Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 25 tháng 01 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THÍ ĐIỂM TRIỂN KHAI THANH TRA CHUYÊN NGÀNH AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI TUYẾN HUYỆN, XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

Thực hiện Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Triển khai kịp thời các nội dung tại Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

- Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền tại tuyến huyện, thành phố, thị xã (tuyến huyện) và xã, phường, thị trấn (tuyến xã), đặc biệt trong công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

2. Yêu cầu:

- Việc tổ chức thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tuyến huyện và tuyến xã phải đúng quy định của pháp luật hiện hành, không tăng biên chế, bảo đảm khách quan, tiết kiệm, hiệu quả.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần quyết liệt và thường xuyên; phải đảm bảo thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tránh chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra.

- Các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tham mưu mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm và định kỳ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiệp vụ tại các đơn vị thí điểm.

II. ĐỐI TƯỢNG TRIỂN KHAI

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn được chọn làm thí điểm.

- Các cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm.

- Người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn theo Điều 2, Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm ở cấp huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn được chọn làm thí điểm và các tổ chức cá nhân khác có liên quan.

III. THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM TRIỂN KHAI

1. Thời gian:

- Giai đoạn triển khai công tác chuẩn bị: Từ ngày 10/01/2019 đến ngày 09/7/2019.

- Giai đoạn triển khai thí điểm: Từ ngày 10/7/2019 đến ngày 10/7/2020.

2. Địa điểm: Thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm được triển khai tại 03 huyện, thành phố, thị xã và 12 xã, phường, thị trấn gồm:

STT

Huyện, thành phố, thị xã

Xã, phường, thị trấn

1

Thành phố Hà lĩnh

Phường Nam Hà, Phường Bắc Hà, phường Nguyễn Du, Phường Trần Phú

2

Thị xã Kỳ Anh

Phường Sông Trí, Phường Kỳ Long, Phường Kỳ Liên, Phường Kỳ Trinh

3

Huyện Thạch Hà

Thị trấn Thạch Hà, Xã Thạch Hải, Xã Thạch Điền, Xã Thạch Tân

IV. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

- Xây dựng Kế hoạch thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức Hội nghị triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn được chọn làm thí điểm xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn; ban hành Quyết định giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho công chức, viên chức đủ điều kiện theo quy định.

2. Công tác đào tạo, tập huấn:

2.1. Tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành, chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm cho cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn được chọn thí điểm.

- Đối tượng đào tạo: Theo Điều 2, Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, yêu cầu thực hiện đúng các quy định: Người được đào tạo phải xác định vị trí công tác lâu dài; số lượng người đào tạo phải bằng 150% số lượng người được cơ cấu vào các đoàn thanh tra chuyên ngành để dự phòng.

- Đơn vị đào tạo: Trường Thanh tra Chính phủ.

- Thời gian đào tạo: 07 ngày.

- Nội dung đào tạo: Nghiệp vụ thanh tra, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm, nghiệp vụ lấy mẫu thực phẩm.

2.2. Các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương định kỳ tổ chức các lớp đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra chuyên ngành tại các địa phương thí điểm.

3. Công tác kiểm tra, giám sát

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương thành lập Tổ kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn, ủy quyền Giám đốc Sở Y tế quyết định thành lập Tổ kiểm tra, giám sát sau khi thống nhất với các sở liên quan. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá theo quý để kịp thời hướng dẫn, rút kinh nghiệm trong công tác triển khai.

4. Thực hiện chế độ báo cáo: Tổ chức đánh giá, tổng hợp báo cáo định kỳ 06 tháng, 01 năm.

V. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Giai đoạn chuẩn bị: Từ ngày 10/01/2019 đến ngày 09/7/2019

- Sở Y tế tham mưu xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện, tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành trước ngày 20/02/2019.

- Sở Y tế tham mưu tổ chức đào tạo chứng chỉ thanh tra chuyên ngành, chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm cho các cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị thí điểm, hoàn thành trước ngày 15/4/2019.

- Các huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm triển khai: Ban hành kế hoạch triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn; kế hoạch thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm năm 2019, năm 2020; quyết định giao nhiệm vụ cho cán bộ thực hiện thanh tra chuyên ngành.

2. Giai đoạn thí điểm thanh tra chuyên ngành: Từ ngày 10/7/2019 đến ngày 10/7/2020

- Tiến hành thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại địa bàn theo kế hoạch được phê duyệt; xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, giao ban, hướng dẫn thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các địa phương thực hiện thí điểm.

- Tổ chức Hội nghị đánh giá sơ kết 6 tháng, tổng kết 01 năm triển khai thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành trên địa bàn.

VI. CÔNG TÁC BÁO CÁO

1. Định kỳ 06 tháng, 01 năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã gửi báo cáo về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định tại Điều 21, Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

VII. KINH PHÍ

- Hàng năm, Sở Y tế xây dựng dự toán kinh phí (nội dung đào tạo, sơ kết, tổng kết) gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Đối với các huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn: Thực hiện theo Khoản 1, Điều 23, Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

VIII. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Y tế:

- Là cơ quan đầu mối, có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành, phổ biến quy định bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế quản lý cho các đối tượng được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

- Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí tổ chức việc đào tạo cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành, chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, các quy định an toàn thực phẩm cho các cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

- Chỉ đạo Thanh tra Sở quyết định thanh tra lại vụ việc do ngành Y tế quản lý đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện kết luận nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

- Cử cán bộ tham gia tổ công tác thực hiện kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thanh tra chuyên ngành tại các huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn.

- Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo định kỳ, chuẩn bị công tác sơ kết, tổng kết.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã triển khai thí điểm tổ chức thực hiện Kế hoạch đảm bảo mục đích, yêu cầu đề ra.

- Cử cán bộ tham gia tổ công tác thực hiện kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thanh tra chuyên ngành tại các địa phương thực hiện thí điểm.

- Chỉ đạo Thanh tra Sở và các đơn vị trực thuộc hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra và các quy định an toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý cho lực lượng thanh tra chuyên ngành tại các địa phương thực hiện thí điểm.

- Chỉ đạo Thanh tra Sở quyết định thanh tra lại vụ việc thuộc lĩnh vực do ngành Nông nghiệp quản lý đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện kết luận nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

3. Sở Công Thương

- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã triển khai thí điểm tổ chức thực hiện Kế hoạch đảm bảo mục đích, yêu cầu nêu trên.

- Cử cán bộ tham gia tổ công tác thực hiện kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thanh tra chuyên ngành tại các địa phương thực hiện thí điểm.

- Chỉ đạo Thanh tra Sở và các đơn vị trực thuộc hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra và các quy định an toàn thực phẩm thuộc Bộ Công Thương quản lý cho lực lượng thanh tra chuyên ngành tại các địa phương thực hiện thí điểm.

- Chỉ đạo Thanh tra Sở quyết định thanh tra lại vụ việc thuộc lĩnh vực do ngành Công Thương quản lý đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện kết luận nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

4. Sở Tài chính:

Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai thực hiện Quyết định số 47/2017/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này.

5. UBND: Thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, huyện Thạch Hà:

- Xây dựng Kế hoạch và triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn.

- Ban hành Quyết định giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho công chức, viên chức đủ điều kiện theo quy định thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

- Xây dựng và ban hành Kế hoạch thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm hàng năm, gửi Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, chỉ đạo; phê duyệt kế hoạch thanh tra của các đoàn thanh tra thuộc thẩm quyền.

- Ban hành quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra của cấp huyện. Tiến hành thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đúng quy định hiện hành.

- Quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm.

- Đảm bảo trang phục và chế độ cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

- Quản lý và sử dụng đúng quy định tiền xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

6. UBND các cấp xã được chọn thí điểm: Phường Nam Hà, Phường Bắc Hà, phường Nguyễn Du, Phường Trần Phú, Phường Sông Trí, Phường Kỳ Long, Phường Kỳ Liên, Phường Kỳ Trinh, Thị trấn Thạch Hà, xã Thạch Điền, xã Thạch Hải, xã Thạch Tân:

- Tổ chức thực hiện kế hoạch thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn.

- Ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho công chức, thanh tra viên, viên chức đủ điều kiện theo quy định thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

- Xây dựng và ban hành Kế hoạch thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm hàng năm, gửi UBND cấp huyện để báo cáo; phê duyệt kế hoạch thanh tra của các đoàn thanh tra thuộc thẩm quyền.

- Tiến hành thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đúng quy định hiện hành.

- Đảm bảo trang phục và chế độ cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

- Quản lý và sử dụng đúng quy định tiền xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

Yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn được chọn làm thí điểm triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Y tế (Qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) để được hướng dẫn, xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền Sở Y tế báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế);
-Thanh tra tỉnh;
- Các Sở: Y tế, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- UBND: Thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, huyện Thạch Hà;
- UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thí điểm;
- Trung tâm TT-CB-TH;
- Lưu: VT, KGVX1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Quốc Vinh