Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 19/KH-UBND

Thái Bình, ngày 08 tháng 04 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi và giải quyết khiếu nại về đất đai; Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

Thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 21/01/2013 của Ban thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho các thửa đất nhằm xác lập cơ sở pháp lý giữa Nhà nước và người sử dụng đất, giúp Nhà nước thực hiện tốt các biện pháp quản lý đối với đất đai, đồng thời để người sử dụng đất thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Đất đai và yên tâm đầu tư khai thác tốt tiềm năng đất đai.

2. Các địa phương, đơn vị chưa hoàn thành cấp Giấy chứng nhận lần đầu phải tập trung triển khai cấp đồng loạt, thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận, đồng thời gắn việc giải xét quyết những trường hợp cũng tồn tại vướng mắc trong việc cấp giấy, đảm bảo hoàn thành cơ bản công tác cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho tất cả các thửa đất trên địa bàn tỉnh trong năm 2013.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn tỉnh thuộc trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận nhưng đến nay chưa được cấp Giấy chứng nhận lần đầu theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, công trình xây dựng;

2. Ủy ban nhân dân các cấp; Sở Tài nguyên và Môi trường; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thành phố; cán bộ địa chính cấp xã; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, huyện; các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng thuộc cấp tỉnh, cấp huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giao chỉ tiêu, kế hoạch cấp Giấy chứng nhận trong năm 2013

1.1. Cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các thủ tục để trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận cho các tổ chức, cơ sở tôn giáo, cụ thể như sau:

Tổng số Giấy chứng nhận cần cấp: 1.019 Giấy, trong đó:

+ Đối với tổ chức: 922 Giấy chứng nhận;

+ Cơ sở tôn giáo: 97 Giấy chứng nhận.

1.2. Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân

Trên cơ sở kế hoạch cấp Giấy chứng nhận của các huyện, thành phố và số liệu lập dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 của tỉnh (đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt năm 2011); Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phấn đấu đến hết năm 2013 phải thực hiện cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân, cụ thể như sau:

* Đối với các huyện, thành phố đang triển khai thực hiện dự án VLAP, số lượng Giấy chứng nhận cấp theo kế hoạch Dự án đó được duyệt, gồm:

+ Thành phố Thái Bình: Đến hết năm 2013 cấp được 31.600/31.600 Giấy chứng nhận.

+ Huyện Kiến Xương: Đến hết năm 2013 cấp được 195.500/195.500 Giấy chứng nhận.

+ Huyện Quỳnh Phụ: Đến hết năm 2013 cấp được 68.900/68.900 Giấy chứng nhận.

* Đối với 05 huyện còn lại, đảm bảo phải cấp đạt 85% số Giấy chứng nhận cần cấp trở lên, gồm:

+ Huyện Hưng Hà: Đến hết năm 2013 cấp được 157.700/185.500 Giấy chứng nhận trở lên.

+ Huyện Thái Thụy: Đến hết năm 2013 cấp được 187.700/220.800 Giấy chứng nhận trở lên (đã bao gồm xã Thụy Dân và xã Thụy Trình đang thực hiện dự án đo đạc, cấp Giấy chứng nhận).

+ Huyện Tiền Hải: Đến hết năm 2013 cấp được 68.500/80.400 Giấy chứng nhận trở lên (đã bao gồm xã An Ninh đang thực hiện dự án đo đạc, cấp Giấy chứng nhận).

+ Huyện Vũ Thư: Đến hết năm 2013 cấp được 86.000/100.000 Giấy chứng nhận trở lên (đã bao gồm xã Song An và xã Nguyên Xá đang thực hiện dự án đo đạc chỉnh lý và cấp Giấy chứng nhận).

+ Huyện Đông Hưng: Đến hết năm 2013 cấp được 160.000/188.200 Giấy chứng nhận trở lên (đã bao gồm xã Trọng Quan và xã Đông Phương đang thực hiện dự án đo đạc chỉnh lý và cấp Giấy chứng nhận).

2. Thời gian, tiến độ thực hiện

2.1. Cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức

* Trong tháng 4/2013: Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thông báo cho các tổ chức đang sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận lần đầu phải tự rà soát hiện trạng sử dụng đất, xác định rõ nhu cầu sử dụng đất và gửi về Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất để tổng hợp danh sách gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường.

* Từ tháng 5/2013 trở đi: Sở Tài nguyên và Môi trường phân loại cụ thể các trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận, những trường hợp còn tồn tại, vướng mắc:

- Đối với trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì hướng dẫn tổ chức hoàn thiện hồ sơ để trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận và trao Giấy chứng nhận theo quy định.

- Đối với trường hợp chưa đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì tổng hợp và phân loại cụ thể theo từng dạng tồn tại, vướng mắc; chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xem xét cụ thể đề xuất biện pháp giải quyết từng trường hợp tồn tại, vướng mắc trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Những trường hợp giải quyết xong tồn tại, vướng mắc và đủ điều kiện thì hướng dẫn tổ chức sử dụng đất lập hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận

- Đến hết tháng 6/2013, bảo đảm cấp đạt 40% số lượng Giấy chứng nhận cần cấp và tổ chức họp sơ kết rút kinh nghiệm. Số lượng Giấy chứng nhận phải cấp còn lại bảo đảm cấp xong trước ngày 25/12/2013.

- Tổ chức họp tổng kết, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/12/2013.

2.2. Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình cá nhân

* Trong tháng 4/2013: Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tập trung thực hiện:

- Thành lập Ban chỉ đạo cấp Giấy chứng nhận cấp huyện, giao chỉ tiêu cấp Giấy chứng nhận cho từng xã, phường, thị trấn hoàn thành trước 15/4/2013.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thành lập Tổ công tác của xã để giúp Ủy ban nhân dân xã thực hiện các công việc chuyên môn theo phân cấp và có thể thành lập Hội đồng tư vấn về đăng ký đất đai để tư vấn cho Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc xét duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận.

* Từ tháng 5/2013 trở đi: Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng của huyện phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Hướng dẫn, đôn đốc người sử dụng đất kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và thực hiện các thủ tục lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận theo quy định;

- Rà soát, phân loại, thống kê các thửa đất đang sử dụng nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận; xác định rõ nguyên nhân tồn đọng, những khó khăn vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận ở địa phương và đề xuất biện pháp giải quyết khó khăn vướng mắc cụ thể để xử lý cấp Giấy chứng nhận;

- Kiểm tra, thẩm định, xét duyệt và hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố ký Giấy chứng nhận cho trường hợp đủ điều kiện cấp giấy (gồm đất ở và đất nông nghiệp, trong đó cần tập trung xét duyệt cấp Giấy chứng nhận đất nông nghiệp trên cơ sở tài liệu mới thực hiện dồn điền đổi thửa năm 2011, 2012) và trao Giấy chứng nhận theo quy định; phấn đấu đến ngày 30/6/2012 cấp đạt 40% số lượng Giấy chứng nhận cần cấp và tổ chức họp sơ kết rút kinh nghiệm;

- Tổng hợp những trường hợp còn tồn tại, vướng mắc; xem xét cụ thể đề xuất biện pháp giải quyết từng trường hợp trình Ủy ban nhân dân huyện thành phố quyết định; những trường hợp giải quyết xong tồn tại, vướng mắc và đủ điều kiện thì hướng dẫn người sử dụng đất lập hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận; bảo đảm đến ngày 25/12/2013 hoàn thành cấp xong số lượng cấp Giấy chứng nhận theo chỉ tiêu được giao;

- Tổ chức họp tổng kết, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/12/2013.

3. Giải pháp thực hiện

3.1. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức đối với công tác đăng ký kê khai, cấp Giấy chứng nhận.

3.2. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, không gây phiền hà, sách nhiễu khi lập hồ sơ, thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; công khai trình tự, thủ tục và các loại phí, lệ phí cấp Giấy chứng nhận tại nơi tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận. Xử lý nghiêm những cán bộ gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình lập hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.

3.3. Tận dụng tối đa mọi tài liệu hiện có để phục vụ công tác cấp Giấy chứng nhận:

+ Đối với những xã đã có bản đồ địa chính phải sử dụng triệt để để cấp Giấy chứng nhận; những xã đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa nhưng chưa thực hiện cập nhật, chỉnh lý bản đồ thì sử dụng sơ đồ giao ruộng để cấp Giấy chứng nhận mà không chờ hoàn thiện đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính.

+ Đối với những xã chưa có bản đồ địa chính phải tận dụng những loại tài liệu hiện có trong quản lý, sử dụng đất để cấp Giấy chứng nhận như: bản đồ, sơ đồ giải thửa cũ, sơ đồ giao ruộng hoặc thực hiện trích đo địa chính thửa đất để cấp Giấy chứng nhận mà không chờ đo vẽ bản đồ địa chính;

+ Đối với những xã đang thực hiện dự án VLAP hoặc đo đạc địa chính phải chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị thực hiện đo đạc, chủ động tổ chức cho người sử dụng đất kê khai đăng ký, bảo đảm đo đạc, lập bản đồ đến đâu kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận ngay đến đó.

+ Đối với tổ chức cần sử dụng triệt để kết quả trích đo địa chính theo Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ để cấp Giấy chứng nhận

3.4. Tổ chức kê khai đăng ký và xét duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận: Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp tổ chức cho người sử dụng đất kê khai đăng ký, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đồng loạt theo địa bàn xã tại các điểm dân cư. Việc xét duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận của cấp huyện phải được thực hiện lồng ghép, đồng thời với quá trình thẩm tra, xét duyệt của cấp xã, không tách việc thẩm định hồ sơ theo từng cấp, từng bộ phận làm kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ. Đối với các xã, phường, thị trấn đang thực hiện đo đạc cấp Giấy chứng nhận theo dự án VLAP thì thực hiện theo quy trình lồng ghép việc đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính và đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng hồ sơ địa chính ban hành kèm theo Văn bản số 118/2011/TCQLĐĐ ngày 08/02/2011 của Tổng cục Quản lý đất đai.

