Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 196/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 02 tháng 5 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG GÓP PHẦN NÂNG CAO TẦM VÓC TRẺ EM MẪU GIÁO VÀ TIỂU HỌC ĐẾN NĂM 2020 TỈNH ĐẮK NÔNG

Căn cứ Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 tỉnh Đắk Nông như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Năm học 2017- 2018, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông có 396 cơ sở giáo dục (tăng 14 cơ sở giáo dục so cùng kỳ năm học trước). Tổng số học sinh là 166.640 học sinh (tăng 5.944 học sinh so cùng kỳ năm học trước).

Trong đó:

- Giáo dục mầm non: Có 121 trường, gồm 94 trường công lập, 27 trường ngoài công lập. Tổng số trẻ là 38.037 trẻ.

- Cấp tiểu học: Có 148 trường, gồm 147 trường công lập, 01 trường ngoài công lập. Tổng số học sinh là 68.451 học sinh. Trong đó khối 1, khối 2 là 27.978 học sinh.

Trong những năm qua, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân giảm từ 36,6% (năm 2004) xuống 21,9% (năm 2015); thể thấp còi giảm từ 45,4% (năm 2004) xuống 33,0% (năm 2015). Tuy nhiên, tỷ lệ này còn rất cao so với cả nước và chưa đạt so với mục tiêu của Kế hoạch hành động giai đoạn 2012-2015 của tỉnh Đắk Nông thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (đến năm 2015, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân giảm còn 20%, thể thấp còi 30,8%).

Như vậy, tình hình thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em vẫn còn ở mức cao và cần sớm được quan tâm cải thiện.

Giai đoạn học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc, thể lực và trí tuệ, là giai đoạn trẻ tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì tiếp theo, đây là giai đoạn có sự biến đổi nhanh cả về thể chất và tâm lý, nhưng cũng là giai đoạn rất dễ bị SDD ảnh hưởng đến tầm vóc sau này.

Sữa rất cần thiết cho trẻ vì trong sữa cung cấp dồi dào chất đạm, can xi và vitamin D giúp cho xương phát triển, giúp trẻ tăng sức đề kháng, tăng chiều cao và trí nhớ.

Xét thấy sữa là nguồn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện, đặt nền tảng cho việc học tập của trẻ ở cấp học tiếp theo. Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ của người Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống; trẻ em sẽ không phát triển trí tuệ toàn diện nếu không được cung cấp thực phẩm dinh dưỡng hợp lý. Vì vậy, đầu tư cho trẻ em hôm nay để có một thế hệ tương lai phát triển mạnh về thể chất và trí tuệ đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đắk Nông là một trong những tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn nhất của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 11,7%. Việc triển khai Chương trình sữa học đường không thể thực hiện đại trà ngay từ đầu mà cần thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng trên địa bàn. Chương trình cần có sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lớp mẫu giáo và trường tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, trí lực, thể lực của trẻ em tỉnh Đắk Nông.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2020:

- 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả trường công lập và ngoài công lập) được uống sữa theo chương trình sữa học đường.

- 90% phụ huynh học sinh mẫu giáo và tiểu học ở thị xã, thị trấn và 60% phụ huynh học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng nông thôn tham gia uống sữa và được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng.

- 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế học đường, cộng tác viên chương trình được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng thực hành chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em trong trường học.

- 100% các trường thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức cho trẻ uống sữa tại trường, có cách thức vận hành, ghi chép sổ sách, lưu mẫu sữa theo quy định về an toàn thực phẩm.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm. Tỷ lệ thể thấp còi giảm trung bình 0,7%/năm.

- Chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 cm - 2cm so với năm 2010.

3. Đối tượng, kinh phí thực hiện

3.1. Đối tượng

- Đối tượng thụ hưởng: Học sinh các trường mầm non, tiểu học công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách còn hạn chế nên đối tượng trong diện có sự hỗ trợ của nhà nước chỉ giới hạn từ trẻ mầm non (lớp mầm, chồi, lá) đến trẻ tiểu học khối 1 và khối 2.

- Định mức: 03 hộp sữa 180ml/học sinh/tuần X 9 tháng/năm. Ngoài ra, tuyên truyền để phụ huynh mua sữa cho trẻ uống trong dịp hè theo định mức trên để đảm bảo tính liên tục trong năm.

- Thời gian thực hiện: 03 năm học (Từ 01/9/2018-15/5/2021).

- Đối với những nơi có điều kiện thì vận động phụ huynh học sinh cho trẻ uống sữa đến lớp 5 và cho toàn bộ trẻ trong những năm học tiếp theo.

3.2. Kinh phí (có phụ lục chi tiết đính kèm)

- Năm học 2018-2019: 44.683 triệu đồng

- Năm học 2019-2020: 45.987 triệu đồng (dự kiến tăng 3%)

- Năm học 2020-2021: 47.366 triệu đồng (dự kiến tăng 3%)

Tổng kinh phí trong 03 năm thực hiện kế hoạch: 138.036 triệu đồng

III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước

Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương về tầm quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát huy tính chủ động, thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách về giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, nguồn kinh phí sử dụng phải hiệu quả và đúng mục đích, tránh thất thoát. Tổ chức đánh giá, rà soát kịp thời để điều chỉnh triển khai kế hoạch đạt kết quả cao.

Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình sữa học đường cấp tỉnh.

2. Thông tin truyền thông, giáo dục dinh dưỡng

Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động nâng cao kiến thức về tầm quan trọng trong công tác dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ.

Triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về chủ trương, ý nghĩa, mục đích của Chương trình dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú và đa dạng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình, pano, áp phích, khẩu hiệu, băng rôn... Kêu gọi sự ủng hộ quyên góp từ các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm cho Chương trình sữa học đường thông qua Tài khoản Chương trình sữa học đường tỉnh Đắk Nông.

Chính quyền địa phương tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ của phụ huynh và học sinh khi tham gia Chương trình sữa học đường trên tất cả các hệ thống phát thanh phường, xã.

Các trường học lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm, giữa năm. Thông qua cuộc họp, vận động phụ huynh tự nguyện đăng ký và cam kết tham gia Chương trình sữa học đường.

3. Giải pháp về tài chính

Để kế hoạch triển khai có kết quả thì phải huy động kinh phí từ nhiều nguồn. Do nguồn thu ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn nên kinh phí từ ngân sách nhà nước mang tính hỗ trợ, cần có sự tham gia của doanh nghiệp và từ phía phụ huynh học sinh.

3.1. Diện hỗ trợ chính sách

- Diện A: Trẻ mầm non và tiểu học thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo hiện hành, con thương binh, con liệt sỹ, con người có công với cách mạng (xác nhận của địa phương), con mồ côi cả cha lẫn mẹ.

- Diện B: Các trẻ còn lại (ngoài diện A).

3.2. Kinh phí từ nguồn ngân sách

- Từ nguồn ngân sách địa phương (huyện, thị xã) đã được phân cấp và nguồn xã hội hóa, các hỗ trợ khác tính toán để tất cả trẻ mầm non và tiểu học trong đối tượng thụ hưởng trên địa bàn đều được uống sữa:

+ Hỗ trợ 50% kinh phí uống sữa cho diện A.

+ Hỗ trợ 10% kinh phí uống sữa cho diện B.

Dự kiến ngân sách nhà nước hỗ trợ: 20.657 triệu đồng. Trong đó:

+ Năm học 2018-2019: 6.616 triệu đồng.

+ Năm học 2019-2020: 6.917 triệu đồng (dự kiến tăng 3%)

+ Năm học 2020-2021: 7.124 triệu đồng (dự kiến tăng 3%)

3.3. Nguồn xã hội hóa từ các nhà tài trợ

Nhà thầu Chương trình Sữa học đường tỉnh Đắk Nông hỗ trợ kinh phí:

- Hỗ trợ 50% kinh phí uống sữa cho diện A.

- Hỗ trợ 20% kinh phí uống sữa cho diện B.

- Chi phí tư vấn đấu thầu lựa chọn nhà thầu: Do nhà thầu trúng thầu chi trả.

Dự kiến Kinh phí huy động từ nhà thầu, các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân đóng góp: 33.000 triệu đồng (bình quân 11 tỉ đồng/năm).

Ngoài ra, nhà thầu trúng thầu phải thực hiện các công việc gồm: Công tác tập huấn, hội nghị tổng kết, hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát, kệ chứa sữa...

3.4. Nguồn đóng góp từ phụ huynh

Diện A: Miễn phí hoàn toàn.

Diện B: Đóng góp 70% kinh phí uống sữa.

Dự kiến kinh phí do phụ huynh đóng góp: 84.000 triệu đồng (bình quân 28 tỷ đồng/năm).

4. Lựa chọn nguồn sữa và nhà thầu

4.1. Lựa chọn nguồn sữa thích hợp

- Yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng sữa:

+ Sữa tiệt trùng có đường đóng hộp 180ml/hộp, thời gian bảo quản 06 tháng.

+ Hàm lượng dinh dưỡng trong hộp sữa theo tiêu chuẩn Việt Nam.

- Tiêu chí chọn nhà thầu:

+ Công ty cung cấp sữa cho trẻ uống đạt thương hiệu Việt Nam đã được Bộ Y tế cấp phép đảm bảo hàm lượng đầy đủ các chất dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng phù hợp với trẻ độ tuổi mầm non.

+ Là đơn vị trực tiếp sản xuất sữa đạt tiêu chuẩn ISO 9001.

+ Các tiêu chí khác sẽ được nêu chi tiết trong hồ sơ mời thầu.

4.2. Tổ chức đấu thầu cung ứng

a) Tổ chức đấu thầu: Tổ chức đấu thầu rộng rãi toàn quốc để lựa chọn nhà thầu cung cấp sữa của Chương trình sữa học đường tại tỉnh Đắk Nông cho cả giai đoạn từ tháng 9/2018 đến 15/5/2021.

b) Thời gian thực hiện hợp đồng: Hợp đồng được thực hiện trong suốt thời gian từ tháng 9/2018 đến 15/5/2021. Hợp đồng không thay đổi giá.

c) Hình thức ký hợp đồng: Sau khi hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu (Sở Giáo dục và Đào tạo hợp đồng với Công ty có tư cách pháp nhân về tư vấn đấu thầu để thực hiện quy trình tổ chức đấu thầu theo quy định hiện hành), nhà thầu trúng thầu sẽ trực tiếp làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc trực tiếp với các trường (do UBND huyện, thị xã phân cấp) để ký hợp đồng cung ứng sữa.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Chương trình sữa học đường của tỉnh. Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình sữa học đường hàng năm trên địa bàn tỉnh, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan.

Trực tiếp quản lý và sử dụng nguồn kinh phí huy động từ sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân (nếu có) thông qua tài khoản Sữa học đường tỉnh Đắk Nông.

Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch của các Phòng Giáo dục và Đào tạo căn cứ nguồn lực hiện có (bao gồm: Ngân sách tỉnh hỗ trợ và nguồn ủng hộ bằng sữa, tiền mặt các của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân), Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ lựa chọn địa điểm triển khai và xây dựng kế hoạch chi tiết trình UBND tỉnh phê duyệt.

Phối hợp với UBND các huyện, thị xã hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường mầm non và tiểu học triển khai các hoạt động:

- Hằng năm, thông báo cho phụ huynh học sinh thuộc diện A phô tô xác nhận hồ sơ tương ứng nộp cho nhà trường vào đầu năm học để thống kê chính xác danh sách thụ hưởng thuộc các diện này.

- Tuyên truyền vận động trực tiếp tại trường học, tại các cuộc họp phụ huynh học sinh; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Sữa học đường thu hút phụ huynh và học sinh tham gia. Tổ chức triển lãm đồ dùng dạy học từ vỏ hộp sữa, tổ chức ngày hội sữa học đường...

- Tiếp nhận, bảo quản và thực hành cho học sinh uống sữa.

- Thu kinh phí phần đóng góp từ phụ huynh học sinh.

- Thống kê, báo cáo kết quả triển khai hàng tháng về Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện.

Quản lý, điều phối có hiệu quả nguồn lực tài chính, theo dõi kiểm tra việc phân bổ và sử dụng kinh phí trong ngân sách và nguồn xã hội hóa của Chương trình sữa học đường, đồng thời có biện pháp quản lý, chấn chỉnh kịp thời nếu phát hiện sai trái.

Phối hợp với Sở Y tế, nhà thầu cung cấp tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên việc thực hiện hồ sơ sổ sách, phiếu theo dõi uống sữa, việc giao nhận, lưu trữ và bảo quản sữa, đánh giá kết quả phát triển của trẻ.

Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp đánh giá việc thực hiện Chương trình sữa học đường về Ban chỉ đạo Chương trình sữa học đường tỉnh Đắk Nông 2 lần/năm học.

2. Sở Y tế

Tham mưu cho Ban chỉ đạo Chương trình sữa học đường tỉnh Đắk Nông trong việc giám sát, đánh giá hiệu quả của chương trình.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tập huấn nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học tham gia chương trình.

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng; tư vấn dinh dưỡng cho các bà mẹ có con ở lứa tuổi mầm non, tiểu học.

Chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến huyện, xã phối hợp với các đơn vị cùng cấp thuộc ngành Giáo dục thực hiện giám sát triển khai, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học, đánh giá hiệu quả của Chương trình sữa học đường.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em; theo dõi việc phòng chống suy dinh dưỡng và nâng cao chất lượng dinh dưỡng của trẻ thông qua Chương trình sữa học đường.

Cung cấp số liệu chính xác về các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách được đề cập đến trong Kế hoạch.

Tham gia triển khai các hoạt động khác có liên quan.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đắk Nông...

5. Sở Tài chính

Hằng năm, trên cơ sở dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch do Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng, Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt bố trí kinh phí cho các huyện, thị xã thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và khả năng cân đối Ngân sách.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai Chương trình sữa học đường tại địa phương. Chủ động tích cực huy động thêm nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống suy dinh dưỡng có hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Chương trình sữa học đường, báo cáo định kỳ theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch Chương trình sữa học đường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020. Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu gặp các vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc giao Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: Theo mục IV;
- UBND các huyện, thị xã;
- Lưu: VT, KGVX (Q).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tôn Thị Ngọc Hạnh

 

BẢNG THỐNG KÊ SỐ LIỆU HỌC SINH TOÀN TỈNH DỰ KIẾN THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG

(Kèm theo Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 02 tháng 5 năm 2018 của UBND tỉnh Đắk Nông)

(Số liệu năm học 2017 - 2018)

Stt

Nội dung

Tổng số

Diện A

Diện B

1

Học sinh Mầm non

37.493

1.071

36.422

2

Học sinh Tiểu học khối 1

15.317

3.875

11.442

3

Học sinh Tiểu học khối 2

12.661

3.289

9.372

 

BẢNG KHÁI TOÁN KINH PHÍ

(Kèm theo Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 02 tháng 5 năm 2018 của UBND tỉnh Đắk Nông)

I. Mầm non       25.588.972.000đồng

Diện A:

1.071(HS) * 3 (lần uống/tuần) * 35 (tuần) * 6.500đ/hộp = 730.957.500 đồng

Ngân sách nhà nước hỗ trợ (50%): 365.478.750 đồng

Doanh nghiệp trúng thầu hỗ trợ (50%): 365.478.750 đồng

Diện B:

36.422(HS) * 3 (lần uống/tuần) * 35 (tuần) * 6.500đ/hộp = 24.858.015.000 đồng.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ (10%): 2.485.801.500 đồng

Doanh nghiệp trúng thầu hỗ trợ (20%): 4.971.603.000 đồng

Gia đình học sinh đóng góp (70%): 17.400.610.000 đồng

II. Khối 1 Tiểu học        10.453.852.500 đồng

Diện A:

3.875(HS) * 3 (lần uống/tuần) * 35 (tuần) * 6.500(đ/hộp) = 2.644.687.500 đồng.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ (50%): 1.322.343.750 đồng

Doanh nghiệp trúng thầu hỗ trợ (50%): 1.322.343.750 đồng

Diện B:

11.442(HS) * 3 (lần uống/tuần) * 35 (tuần) * 6.500đ/hộp = 7.809.165.000 đồng.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ (10%): 780.916.500 đồng

Doanh nghiệp trúng thầu hỗ trợ (20%): 1.561.833.000 đồng

Gia đình học sinh đóng góp (70%): 5.466.415.500 đồng

II. Khối 2 Tiểu học        8.641.132.500 đồng

Diện A:

3.289(HS) * 3 (lần uống/tuần) * 35 (tuần) * 6.500(đ/hộp) =

2.244.742.500 đồng.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ (50%): 1.122.371.250 đồng

Doanh nghiệp trúng thầu hỗ trợ (50%): 1.122.371.250 đồng

Diện B:

9.372(HS) * 3 (lần uống/tuần) * 35 (tuần) * 6.500đ/hộp = 6.396.390.000 đồng.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ (10%): 639.639.000đồng

Doanh nghiệp trúng thầu hỗ trợ (20%): 1.279.278.000đồng

Gia đình học sinh đóng góp (70%): 4.477.473.000đồng

Tổng kinh phí uống sữa/năm học: 44.683.957.500 đồng

Chia ra:

+ Ngân sách nhà nước hỗ trợ: 6.716.550.750 đồng

+ Doanh nghiệp hỗ trợ: 10.622.907.750 đồng

+ Gia đình học sinh đóng góp: 27.344.499.000 đồng

+ Tiền đóng góp của gia đình học sinh trong 1 năm học/ 01 học sinh là: 6.500 (đồng) * 3 (lần uống/tuần) * 35 (tuần) * 70% = 477.750 đồng