ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 198/KH-UBND | Thái Bình, ngày 23 tháng 12 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG CUỐI NĂM 2024 VÀ DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ 2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19/6/2023;
Căn cứ Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá;
Căn cứ Quyết định số 43/2024/QĐ-UBND ngày 14/11/2024 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá trên địa bàn tỉnh Thái Bình;
Căn cứ Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 20/11/2024 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025;
Theo đề nghị của Sở Công Thương (Tờ trình số 70/TTr-SCT ngày 17/12/2024), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Bình ổn thị trường đáp ứng nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, đảm bảo cân đối cung cầu không để tình trạng thiếu hàng sốt giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, tạo cơ hội và điều kiện cho các thương nhân có uy tín đẩy mạnh bán hàng và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thu hút các thương nhân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển mạng lưới thương mại và đa dạng hóa loại hình điểm bán hàng bình ổn thị trường nhằm đảm bảo hàng hóa bình ổn được phân phối rộng khắp đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng; Đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là chuẩn bị tốt nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu, nguồn thực phẩm sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tăng cao vào các dịp lễ, Tết, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Đúng đối tượng; đúng mặt hàng thuộc diện được bình ổn;
- Các điểm bán hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường phải có sức lan tỏa trong khu vực;
- Có sự tham gia của các cấp, các ngành có liên quan; bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
II. THÔNG TIN VỀ KẾ HOẠCH
1. Tên chương trình: Chương trình bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
2. Thời gian thực hiện: Ba (03) tháng, dự kiến bắt đầu từ ngày 09/01/2025 (10/12 năm Giáp Thìn) đến ngày 08/4/2025 (11/03 năm Ất Tỵ).
3. Địa điểm: Tại các điểm bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh nơi các thương nhân tham gia chương trình đăng ký và Hội chợ mừng Đảng mừng Xuân Thái Bình năm 2025 tổ chức tại thành phố Thái Bình.
4. Về lựa chọn mặt hàng: Mặt hàng được lựa chọn tham gia chương trình gồm:
- Gạo và các sản phẩm được chế biến từ gạo;
- Thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm được chế biến từ Thịt gia súc, gia cầm;
- Thủy, hải sản và các sản phẩm được chế biến từ Thủy, hải sản;
- Dầu ăn;
- Nước mắm;
- Mỳ chính;
- Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi;
- Xăng dầu.
5. Đối tượng tham gia chương trình.
Các thương nhân trên địa bàn tỉnh kinh doanh mặt hàng được lựa chọn tại mục “4. Về lựa chọn mặt hàng.” nêu trên.
6. Về cơ chế tài chính
- Thực hiện mục tiêu xã hội hóa công tác bình ổn thị trường, khuyến khích các thương nhân có uy tín, năng lực tài chính tốt đăng ký tham gia Chương trình.
- Các ngân hàng Thương mại trên địa bàn: Tư vấn, hỗ trợ các thương nhân tham gia Chương trình tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi phù hợp trong thời gian tham gia Chương trình.
7. Phương thức thực hiện
Các thương nhân tham gia Chương trình đăng ký với Sở Công Thương.
8. Đơn vị chỉ đạo tổ chức: UBND tỉnh Thái Bình.
9. Đơn vị thực hiện:
- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;
- Các thương nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Bình đăng ký, đáp ứng các điều kiện của Chương trình.
III. ĐIỀU KIỆN, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH
1. Điều kiện tham gia chương trình
Các thương nhân có đủ điều kiện sau đây sẽ được tham gia Chương trình: Là thương nhân có uy tín, thực hiện tốt các quy định của pháp luật hiện hành và có kinh doanh mặt hàng bình ổn thị trường như nêu tại mục II điểm 4 của Kế hoạch.
2. Quyền lợi của các thương nhân khi tham gia chương trình
- Được treo băng rôn: “Điểm bán hàng bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025” tại các điểm bán hàng mà thương nhân đăng ký tham gia Chương trình.
- Được hỗ trợ 100% kinh phí thuê gian hàng tại Hội chợ Mừng Đảng - Mừng Xuân 2024 để bán hàng bình ổn thị trường (mỗi đơn vị được hỗ trợ tối đa 2 gian hàng). Các đơn vị đăng ký tham gia liên hệ Trung tâm Hỗ trợ Xúc tiến, đầu tư và Phát triển tỉnh Thái Bình để được hỗ trợ.
- Được đăng tin quảng bá trên Website của Sở Công Thương.