3.5. Phân loại hồ sơ theo nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm sử dụng đất, thửa đất không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, thửa đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính để giải quyết theo từng loại. Đối với một tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhiều thửa đất, thì thửa đất nào đủ điều kiện sẽ thực hiện ngay việc cấp Giấy chứng nhận; thửa đất nào chưa đủ điều kiện hoặc cần phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thì tiếp tục giải quyết và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện theo quy định.

3.6. Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tập trung nguồn lực, tăng cường cán bộ, đặc biệt là cán bộ địa chính cấp xã để đáp ứng yêu cầu công việc, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch giao.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH

1. Ban chỉ đạo cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh

- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 05/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh, bảo đảm đến ngày 31/12/2013 căn bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội;

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và chỉ đạo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc cấp huyện trong việc thực hiện, giúp cấp huyện, xã trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận.

- Hướng dẫn nội dung, trình tự thực hiện việc đăng ký, lập, xét duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đồng loạt lần đầu cho hộ gia đình cá nhân.

- Phối hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thái Bình tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của pháp luật đất đai để mọi người dân nắm và biết được quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất, nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký đất đai để cấp Giấy chứng nhận.

3. Các sở ngành liên quan

3.1. Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí, phân bổ kinh phí bảo đảm đủ để thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận trong năm 2013; hướng dẫn sử dụng kinh phí và các thủ tục thanh quyết toán theo đúng quy định của Nhà nước.

3.2. Cục Thuế tỉnh: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố rà soát các thủ tục liên quan về luân chuyển hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính khi cấp Giấy chứng nhận không phù hợp thực tế và quy định hiện hành, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.

3.3. Sở Tư pháp: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn việc áp dụng các văn bản để giải quyết các thủ tục liên quan đến thừa kế, tặng cho, phân chia tài sản chung trong quá trình xét duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận.

3.4. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật xây dựng đối với các công trình dự án phát triển nhà ở; ngăn ngừa và xử lý kịp thời trường hợp vi phạm; cung cấp các thông tin liên quan đến quy hoạch xây dựng để thực hiện việc xét duyệt hồ sơ.

3.5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cung cấp các thông tin về quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng; hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi, đê điều; khu vực quy hoạch và bảo vệ đất chuyên trồng lúa nước để thực hiện việc xét duyệt hồ sơ.

3.6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thái Bình: Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của pháp luật đất đai để mọi người dân nắm và biết được quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất, nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký đất đai để cấp Giấy chứng nhận.

4. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

- Thành lập Ban chỉ đạo cấp Giấy chứng nhận của huyện, thành phố để giúp Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để tổ chức thực hiện; hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận đảm bảo mục tiêu kế hoạch đề ra.

- Trên cơ sở chỉ tiêu cấp Giấy chứng nhận giao, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giao chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể đến từng xã, phường, thị trấn và chỉ đạo thực hiện hoàn thành khối lượng theo tiến độ, thời gian quy định tại Kế hoạch này. Gắn việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch cấp Giấy chứng nhận vào công tác đánh giá hoàn thành nhiệm vụ và công tác thi đua, khen thưởng năm 2013.

- Cân đối, bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận đối với những xã không nằm trong dự án đo đạc địa chính và cấp Giấy chứng nhận.

- Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ vào cuối quý, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

- Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai.

- Thực hiện xây dựng kế hoạch, công khai dân chủ về nội dung, kế hoạch cấp Giấy chứng nhận; chỉ đạo cán bộ địa chính, trưởng các thôn, khu phố hướng dẫn cho người dân kê khai, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận, thực hiện xét duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận và phối hợp trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất. (Ủy ban nhân dân cấp xã có thể thành lập Hội đồng tư vấn về đăng ký đất đai để tư vấn cho Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc xét duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận)

- Cân đối, bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận.

6. Đối với người sử dụng đất

- Yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có trách nhiệm thực hiện kê khai, đăng ký hết các thửa đất đang quản lý, sử dụng, cung cấp các giấy tờ liên quan đến thửa đất và các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về nhà ở, công trình xây dựng (nếu có). Các tổ chức đang sử dụng đất phải lập báo cáo tự rà soát về nguồn gốc đất, việc quản lý, sử dụng đất, đề xuất xử lý những diện tích đất bị lấn, chiếm, tranh chấp, diện tích đất lấn, chiếm, diện tích đất được giao nhưng không sử dụng.

- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất mà không thực hiện đăng ký đất đai là vi phạm Luật Đất đai, sẽ thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở những nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch này, Thủ trưởng các sở, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức quán triệt và trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Địa phương nào không bảo đảm hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu được giao đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm điều phối hoạt động chung của Kế hoạch này; kiểm tra đôn đốc, theo dõi tiến độ, phát hiện kịp thời khó khăn, vướng mắc để giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết; thường xuyên tổng hợp báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các huyện, thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Đài PTTH, Báo Thái Bình;
- Các sở, ngành liên quan;
- UBND huyện, thành phố;
- Lưu VT, TH, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phạm Văn Ca