ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 180/KH-UBND | Kiên Giang, ngày 22 tháng 12 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
Ngày nay khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập, ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thì hoạt động triển khai ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng ngày càng được quan tâm, chú trọng đẩy mạnh phát triển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang các hoạt động thương mại điện tử bước đầu phát triển, các doanh nghiệp đã tiến hành khai thác thông tin trên Internet, xây dựng Website quảng bá, xúc tiến thương mại, sử dụng email trong các hoạt động kinh doanh. Khi Internet ngày càng trở nên phổ biến, mức sống và thu nhập của người dân được nâng cao thì TMĐT và phương thức kinh doanh trực tuyến càng phát huy được những ưu điểm vượt trội của nó. Việc mua, bán hàng hóa và dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử, nhất là Internet và các mạng viễn thông được đánh giá là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực trong hoạt động kinh doanh, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều khoản chi phí, rút ngắn khoảng cách giao thương... Do đó, doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời, vận dụng những thế mạnh của TMĐT để ứng dụng vào hoạt động kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp... Tuy nhiên nhìn chung các hoạt động này vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Nguyên nhân cơ bản, làm hạn chế phát triển TMĐT là do cơ sở pháp lý về giao dịch điện tử chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng, nguồn nhân lực chưa được tổ chức đào tạo, quy mô kinh doanh của doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, bên cạnh đó thói quen thanh toán bằng tiền mặt và ngại thanh toán trực tuyến của người dân là chủ yếu.
I. KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
1. Kết quả đạt được
Qua 05 năm triển khai Kế hoạch số 82/KH-UBND, ngày 11 tháng 11 năm 2011, của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, về việc phát triển thương mại điện tử tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh, đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh. Hạ tầng TMĐT đã được các doanh nghiệp và người dân quan tâm đầu tư, từng bước tiếp cận việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trên các mạng Internet cả trong và ngoài nước. Mức độ ứng dụng TMĐT của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân tham gia mua bán trao đổi trên mạng Internet ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, phát triển TMĐT được các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực hưởng ứng, tham gia triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, mô hình chính quyền điện tử. Trung tâm thương mại, siêu thị..., nhận thanh toán qua thẻ, các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí cung cấp dịch vụ qua phương tiện điện tử. Đến nay hỗ trợ cho 61 doanh nghiệp xây dựng Website thương mại điện tử với tên miền trong nước và quốc tế; thiết lập hệ thống thư điện tử với tên miền dùng riêng của doanh nghiệp, tham gia, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác trên sàn giao dịch TMĐT quốc gia (ECVN). Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương đã tổ chức các lớp tập huấn đẩy mạnh thực thi pháp luật trong thương mại điện tử cho cán bộ quản lý Nhà nước và lớp tập huấn nâng cao hiệu quả kinh doanh trực tuyến về ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn với hơn 800 lượt người tham dự.
2. Tồn tại hạn chế
- Phần lớn các Website TMĐT của các doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chỉ dừng lại là cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh....
- Nguồn lực cho TMĐT tại các doanh nghiệp còn hạn chế; hầu hết các doanh nghiệp chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Thói quen mua, bán, trao đổi hàng hóa chủ yếu vẫn thực hiện theo hình thức truyền thống, chưa thúc đẩy được việc ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp.
- Chưa hình thành một cách hoàn chỉnh cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, vấn đề thanh toán còn chưa hoàn thiện, vấn đề bảo mật, an ninh, an toàn còn bỏ ngỏ, tiềm ẩn rủi ro trong việc trao đổi hàng hóa, chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho các giao dịch điện tử (chữ ký, con dấu...).
- Hợp đồng mua bán, hình thức thanh toán, các tranh chấp trong lĩnh vực TMĐT cũng đang thiếu cơ sở pháp lý để xử lý để khách hàng có thể an tâm thực hiện các giao dịch mua bán trực tuyến.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN TMĐT GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, ngày 16 tháng 5 năm 2013, của Chính phủ, về thương mại điện tử;
Căn cứ Quyết định số 1563/QĐ-TTg, ngày 08 tháng 8 năm 2016, của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016- 2020;
Căn cứ Kế hoạch số 84/KH-UBND, ngày 22 tháng 7 năm 2016, của UBND tỉnh Kiên Giang, về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020.
III. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN TMĐT TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
1. Mục tiêu
Xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp, các hoạt động hỗ trợ phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình phát triển chung của cả nước; đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
Thương mại điện tử được sử dụng phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu phát triển thương mại điện tử đến năm 2020 của tỉnh bao gồm các nhóm mục tiêu sau:
- Cổng dịch vụ công của tỉnh được hình thành, tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các sở, ngành và địa phương; cung cấp được hầu hết dịch vụ công phổ biến liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp ở mức độ 3 và 30% dịch vụ công mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp, Cổng dịch vụ công của tỉnh kết nối vào cổng thông tin của Văn phòng Chính phủ…
- 100% các siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở phân phối hiện đại lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ ATM thanh toán (POS).
- 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí cung cấp dịch vụ qua phương tiện điện tử.
- 70% doanh nghiệp tham gia các Website thương mại điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm.
- 65% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chữ ký số khi tham gia giao dịch điện tử.
- 95% các doanh nghiệp khai báo thuế qua mạng.
- Đẩy mạnh tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước về TMĐT, doanh nghiệp đào tạo ngắn hạn về TMĐT.
IV. CÁC NỘI DUNG TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ QUỐC GIA
1. Triển khai Đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia
Thực hiện Công văn số 8278/BCT-TTTN, ngày 08/9/2017, của Bộ Công Thương, về việc tăng cường triển khai các Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020, trong đó, tổ chức việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh, để cung cấp, tập huấn sử dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và phục vụ công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước cấp trong đó:
+ Ngân sách trung ương cấp: 70%.
+ Ngân sách tỉnh đối ứng: 30%.
Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang.
Đơn vị phối hợp: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương.
Thực hiện Quyết định số 285/QĐ-BCT, ngày 25/01/2017, của Bộ Công Thương, về việc phê duyệt các Đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2017. Bộ Công Thương phê duyệt 02 Đề án: Nâng cấp trang thông tin điện tử (Website) của 05 doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang đang hoạt động có hiệu quả thành Website TMĐT điển hình và tổ chức 02 lớp tập huấn ngắn hạn cho cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Kinh phí: 255.950.000 đồng (hai trăm năm mươi lăm triệu, chín trăm năm mươi ngàn đồng).
Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước cấp trong đó:
+ Ngân sách trung ương cấp: 179.050.000 đồng.
+ Ngân sách tỉnh đối ứng: 76.900.000 đồng.
Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang.
Đơn vị phối hợp: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương.
2. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử
Nâng cao năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật về thương mại điện tử (thanh tra, quản lý thị trường, công an, viện kiểm soát, tòa án) tại các địa phương thông qua việc thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thương mại điện tử, trang bị các phương tiện hiện đại để hỗ trợ việc theo dõi, giám sát, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm các hoạt động thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến.
Số lớp: 01 năm/lớp x 03 năm = 03 lớp (01 lớp, 100 lượt người tham dự).
Kinh phí: 03 lớp x 40.000.000 đồng/lớp = 120.000.000 đồng (một trăm hai mươi triệu đồng).
Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh.
Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang.
Đơn vị phối hợp: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương.
3. Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử
Khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp bằng các mô hình kinh doanh thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến. Hàng năm hỗ trợ đến 15 doanh nghiệp, cá nhân chưa có hoặc đã có Website TMĐT đang hoạt động, thiết kế, nâng cấp thành Website TMĐT.
Kinh phí: Xây dựng, nâng cấp 15 Website x 20.000.000 đồng/Website = 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng).
Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh.
Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang.
Đơn vị phối hợp: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương.
4. Phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử
Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp về TMĐT theo các chủ đề chuyên sâu, phù hợp với địa phương và lĩnh vực kinh doanh.
Số lớp: 01 năm/lớp x 03 năm = 03 lớp (01 lớp 100 lượt người tham dự).
Kinh phí: 03 lớp x 40.000.000 đồng/lớp = 120.000.000 đồng (một trăm hai mươi triệu đồng).
Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh.
Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang.
Đơn vị phối hợp: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương.
5. Phát triển thương mại điện tử tại một số vùng và lĩnh vực trọng điểm của tỉnh
Tập trung đẩy mạnh ứng dụng TMTĐ đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô xuất khẩu.
Cung cấp thông tin về tiềm năng xuất khẩu của tỉnh và danh bạ doanh nghiệp xuất khẩu trên cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam (VNEX).
Kinh phí: 30.000.000 đồng/năm x 03 năm = 90.000.000 đồng (chín mươi triệu đồng).
Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh.
Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang.
Đơn vị phối hợp: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương.
6. Khảo sát học tập kinh nghiệm
Tổ chức đoàn đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm tại các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch thương mại điện tử đạt kết quả tốt, khảo sát một số doanh nghiệp ứng dụng thành công.
Kinh phí: 40.000.000 đồng/năm x 03 năm = 120.000.000 đồng (một trăm hai mươi triệu đồng).
Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh.
Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang.
Đơn vị phối hợp: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, sở công thương các tỉnh, thành phố.
V. NHU CẦU NGUỒN KINH PHÍ
Dự kiến tổng kinh phí triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2017 - 2020 là 826.900.000 đồng (tám trăm hai mươi sáu triệu, chín trăm ngàn đồng).
Kinh phí: Nguồn ngân sách tỉnh.
STT | Nội dung thực hiện | Kinh phí | Ghi chú |
1 | Triển khai Đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2017 - 2020 | 76.900.000 đồng |
|
2 | Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử | 120.000.000 đồng |
|
3 | Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử | 300.000.000 đồng |
|
4 | Phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử | 120.000.000 đồng |
|
5 | Phát triển TMĐT tại một số vùng và lĩnh vực trọng điểm của tỉnh | 90.000.000 đồng |
|
6 | Khảo sát học tập kinh nghiệm | 120.000.000 đồng |
|
| Tổng cộng | 826.900.000 đồng |
|
Tổng kinh phí: 826.900.000 đồng (tám trăm hai mươi sáu triệu, chín trăm ngàn đồng).
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Kế hoạch phát triển thương mại điện tử được tổ chức thực hiện gắn kết và đồng bộ với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực xuất khẩu, phân phối và các ngành dịch vụ khác; các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; các chương trình cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh quán triệt sâu sắc mục tiêu, hoạt động triển khai để xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai và chỉ đạo thực hiện.
1. Sở Công Thương
Là cơ quan chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, các sở, ban ngành và UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Hằng năm tổng hợp tình hình triển khai và đề xuất các giải pháp thực hiện với cấp có thẩm quyền.
Tổ chức, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này. Tổng hợp báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công Thương theo đúng quy định.
Chủ động xây dựng các kế hoạch chi tiết (bao gồm cả phương án tài chính) trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Sở Tài chính
Có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh, bố trí cấp kinh phí hằng năm đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện Kế hoạch này.
3. Các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình phối hợp với Sở Công Thương triển khai Kế hoạch vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương và đơn vị./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 343/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Điện Biên năm 2019
- 2 Kế hoạch 84/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018
- 3 Quyết định 932/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt đề cương Đề án Phát triển thương mại điện tử hỗ trợ kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025
- 4 Quyết định 369/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2020
- 5 Công văn 8278/BCT-TTTN năm 2017 về tăng cường triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020 do Bộ Công thương ban hành
- 6 Quyết định 1563/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử
- 8 Luật Công nghệ thông tin 2006
- 9 Luật Giao dịch điện tử 2005
- 1 Quyết định 369/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2020
- 2 Quyết định 932/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt đề cương Đề án Phát triển thương mại điện tử hỗ trợ kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025
- 3 Kế hoạch 84/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018
- 4 Quyết định 343/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Điện Biên năm 2019