Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 193/KH-UBND

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI LĨNH VỰC CHẾ BIẾN NÔNG SẢN GẮN VỚI PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 NGÀNH NÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020;

Căn cứ Quyết định số 245/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 16/01/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản theo hướng nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 281/TTr-SNN ngày 30/7/2019, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch Cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông sản thành phố Hà Nội có đủ năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, thông minh, an toàn thực phẩm, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, với trình độ công nghệ từ trung bình, tiên tiến trở lên, góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng sản phẩm nông lâm thủy sản Thủ đô Hà Nội.

2. Mục tiêu cụ thể.

2.1. Đến năm 2020:

- Tốc độ tăng giá trị lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản gắn với phát triển thị trường góp phần tạo tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2019-2020 bình quân đạt 2,5 - 3,0% trở lên.

- Hình thành thêm từ 01 - 02 khu giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung theo quy hoạch gắn với chế biến theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh; 01 - 03 cơ sở/khu chế biến nông sản, khu trưng bày các sản phẩm nông sản, đặc sản; xây dựng dự án, kế hoạch hình thành phát triển trung tâm dây chuyền chiếu xạ tập trung, bảo quản nông lâm thủy sản (lúa gạo chất lượng cao, rau, quả, nông sản khô, lâm sản) tại các huyện: Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thường Tín; Sơn Tây, Đông Anh...

- Tăng từ 20% cơ sở chế biến nông lâm thủy sản đảm bảo đúng quy định về an toàn thực phẩm, có áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, ISO...

- 100% sản phẩm chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố sử dụng mã QR trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm sản thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội (hiện có địa chỉ: check.gov.vn) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội quản lý.

2.2. Định hướng đến năm 2030:

- Tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến đạt 7-8%/năm.

- 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.

- 100% cơ sở sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm như: Rau, củ, quả và các sản phẩm chế biến từ thịt, trứng, sữa được sử dụng máy móc trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến trong chế biến, bảo quản sản phẩm và áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP.

- Hình thành, hỗ trợ phát triển khoảng 15 khu (cơ sở) chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

- 100% sản phẩm nông lâm sản, thủy sản, thực phẩm chế biến sử dụng mã QR trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thành phố Hà Nội tích hợp vào Hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa Quốc gia.

- Phát triển 01 khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ hàng xuất khẩu.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực chế biến, chế biến sâu nông lâm thủy sản có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đủ năng lực cạnh tranh quốc tế. Xây dựng trung tâm cung ứng, trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, chợ đầu mối nông sản mang tầm quốc tế (xã hội hóa).

- Hỗ trợ kết nối cung cầu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu các sản phẩm chế biến đặc sản địa phương

II. NỘI DUNG

1. Định hướng chung

- Tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển các sản phẩm chế biến, chế biến sâu chủ lực của Thủ đô.

- Hỗ trợ đầu tư mới, đầu tư mở rộng cơ sở chế biến nông lâm thủy sản đối với những ngành hàng chưa có, hoặc còn thiếu công suất đế đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Phát triển 01 khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ hàng xuất khẩu (theo cơ chế xã hội hóa).

- Hiện đại hóa công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến và bảo quản nông sản để tạo ra sản phẩm phong phú về chủng loại, giá thành hạ, giá trị gia tăng cao, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp chế biến nông sản theo hướng đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp và công nhân lành nghề có hiểu biết về khoa học công nghệ, kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp chế biến nông sản theo hướng tăng cường năng lực, nguồn lực, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

2. Định hướng đối với các ngành hàng

2.1. Ngành hàng chế biến sản phẩm trồng trọt

- Ngành hàng lúa, gạo: Tổ chức sản xuất, chế biến lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Nâng cao chất lượng sản phẩm gạo, tỷ lệ gạo thu hồi trong xay xát đạt trên 70%; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ gạo có giá trị gia tăng cao; áp dụng công nghệ vi sinh chế biến thực phẩm chức năng, các sản phẩm ăn liền....

Khuyến khích đầu tư phát triển vùng trồng lúa tập trung, giống chất lượng cao, xay xát, chế biến, trưng bầy giới thiệu sản phẩm đặc sản, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi;

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sấy lúa, xay xát, kho bản quản thóc gạo đồng bộ, chế biến các sản phẩm từ gạo có giá trị cao (sản phẩm làm sẵn, phối chế, ăn liền...); sử dụng nguyên liệu từ phế phụ phẩm trong ngành lúa gạo (rơm, rạ, trấu, cám)

- Ngành hàng rau, quả:

+ Rà soát, củng cố, phát triển các vùng chuyên canh tập trung sản xuất rau, quả an toàn, áp dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ... cung cấp nguyên liệu có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm cho ngành chế biến.

+ Phát triển các dịch vụ logistics để giảm chi phí vận chuyển; đầu tư công nghệ, thiết bị sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói, kho lạnh bảo quản ngay tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10% vào năm 2030;

+ Đầu tư công nghệ hiện đại, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến nhất cho chế biến rau quả (đông lạnh nhanh IQRF, sấy chân không, đồ hộp, cô đặc...); chế biến tổng hợp, đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.

+ Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển trồng trọt, sơ chế, chế biến, chế biến sâu, chế biến rau quả đông lạnh nhanh, đồ hộp, sấy chân không, nước ép rau, quả, ứng dụng công nghệ chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng, điều chỉnh khí quyển, đóng gói rau quả tươi, tiêu thụ sản phẩm rau, quả theo chuỗi liên kết;

+ Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi; kết nối cung cầu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu cho sản phẩm rau, quả chủ lực, đặc sản địa phương Hà Nội.

- Cây chè:

+ Thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp chế biến chè với doanh nghiệp, nông dân từ xây dựng vùng nguyên liệu, đến bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến

+ Thực hành GMP trong chế biến chè, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, SSOP, ISO. Kiểm soát chặt chẽ điều kiện đảm bảo ATTP ở tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè nội địa và xuất khẩu.

+ Đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến sản xuất, bảo quản nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ chế biến sâu; Đa dạng hóa các sản phẩm chè chế biến như: chè ô long, chè túi lọc, chè bột matcha, Sencha bằng công nghệ tiên tiến.

+ Khuyến khích doanh nghiệp phát triển thương hiệu chè đặc sản, chè hữu cơ, cải tiến bao bì mẫu mã và phát triển mạng lưới phân phối, lưu thông phục vụ tiêu dùng nội tiêu và xuất khẩu.

2.2. Ngành hàng chế biến sản phẩm chăn nuôi

- Tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo nhu cầu thị trường; Chăn nuôi theo hướng VietHGAP, hữu cơ, sinh học. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, thức ăn, vật tư trong chăn nuôi, an toàn dịch bệnh và dư lượng thuốc kháng sinh.

- Phát triển về số lượng, quy mô các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chế biến thịt, trứng, sữa gắn với vùng chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, nhằm hạn chế và tiến tới loại bỏ các cơ sở giết mổ, chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường.

- Tăng cường kiểm dịch, kiểm soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ và chế biến:

+ Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp, hiện đại, chế biến thịt (thịt mát, đông lạnh, đồ hộp, xông khói, giò, chả, xúc xích, lạp sườn, muối, lên men...), tiêu thụ sản phẩm thịt, trứng, sữa trong mối liên kết chuỗi.

+ Tổ chức hệ thống tiêu thụ gắn với chuỗi chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến có kiểm soát thú y chặt chẽ và xử lý hiệu quả môi trường phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại các đô thị, chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản, khu công nghiệp Hà Nội và các tỉnh.

2.3. Ngành hàng chế biến sản phẩm thủy sản

- Phát triển nuôi trồng, chế biến thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, đầu tư nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học.

- Giảm dần chế biến thô và sơ chế, nâng tỷ trọng chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ như sản phẩm làm sẵn, ăn liền, sản phẩm phục vụ sản xuất công nghiệp

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản thủy sản để tạo ra các sản phẩm GTGT cao từ sản phẩm thủy sản đặc sản.

- Khuyến khích đầu tư phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến thành sản phẩm thực phẩm làm sẵn, ăn liền có tính tiện dụng cao, tạo ra các sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm và phi thực phẩm dùng cho các ngành công nghệ từ nguyên liệu thủy sản, tiêu thụ thủy sản trong mối liên kết chuỗi để hình thành tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh.

2.4. Ngành hàng chế biến gỗ

Phối hợp, liên danh, liên kết với các tỉnh thành trong cả nước đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn theo quy hoạch, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững để đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu hợp pháp, chất lượng cao, đảm bảo cho công nghiệp chế biến gỗ.

- Khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, giảm chi phí lao động, tiết kiệm nguyên liệu trong chế biến, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng mẫu mã sản phẩm, phù hợp nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

2.5. Phát triển làng nghề

Hỗ trợ, khuyến khích phát triển làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, nhất là công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu và ứng dụng công nghệ cao tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm”

Khuyến khích phát triển các hình tổ chức sản xuất (Hợp tác xã, tổ đội sản xuất), các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực trên địa bàn.

III. Các giải pháp thực hiện chủ yếu

1. Tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản

- Triển khai Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020 và Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp-nông dân, nông dân với nông dân, doanh nghiệp với doanh nghiệp.

- Gắn kết chế biến với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo nhóm sản phẩm chủ lực Quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực của Thành phố và nhóm sản phẩm là đặc sản của từng địa phương.

- Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; lựa chọn các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.

2. Khuyến khích đầu tư chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm

- Rà soát xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp liên quan đến chế biến nông lâm thủy sản, đề xuất mới và điều chỉnh, bổ sung đề án, dự án đã xây dựng cho phù hợp theo quy hoạch, gắn sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản đã ban hành: Luật số 04/2017/QH14 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

- Tập trung đầu tư để phát triển sản xuất, chế biến những sản phẩm mà Thành phố có nhiều lợi thế về sản xuất như: Lúa gạo, rau, quả, thịt, trứng, sữa...

- Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến, có tính tiên phong về công nghệ chế biến, bảo quản nông sản và tạo ra sản phẩm mới, công nghệ hiện đại, chế biến sâu nông sản hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và định hướng chung, các dự án đầu tư có quy mô lớn, mang tính chất dẫn dắt thị trường, tạo ra sản phẩm xuất khẩu, là trung tâm kết nối theo chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng.

3. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ chế biến, bảo quản nông sản

- Đẩy nhanh việc ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất, chế biến nông sản: Tích hợp công nghệ thông tin và tự động, hóa vào công nghiệp chế biến nông sản nhằm tạo ra các quy trình sản xuất, mô hình nhà máy thông minh liên kết với nguồn cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

- Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế biến sâu nông sản hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường với định hướng chung.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về trình độ công nghệ chế biến, bảo quản nông sản để tiến tới hình thành thị trường khoa học công nghệ gắn với định hướng đầu tư phát triển bền vững.

- Khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác cơ quan nghiên cứu khoa học, trong việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ hiện đại chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao (Công nghệ chiếu xạ; công nghệ xử lý bằng nước nóng và hơi nước nóng, công nghệ bao gói điều chỉnh khí quyển, bảo quản lạnh nhanh kết hợp với chất hấp thụ etylen và công nghệ tạo màng để bảo quản rau, hoa, quả tươi; công nghệ ngủ đông bảo quản thủy sản sông; Công nghệ phục vụ chế biến sâu nông sản: Chế biến khô (sấy phun, sấy thăng hoa nhiệt độ thấp, sấy lạnh và sấy nhanh); đông lạnh (IQF, cực nhanh); tiệt trùng nhanh chân không; công nghệ tách chiết hoạt chất; Công nghệ sinh học trong bảo quản và chế biến nông sản; Công nghệ biến tính, sấy sinh thái để bảo quản gỗ; công nghệ tinh học sản xuất chế phẩm bảo quản, chống mối, mọt thế hệ mới; công nghệ sản xuất các màng phủ thân thiện với môi trường; Công nghệ chế biến phế phụ phẩm được tạo ra trong sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản; Công nghệ thông tin, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong chế biến nông sản nhằm tiết kiệm nguyên vật liệu, thời gian và nâng cao hiệu quả kinh tế; Công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch nông sản).

4. Nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

- Xây dựng, áp dụng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia, truy xuất nguồn gốc cho các ngành hàng nông sản; áp dụng công nghệ tin học, tự động kết nối điện thoại thông minh, xây dựng các phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, tăng niềm tin của người tiêu dùng và trách nhiệm, uy tín nhà sản xuất.

- Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới như HACCP, ISO 22000 trong tất cả các cơ sở chế biến nông sản, nhất là các cơ sở chế biến xuất khẩu để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

5. Đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại

- Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường trong nước và trên thế giới về thị phần, thị hiếu, giá cả, các tiêu chuẩn sản phẩm... để xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thị trường cho các sản phẩm nông sản.

- Tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới của Thành phố tới các tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu nước ngoài.

- Phát triển hạ tầng thương mại (chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản siêu thị, hệ thống bán buôn, bán lẻ...), hệ thống logicstic kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động phân phối sản phẩm nông nghiệp, phát triển trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản chế biến đặc sản mang tầm khu vực

- Tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm nông lâm thủy sản.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người tiêu dùng nhận biết, tiêu dùng các sản phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm

6. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ về quản lý nhà nước, khoa học công nghệ, ngoại ngữ và kỹ năng thương mại quốc tế cho đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực chế biến và phát triển thị trường nông sản; nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề đáp ứng yêu cầu vận hành công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại thông qua các khóa học của các tổ chức trong và ngoài nước.

- Đào tạo nâng cao trình độ của người sản xuất kinh doanh, sơ chế, chế biến, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và kiến thức thị trường.

7. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách

- Tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, đặc biệt các mặt hàng chế biến của Trung ương và Thành phố đã ban hành, tham mưu đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay.

- Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ và vừa để tiêu thụ sản phẩm nông sản tại chỗ cho người nông dân; hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư đối với từng địa bàn có tính đặc thù của các vùng, miền, ngành hàng;

- Tăng cường tiếp cận thông tin và công tác cảnh báo sớm về các rào cản: thương mại của các nước nhập khẩu; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam trong thương mại quốc tế.

8. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

- Tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các đơn vị quản lý công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản theo quy định của Trung ương và Thành phố.

- Nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản, gắn bó chặt chẽ với sản xuất nông nghiệp trong việc đảm bảo nguyên liệu cho chế biến và quyền lợi của nông dân.

IV. Nguồn kinh phí

- Nguồn kinh phí từ ngân sách: Hằng năm, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chủ động xây dựng dự toán kinh phí theo các nhiệm vụ được giao, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, kiểm tra, tổng hợp, gửi các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, thống nhất trình UBND Thành phố xem xét, trình HĐND Thành phố phê duyệt theo đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

- Nguồn vốn xã hội hóa (Vốn của các tổ chức, cá nhân; nguồn viện trợ, tài trợ hợp pháp (nếu có).

V. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Cơ quan chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường ngành nông nghiệp theo đúng quy định. Xây dựng kế hoạch chi tiết và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch đề ra; theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện theo quy định.

- Tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản phục vụ công tác tái cơ cấu lại lĩnh vực chế biến ngành nông nghiệp đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.

- Kiểm tra, đôn đốc tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch của các đơn vị, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, tổng hợp nhu cầu nguồn vốn của các đơn vị để thực hiện Kế hoạch. Hướng dẫn, công khai trình tự, thủ tục lập, trình duyệt, thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư phát triển sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản ngành nông nghiệp theo quy định.

3. Sở Tài chính

Căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất tham mưu cân đối, bố trí ngân sách thực hiện kế hoạch được duyệt theo đúng quy định.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì và phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách có liên quan tới năng lực nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng đất nông nghiệp. Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan đề xuất cơ chế, chính sách tích tụ đất nông nghiệp, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn.

6. Các sở, ngành, đơn vị liên quan

Căn cứ chức năng nhiệm vụ đơn vị, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu lại lĩnh vực chế biến ngành nông nghiệp theo đúng quy định.

7. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

- Xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của địa phương về nông nghiệp, nông thôn; tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất và đầu tư, phát triển các sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương.

- Đề xuất các kế hoạch, đề án, dự án cụ thể để phát triển chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn gắn với vùng nguyên liệu, thế mạnh của địa phương, phù hợp với định hướng phát triển chung của Thành phố.

VI. Chế độ báo cáo

Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã được giao thực hiện kế hoạch, tổng hợp báo cáo định kỳ 06 tháng (trước ngày 20/6 và 20/12 hàng năm), báo cáo đột xuất phản ảnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (gửi bằng văn bản và file.doc qua Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội địa chỉ email: ccqlclnlsts_sonnptnt@hanoi.gov.vn; điện thoại liên hệ: 024.35330569; 024.32247743) để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Đồng chí Bí thư Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo);
- Các đ/c PCT UBND Thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Các Sở: NN&PTNT, TC, KH&ĐT, KHCN, TN&MT, YT, CT;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, các PCVP, KT, TKBT, KGVX;
- Lưu: VT, KT (Túy2b)-25747.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu