Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2058/KH-UBND

Kon Tum, ngày 01 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỐ 35-CTR/TU NGÀY 18/5/2017 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 08-NQ/TW NGÀY 16/01/2017 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

Thực hiện Chương trình số 35-CTr/TU ngày 18/5/201 7 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Phát triển nhanh và bền vững để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tăng thu nhập cho xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, cải tạo cảnh quan, tăng tiềm lực kinh tế - quốc phòng - an ninh,

- Xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Kon Tum gắn với du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh... Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum trên cơ sở các mối liên kết của vùng Tây nguyên, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, các tỉnh duyên hải Miền Trung, các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, chú trọng khai thác thị trường khách quốc tế, khai thác có hiệu quả các lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh nằm ở khu vực ngã ba Đông Dương, các bản sắc văn hóa truyền thống về lễ hội, ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán... của các dân tộc tại chỗ. Ngoài mục tiêu kinh tế, du lịch phải đóng vai trò là cầu nối giao lưu văn hóa, đóng góp tích cực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.

- Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch gắn với phát triển 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh theo Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII “về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2020”.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Lượng khách du lịch: Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017 - 2020 đạt 24,3%. Đến năm 2020, tổng lượng khách du lịch đạt 727.000 lượt, trong đó: khách quốc tế đạt 322.000 lượt; khách nội địa: 405.000 lượt, số ngày lưu trú bình quân đối với khách quốc tế là 2,3 ngày, khách nội địa là 2,1 ngày.

2.2. Tổng thu du lịch: Phấn đấu đến năm 2020: Tổng thu du lịch tăng gấp 3 lần so với doanh thu năm 2015.

2.3. Xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng du lịch:

- Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như: Thành phố Kon Tum, Khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông, Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi... Trong đó chú trọng đầu tư đường giao thông, hệ thống xử lý rác, nước thải, hệ thống điện, nước, bãi đỗ xe, công viên, cây xanh...

- Trong giai đoạn 2017-2020, tập trung nguồn lực và có cơ chế huy động nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn đầu tư hoàn thành Khu du lịch văn hóa lịch sử Ngục Kon Tum trong năm 2018.

- Thu hút các Tập đoàn, Công ty có tiềm lực tài chính như VinGroup, Sài Gòn Co.op ..., đồng thời có cơ chế tạo quỹ đất và giá thuê đất để giới thiệu đầu tư phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị; phát triển hệ thống khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao tại thành phố Kon Tum, Kon Plông và Ngọc Hồi. Tập trung phát triển hệ thống cơ sở lưu trú theo hình thức nhà có phòng cho thuê (homestay), phát triển các khu du lịch, điểm du lịch, đặc biệt tại một số làng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đầu tư chỉnh trang đô thị thành phố Kon Tum (hạ tầng giao thông, cây xanh, đèn chiếu sáng ...) nhằm tạo mỹ quan đô thị. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, ngân sách thành phố và đầu tư theo hình thức đối tác công tư; kêu gọi xã hội hóa đầu tư đèn chiếu sáng, trang trí đèn hoa trên các tuyến đường của thành phố Kon Tum.

- Phấn đấu đến năm 2020 tăng mức cơ sở lưu trú lên 235 cơ sở, tăng số lượng cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 4 sao gấp 2 lần so với năm 2015. Công suất sử dụng phòng đạt 73,5%.

- Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu của vùng du lịch đô thị Kon Plông (vùng du lịch trung tâm) theo Quyết định số 298/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030.

2.4. Về lao động ngành du lịch:

- Phấn đấu đến năm 2020: Tạo việc làm cho 2.860 lao động. Trong đó, có 50% lao động trực tiếp làm việc trong lĩnh du lịch đạt trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp nghề trở lên, 20% số lao động gián tiếp được đào tạo nghiệp vụ du lịch (phục vụ du lịch cộng đồng, phục vụ buồng, bàn, lái xe du lịch...).

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên cơ sở cải thiện trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của đội ngũ lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay.

2.5. Về công nhận các điểm, khu du lịch địa phương:

- Triển khai áp dụng bộ tiêu chí đánh giá các khu, điểm du lịch trên phạm vi toàn tỉnh theo Quyết định số 4640/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Phấn đấu đến năm 2020: Công nhận ít nhất 02 khu du lịch địa phương, 03 - 05 điểm du lịch địa phương; đầu tư và phát triển ít nhất 03 làng du lịch cộng đồng tại huyện Ngọc Hồi, Kon Plông và thành phố Kon Tum.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Về công tác tuyên truyền, quán triệt

- Tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW đến cán bộ chủ chốt các cấp, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Hỗ trợ truyền thông cho các hoạt động du lịch của tỉnh, phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dân và du khách khi đến tham quan.

- Tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên và môi trường đối với dân cư, doanh nghiệp và du khách, ứng xử văn minh lịch sự trong hoạt động kinh doanh du lịch.

* Đơn vị thực hiện:

+ Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố tổ chức quán triệt các nội dung nêu trên đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị.

+ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum xây dựng các chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục, tin bài... giới thiệu về hình ảnh, con người, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, các khu điểm du lịch.

* Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong năm 2017.

2. Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch

- Nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo; tạo sự đồng thuận của xã hội về phát triển du lịch và hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cho phát triển du lịch bền vững. Phát triển kinh tế du lịch góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại.

- Đổi mới tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường. Triển khai các chính sách mang tính đột phá đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

- Nâng cao ý thức của các doanh nghiệp, của từng người dân và cả cộng đồng trong việc giữ gìn tài nguyên và môi trường, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, thái độ ứng xử văn minh, tôn trọng pháp luật và bình đẳng với khách du lịch, không ngừng nâng cao uy tín tạo ra bản sắc riêng từng bước xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh Kon Tum.

* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố.

* Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

3. Cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế

- Trên cơ sở thực hiện Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Kon Tum giai đoạn 2007 - 2015, định hướng đến năm 2020, tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng quy hoạch định hướng đến năm 2030 và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương cho phù hợp với thực tế. Tiếp tục triển khai lập quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch tại khu du lịch sinh thái Măng Đen, khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, thành phố Kon Tum và điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn các huyện từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. Công bố rộng rãi quy hoạch các khu, điểm du lịch đã được phê duyệt nhằm thu hút đầu tư, nâng cao tính khả thi của các quy hoạch.

- Chuyển đổi, điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Sao Mai gắn kết với Khu du lịch sinh thái hồ Đắk Yên để quy hoạch thành Khu du lịch nghỉ dưỡng thành phố Kon Tum. Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch sân golf tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 cho phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo cho công tác thu hút đầu tư được thuận lợi.

- Quy hoạch, thu hút đầu tư, kinh doanh khu du lịch rừng đặc dụng Đăk Uy theo hướng cho thuê rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, Safari và nghiên cứu khoa học rừng đặc dụng theo quy định.

- Tiến hành nghiên cứu thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch đến năm 2020 có tầm nhìn đến năm 2030 với 3 nội dung trọng tâm là: Đầu tư phát triển hạ tầng gắn với phát triển 03 vùng kinh tế động lực của tỉnh; đẩy mạnh xây dựng các loại hình du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh (du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái; du lịch tâm linh; du lịch thể thao; du lịch cộng đồng, sản phẩm nghề truyền thống; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo và du lịch khác tại ba vùng kinh tế động lực); triển khai chính sách về thu hút nguồn lực Nhà nước và xã hội, bổ sung các chính sách cụ thể về thuế, đất đai, giá phí dịch vụ du lịch.

* Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố.

* Thời gian thực hiện: Năm 2017 và các năm tiếp theo.

- Thực hiện nghiên cứu thị trường mục tiêu của du lịch tỉnh Kon Tum nhằm định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, phát huy được tài nguyên du lịch, lợi thế của tỉnh. Trên cơ sở xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch biên giới, phục vụ thị trường khách du lịch khu vực Tam giác phát triển và các địa phương trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây từ Đông Bắc Thái Lan - Nam Lào - các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum, Việt Nam) - Phu Cưa (Attapeu - Lào). Chú trọng nghiên cứu tâm lý du lịch của các nhóm khách đến từ thị trường Âu Mỹ nhằm tăng mức chi tiêu, thời gian lưu trú của khách quốc tế đến Kon Tum trong thời gian tới.

- Tăng cường mối liên hệ, hợp tác của các cơ sở lưu trú du lịch, các công ty lữ hành du lịch kể cả nội địa và quốc tế, các cơ sở chế biến sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các điểm đến tham quan du lịch nhằm thu hút khách du lịch đến với Kon Tum.

- Tăng cường xã hội hóa công tác đầu tư phát triển du lịch, có cơ chế chính sách khuyến khích các dự án đầu tư kinh doanh sản phẩm du lịch cao cấp, sản phẩm du lịch mới, gồm: Dự án đầu tư kinh doanh khu, điểm du lịch; dự án có quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại và chất lượng cao; trung tâm mua sắm; khu phức hợp thương mại, vui chơi giải trí; làng du lịch gắn với nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; các loại hình giải trí; loại hình du lịch mới.

- Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ cho các cơ sở chế biến và sản xuất các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh, khai thác nguyên liệu sẵn có của địa phương, sử dụng lao động địa phương, sử dụng công nghệ cao từ nguyên liệu đầu vào đến khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra phục vụ nhu cầu phát triển du lịch.

* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố.

* Thời gian thực hiện: Năm 2017 và các năm tiếp theo.

- Nghiên cứu, tham mưu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở vùng có lợi thế tài nguyên du lịch.

- Giai đoạn 2017-2020, chú trọng công tác quy hoạch chi tiết, thu hút kêu gọi đầu tư của các thành phần kinh tế vào các dự án, chương trình du lịch, tập trung vào các dự án đầu tư 1.

- Phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế 2.

* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành, đơn vị liên quan.

* Thời gian thực hiện: Năm 2017 và các năm tiếp theo.

4. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch

- Bố trí ngân sách để đầu tư các công trình trọng điểm về du lịch và hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn đầu tư hoàn thành Khu du lịch văn hóa lịch sử ngục Kon Tum trong năm 2018 (đối với phần ngân sách tham gia đầu tư).

- Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch (đặc biệt là hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật: cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường,...) tại các khu, điểm du lịch thuộc khu du lịch sinh thái Măng Đen, khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, thành phố Kon Tum và điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn các huyện.

- Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ phát triển sản phẩm du lịch mới: Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch cộng đồng đường giao thông vào các làng du lịch cộng đồng, giao thông nội bộ, nhà đón tiếp khách, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, bãi chứa rác, hệ thống điện, nước...); Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển điểm du lịch cộng đồng, điểm làm nghề truyền thống (đường giao thông đến làng có tổ chức làm nghề truyền thống, đường nội bộ, khu đón tiếp, nhà trưng bày sản phẩm - qui trình sản xuất, nhà vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe, hệ thống xử lý rác, nước thải, hệ thống điện, nước).

- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn các huyện, thành phố: Dự án khu du lịch hồ Đăk Yên xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum; Dự án trang trại hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế và kết hợp nghỉ dưỡng du lịch sinh thái cộng đồng, xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum; Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Epic spa, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy; Dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ví du lịch sinh thái, xã Măng Cảnh huyện Kon Plông; các Dự án về chế biến rượu vang Sim; Dự án phát triển du lịch “Chinh phục đỉnh núi Ngọc Linh” gắn với tham quan cơ sở sản xuất và nơi trưng bày các sản phẩm Sâm Ngọc Linh... để sớm đi vào khai thác, thu hút du khách.

