Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 192/KH-UBND

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TU NGÀY 15/9/2016 CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY

Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TU của Ban Thường vụ Thành ủy về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Nhanh chóng đưa Nghị quyết vào thực tiễn, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực thi công vụ tại UBND cấp huyện và các Sở, ngành và kết quả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (sau đây gọi là GPMB) tại mỗi dự án;

b) Chuẩn bị đồng bộ cơ sở vật chất, cơ chế chính sách, các điều kiện về pháp lý và nhân lực để tổ chức thực hiện các dự án;

c) Đảm bảo tốt hơn lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi phải di chuyển, giải phóng mặt bằng;

d) Giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tại các dự án có quy mô thu hồi đất lớn, thời gian thực hiện kéo dài; hạn chế khiếu kiện khi tổ chức thực hiện công tác GPMB.

2. Yêu cầu

a) Tổ chức triển khai thực hiện sâu, rộng, có hiệu quả Nghị quyết đến các cơ quan, tổ chức và trong việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác giải phóng mặt bằng;

b) Bám sát nội dung Nghị quyết, tuân thủ quy định của Luật đất đai 2013, Luật Thủ đô, các quy định, hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành và phù hợp với tình hình thực tiễn của Thủ đô;

c) Thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện của cơ quan mình;

d) Việc tổ chức thực hiện công tác GPMB phải đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của nhân dân; đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị thu hồi đất theo quy định; kịp thời giải quyết các thắc mắc, kiến nghị, khiếu kiện theo thẩm quyền và theo quy định. Xử lý kiên quyết các trường hợp không hợp tác, chây ỳ ảnh hưởng đến tiến độ GPMB.

đ) Quá trình thực hiện kế hoạch và xây dựng chính sách, trình tự thủ tục có lộ trình, không kéo dài, có đánh giá, rút kinh nghiệm để đảm bảo ổn định chính sách chung toàn Thành phố.

II. NỘI DUNG

1. Quán triệt Nghị quyết

a) Lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập hợp toàn bộ các văn bản pháp lý có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; nhận thức rõ, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trong công tác GPMB, trên cơ sở đó quán triệt thực hiện Nghị quyết, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể;

b) Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân về dự án, chủ trương, chính sách pháp luật về GPMB của Nhà nước và nội dung của Nghị quyết.

2. Chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng

a) Hàng năm, căn cứ vào danh mục dự án thu hồi đất GPMB theo quy định của Luật Đất đai, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, lập và phê duyệt kế hoạch GPMB cấp huyện (cụ thể cho từng dự án, có sắp xếp thứ tự ưu tiên và tiến độ thực hiện, về các dự án dự kiến bổ sung kế hoạch trong năm); xác định rõ cơ sở vật chất, điều kiện tổ chức thực hiện; phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân, báo cáo cấp ủy để được lãnh đạo, chỉ đạo; báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện để giám sát, phối hợp tuyên truyền, vận động.

b) Thủ trưởng các sở, ngành thường xuyên thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy đảng, phải theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đơn vị mình; thực hiện việc hướng dẫn, tháo gỡ giải quyết vướng mắc cho cơ sở theo thẩm quyền, kịp thời đề xuất báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền.

c) Giao Ban chỉ đạo GPMB Thành phố chủ trì cùng các Sở, ngành xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác GPMB của cấp huyện, của các Sở, ngành liên quan; của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, báo cáo UBND Thành phố ban hành và tổ chức thực hiện trước ngày 30/10/2016.

3. Thực hiện việc nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp

a) Ban chỉ đạo GPMB Thành phố, các sở, ngành liên quan xây dựng quy trình và phương pháp thực hiện trong việc xem xét khó khăn, vướng mắc, báo cáo, đề xuất tập thể lãnh đạo UBND Thành phố giải quyết trực tiếp, đảm bảo kịp thời, chính xác nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GPMB của Thành phố.

b) Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát lại quy trình và phương pháp thực hiện của địa phương, lấy tiến độ, hiệu quả, đúng pháp luật là phương châm chủ đạo. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác GPMB trên địa bàn, không được ủy quyền lại cho cấp phó.

c) Giao Sở Nội vụ chủ trì cùng Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã lập đề án tổ chức, sắp xếp lại Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố, Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất tại các quận, huyện, thị xã và Ban Bồi thường, GPMB các quận, huyện, thị xã, đảm bảo thống nhất đầu mối thực hiện với bộ máy gọn và hoạt động hiệu quả, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/10/2016.

d) Yêu cầu các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Cục Thuế thành phố Hà Nội phân công cán bộ lãnh đạo, bộ phận chuyên trách, cán bộ chuyên trách có năng lực, chuyên môn thực hiện công tác GPMB, đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Giám đốc các Sở, ngành phải thường xuyên nắm bắt công việc, nhiệm vụ của sở, ngành mình để kịp thời chỉ đạo, giải quyết.

4. Triển khai việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến chính sách GPMB, tái định cư.

a) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các sở, ngành liên quan đề xuất cơ chế, thủ tục để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư (dự án sử dụng vốn ngân sách) được bố trí vốn, ứng vốn GPMB ngay từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 20/10/2016.

b) Giao Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế thành phố Hà Nội nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho UBND các quận, huyện, thị xã, Trung tâm quỹ đất Thành phố được trích lại một phần tiền sử dụng đất thu từ đấu giá quyền sử dụng đất để tạo quỹ đất, đầu tư xây dựng HTKT tổ chức đấu giá tiếp; cơ chế tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí GPMB do nhà đầu tư (dự án không sử dụng vốn ngân sách) ứng trước để thực hiện công tác GPMB; báo cáo UBND Thành phố trước ngày 20/10/2016.

c) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét đề xuất UBND Thành phố tách tiểu dự án GPMB để phê duyệt, tổ chức thực hiện khi thẩm tra các dự án công trình theo tuyến, các dự án thu hồi đất quy mô trên 10 ha và các dự án công trình cấp bách.

d) Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Ban chỉ đạo GPMB Thành phố và các Sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện cơ chế hỗ trợ bằng tiền cho người dân tự lo nhà ở tái định cư, báo cáo UBND Thành phố quyết định trước ngày 10/10/2016.

