ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2075/KH-UBND | Bắc Ninh, ngày 15 tháng 7 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI VIỆC THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
Thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế Một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương với những nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021.
- Xác định cụ thể nội dung công việc và trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện, cấp xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nội dung của Đề án.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.
2. Yêu cầu
- Việc triển khai thực hiện Đề án phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nguồn nhân lực của mỗi cơ quan chuyên môn, tránh chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện nhằm phát huy đúng chức năng, vai trò quản lý nhà nước của mỗi cơ quan, đơn vị đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, tránh lãng phí nguồn ngân sách.
- Đề cao vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện Đề án; Tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ tốt việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình thực hiện Đề án, sử dụng có hiệu quả các điều kiện công nghệ thông tin hiện có của địa phương trên cơ sở nâng cấp, đầu tư đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hạn chế tối đa việc vận hành nhiều hệ thống phần mềm.
II. NỘI DUNG
1. Gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC tại Bộ phận một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác
Thực hiện công tác phân loại giấy tờ, hồ sơ thực hiện số hóa; quy trình số hóa trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC; lưu trữ điện tử đối với hồ sơ TTHC (theo hướng dẫn tại Điều 1 Mục III Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 06/01/2021 của UBND tỉnh về số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025).
- Cơ quan chủ trì: Trung tâm hành chính công tỉnh
- Cơ quan phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh, sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã.
- Thời gian thực hiện:
Quý IV- 2021: Thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, hồ sơ kết quả giải quyết TTHC theo quy định. Hồ sơ giấy tờ của 50% TTHC cấp tỉnh; 30% cấp huyện và 20% ở cấp xã được số hóa thành công. 100% kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và 10% Bộ phận một cửa ở cấp xã được số hóa thành công.
Năm 2022: Tổ chức triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, hồ sơ kết quả giải quyết TTHC theo quy định. Hồ sơ giấy tờ của 100% ở cả 3 cấp được số hóa thành công. 100% kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công và Bộ phận một cửa được số hóa thành công.
2. Đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hóa trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
- Thực hiện đồng bộ, liên kết tài khoản của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công tỉnh với tài khoản của Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo mã số định danh tổ chức, cá nhân trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp để hình thành một tài khoản thống nhất, cho phép liên kết, chia sẻ dữ liệu của tổ chức, cá nhân.
- Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công tỉnh, hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ giải quyết TTHC bảo đảm tính liên tục, thống nhất, thuận lợi, đơn giản, đồng bộ, toàn vẹn dữ liệu, tránh lãng phí trong suốt quá trình từ khâu tiếp nhận, xử lý đến trả kết quả giải quyết TTHC.
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.
- Thời gian thực hiện: Năm 2021 - 2022.
3. Mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông
- Đánh giá, xác định và tổ chức triển khai thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với thủ tục hành chính mà thông tin, dữ liệu phục vụ xem xét, thẩm định hồ sơ đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoặc trên cơ sở có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
- Đề xuất thực hiện thí điểm việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với một số thủ tục hành chính đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.
- Cơ quan chủ trì: Trung tâm Hành chính công tỉnh.
- Cơ quan phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh; các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.
- Thời gian thực hiện: Năm 2021-2022.
4. Nâng cao tính chủ động trong đổi mới; nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận một cửa
- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
- Thiết kế bản sắc, thương hiệu thống nhất cho Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã.
- Cơ quan chủ trì: Trung tâm hành chính công tỉnh.
- Cơ quan phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh, Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND cấp huyện.
- Thời gian thực hiện: Năm 2021-2022.
5. Đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới
- Xây dựng, vận hành Hệ thống đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo thời gian thực, làm cơ sở để xếp hạng, phân loại, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
- Trang bị Hệ thống giám sát, đánh giá tự động sử dụng công nghệ (như: trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật,...) để phân tích cảm xúc, tự động cập nhật dữ liệu và phân tích dữ liệu gốc một cách thường xuyên, liên tục để đưa ra kết quả đánh giá khách quan, trung thực, chính xác về sự hài lòng của tổ chức, cá nhân, tinh thần, thái độ phục vụ của nhân sự tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã.
- Ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện việc giám sát, đánh giá tự động một cách thường xuyên, liên tục, chủ động, kịp thời tình hình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã, cũng như mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính. Các dữ liệu này được tự động cập nhật, kết nối, chia sẻ với Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND theo thời gian thực.
- Cơ quan chủ trì: Trung tâm hành chính công tỉnh.
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.
- Thời gian thực hiện: Năm 2021-2023.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Văn phòng UBND tỉnh
Văn phòng UBND tỉnh giúp Chủ tịch UBND tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đúng nội dung, tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
2. Các Sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các nội dung tại Kế hoạch này
- Xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức, triển khai nhiệm vụ được giao, đảm bảo thực hiện chất lượng, hiệu quả các mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 468/QĐ-TTg, ngày 27/3/2021, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
- Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự toán, nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
3. Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND cấp huyện, cấp xã
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với cơ quan chủ trì, tham gia thực hiện các nội dung có liên quan; cung cấp các tài liệu, dữ liệu phục vụ việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch; đề xuất các chủ trương, giải pháp nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó văn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh) để tổng hợp, hướng dẫn thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |