Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2029/KH-UBND

Bình Dương, ngày 28 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 362/QĐ-TTG NGÀY 03/4/2019 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ BÁO CHÍ TOÀN QUỐC ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 362/QĐ-TTg); Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT ngày 04/6/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là kế hoạch số 1738/KH-BTTTT), Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai có hiệu quả Quyết định số 362/QĐ-TTg, Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí, đảm bảo sắp xếp hệ thống báo chí của tỉnh một cách tinh gọn, hiệu quả để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả.

2. Yêu cầu

Việc triển khai phải đảm bảo đúng với quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

II. NỘI DUNG, PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Đối với báo và tạp chí in, báo và tạp chí điện tử

1.1. Định hướng

Sắp xếp các cơ quan báo in gắn với đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng các cơ quan báo in, mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm. Các cơ quan báo chí in được giao quyền tự chủ tài chính. Tỉnh có chính sách ưu tiên đầu tư ngân sách cho cơ quan báo chí in chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số ấn phẩm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị cụ thể của tỉnh.

Các cơ quan báo, tạp chí in được phép có báo, tạp chí điện tử. Các báo, tạp chí điện tử tự cân đối tài chính. Tạp chí điện tử phải thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử.

1.2. Phương án sắp xếp

- Giữ nguyên Báo Bình Dương - cơ quan báo in thuộc Đảng bộ tỉnh. Báo Bình Dương điện tử tiếp tục hoạt động theo giấy phép đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

- Giữ nguyên Tạp chí Văn nghệ Bình Dương - cơ quan tạp chí in thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.

- Tạp chí của các trường đại học (Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật, Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một, Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Trường Đại học Bình Dương) tiếp tục hoạt động theo giấy phép đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

- Về hoạt động của Tạp chí Lao động Bình Dương: Liên đoàn Lao động Bình Dương - cơ quan chủ quản của Tạp chí Lao động Bình Dương xây dựng đề án phát triển Tạp chí Lao động Bình Dương (kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động), đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép giữ lại Tạp chí Lao động Bình Dương để phục vụ công tác nghiên cứu và đề xuất những giải pháp liên quan đến công nhân, lao động và công đoàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1.3. Lộ trình thực hiện

a) Đối với Báo Bình Dương:

- Duy trì và tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Báo in và Báo điện tử theo giấy phép đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

- Xây dựng Đề án đổi mới hoạt động theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Dương.

b) Đối với Tạp chí Văn nghệ Bình Dương:

Duy trì nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ Bình Dương, có thể xuất bản thêm tạp chí điện tử bảo đảm thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử.

c) Đối với tạp chí của các trường đại học:

Duy trì nâng cao chất lượng tạp chí chuyên ngành, có thể xuất bản thêm tạp chí điện tử bảo đảm thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử.

d) Đối với Tạp chí Lao động Bình Dương:

Trước ngày 30/6/2020, Liên đoàn Lao động Bình Dương - cơ quan chủ quản của Tạp chí Lao động Bình Dương xây dựng đề án trình Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép giữ lại Tạp chí Lao động Bình Dương.

2. Đối với phát thanh, truyền hình

2.1. Định hướng

Đổi mới theo hướng tập trung sản xuất chương trình, đảm bảo thời lượng phát sóng chương trình sản xuất trong nước của kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày của từng kênh chương trình (trong đó, thời lượng chương trình tự sản xuất mới đạt tối thiểu 30% thời lượng các chương trình sản xuất trong nước); việc khai thác các nội dung từ kênh chương trình truyền hình nước ngoài tập trung vào tin thời sự quốc tế, khoa học kỹ thuật, thể thao, giải trí và không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày của kênh đó.

2.2. Phương án sắp xếp

Giữ nguyên Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương - đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương duy trì, nâng cao chất lượng 01 kênh phát thanh, 01 kênh truyền hình và 01 trang thông tin điện tử phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của tỉnh.

2.3. Lộ trình thực hiện

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tiếp tục tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên. Tỉnh thực hiện cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị cụ thể của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện Đề án kiện toàn cơ cấu, tổ chức, bộ máy đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động để Đài ngày càng phát triển.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

- Định hướng tuyên truyền các quan điểm, chỉ đạo của Đảng đối với công tác báo chí và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn xã hội.

- Tiếp tục phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông làm tốt công tác định hướng, quản lý báo chí trên địa bàn tỉnh.

2. Các cơ quan chủ quản báo chí

- Chỉ đạo cơ quan báo chí xây dựng đề án hoạt động theo Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí; có giải pháp cụ thể tạo điều kiện cho đội ngũ những người làm công tác báo chí cống hiến và phát triển.

- Quan tâm đầu tư cho cơ quan báo chí đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ truyền thông tiên tiến.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra các cơ quan báo chí thực hiện các quy định của pháp luật về báo chí.

- Xây dựng và đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế, chính sách để hoạt động báo chí phát triển đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo người dân, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu của tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp, cân đối các nguồn lực để thực hiện đầu tư phát triển các cơ quan báo chí của tỉnh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh.

5. Sở Tài chính

- Đảm bảo kinh phí cho các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển báo chí trên địa bàn tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chủ trì đề xuất các cơ chế, chính sách (thuê, phí...) để hoạt động báo chí phát triển đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật về tài chính đối với các cơ quan báo chí được hỗ trợ hoặc đảm bảo kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước.

6. Sở Nội vụ

- Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí theo Kế hoạch này.

- Phối hợp tham mưu cấp có thẩm quyền tổ chức bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức ngành báo chí.

7. Hội Nhà báo tỉnh

- Tăng cường công tác quản lý hội viên; bồi dưỡng, hướng dẫn hội viên thực hiện tốt các quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam;

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, người làm báo trong tỉnh.

8. Các cơ quan báo chí của tỉnh

- Căn cứ vào nội dung Kế hoạch này, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng yêu cầu và thời gian quy định.

- Rà soát giấy phép hoạt động báo chí và thực hiện các thủ tục cấp lại giấy phép, sửa đổi, bổ sung giấy phép (nếu có) theo quy định (thời hạn gửi hồ sơ cho Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 30/6/2020).

- Quán triệt quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác báo chí và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên... trong cơ quan báo chí, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện Quy hoạch.

- Thực hiện rà soát, sắp xếp các phòng chuyên môn; rà soát các vị trí việc làm để bố trí nguồn nhân lực phù hợp, đúng năng lực, sở trường đảm bảo hiệu quả. Thực hiện bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên...phù hợp định hướng phát triển đến năm 2025.

- Tiếp tục đổi mới, hình thức nội dung các ấn phẩm, tập trung sản xuất chương trình đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhu cầu thông tin của công chúng. Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các dịch vụ thông tin báo chí để tạo nguồn thu nhập hợp pháp, tăng nguồn thu từ quảng cáo, góp phần tăng nguồn đầu tư cho hoạt động báo chí.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị các cơ quan, đơn vị báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông) để xem xét, chỉnh sửa cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TT. Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, PCT.UBND tỉnh;
- Ban TGTU;
- Các Sở, Ban, ngành(20);
- Liên đoàn LĐ tỉnh;
- Hội Nhà báo tỉnh;
- Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh;
- Các cơ quan báo chí của tỉnh(7);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- TTCB, Cổng TTĐT tỉnh;
- LĐVP, Dg, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Minh Hưng