Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 190/KH-UBND

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 29-CT/TW NGÀY 18/9/2013 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Căn cứ Quyêt định số 2281/QĐ-TTg ngày 10/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015; UBND Thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tăng cường công tác tuyên truyền Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương "về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" tạo bước cơ bản làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan và người dân về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.

2. Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước của các cơ quan, chính quyền các cấp về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố.

3. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đảm bảo vệ sinh lao động cho người lao động.

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho công nhân và người lao động.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ:

1. Giai đoạn 2011-2015

- Giảm 5% tần suất tai nạn lao động, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động;

- Giảm 10% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp; Đảm bảo trên 80% số người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp;

- 100% số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người, cháy nổ được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Giai đoạn 2015-2020

- Giảm 8% tần suất tai nạn lao động, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động;

- Giảm 15% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp; Đảm bảo trên 80% số người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp;

- 100% số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người, cháy nổ được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho cán bộ đảng viên, người lao động và nhân dân Thủ đô.

2. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn để nâng cao hiểu biết kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đảm bảo vệ sinh lao động cho người lao động.

3. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động.

4. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng thông qua công tác thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những nguy cơ TNLĐ và cháy nổ trên địa bàn Thành phố;

5. Đổi mới cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong việc thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế để tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế đối với công tác AT, VSLĐ.

IV. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức và các doanh nghiệp cần xác định công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động là nhiệm vụ quan trọng và đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm. Gắn công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị.

2. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm vệ sinh lao động cho người lao động

Đưa nội dung an toàn lao động, vệ sinh lao động vào chương trình đào tạo, giáo dục trong các trường dạy nghề, các doanh nghiệp có biện pháp lồng ghép giữa việc đào tạo kiến thức chuyên môn, nâng cao tay nghề với việc nâng cao trình độ, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý rủi ro, bảo đảm vệ sinh cho người lao động.

3. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động.

Chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động, đặc biệt trong các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bảo đảm có đủ phương tiện cá nhân thiết yếu, phương tiện cấp cứu, cứu hộ, các trang thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động.

4. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động

Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý theo hướng thống nhất, tập trung, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; xác định rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan, người sử dụng lao động để xảy ra mất an toàn lao động, vệ sinh lao động.

5. Đổi mới cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động

Đổi mới cơ chế, chính sách trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động theo hướng ưu tiên các hoạt động phòng ngừa, quản lý rủi ro, làm rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đầu tư cho công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động. Phát triển các dịch vụ huấn luyện, kiểm định, tư vấn kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động nhằm nâng cao quyền và lợi ích cho người lao động.

V. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Là cơ quan thường trực tham mưu giúp UBND Thành phố tổ chức thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (AT, VSLĐ) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện kế hoạch của Thành phố báo cáo kết quả thực hiện về UBND Thành phố, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội theo quy định;

- Tham mưu UBND Thành phố kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng thống nhất, tập trung, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động;

- Chủ động phối hợp với sở, ngành triển khai, thực hiện tốt chương trình kế hoạch AT, VSLĐ (2011-2015) và đổi mới xây dựng chương trình, kế hoạch AT, VSLĐ (2015-2020) của Thành phố theo tinh thần của Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương; xây dựng Kế hoạch tổ chức Tuần lễ quốc gia về AT, VSLĐ-PCCN hàng năm trình UBND Thành phố và tham mưu tổ chức triển khai, thực hiện;

- Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác AT, VSLĐ; tham mưu tổ chức, triển khai thực hiện Tuần lễ quốc gia về AT, VSLĐ-PCCN hàng năm; đổi mới nội dung, hình thức tập huấn, huấn luyện AT, VSLĐ để nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác AT, VSLĐ của các sở, ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện, thị xã;

- Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về công tác AT, VSLĐ đối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố;

- Tham mưu UBND Thành phố tổ chức sơ, tổng kết để kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo và điều hành của Ban Chỉ đạo Thành phố và chính quyền các cấp đối với công tác AT, VSLĐ-PCCN hàng năm.

2. Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC)

- Căn cứ kế hoạch này, kế hoạch AT, VSLĐ và kế hoạch PCCN của Thành phố xây dựng kế hoạch AT, VSLĐ-PCCN trong ngành để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong ngành thực hiện tốt công tác AT, VSLĐ-PCCN;

- Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác PCCC trên địa bàn Thành phố; Chủ động phối hợp xây dựng quy hoạch hệ thống hạ tầng cơ sở Thủ đô đáp ứng các yêu cầu về PCCC, cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống TNLĐ, cháy nổ xảy ra;

- Chủ động phối hợp với cơ quan Báo, Đài phát thanh và Truyền hình ở Trung ương và Hà Nội để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác PCCC; Tổ chức tập huấn, huấn luyện công tác PCCC cho các sở, ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố;

- Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra về PCCC tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố và xử lý thật nghiêm đơn vị, cá nhân vi phạm về công tác PCCC để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp.

3. Liên đoàn Lao động Thành phố

- Phát huy vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn đối với công tác AT, VSLĐ-PCCN và chỉ đạo Liên đoàn Lao động các quận, huyện phối hợp tốt với chính quyền địa phương tổ chức triển khai, thực hiện tốt chương trình, kế hoạch công tác AT, VSLĐ-PCCN trên địa bàn;

- Tăng cường, đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền cho giai cấp công nhân và người lao động trên địa bàn Thành phố về công tác AT, VSLĐ-PCCN; Tổ chức tập huấn mạng lưới an toàn, vệ sinh cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

4. Sở Y tế

- Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện tốt kế hoạch này, kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích, kế hoạch AT, VSLĐ của Thành phố để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho người lao động và nhân dân Thủ đô;

- Phối hợp với cơ quan Báo, Đài phát thanh và Truyền hình ở Trung ương và Hà Nội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về AT, VSLĐ-PCCN; chú trọng công tác thanh, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm đối với các đơn vị, cá nhân thuộc lĩnh vực ngành quản lý; làm tốt công tác tập huấn để nâng cao năng lực khám, chữa bệnh của các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và cán bộ làm công tác y tế của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

5. Công an Thành phố

- Căn cứ kế hoạch này, kế hoạch AT, VSLĐ và kế hoạch PCCN của Thành phố xây dựng kế hoạch AT, VSLĐ-PCCN trong ngành để chỉ đạo Công an quận, huyện, thị xã và các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác AT, VSLĐ-PCCN;

- Chủ động phối hợp với các cơ quan Báo, Đài phát thanh và Truyền hình Trung ương và Thành phố và kết hợp với các buổi sinh hoạt khu phố, tổ dân phố để thông tin, tuyên truyền về công tác AT, VSLĐ-PCCN và kịp thời phản ánh các hoạt động hưởng ứng về công tác AT, VSLĐ-PCCN của lực lượng công an Thủ đô;

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác AT, VSLĐ-PCCN làm tốt công tác tự kiểm tra, đặc biệt lưu ý các bộ phận, vị trí có nhiều nguy cơ cao về an toàn lao động, cháy nổ.

6. Bộ Tư lệnh Thủ đô

- Căn cứ kế hoạch này, kế hoạch AT, VSLĐ và kế hoạch PCCN của Thành phố xây dựng kế hoạch AT, VSLĐ-PCCN của Bộ Tư lệnh để chỉ đạo các Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã, các cơ quan thuộc Bộ Tư lệnh thực hiện tốt công tác AT, VSLĐ-PCCN;

- Chủ động, sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả các vụ tai nạn lao động, thiên tai, hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn Thành phố;

- Chủ động phối hợp với các cơ quan Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương, của Quân đội và Thành phố để làm tốt công tác tuyên truyền AT, VSLĐ-PCCN và các hoạt động đối với công tác AT, VSLĐ-PCCN của lực lượng vũ trang Thủ đô;

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, nhà trường làm tốt công tác tự kiểm tra AT, VSLĐ-PCCN đặc biệt quan tâm chú trọng những đơn vị, bộ phận có nhiều nguy cơ về tai nạn lao động, cháy nổ.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế đô thị

- Chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền Kế hoạch của UBND Thành phố thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương;

- Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Cảnh sát PCCC và các cơ quan liên quan để xây dựng các phóng sự, đưa tin, bài... phản ánh các hoạt động về công tác AT, VSLĐ-PCCC (đặc biệt đợt cao điểm Tuần lễ quốc gia AT, VSLĐ-PCCN hàng năm do Thành phố tổ chức).

8. Các sở, ngành, đoàn thể, Ban quản lý khu Công nghiệp và Chế xuất Thành phố, các Tổng Công ty trực thuộc Thành phố

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch AT, VSLĐ-PCCN và triển khai, thực hiện Kế hoạch của UBND Thành phố thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương;

- Thực hiện tốt chức năng quản nhà nước trong lĩnh vực được phân công, phụ trách, chủ động phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã triển khai, thực hiện tốt kế hoạch AT, VSLĐ và kế hoạch PCCN của Thành phố;

- Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) và các thành viên Ban Chỉ đạo Thành phố tổ chức Tuần lễ quốc gia về AT, VSLĐ-PCCN và chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về AT, VSLĐ-PCCN hàng năm do Thành phố phát động.

9. UBND các quận, huyện, thị xã

- Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác AT, VSLĐ-PCCN trên địa bàn quản lý, đặc biệt làm tốt công tác quản lý Nhà nước về công tác AT, VSLĐ theo sự phân cấp của UBND Thành phố;

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch công tác AT, VSLĐ-PCCN và chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, thực hiện tốt kế hoạch này và kế hoạch AT, VSLĐ-PCCN trên địa bàn;

- Tăng cường đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về công tác AT, VSLĐ-PCCN của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý để góp phần giảm thiểu TNLĐ, cháy nổ trên địa bàn Thành phố.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, các đoàn thể chính trị xã hội

Chỉ đạo các tổ chức trực thuộc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền Kế hoạch của UBND Thành phố thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương "về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" và việc chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật về công tác AT, VSLĐ đến các hội viên, đoàn viên và toàn thể nhân dân. Triển khai thực hiện công tác AT, VSLĐ ở cơ quan, đơn vị mình.

UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch của UBND Thành phố thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương và báo cáo về UBND Thành phố trước ngày 15/01/2014. Định kỳ 6 tháng và cuối năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND Thành phố (thông qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội) để tổng hợp. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc phản ánh kịp thời về UBND Thành phố để cùng giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực TU (để b.cáo);
- Chủ tịch UBND TP (để b.cáo);
- Các PCT UBND TP
- Các Sở, Ban, ngành TP;
- MTTQ TP, các đoàn thể TP;
- UBND quận, huyện, thị xã;
- Các Tổng công ty của Hà Nội;
- Các Báo, Đài PT-TH Hà Nội;
- VPUB: CVP, PCVP Đỗ Đình Hồng, Phòng VX, CT, KT, NC, TH;
- Lưu: VT, VX(Tue).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Bích Ngọc