- Tăng cường đáp ứng nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch theo thứ tự ưu tiên. Kêu gọi đầu tư và hỗ trợ nguồn lực đề đầu tư vào các dự án phát triển du lịch, kể cả việc phục hồi các khu, điểm du lịch đã đầu tư trước đây nhưng kinh doanh không đạt hiệu quả do biến động của thị trường hoặc gặp rủi ro trong quá trình triển khai thực hiện.

- Tập trung nguồn lực đầu tư Khu du lịch văn hóa lịch sử Ngục Kon Tum theo Quy hoạch chi tiết Khu du lịch văn hóa lịch sử Ngục Kon Tum, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum theo Quyết định số 1500/QĐ-UBND ngày 07/12/2016 của UBND tỉnh.

* Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính; Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố.

* Thời gian thực hiện: Năm 2017 và các năm tiếp theo.

- Từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao gắn với du lịch như: Trung tâm văn hóa tỉnh, Nhà thi đấu đa năng. Tôn tạo các thiết chế văn hóa lịch sử có tiềm năng phục vụ phát triển du lịch. Huy động các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương như nguồn vốn hạ tầng du lịch, nguồn vốn ODA cùng với nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ du lịch.

* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố.

* Thời gian thực hiện: Năm 2017 và các năm tiếp theo.

5. Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thông tin, quảng bá du lịch. Cơ bản đến năm 2020, xây dựng được hình ảnh điểm đến du lịch Kon Tum.

- Xúc tiến thị trường du lịch: Đăng cai tổ chức hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế để thu hút khách du lịch. Đa dạng và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch; vận động các trang báo điện tử bảo trợ thông tin và xây dựng các chuyên đề về du lịch Kon Tum; tăng cường hợp tác liên kết vùng, miền trong xúc tiến du lịch.

- Tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch gắn liền với các sự kiện văn hóa, lễ hội, thể dục thể thao, hội chợ, hội nghị, hội thảo; đặc biệt là các hoạt động gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch của tỉnh.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu của đơn vị nói riêng cũng như của địa phương nói chung. Mở rộng liên kết vùng với các tỉnh Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu, tiếp cận và mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong Tam giác phát triển du lịch Việt Nam - Lào - Campuchia.

- Công bố rộng rãi quy hoạch các khu, điểm du lịch đã được phê duyệt nhằm thu hút đầu tư.

- Đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa tỉnh Kon Tum với các địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... nhằm kêu gọi đầu tư và xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm đảm bảo các hoạt động triển khai hiệu quả.

- Liên kết xây dựng chương trình du lịch liên tỉnh với các tỉnh duyên hải Miền Trung: Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa; các tỉnh khu vực Tây Nguyên Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng, Đăk Nông; khai thác các chương trình du lịch chuyên đề về gắn kết di sản, kết hợp tài nguyên “biển - rừng”, tạo sự hấp dẫn và khai thác được lợi thế du lịch của tỉnh.

- Chú trọng phát triển loại hình tour Caravan (du lịch bằng xe tự lái) trong nội vùng ASEAN, khai thác tuyến du lịch qua Cửa khẩu Bờ Y, Thái Lan, Lào.

- Tham gia các hội chợ du lịch: ITE - Thành phố Hồ Chí Minh, VITM - Hà Nội và một số hội chợ khác trong nước để quảng bá sản phẩm du lịch trong tỉnh và tiếp cận với du khách, nhà đầu tư, các hãng lữ hành lớn.

- Nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức các ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá về du lịch: Tập gấp, sách du lịch, đĩa phim tư liệu du lịch,...đa dạng hình thức quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các pano quảng bá du lịch tại các cửa ngõ vào thành phố và những vị trí trung tâm. Phối hợp với các tỉnh Tây nguyên làm Guide book, Video clip du lịch Vùng Tây nguyên. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình vận hành quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp du lịch và quản lý nhà nước về du lịch.

