Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 211/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 28  tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN VĂN HÓA LĨNH VỰC THỦ CÔNG MỸ NGHỆ ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Thực hiện Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch Phát triển văn hóa lĩnh vực Thủ công mỹ nghệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa của Trung ương và của địa phương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đối với lĩnh vực Thủ công mỹ nghệ. Huy động các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động theo hướng công nghiệp hoá, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa - xã hội cho người lao động tại địa phương.

b) Đẩy mạnh nâng cao vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, có tính sáng tạo, góp phần làm đa dạng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai.

2. Yêu cầu

a) Việc triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch phải có trọng tâm, trọng điểm; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và Hiệp, hội ngành nghề với các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh.

b) Chủ động hợp tác và quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai đến các thị trường trong nước, khu vực và thế giới; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển ngành thủ công mỹ nghệ

a) Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về cơ chế, chính sách, quảng bá các sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ giúp các cơ sở dễ dàng nắm bắt thông tin về tiềm năng lợi thế của các địa phương và các định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các chủ trương, chính sách có liên quan đến việc khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới có thể áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo vệ môi trường.

b) Đa dạng, đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động, nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng như trực tiếp (tiếp cận tư vấn trực tiếp bởi mạng lưới cộng tác viên, trao đổi qua điện thoại, tập huấn cán bộ quản lý doanh nghiệp...), gián tiếp qua báo, đài, bản tin, website...

2. Hoàn thiện các thể chế, chính sách hỗ trợ công nghiệp nông thôn và các ngành nghề thủ công mỹ nghệ

a) Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển công nghiệp nông thôn và các ngành nghề thủ công mỹ nghệ.

b) Rà soát, ban hành chính sách, cơ chế khuyến khích, đãi ngộ nhằm bảo tồn và phát huy với các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

c) Triển khai có hiệu quả các giải pháp và hoạt động cải cách hành chính trên địa bàn. Công bố công khai, minh bạch các thông tin kinh tế - xã hội, văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển, cơ chế, chính sách quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận và khai thác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân và cơ sở công nghiệp.

3. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ

a) Huy động mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ công tác đào tạo nghề nghiệp, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chủ động liên kết phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước; khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp để ngày càng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và theo xu thế hội nhập quốc tế.

b) Đào tạo khởi sự doanh nghiệp và các chuyên đề quản lý cho các thợ thủ công, chủ cơ sở, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ. Tổ chức giao lưu, khảo sát, học tập kinh nghiệm tại các cơ sở, doanh nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ hoạt động hiệu quả trên cả nước.

c) Tuyên truyền, biểu dương những nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương, thúc đẩy thợ lành nghề phát triển; tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia truyền dạy, quảng bá di sản trong cộng đồng trong và ngoài nước.

4. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo động lực đầu tư phát triển lĩnh vực thủ công mỹ nghệ

a) Đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo Kế hoạch số 3287/KH-UBND ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhằm kịp thời cập nhật, điều chỉnh và bổ sung “Phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phát triển các khu, cụm công nghiệp, làng nghề tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

b) Hoàn thiện cơ chế chính sách; tháo gỡ khó khăn vướng mắc; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch đáp ứng yêu cầu cho phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, bảo vệ môi trường tại các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

5. Bảo vệ phát huy sản phẩm thủ công mỹ nghệ

a) Tập trung phát triển các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp được công nhận Sản phẩm OCOP, Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu gắn với quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, phục vụ khách du lịch và xuất khẩu.

b) Chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa và đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh và bảo vệ môi trường trong phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Nghiên cứu đổi mới, sáng tạo mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa trên cơ sở khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

c) Bảo tồn, khôi phục và phát triển các nghề truyền thống của địa phương, nhất là các nghề có nguy cơ bị mai một, thất truyền để giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động phát triển, công nhận làng nghề, nâng cao giá trị sản phẩm thủ công truyền thống.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Bố trí ngân sách địa phương thực hiện lồng ghép với các chương trình, đề án khác trên địa bàn tỉnh; nguồn huy động xã hội hóa và nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc bố trí ngân sách nhà nước hàng năm phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước, Luật đầu tư công và khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

a) Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu; định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ thụ hưởng theo các nội dung chính sách hỗ trợ về khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử.

c) Tổ chức thực hiện hoạt động phát triển cụm công nghiệp, chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.

2. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

Nghiên cứu kết nối các hoạt động du lịch gắn với nghề thủ công mỹ nghệ; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch thủ công mỹ nghệ tại các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề theo Quyết định số 48/2019/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy định hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

b) Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo Quyết định số 1698/QĐ-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2035”.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Triển khai các hoạt động đào tạo nghề nông thôn khi Trung ương ban hành Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030”; Kế hoạch đào tạo nghề gốm đối với lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất gốm trên địa bàn thành phố Biên Hòa trên cơ sở lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch hoặc thực hiện chính sách riêng của tỉnh đối với nghề gốm (nếu có).

5. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Long Khánh căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung tại Kế hoạch này để thực hiện hoặc lồng ghép vào các chương trình triển khai của ngành, đơn vị, địa phương.

6. Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành xây dựng nội dung quảng bá các hoạt động văn hóa lĩnh vực Thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh.

7. Hiệp hội Gốm mỹ nghệ, Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai phổ biến, thực hiện, vận động các tổ chức thành viên tham gia các hoạt động phát triển văn hóa lĩnh vực Thủ công mỹ nghệ theo Kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch phát triển văn hóa lĩnh vực Thủ công mỹ nghệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Yêu cầu các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo gửi Sở Công Thương trước ngày 15 tháng 11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các đơn vị có tên tại mục VI;
- Chánh VP, Phó Chánh VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTN.
Vinh ktn KH thu cong my nghe

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Hoàng