Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2050/KH-UBND

Kon Tum, ngày 04 tháng 09 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC THANH TRA Y TẾ TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Quyết định số 2176/QĐ-TTg ngày 04/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thanh tra y tế đến năm 2020; Công văn số 171/TTrB-P2 ngày 11/3/2015 của Thanh tra Bộ Y tế về việc triển khai Đề án nâng cao năng lực thanh tra y tế đến năm 2020.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao năng lực thanh tra y tế tỉnh Kon Tum đến năm 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Triển khai thực hiện kịp thời, toàn diện, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh các nhiệm vụ được giao trong Đề án nâng cao năng lực thanh tra y tế đến năm 2020 theo Quyết định số 2176/QĐ-TTg ngày 04/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

- Xác định rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án, bảo đảm việc triển khai thực hiện Đề án được thực hiện thống nhất, đồng bộ.

2. Yêu cầu:

- Xác định cụ thể nội dung công việc, yêu cầu về chất lượng, thời gian tiến hành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án.

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ của các hoạt động, triển khai thực hiện Kế hoạch đã đề ra.

- Qua thanh tra nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, chất lượng cung cấp dịch vụ y tế; đảm bảo việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế ngày càng được nâng cao.

II. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án, Kế hoạch:

Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc ngành y tế về các lĩnh vực y tế liên quan đến công tác thanh tra; tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án, Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực thanh tra y tế tỉnh Kon Tum đến năm 2020 đến các cấp chính quyền, nhân dân, người sử dụng lao động và người lao động, nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực y tế.

Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án, Kế hoạch được lồng ghép vào các nội dung trong các cuộc hội nghị, hội thảo, giao ban, qua phương tiện thông tin đại chúng, các tạp chí chuyên ngành...

2. Phối hợp xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về tổ chức, hoạt động và chế độ chính sách đối với thanh tra y tế:

Nghiên cứu, rà soát, kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với thanh tra y tế, thanh tra chuyên ngành y tế; phát hiện những văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, trùng lắp, những văn bản không còn phù hợp hoặc những quan hệ mới phát sinh có liên quan, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

3. Kiện toàn tổ chức thanh tra y tế, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho thanh tra viên, công chức thanh tra y tế:

3.1. Giai đoạn đến hết năm 2017:

Kiện toàn tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra y tế.

a) Tăng cường số lượng thanh tra viên, công chức làm công tác thanh tra thuộc sở và công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở, cộng tác viên thanh tra về y tế để bảo đảm theo vị trí việc làm đáp ứng hoàn thành nhiệm vụ được giao:

- Thanh tra Sở Y tế: Đảm bảo có ít nhất 04 người trong tổng số biên chế được giao của Sở Y tế. Trong đó gồm: 01 Chánh Thanh tra, 01 Phó Chánh Thanh tra, 01 Thanh tra viên và 01 công chức thanh tra.

- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm: Kiện toàn phòng công tác thanh tra; bố trí công chức thanh tra tối thiểu 08 người trong tổng biên chế được giao của Chi cục.

- Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: Đề xuất thành lập phòng công tác thanh tra; bố trí công chức thanh tra tối thiểu 03 người trong tổng biên chế được giao của Chi cục.

- Các đơn vị, tổ chức chuyên môn nghiệp vụ trực thuộc Sở Y tế, phòng y tế các huyện, thành phố đề cử 01 cộng tác viên thanh tra là người có đức, có năng lực và trình độ đảm bảo thực hiện được chức năng phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực y tế được giao.

b) Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành về y tế:

- Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước và nghiệp vụ thanh tra:

+ 100% công chức thanh tra Sở Y tế; 50% công chức thanh tra chuyên ngành được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên và thanh tra viên.

+ 40% thanh tra viên được đào tạo, dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính và thanh tra viên chính.

+ 100% cộng tác viên thanh tra được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra và thanh tra chuyên ngành theo nhiệm vụ được giao.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ và đạo đức công vụ cho thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành y tế.

- Cơ cấu công chức thanh tra y tế:

+ 75% công chức thanh tra y tế được bổ nhiệm thanh tra viên.

+ 25% thanh tra viên có đủ điều kiện theo quy định được bổ nhiệm thanh tra viên chính.

- Về trình độ học vấn của thanh tra viên và công chức thanh tra y tế: 100% thanh tra viên, công chức thanh tra y tế; 75% công chức thanh tra chuyên ngành y tế có trình độ đại học trở lên phù hợp về chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.

c) Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ; phương tiện đi lại, kinh phí hoạt động thanh tra y tế để đáp ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ được giao:

- Đảm bảo có phòng làm việc cho thanh tra y tế và thanh tra chuyên ngành theo quy định nhà nước hiện hành.

- Đảm bảo có đủ trang thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ phục vụ cho công tác thanh tra như: máy tính để bàn, máy in, máy tính xách tay, máy chụp hình, máy ghi âm, máy quay film...

- Về phương tiện đi lại: Đảm bảo có đủ phương tiện đi lại phục vụ kịp thời cho công tác thanh tra y tế.

- Về kinh phí: Hàng năm bố trí kinh phí đảm bảo đáp ứng các yêu cầu để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

d) Xây dựng mạng lưới thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra y tế bảo đảm hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát liên tục từ tỉnh đến huyện.