- Được các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh, của huyện tuyên truyền, giới thiệu về địa điểm của tổ chức, cá nhân tham gia chương trình đăng ký bán hàng bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 để nhân dân biết và tham gia mua hàng tại các điểm bán hàng bình ổn.
3. Trách nhiệm, nghĩa vụ của thương nhân tham gia chương trình
- Niêm yết giá và bán hàng theo đúng giá niêm yết tại các điểm bán hàng đã đăng ký.
- Cam kết không tăng giá trong thời gian tham gia Chương trình nếu giá thị trường biến động tăng đến 10%.
- Trường hợp thị trường có biến động tăng giá trên 10% thì thương nhân điều chỉnh giá bán nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường tối thiểu là 5%.
- Đối với mặt hàng xăng dầu đảm bảo cung ứng phục vụ đủ cho người dân hoạt động sản xuất, kinh doanh về số lượng, chất lượng và thực hiện đúng theo các quy định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Quy định của UBND tỉnh về thời gian bán hàng tại Quyết định số 24/2023/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc ban hành Quy định thời gian bán hàng, các trường hợp dừng bán hàng, quy định đăng ký, đăng ký thay đổi thời gian bán hàng và quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
- Phối hợp với các các Sở, Ngành có liên quan thực hiện Chương trình đảm bảo đúng quy định.
4. Về hồ sơ tham gia chương trình
Thương nhân tham gia Chương trình gửi hồ sơ về Sở Công Thương, gồm:
- Bản đăng ký tham gia Chương trình (Theo mẫu kèm theo)
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
5. Về Băng rôn
- Căn cứ vào số lượng điểm bán mà từng Thương nhân đã đăng ký tham gia Chương trình, Sở Công Thương phát Băng rôn theo số lượng đã đăng ký.
- Đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có nhu cầu số lượng lớn băngron treo tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu có không gian kích thước treo khác nhau, Sở Công Thương sẽ cung cấp Market băngron để các thương nhân chủ động in và treo.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Công Thương
- Tiếp nhận Bản đăng ký của các thương nhân tham gia Chương trình;
- In và phát băng rôn cho các thương nhân đăng ký tham gia Chương trình theo đúng thời gian quy định;
- Lập chương trình kế hoạch sử dụng vốn khuyến thương phục vụ công tác bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đề nghị cơ quan có thẩm quyền thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường.
- Hướng dẫn các thương nhân thực hiện niêm yết giá và bán hàng theo đúng giá niêm yết đối với các mặt hàng theo chức năng, lĩnh vực, phạm vi quản lý khi tham gia Chương trình.
- Cung cấp bản đăng ký tham gia chương trình của các thương nhân cho Sở Tài Chính (bản phô tô) để kiểm tra giám sát theo quy định.
2. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Theo dõi sát tình hình sản xuất nông nghiệp, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng, nhất là mặt hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác, đảm bảo sản xuất theo đúng quy hoạch, kế hoạch và khuyến cáo của các bộ ngành hữu quan nhằm tạo nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ về hàng hóa nông sản, thực phẩm.
- Giới thiệu thương nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản thực phẩm, có nguồn hàng ổn định trên địa bàn tích cực hưởng ứng Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết của các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn tại các điểm bán hàng đã đăng ký theo chức năng, lĩnh vực, phạm vi quản lý.
- Hướng dẫn các thương nhân thực hiện niêm yết giá và bán hàng theo đúng giá niêm yết đối với các mặt hàng theo chức năng, lĩnh vực, phạm vi quản lý khi tham gia Chương trình.
3. Sở Tài chính
- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường trong công tác kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết của các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn tại các điểm bán hàng đã đăng ký.
4. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh
Chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động tiếp xúc, nắm bắt nhu cầu vay vốn; cân đối, bố trí nguồn vốn để kịp thời cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ với lãi suất hợp lý.
5. Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức Điểm bán hàng bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại hội chợ Mừng Đảng - Mừng Xuân Thái Bình 2025.
6. Cục Quản lý thị trường tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình bình ổn tại các điểm đã đăng ký thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết của các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn tại các điểm bán hàng đã đăng ký thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý;
- Chủ trì, phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng nói chung và đối với mặt hàng được lựa chọn tham gia Chương trình nói riêng trên địa bàn tỉnh;
- Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường nắm tình hình, quản lý địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng tại địa bàn được phân công phụ trách; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình
Thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách quy định về kinh doanh của nhà nước; cung cầu, giá cả hàng hóa để ngăn chặn tình trạng tin đồn thất thiệt, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng bất lợi đến người tiêu dùng;
Đăng tải kịp thời thông tin về Chương trình trên phương tiện thông tin do đơn vị quản lý, khai thác, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố để triển khai Chương trình.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Tuyên truyền, đôn đốc các thương nhân phân phối thực phẩm trên địa bàn phối hợp với các doanh nghiệp, trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp thịt lợn cho thị trường để phân phối và thực hiện việc điều chỉnh giá thành sản phẩm tương ứng cho người tiêu dùng;
- Giới thiệu các thương nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tham gia, tích cực hưởng ứng Chương trình này.
9. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh
- Chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì, chủ động linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ nguồn hàng cho thị trường;
- Vận động và giới thiệu các doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng Chương trình.
10. Công an tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, lực lượng Công an các huyện, thành phố tăng cường công tác nắm tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả đối với các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt đối với nhóm hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
11. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh
Chủ động tiếp xúc, nắm bắt nhu cầu vay vốn; cân đối, bố trí nguồn vốn để kịp thời cho vay các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ với lãi suất hợp lý.
12. Các thương nhân đăng ký tham gia Chương trình
- Nhận Băng rôn và treo tại điểm bán đã đăng ký với Sở Công Thương;
- Thực hiện đúng cam kết khi tham gia Chương trình. Niêm yết giá và bán hàng theo đúng giá niêm yết tại các điểm bán hàng đã đăng ký;
- Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đúng Kế hoạch đã được phê duyệt.
V. KINH PHÍ LẬP, XÂY DỰNG, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Các chi phí cho việc xây dựng Kế hoạch, tổ chức thực hiện được lấy từ nguồn vốn khuyến thương năm 2025 của tỉnh.
VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Sau khi kết thúc Chương trình, các thương nhân tham gia Chương trình báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương trước ngày 20/4/2025 để tổng hợp, xây dựng báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công Thương theo quy định.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời giải quyết./.
| KT. CHỦ TỊCH |
(Mẫu)
.................................... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Thái Bình, ngày… tháng… năm…… |
BẢN ĐĂNG KÝ THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH:
“Bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”.
Kính gửi: Sở Công Thương Thái Bình.
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Tên thương nhân: ..................................................................................................
2. Người đại diện pháp luật: ......................................................................................
Chức vụ: ................................................ Điện thoại: .................................................
3. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hộ kinh doanh) số: ...................................
đăng ký lần đầu ngày: .... /…../……; thay đổi lần thứ ... ngày: .... /…../……; do sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thái Bình cấp.
4. Ngành nghề kinh doanh: ........................................................................................
5. Địa chỉ: .................................................................................................................
II. NỘI DUNG ĐĂNG KÝ
1. Mặt hàng và số lượng đăng ký tham gia (Gạo và các sản phẩm được chế biến từ gạo; Thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm được chế biến từ Thịt gia súc, gia cầm; Thủy, hải sản và các sản phẩm được chế biến từ Thủy, hải sản; Dầu ăn; Nước mắm; Mỳ chính; Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; xăng dầu).
TT | Mặt hàng | Quy cách chất lượng | Đơn vị tính | Đăng ký giá bán (đ) | Tổng Lượng hàng dự trữ | Ghi chú |
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Đăng ký các điểm bán hàng bình ổn
a. Địa điểm cố định
TT | Địa điểm | Kích thước băng rôn | Địa chỉ | Thời gian bán hàng |
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
b. Địa điểm bán hàng lưu động
STT | Địa bàn | Địa chỉ | Thời gian bán hàng |
1 |
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
III. CAM KẾT THỰC HIỆN
1. Tổ chức dự trữ hàng hóa bảo đảm số lượng, chất lượng, giá cả.
2. Tổ chức bán hàng theo đúng quy định của Chương trình với giá đã thực hiện đăng ký; niêm yết giá theo mức giá đã đăng ký và bán hàng theo đúng giá niêm yết tại các điểm bán hàng bình ổn; Cam kết không tăng giá trong thời gian tham gia Chương trình nếu giá thị trường biến động tăng đến 10%; Trường hợp thị trường có biến động tăng giá trên 10% thì thương nhân điều chỉnh giá bán nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường tối thiểu là 5%.
3. Đối với mặt hàng xăng dầu đảm bảo cung ứng phục vụ đủ cho người dân hoạt động sản xuất, kinh doanh về số lượng, chất lượng và thực hiện đúng theo các quy định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
4. Kịp thời cung ứng đủ hàng khi thị trường có biến động bất thường.
5. Thực hiện các điểm bán hàng cố định, lưu động như đã đăng ký với Sở Công Thương./.
| Đại diện thương nhân |