Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 201/KH-UBND

Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 26/2016/QĐ-TTG NGÀY 01/7/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc; xét đề nghị của Sở Công Thương tại tờ trình số 4964/TTr-SCT ngày 04/10/2016, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Triển khai có hiệu quả, thiết thực nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01/7/2016 về thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất độc trên địa bàn Thành phố.

- Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng ứng phó sự cố hóa chất của Thành phố, kịp thời xử lý và khắc phục hậu quả sự cố hóa chất độc xảy ra trên địa bàn;

- Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất Thành phố hàng năm nhằm chủ động, sẵn sàng ứng phó khi tình huống thật xảy ra.

2. Yêu cầu:

- Kế hoạch Phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của thành phố Hà Nội phải được cập nhật, bổ sung, phù hợp Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực tế địa phương.

- Công tác phối hợp ứng phó sự cố hóa chất giữa các cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan trên địa bàn Thành phố đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, hiệu quả.

- Các cơ quan, đơn vị có lực lượng tham gia ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn Thành phố phải trang bị cơ sở vật chất ứng phó sự cố hóa chất xây dựng chương trình công tác hàng năm, định kỳ tổ chức huấn luyện, diễn tập ứng phó khắc phục hậu quả sự cố hóa chất theo đúng chức năng nhiệm vụ.

II. NỘI DUNG:

1. Các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện:

- Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội và các Tiểu ban Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận huyện, thị xã.

- Các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã.

- Các cơ sở có hoạt động hóa chất trên địa bàn Thành phố.

2. Nội dung chính:

a) Rà soát, bổ sung Kế hoạch Phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 1203/QĐ-UBND ngày 14/3/2016, bao gồm các nội dung:

- Khảo sát, đánh giá danh mục hóa chất độc hại, ngưỡng tồn tại các hóa chất độc quy định tại Phụ lục Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ của tất cả các cơ sở có hoạt động hóa chất trên địa bàn Thành phố; Hoàn thành trong Quý 3/2017.

- Điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch Phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của thành phố Hà Nội; Hoàn thành trước ngày 20/11/2016.

b) Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất hàng năm của Thành phố gồm các cơ quan, đơn vị tham gia:

- Các cơ quan chỉ đạo, cơ quan chỉ huy xử lý sự cố hóa chất cấp Thành phố: Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội.

- Các lực lượng tham gia ứng phó sự cố hóa chất của Thành phố: Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường; Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội, Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; UBND các quận, huyện, thị xã; các tổ chức tồn trữ hóa chất độc và các đơn vị xung quanh phối hợp.

- Các đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, lưu giữ hóa chất nguy hiểm trên địa bàn Thành phố.

c) Theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các đơn vị có hoạt động hóa chất (trong đó có hóa chất độc) xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch Phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất hàng năm tại đơn vị theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ:

1. Sở Công Thương:

- Thực hiện nhiệm vụ chỉ huy ứng phó sự cố hóa chất khi có sự cố hóa chất độc; chỉ đạo và trực tiếp tổ chức hoạt động ứng phó sự cố hóa chất, yêu cầu hiệp đồng các lực lượng tham gia cứu hộ của các cơ quan, đơn vị.

- Tham mưu UBND Thành phố rà soát, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của Thành phố phù hợp Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức thực hiện Kế hoạch Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất hàng năm của thành phố Hà Nội, nhất là các cuộc diễn tập đối với các hóa chất độc.

- Theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các đơn vị có hoạt động hóa chất xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch Phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của đơn vị.

- Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Bộ Công Thương, UBND Thành phố tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch Phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn Thành phố.

2. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội:

- Chủ trì thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố. Báo cáo Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn trong trường hợp xảy ra sự cố hóa chất nghiêm trọng để được hỗ trợ khi cần thiết.

- Phối hợp Sở Công Thương và các Sở, ngành liên quan trong việc xây dựng phương án ứng phó sự cố hóa chất độc kết hợp việc sử dụng lực lượng phương tiện, thiết bị, vật tư của quân đội và các phương án tác nghiệp để sẵn sàng ứng phó sự cố hóa chất theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và UBND thành phố Hà Nội.

- Tổ chức huấn luyện cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm thuộc quyền và sẵn sàng tham gia ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố hóa chất độc trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố hóa chất độc.

- Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, UBND Thành phố tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất độc trên địa bàn Thành phố.

3. Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố Hà Nội:

- Chỉ đạo, tổ chức các đơn vị, lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố liên quan đến hóa chất độc xảy ra trên địa bàn Thành phố. Huy động lực lượng, sử dụng trang thiết bị bảo vệ cá nhân phù hợp trực tiếp tiến hành xử lý sự cố tại hiện trường.

- Tham gia công tác điều tra nguyên nhân sự cố.

