Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 183/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 02 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN, TÀI SẢN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN ĐỂ XỬ LÝ CÁC TÌNH HUỐNG CHÁY, SỰ CỐ, TAI NẠN CÓ QUY MÔ LỚN, DIỄN BIẾN PHỨC TẠP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Hướng dẫn số 07/HD-BCA-C07 ngày 31/3/2021 của Bộ Công an về việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp khi vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý; Kế hoạch số 71/KH-C07-P5 ngày 13/4/2021 của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Bộ Công an về huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của Công an các địa phương để xử lý tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô, diễn biến phức tạp, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm chủ động huy động lực lượng phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để kịp thời xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, sự cố, tai nạn gây ra, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, giúp Công an tỉnh có thông tin để phục vụ xây dựng phương án cần huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, CNCH đối với các vụ cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên địa bàn.

2. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng chữa cháy, CNCH khi được người có thẩm quyền huy động; đảm bảo trước, trong và sau khi thực hiện chữa cháy, CNCH các lực lượng, phương tiện luôn trọng trạng thái sẵn sàng, hoạt động hiệu quả.

3. Việc huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy, CNCH phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của pháp luật; quá trình huy động không được lãng phí nguồn nhân lực, vật lực; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện tham gia chữa cháy, CNCH.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Trường hợp huy động

Khi xảy ra tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh vượt quá khả năng ứng phó, xử lý của Công an tỉnh, cần có sự chi viện của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có phương tiện (xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ, xe thang, xe nâng, xe chở nước, xe cứu thương, xe cẩu, xe xúc, xe ủi, xe chở người, xe tải, máy bơm chữa cháy, xuồng máy, tàu, thuyền...), người điều khiển phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh để chữa cháy và CNCH.

2. Thẩm quyền huy động

a) Chủ tịch UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý và các đơn vị Quân đội đóng quân tại địa phương theo quy định tại điểm 2 Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

b) Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh; Trưởng Công an cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện quyền huy động lực lượng phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình để chữa cháy, CNCH theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

3. Các bước tiến hành huy động

- Bước 1: Căn cứ quy mô, diễn biến của tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (hoặc Chỉ huy chữa cháy, CNCH tại hiện trường) báo cáo tình hình và tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh báo cáo, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia chữa cháy và CNCH.

- Bước 2: Giám đốc Công an tỉnh (hoặc Chỉ huy chữa cháy, CNCH tại hiện trường) có trách nhiệm thông báo Lệnh huy động lực lượng, phương tiện và tài sản tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Chủ tịch UBND tỉnh (theo mẫu số PC20 phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP) cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân biết để thực hiện; trường hợp khẩn cấp, lệnh huy động có thể bằng lời nói, nhưng chậm nhất không quá 03 ngày làm việc phải thể hiện lệnh đó bằng văn bản. Người được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền ra lệnh huy động phải nêu rõ căn cứ huy động và yêu cầu về số lượng người, phương tiện, tài sản cần huy động, thời gian, địa điểm tập kết.

- Bước 3: Sau khi nhận được lệnh huy động, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải nhanh chóng tổ chức thực hiện theo yêu cầu của người có thẩm quyền; có mặt tại địa điểm tập kết sớm nhất và thực hiện nhiệm vụ do Chỉ huy chữa cháy, CNCH tại hiện trường phân công.

- Bước 4: Ngay sau khi kết thúc quá trình chữa cháy, CNCH, Công an tỉnh có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy và CNCH bằng văn bản; đề xuất hoàn thiện các thủ tục và tổ chức hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hại về tài sản (nếu có) do việc trưng dụng, huy động để chữa cháy và CNCH theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

5. Phương án, cấp độ huy động

Phương án huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo các cấp độ:

- Cấp độ I: Cháy, nổ xảy ra và gây ra sập đổ nhà, công trình hoặc hạng mục công trình có người chết, bị thương và mắc kẹt trong khu vực xảy ra cháy. Huy động nhanh chóng tổng lực các lực lượng phương tiện ở địa phương cấp huyện tham gia xử lý (gồm các lực lượng thuộc Công an cấp huyện, các cơ quan, tổ chức, cơ sở trên địa bàn huyện và bộ đội địa phương).

- Cấp độ II: Cháy, nổ xảy ra ở cấp độ I nhưng vẫn tiếp tục phát triển phức tạp, có nhiều người chết, bị thương và nhiều người bị mắc kẹt chưa được giải cứu; tiếp tục có nguy cơ gây cháy, nổ trên diện rộng lớn hơn kèm nhiều khói, khí độc hại vượt quá khả năng xử lý của các lực lượng, phương tiện ở cấp huyện. Huy động lực lượng phương tiện của các lực lượng cấp tỉnh tham gia xử lý (gồm các lực lượng thuộc Công an tỉnh, các cơ quan, tổ chức, cơ sở trên địa bàn tỉnh và bộ đội địa phương).

6. Các lực lượng, phương tiện dự kiến huy động

(Có danh sách kèm theo)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố

Có trách nhiệm phổ biến, quán triệt Kế hoạch này đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành thuộc quyền quản lý; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, tài sản để tham gia; phối hợp với Công an tỉnh tổ chức chữa cháy khi có yêu cầu.

2. Công an tỉnh

- Là cơ quan thường trực, chủ trì theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này. Hằng năm tổ chức rà soát để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn công tác PCCC và CNCH ở địa phương; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công an theo quy định.

- Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia chữa cháy và CNCH theo quy định của pháp luật.

- Chỉ huy chữa cháy, CNCH tại hiện trường; thông báo lệnh huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của Chủ tịch UBND tỉnh đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân biết để thực hiện; phân công nhiệm vụ cho các lực lượng được huy động tham gia chữa cháy, CNCH.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng bảo vệ, khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân, xử lý theo quy định của pháp luật và đảm bảo an ninh trật tự việc khắc phục hậu quả các vụ cháy, CNCH.

- Định kỳ hằng năm tổ chức rà soát, đề xuất bổ sung lực lượng, phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh để huy động tham gia chữa cháy, CNCH.

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện các thủ tục về hoàn trả, bồi thường thiệt hại tài sản (nếu có) do việc huy động, trưng dụng để chữa cháy và CNCH theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

- Chủ động ký Quy chế phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức có phương tiện, trang thiết bị chữa cháy và CNCH để phục vụ yêu cầu công tác.

3. Sở Tài chính

Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để hoàn trả, bồi thường thiệt hại (nếu có) do việc trưng dụng tài sản gây ra theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan.

4. Đề nghị tổ chức, hộ gia đình và cá nhân dự kiến được huy động chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện; kịp thời phối hợp với Công an tỉnh trong việc tổ chức chữa cháy, CNCH khi có yêu cầu.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công an;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, TP;
- Các đơn vị dự kiến huy động;
- C, PCV UBND tỉnh,
Các phòng CM, TT THCB;
- Lưu: VT,CAT, THNC (NTT).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lương Trọng Quỳnh