai các vùng sản xuất rau an toàn theo hướng tập trung; kiểm soát đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản của các cơ quan kiểm tra cấp huyện, cấp xã theo phân công, phân cấp của UBND tỉnh của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Sở Công Thương

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy bảo quản, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh nhằm tạo ra các sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại như: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

- Triển khai các chương trình, đề án khuyến công nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực phẩm ngành Công Thương ứng dụng máy móc tiên tiến, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong chế biến thực phẩm.

- Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh, nhất là truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên không gian số.

- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm việc kinh doanh các loại sản phẩm thực phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đủ các điều kiện lưu thông trên thị trường; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm.

5. Công an tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng công an tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh vận chuyển thực phẩm không bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Tăng cường chỉ đạo kiểm tra, xử lý hình sự đối với các vụ việc, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng về an ninh, an toàn thực phẩm theo quy định.

- Phối hợp với các cơ quan quản lý về an ninh, an toàn thực phẩm, các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm; kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ việc vận chuyển trái phép các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, vật tư nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón,…).

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chỉ tiêu đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm của tỉnh.

7. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản liên quan.

8. Sở Nội vụ

Phối hợp với các Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm tại địa phương khi có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; tham mưu xây dựng kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc hàng năm, trên cơ sở số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, giao biên chế công chức, số lượng người làm việc làm công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm theo quy định.

9. Sở Khoa học và Công nghệ

- Tiếp tục hướng dẫn các địa phương xây dựng và đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về sản xuất thực phẩm an toàn, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản thực phẩm sau thu hoạch; tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa; ghi nhãn hóa; mã số mã vạch; triển khai, áp dụng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm thực phẩm; quảng bá các sản phẩm thực phẩm có thương hiệu, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm được bảo hộ có gắn tên địa danh.

10. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm phù hợp với đặc thù của ngành.

- Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường học tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho giáo viên, học sinh kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm, phòng ngừa NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm; bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn bán trú, cơ sở kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trong trường học. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an ninh, an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn bán trú, cơ sở kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trong các trường học; kịp thời và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý sự cố về an toàn thực phẩm, NĐTP trong các trường học thuộc trách nhiệm quản lý

11. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền cho cộng đồng thực hành bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm gắn kết với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tuyên truyền cộng đồng thay đổi những phong tục, tập quán ăn uống mất an toàn thực phẩm; ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người.

12. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung của Chỉ thị 17/CT-TW của Ban Bí thư, Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy và các nội dung của Kế hoạch này; truyền thông kiến thức pháp luật và các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm theo hướng đa dạng, dễ hiểu, phù hợp với thực tế địa phương, thông tin đầy đủ, kịp thời về an ninh, an toàn thực phẩm; nêu gương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; quảng bá các thương hiệu mạnh của tỉnh về an toàn thực phẩm; thông tin các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng, đồng thời công khai danh tính, địa chỉ những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sản phẩm hàng hóa vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm.

13. Cục Quản lý thị trường tỉnh

- Tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát thị trường; kịp thời bắt giữ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, tập trung đấu tranh với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm giả, gian lận thương mại không đủ các điều kiện lưu thông trên thị trường, phụ gia thực phẩm, dụng cụ bao gói chứa đựng thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

- Chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý đối với các hành vi trái pháp luật về an toàn thực phẩm.

14. Đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Lai Châu

Ưu tiêu cung cấp tín dụng cho các hộ sản xuất thực phẩm an toàn, nhất là các hộ nghèo và đối tượng chính sách.

15. UBND các huyện, thành phố

- Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực cho các đơn vị quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành cấp huyện và cấp xã để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; đưa tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phân công rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị và được kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ hàng năm. Gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong việc thực hiện quản lý bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm ở địa phương.

- Chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương phối hợp với tổ chức, hội, đoàn thể xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể đảm bảo công tác an ninh, an toàn thực phẩm phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển, Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, cơ chế chính sách về quản lý an ninh, an toàn thực phẩm; triển khai quy hoạch, xây dựng các khu giết mổ tập trung, các chợ đảm bảo an toàn thực phẩm, các vùng sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn với quy mô tập trung; xây dựng và nhân rộng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP). Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu giết mổ động vật tập trung, khu sản xuất chế biến thực phẩm an toàn.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về an ninh, an toàn thực phẩm, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm.

- Tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ sở vật tư nông nghiệp theo phân công, phân cấp. Xử lý nghiêm đối với cơ sở vi phạm và công khai trên phương tiện thông tin, đại chúng.

- Chủ động, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được phân công, phân cấp quản lý tại địa phương. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện thống kê, ký cam kết và kiểm tra việc thực hiện cam kết đã ký, chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo phân cấp của ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm đối với các chợ đầu mối nông sản thực phẩm, chợ thực phẩm trên địa bàn.

- Đảm bảo đủ kinh phí hàng năm cho các đơn vị triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm tại địa phương. Bố trí, ổn định công chức theo dõi công tác an toàn thực phẩm cấp huyện, xã; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức làm công tác quản lý an toàn thực phẩm từ cấp huyện đến cấp xã.

16. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội

- Tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực tham gia công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; xây dựng và nhân rộng các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

- Tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong công tác bảo đảm an ninh an toàn thực phẩm; tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị, phát giác của nhân dân đối với hành vi vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả nội dung Kế hoạch này; định kỳ trước ngày 10/11 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Y tế để tổng hợp). Giao Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện tại các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế; (b/c)
- TT: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; (b/c)
- UBND tỉnh: U;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUBND: V, C, CB, HC;
- Lưu: VT, VX1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Thanh Hải