đ) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo quỹ đất 20% tại các dự án (bao gồm quỹ đất đã có và quỹ đất sẽ có); phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính theo dõi, tổng hợp, xác định cụ thể quỹ đất 20% tại các dự án nhưng Chủ đầu tư xin trả bằng tiền, đề xuất sử dụng kinh phí này để tạo quỹ đất xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội theo quy định.

e) Giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì cùng UBND các huyện nghiên cứu, đề xuất việc quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng tại các khu tái định cư; đề xuất sử dụng một phần diện tích đất tại các khu tái định cư (tại các khu vực quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn 2050) để xây dựng nhà chung cư phục vụ tái định cư.

f) Giao Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố chủ trì cùng các Sở, ngành rà soát Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND Thành phố quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đề xuất, báo cáo việc bổ sung, hoàn thiện theo hướng đổi mới cơ chế, chính sách, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/10/2016.

g) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính rà soát quy trình, thủ tục, các nguyên tắc trong việc xác định giá đất bồi thường, hỗ trợ, giá bồi thường tài sản, hoa màu trên đất, đề xuất việc bổ sung, điều chỉnh, báo cáo UBND Thành phố.

h) Giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì cùng UBND các huyện và các Sở, ngành liên quan trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch đầu tư công 2016-2020, dự báo về nhu cầu yêu cầu tái định cư bằng đất, tổ chức rà soát quy hoạch đề xuất việc quy hoạch các khu tái định cư bằng đất, bằng nhà ở căn hộ chung cư cao tầng và quy định về quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng theo quy hoạch đô thị, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 31/10/2016.

i) Giải quyết dứt điểm việc giao đất dịch vụ cho các hộ dân

- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc thành lập Tổ công tác làm việc với các huyện (đặc biệt là các địa phương còn chậm như: Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Thanh Oai) để tháo gỡ vướng mắc, đề xuất các giải pháp ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, lập hồ sơ giao đất để sớm hoàn thành công tác giao đất dịch vụ cho các hộ dân theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước đây. Phấn đấu trong năm 2016, hoàn thành việc giao đất dịch vụ tại các khu đất đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật; toàn Thành phố cơ bản hoàn thành công tác giao đất dịch vụ trong năm 2017.

- UBND các quận, huyện, thị xã, trên cơ sở nhiệm vụ giao đất dịch vụ, quỹ đất hiện có và nguồn lực địa phương, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết (hàng tháng) về thực hiện công tác giao đất dịch vụ, sớm hoàn thành nhiệm vụ giao đất dịch vụ trên địa bàn; kịp thời giải quyết các vướng mắc về giao đất dịch vụ (đối tượng, hạn mức giao đất, thời điểm áp dụng) không để phát sinh khiếu kiện phức tạp do nguyên nhân giao đất dịch vụ.

- Giao Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu chính sách hỗ trợ bằng tiền để giải quyết đất dịch vụ, báo cáo UBND Thành phố.

5. Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về đất đai, quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng.

a) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về đất đai, quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan trong hệ thống chính trị, cơ quan thông tin đại chúng thực hiện các nội dung tuyên tuyền nêu trên.

b) Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về đất đai, quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng trước hết cho cán bộ, nhân viên cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; giao nhiệm vụ cho các cán bộ, nhân viên là các tuyên truyền viên tích cực trong công tác quản lý đất đai, quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng.

6. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

a) Giao Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên và định kỳ công tác giải phóng mặt bằng tại các quận, huyện, thị xã (bao gồm các nội dung: sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch UBND cấp huyện; tiến độ thực hiện dự án, việc chấp hành chính sách pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân, việc tổ chức thực hiện phương án GPMB), kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, đề xuất xử lý các nội dung vượt thẩm quyền.

b) Giao Thanh tra Thành phố có kế hoạch kiểm tra việc chấp hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo của UBND cấp huyện, các Sở, ngành có liên quan trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, xử lý theo thẩm quyền.

III. T CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch này; Định kỳ hằng tháng báo cáo tình hình, kết quả thực hiện; Định kỳ hằng quý (vào tuần cuối cùng của tháng cuối quý), Ban chỉ đạo GPMB Thành phố tham mưu cho UBND Thành phố giao ban và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về tình hình, kết quả thực hiện.

2. Giao Ban Thi đua khen thưởng Thành phố (Sở Nội vụ) theo dõi tình hình, kết quả công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố, kịp thời đề xuất khen thưởng đột xuất, định kỳ đối với các tổ chức, cán bộ, công chức và người dân có thành tích trong việc thực hiện xuất sắc trong công tác giải phóng mặt bằng của Thành phố.

3. Giao Văn phòng UBND Thành phố đôn đốc các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện Kế hoạch này; kịp thời đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc./.

 

 

Nơi nhận:
- Đ/c Bí thư Thành ủy (để b/c);
- Thường trực Thành ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND TP (để b/c);
- Chủ tịch UBND TP;
- Các Phó Chủ tịch UBND TP;
- UBMTTQ Thành phố;
- VP: Thành ủy, HĐND TP;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- Quận, thị, huyện ủy;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VP UBND TP: C.PCVP, TKBT, TH, ĐT, KGVX, KT, NC;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
 CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chung