ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 220/KH-UBND | Nghệ An, ngày 19 tháng 4 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
KIỂM TRA, KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG KINH DOANH XĂNG DẦU CỦA ĐOÀN KIỂM TRA LIÊN NGÀNH
Thực hiện Quyết định số:1039/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đoàn kiểm tra liên ngành xây dựng Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2021 như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích:
- Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, đấu tranh quyết liệt với các đối tượng buôn lậu, pha trộn, kinh doanh xăng dầu giả, xăng dầu kém chất lượng, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.
- Quá trình kiểm tra kết hợp với công tác tuyên truyền cho các đối tượng kiểm tra thực hiện tốt các điều kiện về kinh doanh xăng dầu.
- Thiết lập trật tự trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, theo quy định pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng.
2. Yêu cầu:
- Hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ theo quy định của pháp luật; không để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong công tác kiểm tra (không kiểm tra những đối tượng đã có trong kế hoạch kiểm tra năm 2021 của các cơ quan chức năng); không làm cản trở hoạt động kinh doanh, vận chuyển của các tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra.
- Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển xăng dầu.
- Quá trình kiểm tra kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về xăng dầu.
- Phát hiện kịp thời, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, thông báo công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
- Kiểm tra theo hướng dẫn, quy định của pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời.
II. Đối tượng, địa bàn, thời gian và hình thức kiểm tra
1. Đối tượng kiểm tra:
- Các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp phân phối xăng dầu, doanh nghiệp làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp làm đại lý bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp nhận quyền bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
- Các phương tiện hoạt động vận chuyển xăng dầu.
2. Địa bàn kiểm tra: Trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
3. Thời gian tiến hành kiểm tra: Từ ngày 20/4/2021 đến ngày 20/7/2021.
4. Hình thức kiểm tra: Kiểm tra đột xuất.
5. Các văn bản được sử dụng để kiểm tra:
- Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
- Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa.
- Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Luật Đo lường.
- Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
- Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP.
- Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
- Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
- Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25/8/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.
III. Nội dung kiểm tra
- Thủ tục pháp lý tương ứng với loại hình hoạt động kinh doanh xăng dầu.
- Các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ.
- Các điều kiện về đo lường, chất lượng theo quy định tại Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25/8/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.
- Chú trọng kiểm tra chất lượng xăng dầu, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm hành vi nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh xăng dầu không đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công thực hiện:
- Trưởng Đoàn kiểm tra: Chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành. Tùy theo từng trường hợp kiểm tra cụ thể, Trưởng Đoàn ủy quyền cho các Phó Trưởng Đoàn xử lý các vấn đề liên quan.
- Phó Trưởng Đoàn kiểm tra: Giúp Trưởng Đoàn kiểm tra điều hành hoạt động của Đoàn kiểm tra. Phụ trách theo dõi, chủ trì thực hiện các cuộc kiểm tra của Đoàn tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu.
- Thành viên Đoàn kiểm tra: Là đại diện cho các sở, ngành: Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp danh sách các cơ sở dự kiến kiểm tra thuộc thẩm quyền quản lý của ngành mình gửi cho Thư ký Đoàn kiểm tra tổng hợp. Đồng thời chuẩn bị các nội dung kiểm tra, văn bản quy định hiện hành có liên quan đến ngành mình quản lý để tham mưu cho Trưởng Đoàn xem xét, quyết định.
- Thư ký Đoàn kiểm tra:
Tổng hợp danh sách các cơ sở dự kiến kiểm tra để báo cáo Trưởng Đoàn kiểm tra quyết định. Tham mưu về phương tiện, kinh phí để phục vụ đoàn, thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng Đoàn phân công.
Chuẩn bị biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính và các loại giấy tờ liên quan khác phục vụ công tác kiểm tra.
Trong quá trình đoàn hoạt động, nếu có vướng mắc, Thư ký Đoàn kiểm tra tổng hợp kịp thời báo cáo cho Trưởng Đoàn; Trưởng Đoàn kiểm tra chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức hội ý, lấy ý kiến thống nhất của các thành viên của Đoàn kiểm tra trước khi ra quyết định xử lý sự việc kiểm tra. Trong trường hợp các thành viên có ý kiến khác nhau, đồng chí Trưởng Đoàn xem xét, kết luận.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn kiểm tra:
- Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương các huyện, thành phố, thị xã để lập danh sách các đối tượng kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu.
- Quá trình kiểm tra, sử dụng mẫu biên bản, quyết định theo Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ; sử dụng con dấu của Cục Quản lý thị trường là cơ quan chủ trì để thực hiện kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
- Việc xử lý vi phạm hành chính căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, thực hiện đúng theo thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ được giao trên cơ sở thống nhất giữa các cơ quan tham gia phối hợp kiểm tra. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, Đoàn kiểm tra liên ngành đề nghị chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.
- Đối với các hành vi vi phạm thuộc diện phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, Đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với các đơn vị chức năng, các địa phương kịp thời công bố công khai tên tổ chức, cá nhân vi phạm và các thông tin liên quan để cảnh báo cho cộng đồng.
- Phối hợp với Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu và kết quả hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm của Đoàn kiểm tra liên ngành.
V. Chế độ báo cáo:
Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm tổng hợp tình hình và báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm theo định kỳ hàng tuần (qua Văn phòng UBND tỉnh). Kết thúc thời gian kiểm tra, xây dựng Báo cáo tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trước ngày 30/7/2021./.
Trên đây là Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Yêu cầu các các tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình hoạt động, nếu gặp các vấn đề phát sinh, vướng mắc vượt quá khả năng giải quyết, Trưởng Đoàn kiểm tra tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
PHÊ DUYỆT CỦA NGƯỜI KIỂM TRA | TRƯỞNG ĐOÀN KIỂM TRA |
|
|
- 1 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006
- 2 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007
- 3 Luật đo lường 2011
- 4 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- 5 Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính
- 6 Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu
- 7 Thông tư 15/2015/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 8 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí
- 9 Nghị định 97/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính
- 10 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa
- 11 Nghị định 08/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương
- 12 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng