ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 204/KH-UBND | Đồng Tháp, ngày 06 tháng 7 năm 2021 |
PHÁT TRIỂN VẬN TẢI TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
Căn cứ Kế hoạch số 305/KH-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động năm 2021 của Tỉnh ủy khóa XI và Nghị quyết của HĐND Tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021;
Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 03/6/2020 về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025);
Căn cứ Nghị quyết số 220/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân Tỉnh về việc thông qua Quy hoạch phát triển vận tải tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Căn cứ Quy hoạch phát triển vận tải tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1653/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp;
Căn cứ Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 16/8/2018 của UBND tỉnh Phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch phát triển vận tải tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, với các nội dung sau:
1.1. Mục tiêu tổng quát
- Phát triển vận tải trên cơ sở tổ chức hợp lý với nhiều phương thức vận tải, đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý, nhanh chóng, tiện lợi; an toàn tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường.
- Nâng cao chất lượng các loại hình vận tải hành khách công cộng, phát huy lợi thế về vận tải hàng hóa đường thủy kết hợp với phát triển logistic nhằm giảm giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa.
- Tập trung đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư xã hội hóa trong đầu tư hoạt động vận tải như: bến, bãi, phương tiện vận tải,…đồng thời thực hiện các hạng mục đầu tư công, phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Theo niên giám thống kê Đồng Tháp năm 2019:
Vận tải hành khách vận chuyển được 48,62 triệu lượt khách; so với năm trước tăng 14,59% về hành khách vận chuyển.
Vận tải hàng hoá vận chuyển được 6,11 triệu tấn; so với năm trước tăng 2,64% về hàng hóa vận chuyển.
- Theo Quy hoạch phát triển vận tải tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1653/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh Đồng Tháp, đến năm 2025 phấn đấu đạt:
Vận chuyển hành khách đáp ứng nhu cầu đạt khoảng 79 triệu lượt hành khách, trong đó đường bộ chiếm 77% và đường thủy chiếm 23%.
Vận chuyển hàng hóa đáp ứng nhu cầu đạt khoảng 22-25 triệu tấn, trong đó đường bộ chiếm 40% và đường thủy chiếm 60%.
2.1. Phát triển vận tải đường bộ
2.1.1 Vận tải hành khách đường bộ:
- Vận tải hành khách cố định nội tỉnh: duy trì hoạt động các tuyến vận tải hành khách nội tỉnh, nâng cao mức độ phục vụ, tần suất hoạt động. Mở mới một số tuyến phục vụ nhu cầu đi lại của người dân như: Tuyến Bến xe Tháp Mười - Bến xe Thanh Mỹ, Bến xe Thanh Mỹ - Bến xe TP Cao Lãnh, Bến xe Tân Phước - Bến xe TP Cao Lãnh, Bến xe Trường Xuân - Bến xe thành phố Hồng Ngự.
- Vận tải hành khách cố định liên tỉnh: duy trì hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh hiện hữu, đảm bảo chất lượng phục vụ từng tuyến đạt chuẩn theo quy định. Mở rộng mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh ra các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh Miền Trung dựa trên nhu cầu thực tế tại địa phương và Quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải.
- Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt: tiếp tục triển khai và thực hiện Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 16/8/2018 của UBND tỉnh giai đoạn 2021 đến 2025. Mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt vận tải hành khách chất lượng cao đi đến các Khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
- Vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi: mở rộng quy mô hoạt động ở các địa bàn hiện hữu đang khai thác đồng thời định hướng phát triển taxi đến tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
- Vận tải hành khách theo hợp đồng: các loại hình xe hợp đồng phát triển phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thực tế. Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả hoạt động.
- Phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vận tải hành khách (dành cho khách tham quan du lịch) tại các khu vực hạn chế đã được cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án thí điểm.
- Tăng cường hoạt động vận tải liên vận Việt Nam - Campuchia; đặc biệt thông qua cặp cửa quốc tế Dinh Bà (tỉnh Đồng Tháp) - Bontia Chăk Crây (tỉnh Prey Veng) nhằm phát huy tối đa hiệu quả của hiệp định liên vận Việt Nam - Campuchia.
2.1.2 Vận tải hàng hóa đường bộ:
Vận tải hàng hóa đường bộ: phát triển vận tải hàng hóa đường bộ đáp ứng nhu cầu vận chuyển thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Chú trọng phát triển loại hình TAXI TẢI trong hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải.
