- 1 Quyết định 897/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050
- 2 Kế hoạch 132/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050
- 3 Quyết định 1601/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 212/KH-UBND | Sóc Trăng, ngày 01 tháng 12 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH SÓC TRĂNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
Căn cứ Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030;
Căn cứ Công văn số 4516/BXD-VLXD ngày 17 tháng 9 năm 2020 của Bộ Xây dựng về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch Phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, cụ thể như sau:
I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG
1. Phát triển vật liệu xây dựng tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 phải phù hợp với Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, quy hoạch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các kế hoạch, quy hoạch khác có liên quan.
2. Phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo tính bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái; không ảnh hưởng tới khu vực an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, du lịch, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.
3. Hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; không tác động tiêu cực tới đời sống sinh hoạt của dân cư.
4. Tập trung đầu tư và phát triển các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, sản xuất vật liệu xây dựng có nguồn nguyên liệu tại chỗ. Sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; Ưu tiên đầu tư nghiên cứu sử dụng các loại phế thải, chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp.
5. Ưu tiên ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ sạch; Từng bước loại bỏ công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
6. Đa dạng hóa hình thức đầu tư, thu hút mọi nguồn lực vào phát triển vật liệu xây dựng. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu tổng quát
Trên cơ sở đánh giá các nguồn lực và điều kiện đặc thù, thế mạnh và nhu cầu thị trường trong tỉnh và khu vực để xác định quy mô cần đầu tư đối với từng nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng. Phát triển vật liệu xây dựng tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 đề ra một số mục tiêu chung như sau:
- Phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh có năng lực cạnh tranh trong vùng, đảm bảo hài hòa các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường; đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh; đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm giá trị cao, thân thiện với môi trường.
- Phát triển ngành vật liệu xây dựng với công nghệ sản xuất đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, cải tạo công nghệ hoặc dừng sản xuất đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu, năng lượng và gây ô nhiễm môi trường theo quy định.
- Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, đa dạng nguyên liệu, nhiên liệu; sử dụng, tận dụng tối đa các loại phế thải, chất thải công nghiệp, khai thác mỏ để sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp.
- Ưu tiên các dự án, chuỗi dự án sản xuất vật liệu xây dựng tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sử dụng công nghệ hiện đại, tiêu hao nhiên liệu và năng lượng thấp, tỷ lệ nội địa hóa cao về thiết bị trong sản xuất; Từng bước sắp xếp lại các cơ sở sản xuất hiện hữu vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung phù hợp với lĩnh vực, ngành, nghề được đầu tư, đăng ký.
2. Mục tiêu cụ thể
Trong giai đoạn thực hiện kế hoạch, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh tại các khu vực có tiềm năng về vùng nguyên liệu, các khu, cụm công nghiệp phù hợp với lĩnh vực, ngành, nghề được đầu tư, đăng ký với các chủng loại vật liệu xây dựng như sau:
- Vật liệu san lấp:
+ Từng bước hạn chế sử dụng cát sông làm vật liệu san lấp.
+ Khai thác cát san lấp và nghiên cứu tạo nguồn vật liệu thay thế cát san lấp từ các sản phẩm phế thải công nghiệp, chất thải xây dựng, giao thông đạt tiêu chuẩn, từ nguồn tuyển rửa cát biển, cát vùng nước mặn, cát nước lợ.
- Cát xây dựng:
+ Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất các dây chuyền chế biến, tuyển rửa cát biển, cát vùng nước mặn, cát nước lợ, cát mịn thành cát đủ tiêu chuẩn sử dụng cho bê tông, vữa xây.
+ Không sử dụng cát sông đủ tiêu chuẩn kỹ thuật dùng cho bê tông làm vật liệu san lấp.
+ Khuyến khích đầu tư các cơ sở sản xuất cát nghiền từ đá xây dựng để thay thế một phần cát tự nhiên đủ tiêu chuẩn sử dụng cho bê tông, vữa và gạch không nung.
- Gạch, ngói nung:
+ Xem xét, đầu tư mở rộng hoặc đầu tư mới một số cơ sở sản xuất có nguồn nguyên liệu ổn định, có vùng nguyên liệu trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên của tỉnh đã được phê duyệt với công nghệ tiên tiến, công suất thiết kế của một dây chuyền sản xuất không nhỏ hơn 20 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm.
+ Không sử dụng đất nông nghiệp; chỉ sử dụng đất sét mỏ làm nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung.
- Vật liệu xây không nung: Đầu tư các cơ sở sản xuất các loại vật liệu xây không nung có công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng; Ưu tiên sản xuất các chủng loại sản phẩm có kích thước lớn, nhẹ, tính năng cao, sử dụng nguyên liệu là chất thải công nghiệp (tro, xỉ nhiệt điện,...).
