Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 180/KH-UBND

Sơn La, ngày 05 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ VẬN TẢI VÀ ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG CHO KHÁCH DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Quyết định số 62/QĐ-TTg ngày 11/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch.

Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch triển khai Đề án kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch trên địa bàn tỉnh với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai các nội dung chi tiết của Đề án phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải phục vụ khách du lịch và an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường kiểm soát, đẩy mạnh chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch, nhằm góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín, vị thế của ngành Giao thông vận tải, ngành Du lịch Sơn La và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sơn La.

- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường kết nối trong nước và khu vực; phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa để phát triển du lịch.

- Phát triển đa dạng về các dịch vụ vận tải, cải cách các thủ tục hành chính tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và khách du lịch; đổi mới phương tiện vận tải khách du lịch theo hướng hiện đại, tiện nghi, đáp ứng quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và ứng dụng khoa học công nghệ, giao thông thông minh trong quản lý, khai thác hoạt động vận tải khách du lịch.

2. Yêu cầu

- Triển khai các nội dung trong phạm vi Đề án đã được phê duyệt và tuân theo các quy định của pháp luật về dịch vụ vận tải, trật tự an toàn giao thông.

- Các Sở, ban, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ trong nội dung Kế hoạch phải chủ động tổ chức triển khai, tham mưu thực hiện Đề án, đảm bảo về tiến độ theo lộ trình Đề án đề ra. Quá trình triển khai Kế hoạch, giữa các Sở, ban, ngành, địa phương có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin thường xuyên để thống nhất, đồng bộ thực hiện Đề án.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm thời hạn giải quyết các loại Giấy phép, đăng ký, đăng kiểm trong quản lý hoạt động vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông.

- Tiếp tục thực hiện Đề án cải cách hành chính, trên cơ sở đề xuất của các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông đối với khách du lịch; xem xét tiếp tục thực hiện cắt giảm thời hạn giải quyết cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, công bố đưa Bến xe khách vào khai thác, cấp Giấy phép đấu nối quốc lộ, tỉnh lộ.

2. Đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các Bộ chuyên ngành điều chỉnh bổ sung một số quy định nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, cụ thể:

- Nâng cao chất lượng phương tiện vận tải, trang thiết bị phục vụ khách du lịch đường thủy, đường bộ với việc bổ sung camera trên phương tiện để giám sát người điều khiển, nhân viên phục vụ, hành khách; niêm yết đường dây nóng phản ánh chất lượng dịch vụ; bổ sung thiết bị báo cháy, chữa cháy tự động; niêm yết thông tin hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông, thoát hiểm khi xảy ra sự cố và được thể hiện dạng song ngữ Việt - Anh;

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan trong chia sẻ thông tin về phương tiện vận tải khách du lịch, giấy phép, chứng chỉ nghiệp vụ của người điều khiển, nhân viên phục vụ; thông tin đăng ký, đăng kiểm phương tiện, xử lý vi phạm hành chính, tai nạn giao thông... trong hoạt động vận tải khách du lịch đường bộ, đường thủy nội địa;

- Bổ sung quy định về Doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh vận tải khách du lịch phải có Bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông.

3. Phối hợp nghiên cứu và báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục đường bộ Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan rà soát, nâng cấp, đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ vận tải du lịch và đảm bảo an toàn giao thông:

- Nâng cấp, cải tạo các đầu mối giao thông phục vụ vận tải khách du lịch tại các bến xe khách, bến thủy nội địa, trạm dừng nghỉ..., đảm bảo bố trí tối ưu các khu chức năng, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dịch vụ, tiện nghi phục vụ khách du lịch (gồm cả hành khách là người khuyết tật);

- Tăng cường công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa;

- Phê duyệt vị trí các điểm đón, trả khách, bãi đỗ xe phục vụ phương tiện vận tải khách du lịch tại các khu du lịch, địa điểm tâm linh trên địa bàn tỉnh; đảm bảo quỹ đất dành cho phát triển giao thông theo quy định, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm; chỉ đạo bổ sung hệ thống biển báo hiệu chỉ dẫn giao thông đường bộ, thông tin du lịch trên các tuyến đường dẫn đến các địa điểm du lịch, cửa khẩu quốc tế... trên địa bàn tỉnh.

4. Nâng cao chất lượng phương tiện vận tải và dịch vụ phục vụ khách du lịch:

- Tập trung đổi mới, phát triển đa dạng hóa phương tiện vận tải phục vụ khách du lịch theo hướng hiện đại, tiện nghi, đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu đi lại của khách du lịch trong nước và quốc tế. Cụ thể từng phương thức vận tải như sau:

+ Vận tải khách du lịch đường bộ: Tập trung phát triển đa dạng các loại hình phương tiện và chất lượng dịch vụ; sử dụng công nghệ mới trong đảm bảo an toàn kỹ thuật, thân thiện với môi trường, tối thiểu đạt tiêu chuẩn khí thải EURO IV;

+ Vận tải khách du lịch đường thủy nội địa: Nâng cao chất lượng phương tiện hoạt động và dịch vụ, đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện, trang bị đầy đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cho hành khách.

- Nâng cao chất lượng công tác đăng ký, đăng kiểm và tăng cường quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giữa hai kỳ kiểm định đối với phương tiện vận tải khách du lịch.

5. Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải hành khách du lịch:

- Tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, quy trình cấp giấy phép, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển, thuyền viên, nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch;

- Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người điều khiển, thuyền viên, nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải hành khách du lịch phù hợp với xu thế phát triển hội nhập quốc tế của ngành du lịch;

- Phát triển nguồn nhân lực quản lý, khai thác vận tải và đảm bảo trật tự an toàn giao thông chất lượng cao, tiếp cận kịp thời với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;

- Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch kiểm tra sức khỏe định kỳ cho lái xe trong đó có kiểm tra xét nghiệm ma túy góp phần làm giảm tai nạn giao thông đường bộ;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về quản lý, khai thác và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch. Tập trung xử lý các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông;

- Đầu tư trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát trong hoạt động vận tải khách du lịch.

6. Nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác tìm kiếm cứu nạn và cấp cứu tai nạn giao thông:

- Tăng cường đầu tư trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và cấp cứu tai nạn giao thông đảm bảo kịp thời hiệu quả;

- Nâng cao năng lực hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông cho hệ thống cấp cứu 115 và bệnh viện đa khoa cấp huyện, năng lực sơ cứu tai nạn giao thông cho cán bộ y tế cấp xã, phường tại các khu du lịch;

- Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực sơ cứu tai nạn giao thông cho người điều khiển, nhân viên phục vụ, thuyền viên trong hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch.

7. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với các đơn vị vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ và khách du lịch với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn đặc biệt trú trọng tuyên truyền các quy định cấm "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải

- Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm thời hạn cấp các loại giấy phép, đăng ký, đăng kiểm phương tiện theo phạm vi quản lý của sở về hoạt động vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông. Thời gian thực hiện: Hàng năm.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành các quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hành khách du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung nâng cao chất lượng phương tiện vận tải, trang thiết bị phục vụ khách du lịch đường thủy, đường bộ. Thời gian thực hiện: 2019-2025, sau khi có hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.

- Phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin về phương tiện, người điều khiển, nhân viên phục vụ, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông... đối với hoạt động vận tải khách du lịch. Thời gian thực hiện: Hàng năm.

- Tăng cường công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp tục rà soát, tham mưu đề xuất xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa vận chuyển khách du lịch. Thời gian thực hiện: 2019-2020.

- Chủ trì khảo sát, tham mưu đề xuất phê duyệt các điểm đón, trả khách, bến, bãi đỗ xe phục vụ phương tiện vận tải khách du lịch tại các khu du lịch, địa điểm tâm linh trên địa bàn tỉnh; bổ sung hệ thống biển báo hiệu chỉ dẫn giao thông đường bộ, thông tin du lịch trên các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải quản lý dẫn đến các khu du lịch; nâng cấp, cải tạo các đầu mối vận tải hành khách, đảm bảo trang thiết bị tiện nghi phục vụ mọi đối tượng hành khách. Thời gian thực hiện: 2019-2020.

- Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, quy trình cấp giấy phép, chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ cho người điều khiển, nhân viên phục vụ, thuyền viên trong hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch. Thời gian thực hiện: Hàng năm.

- Tăng cường thanh, kiểm tra trong hoạt động vận tải khách du lịch, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải; kiên quyết xử lý các trường hợp không đảm bảo điều kiện hoạt động, tạo lập “xe dù, bến cóc”, tự ý tăng giá cước vận tải đối với khách du lịch (đặc biệt người nước ngoài) đi xe.... Thời gian thực hiện: Hàng năm.

- Tiếp tục tham mưu tổ chức triển khai thí điểm Đề án thí điểm xe 04 bánh có gắn động cơ sử dụng năng lượng điện hoặc xăng chở khách du lịch trong phạm vi hạn chế trên địa bàn thành phố Sơn La, huyện Mộc Châu, Mường La.... Thời gian thực hiện: 2019-2020.

- Tăng cường công tác quản lý, giám sát nâng cao chất lượng kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giữa hai kỳ kiểm định đối với phương tiện vận tải khách du lịch. Thời gian thực hiện: Hàng năm.

- Khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch đổi mới, đa dạng hóa các đoàn phương tiện theo hướng hiện đại, an toàn, tiện nghi. Thời gian thực hiện: Hàng năm.

- Tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hoạt động vận tải tại các Hội nghị vận tải, hệ thống truyền thanh các xã, phường trên địa bàn các huyện, thành phố; giới thiệu đối với các đơn vị vận tải về các chế độ ưu tiên của xe khách được cấp biển hiệu xe vận tải khách du lịch trong quá trình tham gia hoạt động kinh doanh vận tải. Thời gian thực hiện: Hàng năm.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu đối với các đơn vị lữ hành, tổ chức du lịch về loại hình vận tải hành khách du lịch và các dịch vụ tiên tiến, hiện đại kèm theo. Thời gian thực hiện: 2019-2025.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ du lịch, cấp giấy chứng nhận cho người điều khiển, thuyền viên, nhân viên phục vụ trong hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch theo quy định của pháp luật hiện hành. Thời gian thực hiện: Hàng năm.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu đề xuất xuất UBND tỉnh ban hành các quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hành khách du lịch trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện: 2019-2025.

- Rà soát, đề xuất các khu du lịch, địa điểm tâm linh, cửa khẩu trên địa bàn tỉnh cần bổ sung biển báo chỉ dẫn trên đường giao thông, gửi Sở Giao thông vận tải để triển khai thực hiện. Thời gian thực hiện: 2019-2020.

3. Công an tỉnh

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch theo thẩm quyền. Thời gian thực hiện: Hàng năm.

- Chỉ đạo thống nhất lực lượng Công an tỉnh, Công an huyện, thành phố chủ động, sẵn sàng bố trí phương tiện ô tô, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ, đường thủy nội địa. Thời gian thực hiện: Hàng năm.

- Tổ chức các cuộc diễn tập về phòng cháy, chữa cháy, công tác cứu hộ, cứu nạn các vụ tai nạn giao thông. Thời gian thực hiện: Hàng năm.

- Thực hiện cơ chế phối hợp trong trao đổi thông tin về phương tiện, người điều khiển, nhân viên phục vụ, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông... đối với hoạt động vận tải khách du lịch. Thời gian thực hiện: Hàng năm.

4. Các sở, ngành liên quan

- Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về kiểm soát chất lượng dịch vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khách du lịch trên phương tiện thông tin đại chúng, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ để quản lý và tiếp nhận phản ánh của khách du lịch về chất lượng các dịch vụ. Thời gian thực hiện: 2019-2025.

- Sở Y tế thực hiện nâng cao năng lực hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông cho hệ thống cấp cứu 115 và các bệnh viện đa khoa; nâng cao năng lực sơ cấp cứu tai nạn giao thông đối với các cán bộ y tế xã, phường tại các khu du lịch. Thời gian thực hiện: Hàng năm.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát, lập danh mục các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm thúc đẩy phát triển du lịch trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Tham mưu, đề xuất ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho các Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm phát triển du lịch. Thời gian thực hiện: 2019-2025.

- Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán chi đầu tư phát triển và phương án phân bổ chi đầu tư xây dựng các Dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện: 2019-2025.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông tới người dân, khách du lịch, tổ chức lữ hành du lịch và các đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch trên địa bàn quản lý. Thời gian thực hiện: Hàng năm.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành liên quan thực hiện: Rà soát, bố trí đầy đủ các điểm đón, trả khách phục vụ phương tiện vận tải khách du lịch tại các khu du lịch. Đảm bảo quỹ đất dành cho phát triển giao thông theo quy định, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch. Thời gian thực hiện: 2019-2020.

Căn cứ nội dung Kế hoạch, yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giao thông vận tải;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- Các đ/c Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng Ban ATGT tỉnh;
- Lưu: VT, KT(Đạt). 40 bản.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Minh