3.2. Giai đoạn từ năm 2018 đến hết năm 2020:

Sắp xếp, hoàn thiện hệ thống thanh tra y tế bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế; tăng cường số lượng thanh tra viên, công chức thanh tra y tế bảo đảm theo vị trí việc làm đáp ứng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

a) Về biên chế: Từng bước bổ sung, tăng cường biên chế công chức thanh tra, thanh tra viên trong tổng biên chế hàng năm của Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, nhằm bảo đảm đáp ứng được yêu cầu công việc được giao. Đến hết năm 2020, biên chế cụ thể như sau:

- Thanh tra Sở Y tế: Tối thiểu có 05 biên chế. Bao gồm: 01 Chánh Thanh tra, 01 Phó Chánh Thanh tra, 01 thanh tra viên chính , 01 thanh tra viên và 01 công chức thanh tra.

- Thanh tra chuyên ngành An toàn thực phẩm: Tối thiểu có 10 biên chế.

- Thanh tra chuyên ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: Tối thiểu có 04 biên chế.

b) Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho thanh tra y tế:

- Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước và nghiệp vụ thanh tra:

+ 100% công chức thanh tra được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước theo chương trình chuyên viên và thanh tra viên.

+ 60% thanh tra viên được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính và thanh tra viên chính.

+15% thanh tra viên chính được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước theo chương trình chuyên viên cao cấp và thanh tra viên cao cấp.

- Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành: 100% công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ và đạo đức công vụ cho thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành y tế.

- Cơ cấu công chức thanh tra y tế:

+ 95% công chức thanh tra y tế được bổ nhiệm thanh tra viên.

+ Có chế độ ưu tiên bổ nhiệm thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp đặc thù đối với ngành y tế.

- Về trình độ học vấn của thanh tra viên và công chức thanh tra y tế: 100% có trình độ đại học trở lên phù hợp về chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm thực hiện nhiệm vụ thanh tra y tế.

c) Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ; phương tiện đi lại, kinh phí hoạt động thanh tra y tế để đáp ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

d) Hoàn thiện mạng lưới thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra y tế bảo đảm hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát liên tục từ tỉnh đến huyện do Sở Y tế quản lý.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và hoạt động thanh tra y tế

- Thực hiện công khai hoạt động thanh tra y tế theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu, lưu trữ hồ sơ phục vụ công tác thanh tra y tế bảo đảm công khai, minh bạch; cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu liên quan; trao đổi thông tin về hoạt động và kết quả hoạt động của các cơ quan thanh tra y tế.

- Quản lý việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và các hoạt động thanh tra trong ngành y tế bằng hệ thống công nghệ thông tin.

5. Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật

- Về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật: Được trang bị đầy đủ thiết bị văn phòng, phương tiện đi lại, trang thiết bị chuyên dụng, công cụ hỗ trợ bảo đảm cho hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Tăng cường kinh phí cho hoạt động thanh tra y tế: Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của hệ thống thanh tra y tế kể cả chi mua tin, lấy mẫu, xét nghiệm và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

6. Báo cáo, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch:

Báo cáo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch, những vướng mắc, khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực hiện (định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Bộ Y tế).

III. KINH PHÍ

Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch và hoạt động thanh tra y tế gồm:

- Ngân sách nhà nước.

- Hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

- Kinh phí được cấp có thẩm quyền quyết định trong hoạt động thanh tra y tế và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; sơ kết hàng năm, tổng kết theo giai đoạn 2015-2017, 2018-2020, báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo theo yêu cầu.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thanh tra, thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực y tế và chế độ chính sách trong công tác thanh tra không còn phù hợp hoặc trái với quy định để kịp thời đề nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp, đúng quy định của pháp luật.

2. Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Y tế xem xét, thành lập, kiện toàn phòng công chức thanh tra chuyên ngành lĩnh vực y tế, cân đối, bổ sung biên chế công chức thanh tra ngành y tế trong tổng biên chế được giao. Trong giai đoạn từ nay đến 2017 để phù hợp với chính sách hạn chế tăng biên chế, trước mắt điều tiết trong phạm vi của ngành y tế để điều động bổ nhiệm thanh tra viên, công chức thanh tra đối với cán bộ có đủ trình độ, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn phù hợp cho thanh tra y tế.

3. Sở Tài chính: Hàng năm phối hợp với Sở Y tế thẩm định dự toán của ngành, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.

4. Thanh tra tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho công chức thanh tra, cộng tác viên thanh tra y tế; cử công chức thanh tra, thanh tra viên y tế đi học nghiệp vụ thanh tra viên, thanh tra viên chính; xem xét, đề xuất việc bổ nhiệm thanh tra viên, thanh tra viên chính cho Thanh tra Sở Y tế.

5. UBND các huyện, thành phố: Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện đạt hiệu quả "Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao năng lực thanh tra y tế tỉnh Kon Tum đến năm 2020" trên địa bàn./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: Y tế, Nội vụ, Tài chính, Tư pháp;
- Thanh tra tỉnh;
- Các sở, ngành, đơn vị liên quan;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu VT, VX3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lại Xuân Lâm