- Sản xuất bê tông thương phẩm, bê tông cấu kiện:
+ Đầu tư các trạm trộn bê tông thương phẩm tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để thay thế cho chế tạo bê tông thủ công, đơn giản, phân tán, không đảm bảo chất lượng và gây ô nhiễm môi trường.
+ Đẩy mạnh đầu tư các nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông các loại trong các khu, cụm công nghiệp (bê tông nhẹ, bê tông cường độ cao, tính năng cao, bê tông xuyên nước chống ngập úng, giảm tiếng ồn cho các đô thị...), phát triển các loại cấu kiện xây dựng theo mô-đun lắp ghép, tấm panel nhằm phục vụ nhu cầu đô thị hóa trong tỉnh.
- Sản xuất, gia công vật liệu lợp:
+ Khuyến khích đầu tư cải tạo, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cấp các cơ sở sản xuất, gia công vật liệu lợp (xi măng cốt sợi và tấm lợp tính năng cao) nhằm tiết kiệm năng lượng, nguyên nhiên liệu, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
+ Khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu lợp sử dụng các loại sợi an toàn với sức khỏe con người, thân thiện môi trường, bền trong môi trường biển đảo; Không cấp phép đầu tư mới hoặc mở rộng các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng; Khuyến khích sử dụng các loại sợi thay thế sợi amiăng trong sản xuất tấm lợp.
- Vữa khô trộn sẵn: Khuyến khích đầu tư phát triển sản phẩm vữa khô trộn sẵn (vữa xây, trát, ốp, lát,...) tại các khu, cụm công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng và xây dựng trên địa bàn tỉnh.
- Sản xuất, gia công một số chủng loại vật liệu hoàn thiện khác: Các loại vật liệu nội, ngoại thất từ gỗ công nghiệp, hợp kim nhôm, nhựa chất lượng cao, tấm tường 3D, tấm thạch cao, tấm sàn sử dụng vật liệu nhẹ, các loại vật liệu xây dựng tính năng cao,... trong các khu, cụm công nghiệp theo hướng chú trọng công nghệ hiện đại, tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu công nghiệp và môi trường.
- Các chủng loại vật liệu xây dựng khác: Thực hiện theo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam được ban hành tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 định của Thủ tướng Chính phủ.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tuyên truyền, phổ biến và hoàn thiện cơ chế, chính sách
- Phổ biến rộng rãi Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh đến các ngành, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh biết và thực hiện.
- Phân cấp rõ ràng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động sản xuất, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường; Hướng dẫn và hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của nhà nước; Kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp với thực tiễn.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để phát triển sản xuất vật liệu xây dựng có lợi thế trên địa bàn tỉnh.
2. Khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm
- Hoàn thành công tác điều tra cơ bản; Thực hiện hiệu quả phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng.
- Thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gắn khai thác khoáng sản với chế biến khoáng sản phục vụ phát triển vật liệu xây dựng theo quy định.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
- Nghiêm cấm việc sử dụng đất canh tác nông nghiệp để khai thác đất sét sản xuất gạch nung; Nâng giá tính thuế tài nguyên với việc khai thác đất sét trầm tích để sản xuất gạch nung.
- Khuyến khích xây dựng các khu vực, bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng theo quy hoạch; Kêu gọi đầu tư các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu đảm bảo cung cấp ổn định nguồn cung cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn.
- Đối với công tác khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải đảm bảo tuân thủ theo các quy chuẩn về an toàn trong hoạt động khai thác mỏ lộ thiên; Hoạt động khai thác phải đảm bảo các yếu tố về môi trường, công nghệ khai thác theo hướng tiên tiến, hiện đại.
- Khuyến khích sử dụng tro, xỉ nhiệt điện, bả thải thạch cao, phế thải xây dựng, công nghiệp, bùn nạo vét, cát biển đã được tuyển rửa, chế biến,... làm nguyên liệu thay thế cát sông trong sản xuất vật liệu xây dựng và làm vật liệu san lấp.
3. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ
- Bố trí vốn ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ thông qua các đề tài, dự án, các chương trình khuyến công,... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tính năng sản phẩm; Tăng cường sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế từ các nguồn chất thải, phế thải; Tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển các loại sản phẩm vật liệu xây dựng mới phục vụ công nghệ thi công xây dựng hiện đại, tăng năng suất lao động, giảm giá thành xây dựng công trình; Khuyến khích xây dựng công trình xanh,...
- Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học công nghệ; Tham gia các tổ chức về tiêu chuẩn, đo lường, các hiệp hội vật liệu xây dựng để học hỏi, trao đổi, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng mới.
