Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 181/KH-UBND

An Giang, ngày 09 tháng 4 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 04/CT-TTG NGÀY 19/01/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN QUY ĐỊNH BẮT BUỘC ĐỘI MŨ BẢO HIỂM ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐI MÔ TÔ, XE GẮN MÁY, XE ĐẠP ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Trên cơ sở tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007, Nghị quyết 88-NQ/CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; để tạo bước chuyển biến quyết liệt, mạnh mẽ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thiết lập trật tự, kỷ cương trong thời gian tới, đồng thời khắc phục những tồn tại, thiếu sót thời gian qua liên quan đến quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007, Nghị quyết 88-NQ/CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực chủ động, thực hiện và nâng cao các giải pháp kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông.

2. Nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

3. Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, trong đó chú ý các bậc phụ huynh chấp hành khi chở con em từ 06 tuổi trở lên đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

4. Xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp,… vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, cấm các loại mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy nhập lậu trên thị trường.

5. Kiểm soát, xử lý nghiêm người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm; đội mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành

- Xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; trong chỉ đạo phải cụ thể hóa bằng mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ phù hợp gắn với việc theo dõi, kiểm tra việc triển khai, thực hiện để có chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời.

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế, giảm tại nạn giao thông và ùn tắc giao thông; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện, tích cực vận động gia đình và người thân chấp hành nghiêm túc quy định đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điệp; đồng thời quy định các hình thức đánh giá và xử lý kỷ luật nếu vi phạm.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông bằng nhiều nội dung phong phú, nhiều hình thức - đặc biệt là hình thức tuyên truyền trực quan, chú trọng việc tuyên truyền đúng đối tượng nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật về giao thông trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; nhận thức được các hiểm họa tai nạn giao thông để nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tai nạn giao thông.

3. Tăng cường chỉ đạo bố trí lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến giao thông, nhất là ở các tuyến giao thông nông thôn về việc chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

4. Thực hiện chế độ khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tập thể, cá nhân vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

- Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức của địa phương làm gương trong việc chấp hành nghiêm túc quy định đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho bản thân và người đi cùng khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện;

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo các phòng, ban, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể trên địa bàn tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và cảnh báo các tác hại và hậu quả của việc không đội mũ bảo hiểm, sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm không đạt chuẩn khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện sâu rộng từ xã, phường, thị trấn đến khóm, ấp nhằm nâng cao ý thức chấp hành của mọi người dân, nhất là khu vực nông thôn.

- Căn cứ kế hoạch này để xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình địa phương.

2. Ban An toàn giao thông tỉnh

a) Phối hợp với các cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh và cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các chiến dịch truyền thông về quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; thống nhất cùng với các chiến dịch kiểm tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, trong đó đặc biệt chú trọng việc chấp hành đội mũ bảo hiểm cho trẻ em theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

b) Chỉ đạo các Ban An toàn giao thông huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về việc kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện.

c) Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn tỉnh; phát hiện và xử lý vi phạm, đặc biệt tập trung vào các vi phạm có liên quan đến kinh doanh mũ bảo hiểm giả và mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện.

d) Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo An Giang và các đơn vị có liên quan thực hiện các phóng sự, thông điệp về mũ bảo hiểm đạt chuẩn và cách nhận biết các loại mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện đăng trên báo tỉnh, phát trên sóng truyền hình, phát thanh tỉnh và trên hệ thống phát thanh xã, phường, thị trấn.

đ) Chỉ đạo Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh

- Tham mưu Lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn tỉnh hàng năm.

- Tổ chức in ấn tờ rơi, áp phích, băng rôn cung cấp cho các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội sử dụng tuyên truyền thống nhất trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ và tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em, đồng bào khu vực còn khó khăn về kinh tế vùng sâu, vùng xa.

3. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố điều tra và truy tố trước pháp luật những tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, phân phối mũ bảo hiểm giả.

b) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, các lực lượng Công an khác và Công an xã tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện, nhất là xử lý người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm.

c) Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và Công an các địa phương hàng tháng, quý thông báo đến các trường học trên địa bàn tỉnh để nhà trường nhắc nhở, giáo dục đối với những học sinh, sinh viên không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

4. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý triệt để chấm dứt tình trạng bày bán các mũ bảo hiểm trên các trục đường giao thông, hè phố, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và mỹ quan đô thị.

5. Sở Công thương

a) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra đối với các cơ sở, cá nhân kinh doanh mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, không có nhãn mác xuất xứ hàng hóa và các loại mũ bảo hiểm giả, nhập lậu, mũ có kiểu dáng tương tự gây nhầm lẫn với mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn đang bày bán trên thị trường; kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở, cá nhân kinh doanh vi phạm, lập biên bản vi phạm và tịch thu, tiêu hủy các loại mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng và mũ có kiểu dáng tương tự gây nhầm lẫn với mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn lưu thông trên thị trường.

b) Tổ chức cho các hộ kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm trên địa bàn xã, phường, thị trấn ký cam kết kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm mũ bảo hiểm sử dụng cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông, nhất là đối với việc kinh doanh, chất lượng, kiểu dáng, màu sắc và ghi tem, nhãn các loại mũ bảo hiểm đang được người tiêu dùng sử dụng khi tham gia giao thông.

b) Lập danh sách và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh các cơ sở sản xuất và các thương hiệu mũ bảo hiểm đúng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, đặc biệt nâng cao khả năng nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Chỉ đạo các Trường học tổ chức thực hiện bắt buộc quy định đội mũ bảo hiểm đối với học sinh, sinh viên khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; có hình thức xử lý nghiêm, phù hợp đối với lứa tuổi học sinh vi phạm.

b) Yêu cầu các Trường học phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức ký cam kết với phụ huynh học sinh thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm khi đưa con em đến trường, đặc biệt là học sinh từ 06 tuổi trở lên được người lớn chở bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

8. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình tỉnh và các Đài Truyền thanh cấp huyện tuyên truyền hiệu quả chiến dịch, tạo sự đồng thuận của dư luận ủng hộ chủ trương tăng cường quản lý về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn.

9. Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Báo An Giang

a) Tăng cường tin, bài, phóng sự và thường xuyên phát sóng, đăng báo các thông điệp về việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe máy điện. Tập trung tuyên truyền các nội dung: các quy định xử phạt hành vi vi phạm về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh buôn bán mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, mũ giả mạo mũ bảo hiểm; cách nhận biết và phân biệt mũ giả mạo mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm đạt chuẩn theo quy định của pháp luật; cách sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; cảnh báo các tác hại và hậu quả của việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm không đạt chuẩn khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện.

b) Kiểm duyệt, không phát hành các sản phẩm tuyên truyền có các nhân vật liên quan đến nội dung tuyên truyền không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

10. Sở Y tế thực hiện thống kê đầy đủ và phân tích số liệu về thương tích do không đội mũ bảo hiểm đối với các nạn nhân tai nạn giao thông vào cấp cứu tại các cơ sở khám, chữa bệnh; hàng tháng báo cáo về Ban An toàn giao thông tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

11. Đề nghị các sở, ban ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể cấp tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong ngành gương mẫu thực hiện quy định về đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe gắn máy, đặc biệt chấp hành đội mũ bảo hiểm cho con em từ 06 tuổi trở lên. Tổ chức cho cán bộ, công nhân viên chức tại đơn vị ký cam kết sử dụng mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này từng ngành có liên quan và địa phương tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong phạm vi, chức năng quản lý; đồng thời định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện gửi về Ban An toàn giao thông tỉnh (báo cáo 06 tháng gửi trước ngày 10/6, báo cáo năm trước ngày 10/12) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Giao Ban An toàn giao thông tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ hằng năm tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia./.