Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 10 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2020

Nhằm thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Công chứng năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch; Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng; Thông tư số 06/2015/TT-BTP ngày 15 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng và Quyết định số 11/2019/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng; đồng thời, để hoạt động quản lý nhà nước về công chứng ở địa phương được đi vào nề nếp và đạt hiệu quả cao, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện công tác quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2020, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Đưa hoạt động quản lý nhà nước về công chứng đi vào nề nếp, có hiệu quả. Qua đó xây dựng được mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân, góp phần thúc đẩy các quan hệ, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại trên địa bàn thành phố phát triển tốt;

b) Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân; đồng thời đảm bảo sự phối hợp có hiệu quả trong quá trình quản lý nhà nước về công chứng.

2. Yêu cầu

a) Phải xác định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức có liên quan cũng như đưa ra giải pháp, tiến độ phù hợp, đảm bảo tính khả thi của kế hoạch;

b) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan, tổ chức căn cứ Kế hoạch chủ động triển khai thực hiện, phối hợp thực hiện đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành

a) Nội dung: Triển khai kịp thời các văn bản pháp luật mới và các văn bản liên quan đến hoạt động công chứng và quản lý nhà nước về công chứng;

b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

c) Cơ quan phối hợp: Sở, ngành, tổ chức có liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện, Hội Công chứng viên thành phố, tổ chức hành nghề công chứng;

d) Thời gian thực hiện: Trong năm 2020.

2. Sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và Hội Công chứng viên thành phố

a) Nội dung: Tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và Hội Công chứng viên thành phố, qua đó sửa đổi, bổ sung Quy chế;

b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

c) Cơ quan phối hợp: Hội Công chứng viên thành phố, cơ quan, tổ chức có liên quan;

d) Thời gian thực hiện: Quý II năm 2020.

3. Tổ chức Đại hội bất thường Hội Công chứng viên thành phố

a) Nội dung: Thực hiện các nội dung và tổ chức Đại hội bất thường Hội công chứng viên thành phố;

b) Cơ quan chủ trì: Hội Công chứng viên thành phố;

c) Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và các cơ quan ban, ngành có liên quan;

d) Thời gian tổ chức thực hiện Đại hội: Quý II năm 2020.

4. Rà soát, phát triển tổ chức hành nghề công chứng, Công chứng viên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

a) Nội dung: Rà soát, phát triển tổ chức hành nghề công chứng, Công chứng viên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với nhu cầu công chứng của từng địa bàn cấp huyện, bảo đảm tổ chức hành nghề công chứng phát triển gắn với địa bàn dân cư, đáp ứng nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch của người dân, doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội;

b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

c) Cơ quan phối hợp: Sở, ngành có liên quan;

d) Thời gian thực hiện: Trong năm 2020.

5. Xây dựng thể chế

a) Nội dung: Rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực công chứng để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới;

b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

c) Cơ quan phối hợp: Sở, ngành có liên quan;

d) Thời gian thực hiện: Trong năm 2020.

6. Quản lý, sử dụng, bảo trì cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực

a) Nội dung: Quản lý, sử dụng; đồng thời, thuê đơn vị có đủ năng lực thực hiện bảo trì Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực của thành phố (Hệ thống), đảm bảo Hệ thống được vận hành đạt hiệu quả cao.

b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

c) Cơ quan phối hợp: Sở, ngành có liên quan;

d) Thời gian thực hiện: Trong năm 2020.

7. Thanh tra, kiểm tra tổ chức, hoạt động công chứng

a) Nội dung: Thực hiện kiểm tra, thanh tra định kỳ, thường xuyên tổ chức và hoạt động của công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật của các công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng đúng theo quy định của pháp luật;

b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

c) Cơ quan phối hợp: Sở, ngành có liên quan;

d) Thời gian thực hiện: Trong năm 2020.

III. KINH PHÍ TRIỂN KHAI

Kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch này bao gồm kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và kinh phí đóng góp, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở, ngành, tổ chức có liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ động thực hiện Kế hoạch này.

2. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.

3. Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan đảm bảo kinh phí thực hiện Kế hoạch này.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện công tác quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2020. Trong quá trình thực hiện, phát sinh khó khăn, vướng mắc, cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo kịp thời./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Quang Hoài Nam