- Phát triển luồng vận tải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, cũng như liên tỉnh từ Đồng Tháp đến các tỉnh thành trong khu vực và quốc tế.
- Luồng hàng được xác định từ nơi sản suất đến nơi tiêu thụ (Khu - cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, các vùng sản xuất nông nghiệp…), đi qua những tuyến vận tải chính của tỉnh như: QL.30, QL.80, QL.54…
- Ngoài ra, khi các tuyến đường cao tốc và quốc lộ mới được hình thành và đưa vào sử dụng sẽ hình thành các hành lang vận tải liên tỉnh kết nối Đồng Tháp với các tỉnh Miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên, thu hút một lượng lớn hàng hóa vận chuyển, luân chuyển qua những trục đường này.
2.1.3 Công trình phục vụ vận tải đường bộ:
- Bến xe khách: Duy trì hoạt động các bến hiện hữu, nâng cấp cơ sở hạ tầng các bến xe hiện hữu để nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hành khách tại bến, đồng thời mở mới một số bến để đáp ứng nhu cầu vận tải phát sinh.
- Trạm dừng nghỉ: Thực hiện xây dựng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ trọng điểm: Mỹ Hiệp, Mỹ An, Lấp Vò, thành phố Sa Đéc,… đảm bảo theo chuẩn quy định; xây dựng các điểm dừng đỗ trên các tuyến quốc lộ (61 điểm) và đường tỉnh có các tuyến vận tải hành khách cố định đi qua (25 điểm).
- Bến xe hàng: Đầu tư nâng cấp và xây mới một số bến xe hàng hóa tại các điểm tập kết, trung tâm phân phối trung chuyển hàng hóa để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phục vụ nhu cầu bảo dưỡng phương tiện.
- Điểm dừng, nhà chờ, bãi đỗ xe buýt: Khảo sát, lắp đặt các trạm dừng nhà chờ với khoảng cách phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và khai thác vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải. Đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe buýt công cộng để khai thác và kết nối với các loại hình vận tải khác.
- Công trình phục vụ tại các bến xe khách, trạm dừng nghỉ, điểm dừng, nhà chờ... đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là khu vực vệ sinh công cộng đảm bảo theo chuẩn quy định phục vụ người dân và du khách.
2.2. Phát triển vận tải đường thủy
2.2.1 Vận tải hành khách đường thủy:
- Cảng hành khách đầu tư xây dựng khi có nhu cầu, bao gồm:
Cảng hành khách Cao Lãnh: Vị trí phà Cao Lãnh cũ chuyển đổi chức năng thành bến tàu khách trung tâm của tỉnh phục vụ nhu cầu khách du lịch đường thủy trên địa bàn. Quy mô bến rộng tối thiểu 2.000 m2 đầu tư giai đoạn từ nay đến 2025.
Cảng hành khách Sa Đéc 1: Quy hoạch cảng hành khách Sa Đéc trên sông Tiền thuộc khóm 1, phường 3, Tp. Sa Đéc. Quy mô bến rộng tối thiểu 2.000 m2.
Cảng hành khách Hồng Ngự: trên sông Tiền thuộc phường An Lộc, thành phố Hồng Ngự. Hiện nay đã có dự án do khu du lịch MeKong đầu tư xây dựng. Quy mô bến rộng tối thiểu 2.000 m2.
- Bến hành khách: Duy trì các bến hiện hữu: Bến tàu khách Hùng Vương, Bến tàu khách Sa Đéc, Bến tàu khách Thường Thới Tiền, Bến tàu khách Cồn Long Khánh, Bến tàu khách Long Khánh A, Bến tàu khách Tân Nghĩa, Bến tàu khách Bình Thạnh, Bến tàu khách Long Hưng A, Bến tàu khách Mỹ An Hưng A, Bến tàu khách Cồn Ong, Bến tàu khách Cồn Quạ. Đồng thời mở mới một số bến hành khách khi có nhu cầu vận tải phát sinh.
- Bến Phà: Duy trì hoạt động các bến phà hiện hữu và mở lại bến phà Vàm Cống tại vị trí đã hoạt động trước đây. Mở mới bến phà kết nối quốc lộ 30 qua cù lao 5 xã của huyện Thanh Bình.
