Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1944/KH-UBND

Kon Tum, ngày 18 tháng 7 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 308/QĐ-TTG NGÀY 13/3/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH CẤP HUYỆN ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020”;

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 308/QĐ/TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Kon Tum, như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Hoạt động truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố giữ vai trò quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cấp huyện; cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu, liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

- Việc tổ chức quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố theo hướng tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, lưu trữ, truyền dẫn chương trình, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin thiết yếu của người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Kết hợp với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan và các nguồn tài chính hợp pháp để đạt được các mục tiêu đề ra.

2. Mục tiêu đến năm 2020

- 100% đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố được trang bị các thiết bị phục vụ việc số hóa sản xuất Chương trình phát thanh.

- 100% người làm việc tại đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- 100% đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố được trang bị hệ thống truyền thanh không dây và hoạt động thường xuyên.

- 100% đài truyền thanh cấp xã thuộc địa bàn huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp được sóng truyền thanh của đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố.

- 100% các thôn (làng), khu dân cư được trang bị cụm loa truyền thanh không dây phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền.

- Hàng tháng xây dựng ít nhất 01 chương trình phát thanh tiếng dân tộc ở địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

- Nâng cấp 50% đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố và trạm phát lại truyền thanh - truyền hình theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (Nội dung số 8 - Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở).

III. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Kiện toàn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Tổ chức tập huấn cung cấp các thông tin chuyên đề để nâng cao nhận thức cho đội ngũ viên chức công tác tại đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố.

- Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, công nghệ thông tin cho đội ngũ viên chức đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ viên chức Đài truyền thanh - truyền hình huyện, thành phố để xây dựng Chương trình phát thanh tiếng dân tộc phù hợp với địa bàn.

* Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

* Đơn vị phối hợp: UBND các huyện, thành phố.

* Thời gian thực hiện: Hàng năm.

2. Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, truyền dẫn phát sóng

a) Đầu tư cơ sở vật chất:

- Đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống thiết bị sản xuất chương trình phát thanh số của đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố đồng bộ với các thiết bị sản xuất chương trình phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để cung cấp các chương trình phát thanh cho Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

- Đầu tư thiết bị lưu trữ số để phục vụ công tác thống kê, khai thác lại tin, bài, chương trình đã phát; đặc biệt chú trọng đầu tư trang thiết bị cho các đài truyền thanh - truyền hình huyện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

* Đơn vị thực hiện: UBND các huyện, thành phố.

* Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

* Thời gian thực hiện: Hàng năm

b) Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, truyền dẫn phát sóng

- Khuyến khích đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố sử dụng phương thức truyền thanh không dây và ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào truyền dẫn phát thanh.

- Duy trì các hoạt động tiếp phát sóng, phát lại chương trình phát thanh - truyền hình của Đài Trung ương và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đến khi tỉnh Kon Tum hoàn thành lộ trình số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất theo quy định.

* Đơn vị thực hiện: UBND các huyện, thành phố.

* Đơn vị phối hợp: Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.

* Thời gian thực hiện: Hàng năm.

3. Nâng cao chất lượng nội dung Chương trình

- Bảo đảm cung cấp thông tin thời sự phản ánh kịp thời tình hình chính trị kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương, cơ sở với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị.

- Bảo đảm cung cấp các thông tin thiết yếu, các chương trình khuyến nông khuyến ngư, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân có kiến thức áp dụng vào tình hình thực tiễn tại địa phương với nội dung ngắn gọn và dễ hiểu.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, truyền dẫn các chương trình phát thanh, xây dựng cơ chế thu nhận và xử lý thông tin phản hồi từ người dân một cách nhanh chóng, chính xác.

- Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND các huyện, thành phố quyết định thời lượng phát sóng chương trình phát thanh của đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố.

* Đơn vị thực hiện: UBND các huyện, thành phố.

* Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban ngành, đoàn thể.

* Thời gian thực hiện: Hàng năm.

4. Thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố với các đơn vị sự nghiệp khác trên địa bàn

Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 473/QĐ-UBND ngày 11/5/2018 của UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị công lập thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030.

* Đơn vị thực hiện: Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.

* Thời gian thực hiện: Hàng năm.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh việc triển khai thực hiện Kế hoạch này của các đơn vị, địa phương.

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan liên quan tăng cường chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền nhằm giúp các đài truyền thanh - truyền hình huyện, thành phố thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao chất lượng nội dung chương trình, chất lượng nguồn nhân lực ... đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn.

- Phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, công nghệ thông tin, cung cấp các thông tin chuyên đề để nâng cao nhận thức cho đội ngũ viên chức làm công tác truyền thanh - truyền hình ở các huyện, thành phố.

- Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện Đề án gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh, trước ngày 20 tháng 12.

2. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng xây dựng chương trình, phát thanh tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ viên chức làm công tác truyền thanh - truyền hình ở các huyện, thành phố.

- Tham gia ý kiến trong việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, truyền dẫn đối với đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí từ Trung ương cấp cho địa phương (nếu có), hoặc tham mưu UBND tỉnh đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh cho các dự án, đề án đầu tư có liên quan.

4. Sở Tài chính

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương hướng dẫn lập dự toán, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí thực hiện Đề án phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng ngân sách tỉnh, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

5. UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo đài truyền thanh - truyền hình huyện, thành phố thuộc mình quản lý thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền; bảo đảm cung cấp thông tin thời sự, thông tin thiết yếu phản ánh kịp thời tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, địa phương với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, thu hút người nghe, xem đài.

- Căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quyết định thời lượng phát sóng chương trình phát thanh cơ sở của đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố và đài, trạm cấp xã.

- Triển khai việc sắp xếp, sáp nhập đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Có trách nhiệm rà soát, dự toán, cân đối ngân sách của địa phương được phân cấp và các nguồn hợp pháp khác (nếu có) để thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch này và các nhiệm vụ khác có liên quan.

Hàng năm, các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này gửi về Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 10 tháng 12 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 308/QĐ/TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Kon Tum. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các đài truyền thanh - truyền hình huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các Sở: TT&TT, Nội vụ, Tài chính, KH&ĐT;
- Đài PT-TH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, KGVX4.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lại Xuân Lâm