4. Công an thành phố Hà Nội:

- Tổ chức phân luồng giao thông, tạo vùng cách ly cho từng địa bàn cụ thể khi có sự cố hóa chất độc. Chỉ đạo Công an quận, huyện, thị xã phối hợp cơ quan quân sự cung cấp và các ngành chức năng liên quan xây dựng phương án phối hợp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực xảy ra sự cố hóa chất.

- Chủ trì tổ chức công tác điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố hóa chất; truy cứu các tổ chức, cá nhân gây ra sự cố hóa chất nghiêm trọng.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Tiếp nhận và xác nhận thông tin về sự cố hóa chất, phối hợp các lực lượng tổ chức xử lý vô hiệu hóa nguồn hóa chất độc hại tránh phát tán ra môi trường, cung cấp các tính chất nguy hại của hóa chất cho lực lượng xử lý tại hiện trường.

- Chủ trì xây dựng phương án khắc phục các ảnh hưởng lâu dài của sự cố tới môi trường kế hoạch quan trắc, giám sát môi trường sau khi ứng phó.

- Phối hợp tham gia công tác điều tra nguyên nhân sự cố. Chủ trì phối hợp các bên liên quan đánh giá thiệt hại do sự cố đối với môi trường.

6. Sở Y tế:

- Xây dựng hệ thống y tế từ Thành phố đến xã, phường sẵn sàng tham gia cấp cứu người bị nạn khi xảy ra sự cố hóa chất độc.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành tại các địa phương khẩn trương tổ chức cấp cứu nạn khi có sự cố hóa chất độc xảy ra đồng thời phối hợp với các bệnh viện Bộ, ngành nằm trên địa bàn tổ chức cấp cứu nạn nhân. Phối hợp chính quyền địa phương giám sát sức khỏe những người có mặt trong vùng cách ly ban đầu khi sự cố hóa chất độc xảy ra và sau khi đã khắc phục sự cố để đảm bảo phát hiện và cứu chữa kịp thời tất cả các nạn nhân.

- Tham gia công tác điều tra nguyên nhân sự cố. Chủ trì đánh giá thiệt hại về sức khỏe của con người.

7. Sở Giao thông Vận tải:

- Theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp các lực lượng Công an Thành phố, chính quyền địa phương đảm bảo công tác giao thông phục vụ ứng phó sự cố hóa chất độc và thoát nạn khi có yêu cầu.

- Chủ trì điều tra nguyên nhân sự cố hóa chất độc trong quá trình vận chuyển.

8. Các Sở, ban, ngành Thành phố có liên quan (Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội...) căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao sẵn sàng tham gia hiệp đồng ứng phó sự cố hóa chất độc theo yêu cầu; phối hợp tham gia điều tra nguyên nhân sự cố hóa chất; phối hợp Sở Công thương rà soát, bổ sung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của thành phố Hà Nội.

9. UBND các quận, huyện, thị xã:

- Khi có sự cố hóa chất độc xảy ra trên địa bàn, thực hiện nhiệm vụ thông tin, liên lạc, hiệp đồng ứng phó và khắc phục sự cố theo quy định tại Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất và Quy chế tổ chức, phối hợp hoạt động của Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, chủ động tham mưu, ứng phó, ngăn chặn sự cố, giảm thiểu thiệt hại.

- Phối hợp Sở Công Thương rà soát, bổ sung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của thành phố Hà Nội.

- Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất định kỳ 6 tháng/lần hoặc đột xuất theo yêu cầu của UBND Thành phố, Sở Công Thương.

10. Các cơ sở có hoạt động hóa chất độc:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch/Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất, sẵn sàng tham gia vào hoạt động chung ứng phó sự cố hóa chất độc theo sự điều động, chỉ huy thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền.

- Hàng năm phải có kế hoạch tổ chức tập huấn hoặc cử cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia ứng phó dự các khóa tập huấn để nâng cao kỹ năng ứng phó. Có kế hoạch đầu tư trang thiết bị, vật tư để từng bước nâng cao năng lực tự ứng phó của cơ sở theo quy định.

- Chủ động triển khai các hoạt động ứng phó, huy động nguồn lực ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra sự cố hóa chất độc.

- Định kỳ 6 tháng/lần hoặc đột xuất theo yêu cầu báo cáo Sở Công thương, Bộ Tư lệnh Thủ đô tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất độc của đơn vị.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị có hoạt động hóa chất độc trên địa bàn Thành phố nghiêm túc thực hiện Kế hoạch này; trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, thông tin hoặc gửi văn bản tới Sở Công Thương tổng hợp, đề xuất UBND Thành phố xem xét, giải quyết kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực: TU, HĐND TP;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- PCT Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Doãn Toản;
- Bộ Công Thương;
- VPUB Quốc gia tìm kiếm cứu nạn;
- Các Sở, ban, ngành TP (14);
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, PCVPP.C.Công, T.V.Dũng, KT, NC, TKBT;
- Lưu: VT, KTHương.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Doãn Toản