- Bến khách ngang sông:
STT | Tên bến | Vị trí | Ghi chú |
1 | Bến Bình Thành - Mỹ Hiệp | Sông Tiền, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình | Nâng cấp chở ô tô |
2 | Bến Bà Cả Khánh | Sông Tiền, xã Tân Huề, huyện Thanh Bình | Nâng cấp chở ô tô |
3 | Bến Phú Ninh - Tân Quới | Sông Tiền, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình | Mở mới |
4 | Thường Thới Tiền - Long Khánh A | Sông Tiền, TT Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự | Nâng cấp chở ô tô |
5 | Bến Thường Phước 1 - Vĩnh Xương | Kết nối giữa Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương với Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước | Nâng cấp chở ô tô |
6 | Bến Long Khánh A - Số 2 | Kết nối xã Long Khánh A, Long Khánh B với TX Tân Châu | Nâng cấp chở ô tô |
7 | Bến Bờ Đập - Long Khánh A | Kết nối xã Long Khánh A, Long Khánh B với 03 xã Long Thuận, Phú Thuận A và Phú Thuận B | Nâng cấp chở ô tô |
8 | Bến An Nhơn - Tân Thuận Đông | Sông Tiền, xã Tân Thuận Đông, Tp.Cao Lãnh | Nâng cấp chở ô tô |
9 | Bến Mỹ An Hưng B - Tân Thuận Đông | Sông Tiền, xã Tân Thuận Đông, Tp.Cao Lãnh | Nâng cấp chở ô tô |
10 | Bến Bình Thạnh - An Hiệp | Sông Tiền | Mở mới |
11 | Bến Long Thuận - Số 3 | Kết nối xã Long Thuận với TX Tân Châu | Nâng cấp chở ô tô |
12 | Bến Phú Thuận A - Số 20 | Kết nối xã Phú Thuận A và Phú Thuận B với TT Chợ Vàm, huyện Tân Châu | Nâng cấp chở ô tô |
13 | Bến Tân Thành - Thốt Nốt | Sông Hậu | Nâng cấp chở ô tô |
14 | Bến An Long - Tân Quới | Sông Tiền | Nâng cấp chở ô tô |
15 | Bến Long Khánh B - An Thạnh | Sông Tiền | Nâng cấp chở ô tô |
2.2.2 Vận tải hàng hóa đường thủy:
- Hệ thống cảng biển:
Khu bến trên sông Tiền gồm: Bến cảng Sa Đéc, Bến cảng Cao Lãnh, Bến cảng Thường Phước; phạm vi gồm vùng đất, vùng nước dọc tuyến luồng trên sông Tiền (thuộc KCN Sa Đéc; khu vực phường 11, thành phố Cao Lãnh và khu vực cửa khẩu Thường Phước).
Khu bến Lấp Vò (trên sông Hậu); phạm vi gồm vùng đất, vùng nước bên phải luồng Sông Hậu, phía thượng và hạ lưu cầu Vàm Cống.
Nâng cấp khu bến Cao Lãnh, khu chuyển tải Vĩnh Xương - Thường Phước.
Xây dựng khu bến Sa Đéc mới tại KCN C giáp sông Tiền. xây dựng mới khu bến Lấp Vò (trên sông Hậu).
- Cảng sông:
Cảng Bảo Mai (nâng cấp) Nằm trên bờ trái sông Hậu, thuộc địa phận xã Tân Thành - Lai Vung.
Cảng Phong Hòa (mở mới) Quy hoạch nằm trên sông Hậu gần vị trí giao với kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền.
Cảng Hồng Ngự (mở mới) nằm trên sông Tiền thuộc xã An Bình A - thành phố Hồng Ngự.
- Bến hàng hóa tổng hợp:
Bến Tam Nông: Nằm trên kênh Đồng Tiến gần hội lưu “5 cánh ngôi sao”. Quy mô bến như sau: Khả năng thông qua: Qtq = 100.000 tấn/năm. Khả năng tiếp nhận: Các tàu tự hành, đoàn sà lan có tải trọng đến 750T.
Bến KCN Tân Kiều: Nằm trên kênh Nguyễn Văn Tiếp A thuộc xã Mỹ An- huyện Tháp Mười. Quy mô bến như sau: Khả năng thông qua: Qtq = 100.000 tấn/năm. Khả năng tiếp nhận: Các tàu tự hành, đoàn sà lan có tải trọng đến 300T.
Chuyển đổi địa điểm Bến TP Hồng Ngự về cụm công nghiệp An Hoà, xã Bình Thạnh, thành phố Hồng Ngự. Quy mô bến như sau: Khả năng thông qua: Qtq = 2.000.000 tấn/năm. Khả năng tiếp nhận: Các tàu tự hành, đoàn sà lan có tải trọng đến 750T.
Bến Lấp Vò: Nằm trên kênh Sa Đéc - Lấp Vò gần nút giao giữa đường Hồ Chí Minh với QL80. Quy mô bến như sau: Khả năng thông qua: Qtq = 150.000 tấn/năm. Khả năng tiếp nhận: Các tàu tự hành, đoàn sà lan có tải trọng đến 750T.
Bến Mỹ Thọ: Nằm trên rạch Cần Lố, thuộc thị trấn Mỹ Thọ - huyện Cao Lãnh. Quy mô bến như sau: Khả năng thông qua: Qtq = 100.000 tấn/năm. Khả năng tiếp nhận: Các tàu tự hành, đoàn sà lan có tải trọng đến 750T.
Bến Tân Hồng: Nằm trên kênh Tân Thành - Lò Gạch gần ngã 4 giao với kênh Tân Công Chí. Quy mô bến như sau: Khả năng thông qua: Qtq = 100.000 tấn/năm. Khả năng tiếp nhận: Các tàu tự hành, đoàn sà lan có tải trọng đến 750T.
Bến Thanh Bình: Nằm trên kênh An Phong - Mỹ Hòa gần ngã 4 giao với kênh Đốc Vàng Hạ - Đường Gạo. Quy mô bến như sau: Khả năng thông qua: Qtq = 80.000 tấn/năm. Khả năng tiếp nhận: Các tàu tự hành, đoàn sà lan có tải trọng đến 750T.
Bến Lai Vung: Nằm trên kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền, thuộc xã Phong Hòa. Quy mô bến như sau: Khả năng thông qua: Qtq = 80.000 tấn/năm. Khả năng tiếp nhận: Các tàu tự hành, đoàn sà lan có tải trọng đến 750T.
Bến Sa Đéc: Nằm trên kênh Sa Đéc - Lấp Vò, thuộc phường An Hòa. Quy mô bến như sau: Khả năng thông qua: Qtq = 200.000 tấn/năm. Khả năng tiếp nhận: Các tàu tự hành, đoàn sà lan có tải trọng đến 750T.
Bến Cao Lãnh: Nằm trên sông Đình Trung, phường Mỹ Phú, Tp.Cao Lãnh. Quy mô bến như sau: Khả năng thông qua: Qtq = 100.000 tấn/năm. Khả năng tiếp nhận: Các tàu tự hành, đoàn sà lan có tải trọng đến 750T.
Bến Thường Thới (H.Hồng Ngự): Nằm trên sông Tiền, TT Thường Thới Tiền. Quy mô bến như sau: Khả năng thông qua: Qtq = 150.000 tấn/năm và 200.000 lượt HK/năm. Khả năng tiếp nhận: Các tàu tự hành, đoàn sà lan có tải trọng đến 750T.
2.3. Định hướng phát triển Logistics
- Đầu tư phát triển kho bãi tại các cửa khẩu biên giới: kho ngoại quan tại cửa khẩu Thường Phước với diện tích 25.000m2, đầu tư trước năm 2025; kho bãi tại cửa khẩu Dinh Bà với diện tích 35.000m2, đầu tư trước năm 2025.
- Xây dựng cảng cạn (ICD): ICD Lấp Vò (sông Hậu) kết hợp với khu bến Lấp Vò, quy mô 3 ha; ICD Vĩnh Xương - Thường Phước (sông Tiền) kết hợp với khu bến Vĩnh Xương - Thường Phước, quy mô dự kiến khoảng 3 ha.
2.4. Đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2025
TT | Tên dự án | Giai đoạn thực hiện |
1 | Bến xe TP Sa Đéc | Trước năm 2025 |
3 | Bến xe TP Cao Lãnh | Sau năm 2025 |
4 | Bến xe Thường Phước | Trước năm 2025 |
5 | Xe điện phục vụ các khu du lịch | Trước năm 2025 |
6 | Khu bến Sa Đéc | Trước năm 2025 |
7 | Khu bến Vĩnh Xương - Thường Phước | Trước năm 2025 |
8 | Khu bến Lấp Vò | Trước năm 2025 |
Đối với bến xe TP Cao Lãnh cần tập trung nghiên cứu phương án đầu tư, chủ động về quy hoạch, thực hiện giải phóng mặt bằng; đồng thời kêu gọi đầu tư xã hội hóa trong giai đoạn năm 2021 - 2025, sau năm 2025 đưa vào khai thác.
3.1. Kinh phí thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của các thành phần kinh tế; nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn kinh phí hợp pháp khác và một phần ngân sách Nhà nước.
3.2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị chủ động kêu gọi đầu tư xã hội hóa; đồng thời xây dựng dự toán chi thực hiện Kế hoạch, tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm, gửi cơ quan tài chính, kế hoạch và đầu tư để xem xét, tổng hợp theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
3.3. Các Sở, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và UBND các huyện, thành phố chủ động huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Kế hoạch.
4.1. Giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải
- Việc đầu tư xây dựng bến bãi, điểm dừng, nhà chờ, sẽ được thực hiện từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn xã hội hoá kết hợp với các nguồn thu từ các dịch vụ kèm theo (quảng cáo, căng tin…).
- Ưu tiên cho thuê đất theo giá ưu đãi cho các doanh nghiệp vận tải để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ trên cơ sở các dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Khuyến khích các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp tham gia xây dựng mô hình TOD để tạo nguồn vốn xây dựng hạ tầng giao thông tại các đầu mối giao thông.
- Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư phương tiện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng.
4.2. Giải pháp về quản lý các loại hình vận tải
- Có chính sách về mức phí linh hoạt (theo khu vực, theo thời điểm, theo loại phương tiện) trên cơ sở công bố công khai, đảm bảo đúng giá quy định và tạo động lực đầu tư hoàn vốn.
- Thành lập doanh nghiệp chuyên ngành kinh doanh khai thác hệ thống bến, bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh. Thống nhất quản lý tập trung toàn bộ các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe có tính chất công cộng, kể cả những điểm đỗ, bãi đỗ tại các đầu mối vận tải (bến xe, cảng...), giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành của UBND tỉnh quản lý và sắp xếp.
4.3. Giải pháp về khai thác các loại hình vận tải
Đảm bảo chất lượng về phương tiện: trong quá trình vận tải, chất lượng phương tiện có ảnh hưởng trực tiếp quyết định đến chất lượng dịch vụ giao thông công cộng. Chất lượng phương tiện phải đảm bảo các đặc tính kĩ thuật an toàn vận hành, thân thiện môi trường, về số chỗ, điều hòa, vệ sinh, thông tin, biểu đồ, lịch trình tuyến, thiết kế đảm bảo khả năng tiếp cận cho hành khách cũng như đáp ứng nhu cầu trong giờ cao điểm.
4.4. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn hàng năm cho lực lượng tài xế, tiếp viên đang phục vụ trên các tuyến xe buýt; đào tạo nâng cao trình độ tổ chức quản lý và khai thác của các đơn vị kinh doanh.
Nâng cao trình độ quản lý, điều hành và khai thác của lực lượng cán bộ quản lý Nhà nước chuyên ngành, đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành tại các đơn vị tham gia khai thác giao thông công cộng.
4.5. Giải pháp thu hút sử dụng giao thông công cộng bằng xe buýt
- Nâng cao chất lượng phục vụ của phương tiện cũng như thái độ phục vụ của nhân viên bằng cách thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn cho lái xe, phụ xe và nhân viên bán vé, những người tiếp xúc trực tiếp với hành khách về kỹ năng, văn hóa ứng xử, trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm về thái độ ứng xử của đội ngũ lái xe và nhân viên trong từng tình huống cụ thể.
- Áp dụng công nghệ tiên tiến để quản lý điều hành và giám sát hoạt động phương tiện trên tuyến trên cơ sở xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, số liệu cần thiết kết hợp với hệ thống giao thông thông minh ITS. Đưa ra quy trình kiểm tra giám sát chuẩn, áp dụng một cách đồng bộ đối với tất cả các đơn vị tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
- Triển khai hệ thống vé thông minh (Smartcard), vé liên phương thức để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân bằng các phương thức vận tải hành khách công cộng khác nhau. Đa dạng hóa hình thức bán vé (trực tiếp, online, qua điện thoại...) và loại vé (vé lượt, vé tuyến, vé liên tuyến…) phù hợp với nhu cầu của các nhóm đối tượng khác nhau.
- Cung cấp đầy đủ thông tin về mạng lưới, thời gian, lịch trình, giá vé... của các tuyến trên trang web, các phương tiện truyền thông như đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí.
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về văn hóa sử dụng xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng. Phối hợp với các trường học, các tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức sử dụng xe buýt một cách văn minh, lịch sự...
4.6. Giải pháp thu hút đầu tư xã hội hóa
Rà soát, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút xã hội hóa đầu tư đảm bảo sự hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
- Xác định danh mục và triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên kết trên địa bàn; chủ động cân đối nguồn vốn thuộc phạm vi quản lý đối với các chương trình, dự án liên kết trên địa bàn;
- Chủ động xây dựng các chính sách, cải cách thể chế nhằm khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế và thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các chương trình, dự án liên kết.
5.1. Nhiệm vụ thực hiện chi tiết tại Phụ lục (đính kèm).
5.2. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ nội dung, tiến độ thực hiện, nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết, tăng cường kêu gọi đầu tư xã hội hóa, đồng thời lập dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.
5.3. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND Tỉnh bố trí vốn và đảm bảo nguồn lực để thực hiện Kế hoạch.
5.4. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về UBND Tỉnh; tổng hợp các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, kiến nghị (nếu có) của các đơn vị, kịp thời báo cáo và đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và đúng quy định hiện hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
NHIỆM VỤ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬN TẢI TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2021 của UBND tỉnh Đồng Tháp)
STT | Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Ghi chú |
1 | Vận tải hành khách cố định nội tỉnh | Sở GTVT Đồng Tháp | UBND huyện, TP và cơ quan, đơn vị liên quan | Thực hiện kêu gọi đầu tư đưa vào khai thác đúng theo Kế hoạch |
2 | Vận tải hành khách cố định liên tỉnh | Sở GTVT Đồng Tháp | Sở GTVT các tỉnh, TP | Thực hiện kêu gọi đầu tư đưa vào khai thác đúng theo Quy hoạch của Bộ GTVT |
3 | Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt | Sở GTVT Đồng Tháp | Sở Kế hoạch và Đầu tư UBND huyện, TP và cơ quan, đơn vị liên quan | Thực hiện kêu gọi đầu tư đưa vào khai thác đúng theo Kế hoạch |
4 | Vận tải hành khách theo hợp đồng, Vận tải hàng hóa đường bộ, Vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi | Sở GTVT Đồng Tháp | UBND huyện, TP và cơ quan, đơn vị liên quan | Thực hiện kêu gọi đầu tư đưa vào khai thác đúng theo Kế hoạch |
5 | Trạm dừng nghỉ; điểm dừng đỗ; Điểm dừng, nhà chờ xe buýt | Sở GTVT Đồng Tháp | UBND huyện, TP và cơ quan, đơn vị liên quan | Thực hiện kết hợp xã hội hóa và đầu tư công đưa vào khai thác đúng theo Kế hoạch |
6 | Hệ thống cảng biển, Cảng sông | Sở GTVT Đồng Tháp | UBND huyện, TP và cơ quan, đơn vị liên quan | Tăng cường kêu gọi đầu tư xã hội hóa và đưa vào khai thác đúng theo Kế hoạch |
7 | Bến phà | Sở GTVT Đồng Tháp | UBND huyện, TP và cơ quan, đơn vị liên quan | Triển khai đầu đủ các thủ tục đầu tư đưa vào khai thác đúng theo Kế hoạch |
8 | Bến xe khách, Bến xe hàng, bãi đổ xe buýt; Cảng hành khách, Bến hành khách, Bến khách ngang sông, Bến hàng hóa tổng hợp | UBND huyện, TP | Sở GTVT và cơ quan, đơn vị liên quan | Tăng cường kêu gọi đầu tư xã hội hóa và đưa vào khai thác đúng theo Kế hoạch |