ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/KH-UBND | Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 28 tháng 02 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CHỈ THỊ SỐ 01/CT-TTG NGÀY 06/01/2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ-TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND ngày 04/8/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016 - 2020.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng Kế hoạch tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Các chính sách, giải pháp giảm nghèo phải được triển khai thực hiện lồng ghép, đồng bộ và hiệu quả.
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo.
2. Tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác giảm nghèo ở các cấp. Gắn kết thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp tạo cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch, điều hành quản lý các hoạt động của Chương trình.
3. Tiếp tục triển khai các chính sách giảm nghèo bảo đảm đầy đủ và kịp thời, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ gắn với tiêu chí nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao.
4. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành và Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, tăng thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn.
5. Đẩy mạnh hoạt động tín dụng ưu đãi và tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác gắn với chính sách khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng mô hình giảm nghèo một cách có hiệu quả.
6. Khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm công cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn.
7. Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.
8. Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát, đánh giá và định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị xã hội và UBND các huyện, thành phố:
- Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh theo quy định.
- Thường xuyên tổ chức hướng dẫn, triển khai và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo trên phạm vi cấp tỉnh.
- Tuyên truyền chủ trương, chính sách về giảm nghèo của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền những gương điển hình, kinh nghiệm vươn lên thoát nghèo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác giảm nghèo.
2. Ban Dân tộc: tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Thực hiện chính sách nhà ở, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, điện sinh hoạt, y tế, văn hóa, giáo dục, phát triển sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số và phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chủ trì hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, nhân rộng mô hình giảm nghèo một cách có hiệu quả.
4. Sở Thông tin và Truyền thông: đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác giảm nghèo; tuyên truyền các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả về giảm nghèo; thực hiện giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân.
5. Sở Y tế: xây dựng giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận của người dân về dịch vụ khám chữa bệnh, tăng độ bao phủ tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; triển khai thực hiện các chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, chính sách hỗ trợ người nghèo bệnh nặng, chi phí cao không đủ khả năng thanh toán viện phí.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo: xây dựng giải pháp tăng tỷ lệ trẻ em đến trường đúng độ tuổi theo từng cấp học, giảm tỷ lệ bỏ học, lưu ban; tăng tỷ lệ biết chữ của người lớn; tham mưu triển khai thực hiện các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh con hộ nghèo.
7. Sở Xây dựng: xây dựng giải pháp để tăng tỷ lệ người dân có nhà ở bảo đảm về diện tích và chất lượng, tham mưu xây dựng đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 giai đoạn 2 và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo.
8. Sở Tư pháp: triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo; tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nâng cao chất lượng vụ việc và tăng cường truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở nơi có đông người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt là tại các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn.
9. Sở Nội vụ: bố trí nhân sự thực hiện công tác giảm nghèo theo quy định, hạn chế việc điều động cán bộ làm công tác giảm nghèo sang làm công tác khác.
10. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tính toán cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, chủ động phân bổ nguồn vốn các chương trình trong tháng 01 hàng năm, bảo đảm đúng mục tiêu và tập trung trọng điểm.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh theo quy định tại Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
11. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Hàng năm, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính, căn cứ nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách, trình UBND tỉnh phê duyệt nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách để cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn tỉnh và hộ mới thoát nghèo.
Phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện cho vay đúng đối tượng thụ hưởng trên cơ sở xác nhận của UBND cấp xã, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ trả lãi đầy đủ và xử lý nợ bị rủi ro theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các chính sách giảm nghèo cho giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn cấp huyện.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức điều tra, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội định kỳ, hàng năm, đảm bảo xác định đúng đối tượng và phản ánh đúng thực trạng nghèo của địa phương.
- Tăng cường vai trò Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, cấp xã trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo tại địa phương.
- Có giải pháp, kế hoạch tác động phù hợp để nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên địa bàn.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tình hình thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững về Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh.
13. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp hội cơ sở ở địa phương tích cực hưởng ứng cuộc vận động Quỹ vì người nghèo, đẩy mạnh xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm - tín dụng, tham gia thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách về giảm nghèo cho các hội viên nhằm nâng cao nhận thức giúp đỡ hộ nghèo, hội viên nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; tăng cường giám sát và phản biện xã hội.
14. Các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh: căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện, đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt trong việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch theo định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (trước ngày 15/6 và 15/12 hàng năm).
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu thấy cần phải sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể của Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 82/KH-UBND năm 2017 đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020
- 2 Chỉ thị 01/CT-TTg năm 2017 về tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 41/2016/QĐ-TTg Quy chế quản lý, điều hành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Nghị quyết 47/2016/NQ-HĐND phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020
- 5 Quyết định 2905/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nông, lâm sản góp phần giảm nghèo khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020
- 6 Chỉ thị 04/2008/CT-UBND tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 7 Quyết định 11/2007/QĐ-UBND về Chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010
- 1 Chỉ thị 04/2008/CT-UBND tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 2 Quyết định 2905/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nông, lâm sản góp phần giảm nghèo khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020
- 3 Quyết định 11/2007/QĐ-UBND về Chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010
- 4 Kế hoạch 82/KH-UBND năm 2017 đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020