Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 24 tháng 01 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 102/2017/NĐ-CP NGÀY 01/09/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐĂNG KÝ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Thực hiện Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm và Quyết định số 2300/QĐ-BTP ngày 13/11/2017 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai thi hành đầy đủ và thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (Sau đây viết là Nghị định số 102/2017/NĐ-CP) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

b) Xác định cụ thể nội dung công việc, tiến độ, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 102/2017/NĐ-CP.

2. Yêu cầu

a) Tổ chức thực hiện nghiêm túc, thống nhất và đồng bộ các quy định của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh.

b) Các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và thực hiện đầy đủ các nội dung, đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ đã nêu trong Kế hoạch.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tổ chức quán triệt, triển khai, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nghiệp vụ pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Quý I/2018 và thường xuyên.

b) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm cho đội ngũ cán bộ làm công tác này.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp,

- Cơ quan phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện.

- Thời gian thực hiện: Quý II/2018

2. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản có chứa quy phạm pháp luật liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm để kiến nghị cơ quan ban hành sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ cho phù hợp với Nghị định số 102/2017/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Quý I/2018 và thường xuyên khi có văn bản mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung.

3. Công bố, niêm yết thủ tục hành chính

a) Rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố Danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Sau khi có Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm được ban hành.

b) Niêm yết, công khai thủ tục hành chính

b.1) Niêm yết công khai thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký biện pháp bảo đảm

Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện.

b.2) Cập nhật, đăng tải công khai thủ tục hành chính

- Trên Website thủ tục hành chính tỉnh:

Cơ quan thực hiện: Văn phòng UBND tỉnh.

- Trên Website của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Do cơ quan có Website thực hiện.

Thời gian thực hiện: Sau khi Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố Danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm được ban hành.

4. Theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan căn cứ Kế hoạch này tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị định số 102/2017/NĐ-CP tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

2. Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc và kiểm tra các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các nội dung được nêu trong Kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ; tổng hợp báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; chỉ đạo, hướng dẫn Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo tình hình, kết quả đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất gửi Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

4. Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí theo quy định của pháp luật để thực hiện Kế hoạch này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp; B/cáo
- TT Tỉnh ủy; B/cáo
- TT HĐND tỉnh; B/cáo
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: Tư pháp, TN&MT, Tài chính;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Thị Thìn