4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Tập trung vào đào tạo đội ngũ công nhân thành thạo kỹ năng vận hành các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng; Đội ngũ quản lý và chủ doanh nghiệp cần chủ động đào tạo pháp luật, làm chủ dây chuyền sản xuất hiện đại, phát triển sản phẩm mới.
- Đa dạng hoá hình thức hợp tác đào tạo theo hướng liên kết với các trường đại học, cao đẳng với các doanh nghiệp để đào tạo lý thuyết và thực hành tại nhà máy sản xuất nhằm tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ ngay từ khi đào tạo.
- Song song với việc đào tạo, sử dụng lao động, các doanh nghiệp cần có các chính sách tiền lương, đãi ngộ tốt với người lao động, để thu hút, tuyển dụng các nhân sự chất lượng cao về làm việc tại địa phương; Phân công công tác, sắp xếp lao động phù hợp với trình độ chuyên môn, tạo điều kiện để người lao động phát huy năng lực và gắn bó lâu dài với công việc.
5. Thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất vật liệu xây dựng
- Đối với huy động vốn đầu tư nước ngoài: Để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cần xúc tiến đầu tư, chuẩn bị danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, hướng dẫn cụ thể về thủ tục đầu tư, địa điểm, hạ tầng cơ sở, khả năng cung ứng nguyên, nhiên liệu, tiện ích giao thông, chính sách ưu đãi đầu tư và kèm theo yêu cầu chuyển giao công nghệ mới, sản phẩm vật liệu xây dựng mới.
- Đối với huy động vốn đầu tư trong nước: Đầu tư trong nước vào ngành vật liệu xây dựng của tỉnh cần định hướng đầu tư xây dựng trong các khu, cụm công nghiệp và sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao như: Vật liệu lợp thông minh, tấm ốp nhôm, ván sàn, cửa nhựa, vật liệu composite,...
6. Bảo vệ môi trường trong sản xuất
- Tăng cường phổ biến rộng rãi các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Để phát triển bền vững, các dự án đầu tư mới, nâng cấp công nghệ phải có định hướng và kiểm soát, giám sát chặt chẽ về đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và bố trí vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung phù hợp với lĩnh vực, ngành, nghề đầu tư để có phương án xử lý ô nhiễm về bụi, tiếng ồn và chất thải.
- Thực hiện giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở khai thác khoáng sản, chế biến nguyên liệu, các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng theo đúng quy định; áp dụng giám sát môi trường tự động, kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý môi trường đối với các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các thủ tục, quy định bảo vệ môi trường và an toàn lao động của các cơ sở khai thác nguyên liệu và sản xuất vật liệu xây dựng; Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Các doanh nghiệp cần chú ý cải thiện môi trường lao động, cần thiết kế nhà xưởng đảm bảo thông thoáng, thông gió tự nhiên kết hợp với thông gió cưỡng bức, vệ sinh nhà xưởng, kho bãi thường xuyên để thu gom sản phẩm và nguyên liệu rơi vãi tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan công bố và triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả và đúng quy định hiện hành; Kịp thời hướng dẫn, xem xét và giải quyết những nội dung phát sinh, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai; Tham mưu đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền.
- Theo dõi, triển khai những chính sách, chương trình phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam, cập nhật các xu hướng, nhu cầu phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh và tổ chức xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2031 - 2050 ngay sau khi kết thúc thời gian thực hiện của kế hoạch giai đoạn 2021 - 2030.
2. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình chủ động phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.
3. Các nhà đầu tư và các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
- Tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan.
- Thực hiện lộ trình chuyển đổi công nghệ sản xuất đối với dây chuyền công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường theo quy định.
- Thường xuyên nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiết kiệm năng lượng, sử dụng tối đa chất thải công nghiệp, chất thải đô thị, xây dựng, giao thông và nông thôn trong sản xuất vật liệu xây dựng để phát triển hiệu quả, bền vững, thân thiện môi trường.
- Lựa chọn các sản phẩm sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường và nền kinh tế; Đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá thành thấp tạo sức cạnh tranh.
- Tăng cường công tác an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong sản xuất. Đầu tư hệ thống thiết bị xử lý chất thải, hệ thống giám sát, quan trắc môi trường tự động kết nối với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
- Hàng năm hoặc đột xuất (theo yêu cầu), báo cáo bằng văn bản tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị về Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp huyện để thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương.
Trên đây là Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo, đề xuất, gửi Sở Xây dựng tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 897/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050
- 2 Kế hoạch 132/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050
- 3 Quyết định 1601/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050