- Tổ chức các đoàn Presstrip, Famtrip nhà báo, các hãng lữ hành vào tham quan, khảo sát để kết hợp xây dựng các chương trình, sản phẩm mới của địa phương, đồng thời tuyên truyền hình ảnh du lịch tỉnh nhà. Cập nhật tư liệu, hình ảnh, phim du lịch đăng tải trên trang web du lịch: dulichkontum.com.vn, đăng ký vị trí ưu tiên của Google để dễ dàng truy cập trang web. Đồng thời kết nối các trang mạng xã hội để quảng bá du lịch.

- Phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch trong việc liên kết các doanh nghiệp du lịch, tạo tiếng nói chung, đồng lòng cam kết thực hiện một số biện pháp cấp bách nhằm tăng sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam nói chung và Kon Tum nói riêng.

* Đơn vị thực hiện các nội dung trên: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và Hiệp hội Du lịch tỉnh.

* Thời gian thực hiện: Năm 2017 và các năm tiếp theo.

6. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch

- Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cộng đồng kinh doanh du lịch. Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp và cộng đồng dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều tiềm năng mạnh dạn làm kinh tế du lịch.

- Hướng tới đảm bảo tạo cơ hội bình đẳng cho mọi đối tượng xã hội được tham gia vào hoạt động du lịch từ khâu hoạch định chính sách, quy hoạch đến xây dựng sản phẩm, quyết định tham gia cung cấp dịch vụ và hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Qua đó phải huy tối đa vai trò chủ động, tích cực của cộng đồng, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố.

* Thời gian thực hiện: Từ năm 2017 đến năm 2018.

7. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch

- Nâng cao trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu từ cấp tỉnh đến cơ sở trong công tác quản lý, xúc tiến phát triển du lịch. Chú trọng đào tạo người tại chỗ tham dự các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức về văn hóa giao tiếp, ngoại ngữ, hướng dẫn viên phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm và phát triển du lịch cộng đồng. Tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho giám đốc quản lý khách sạn vừa và nhỏ; giám đốc lữ hành, các khóa đào tạo điều hành tour.

- Nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở có chức năng đào tạo chuyên ngành du lịch. Bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng ứng xử, thái độ lịch sự, văn minh cho các đối tượng cán bộ, nhân viên làm việc trong các cơ quan tiếp xúc thường xuyên với nhân dân và khách du lịch như: Công an, hải quan, bộ đội biên phòng,... góp phần tạo môi trường thân thiện của tỉnh. Bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ lái xe phục vụ các tour du lịch, đảm bảo các phương tiện vận chuyển du lịch an toàn, lịch sự, hài lòng du khách. Bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng nghề cho đội ngũ lao động du lịch, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp và người dân tại các điểm du lịch để nâng cao chất lượng phục vụ.

- Huy động nguồn kinh phí, nguồn tài trợ và tìm đối tác tư vấn, cơ sở nghiên cứu, đào tạo thực hiện các khóa đào tạo ở trong và ngoài nước cho cán bộ công chức công tác lĩnh vực du lịch.

- Xây dựng chính sách ưu đãi và quan tâm đến nghệ nhân dân gian (chinh chiêng, Sử thi, chế tác nhạc cụ, dệt thổ cẩm...), duy trì truyền nghề truyền thống, hạn chế mai một các loại hình nghệ thuật dân gian, tiếp tục lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương.

* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; UBND các huyện, thành phố.

* Thời gian thực hiện: Từ năm 2017 đến năm 2020.

8. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch

8.1. Về đảm bảo chất lượng cơ sở lưu trú du lịch

- Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh khách sạn và dịch vụ du lịch đảm bảo vệ sinh, môi trường, an toàn thực phẩm, chất lượng phục vụ trên cơ sở đánh giá, công nhận dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đồng thời đảm bảo công tác an ninh, an toàn cho khách du lịch, góp phần thực hiện phương châm của ngành du lịch: Xây dựng Kon Tum là điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng.

- Hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, xử phạt nghiêm túc việc thực hiện các quy định về chất lượng dịch vụ du lịch: xếp hạng, phân loại cơ sở lưu trú du lịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, chấn chỉnh việc treo biển hiệu không đúng loại hạng được công nhận.

* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố.

* Thời gian thực hiện: Từ năm 2017 và các năm tiếp theo.

8.2. Về đảm bảo hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên du lịch3

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh lữ hành và hoạt động hướng dẫn du lịch trên địa bàn tỉnh như: Các hoạt động kinh doanh lữ hành đón khách du lịch Quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các hoạt động bán hàng, bán tour ngoài chương trình cho khách du lịch (nếu có); thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định của tỉnh đối với các công ty lữ hành liên quan đến việc ký hợp đồng với hướng dẫn viên, các khoản thu ngoài...; rà soát việc quản lý các điểm bán hàng, nhà hàng; thực hiện thanh tra các điểm có các tour du lịch của khách; công khai minh bạch giá cả dịch vụ tại các điểm bán hàng đối với khách du lịch.

- Kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành thông qua các điểm kinh doanh trá hình bán hàng cho khách du lịch nước ngoài với giá thành cao gấp nhiều lần giá trị thật của mặt hàng để thu lợi bất chính làm ảnh hưởng đến quyền lợi khách du lịch.

- Xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi tiếp tay, bao che cho các hoạt động bất hợp pháp của doanh nghiệp, người nước ngoài vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về du lịch; đặc biệt là việc sử dụng người nước ngoài tham gia vào các hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn khách du lịch trái pháp luật, xuyên tạc văn hóa lịch sử Việt Nam; từng bước nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh lữ hành và hoạt động hướng dẫn khách du lịch tại các địa bàn trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương và UBND các huyện, thành phố.

* Thời gian thực hiện: Từ năm 2017 và các năm tiếp theo.

8.3 Về đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường tại các khu, điểm du lịch

- Triển khai chương trình du lịch có trách nhiệm với môi trường gắn với kiểm tra, kiểm soát việc bảo vệ môi trường tại các khu, tuyến điểm, cơ sở dịch vụ du lịch; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường du lịch; khuyến khích và hỗ trợ các mô hình tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên vật liệu địa phương, ứng dụng công nghệ sạch; đánh giá, tôn vinh những thương hiệu du lịch “xanh” ở tỉnh. Đảm bảo môi trường du lịch Kon Tum xanh - sạch - an toàn - thân thiện - hấp dẫn. Phấn đấu đến năm 2020, 100% các khu, điểm du lịch không có tình trạng ăn xin, hàng rong đeo bám và chèo kéo, ép giá, ép khách du lịch; 100% khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn.

- Kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong hoạt động quy hoạch, đầu tư, kinh doanh du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch; các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch chủ động xây dựng và triển khai Chương trình, Kế hoạch phát triển du lịch địa phương.

- Đánh giá, tôn vinh những thương hiệu du lịch ở tỉnh; Hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch thực hiện đúng, đủ các quy định về điều kiện kinh doanh, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá... Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, chuyên nghiệp;

- Phổ biến áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ban hành theo Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL ngày 02/3/2017 nhằm quy định, định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh của các tổ chức và cá nhân, các cộng đồng làng khi tham gia các hoạt động du lịch.

* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh; Sở Công Thương, các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố.

* Thời gian thực hiện: Hàng năm.

8.4. Sắp xếp kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch

- Kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch theo hướng tinh gọn, hiệu quả; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở, Phát huy hiệu quả hoạt động Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh.

- Tăng cường nhân lực có chất lượng cao, nhất là ở các địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch, gắn với xây dựng 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh là huyện Kon Plông, huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum. Đảm bảo các yêu cầu quản lý và thúc đẩy sự nghiệp du lịch phát triển một cách bền vững.

* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Nội vụ, các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố .

* Thời gian thực hiện: Năm 2017-2018.

III. KINH PHÍ: Nguồn ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương hỗ trợ lồng ghép thông qua các chương trình, dự án, đề án, nguồn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác đầu tư cho công tác phát triển du lịch hàng năm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đầu mối, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch. Chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; định kỳ hàng năm, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh và tham mưu báo cáo khi có yêu cầu.

2. Căn cứ nội dung Kế hoạch, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện các nội dung được phân công đảm bảo hiệu quả. Định kỳ hàng năm (trước ngày 15/12), báo cáo kết quả thực hiện về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, theo nội dung Kế hoạch của tỉnh, cụ thể hóa thành nhiệm vụ, công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP UBND tỉnh, PVP phụ trách;
- Lưu: VT, KGVX1,3

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Nga

 



1 Tiếp tục quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch tại Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, thành phố Kon Tum và điểm du lịch trọng điểm trên các địa bàn huyện; Xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch ở 03 địa phương gồm huyện Kon Plông, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum. Đến năm 2018, triển khai đầu tư phát triển mỗi địa phương ít nhất 01 làng du lịch cộng đồng; Đăng cai, tổ chức các lễ hội và sự kiện về văn hóa thể thao, du lịch, ẩm thực, âm nhạc... định kỳ để thu hút khách du lịch và kéo dài ngày lưu trú của du khách. Gồm một số sự kiện như “Ngày hội Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum”, khôi phục một số lễ hội của người đồng bào dân tộc thiểu số cùng với các sự kiện phụ trợ trong năm; Đầu tư, kinh doanh khu du lịch rừng đặc dụng Đăk Uy theo hướng cho thuê rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, Safari và nghiên cứu khoa học rừng đặc dụng theo quy định; Hoàn thiện xây dựng các tour, tuyến điểm “Chinh phục đỉnh núi Ngọc Linh” gắn với tham quan cơ sở sản xuất và nơi trưng bày các sản phẩm Sâm Ngọc Linh.

2 (1) Xây dựng các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, đảm bảo đan xen hài hòa giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống và đương đại, không làm thay đổi nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ gắn với các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, phục vụ du khách; tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống với cán bộ, nhân dân các tỉnh giáp biên giới (tỉnh Natarakiri - Campuchia và các tỉnh Attapư, Sê Kông - Lào); từng bước mở rộng giao lưu với các nước khác trong khu vực và trên thế giới; (2) Xây dựng chương trình nghệ thuật, giao lưu văn hóa thể thao, trao đổi kinh nghiệm nhân các ngày lễ, tết và các sự kiện lớn của các tỉnh. Tuyên truyền khuyến khích (thanh niên, nhân dân và các cơ quan hoạt động về văn hóa, nghệ thuật ở các tỉnh của 3 nước Việt Nam - Lào - Cam Pu Chia thường xuyên tổ chức các sự kiện chung; (3) Liên kết hợp tác phát triển du lịch Kon Tum - Cam Pu Chia - Lào - Thái Lan trên các lĩnh vực; Phối hợp hoạch định chiến lược quản lý, kinh doanh phát triển du lịch; Xây dựng các cơ chế phối hợp; Hoạch định phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của các vùng miền; Xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; Đào tạo nguồn nhân lực du lịch...; (4) có kế hoạch và xây dựng chương trình “Ba quốc gia - một điểm đến”, (5) Tăng cường giao lưu và học hỏi kinh nghiệm đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, dụng cụ phù hợp, hiện đại để góp phần nâng cao chất lượng chương trình có tính văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao nhằm đáp ứng tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong công tác Hội nhập quốc tế.

3 Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 4176/VPCP-KGVX ngày 25/4/2017, Thông báo số 251/TB-VPCP ngày 02/6/2017 và các văn bản liên quan