Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 225/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 15 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

QUAN TRẮC, CẢNH BÁO VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1151/QĐ-BNN-TCTS ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2025, với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Hoàn thiện mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, cập nhật thông tin hiện trạng môi trường của địa phương làm cơ sở cho công tác quản lý, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản;

- Kiểm soát mức độ ô nhiễm để có biện pháp ngăn chặn kịp thời trong chỉ đạo sản xuất. Đảm bảo cung cấp thông tin, cảnh báo cho người dân để kịp thời xử lý và phòng tránh dịch bệnh trong nuôi thủy sản nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại giúp phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi cá tra xuất khẩu ở thành phố Cần Thơ;

- Hình thành hệ thống thông tin kết nối với mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường thành phố Cần Thơ và mạng lưới quan trắc môi trường tài nguyên quốc gia; góp phần xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, chương trình hành động bảo vệ môi trường ở thành phố Cần Thơ nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

2. Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng 05 trạm quan trắc tự động cố định tại các điểm thuộc vùng nuôi tập trung phục vụ nuôi trồng thủy sản nhằm đánh giá và dự báo môi trường nước hiện nay;

- Theo dõi thường xuyên và định kỳ chất lượng nước mặt phục vụ nuôi trồng thủy sản, cảnh báo kịp thời diễn biến bất thường môi trường giúp người nuôi kiểm soát chất lượng nước nuôi thủy sản, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, phát triển thủy sản bền vững đi đôi với việc bảo vệ môi trường và an sinh xã hội;

- Cung cấp thông tin chất lượng nước cho hệ thống quan trắc nuôi trồng thủy sản quốc gia qua cổng thông tin điện tử Tổng cục Thủy sản. Góp phần thiết lập được cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản thống nhất từ trung ương đến địa phương theo quy định của Luật Thủy sản, Thông tư số 24/2018/TT-BNNPTNT.

II. NỘI DUNG

1. Đối tượng và vùng quan trắc môi trường

a) Đối tượng quan trắc

Quan trắc môi trường nước mặt khu vực cấp nước cho vùng nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế như cá tra, cá rô phi, cá nuôi lồng bè…

b) Vùng quan trắc

- Vùng nuôi huyện Vĩnh Thạnh (diện tích 135 ha);

- Vùng nuôi và sản xuất giống tập trung huyện Cờ Đỏ (diện tích 156 ha);

- Vùng nuôi quận Thốt Nốt (diện tích 365 ha);

- Vùng nuôi quận Ô Môn (diện tích 135 ha);

- Vùng nuôi cá lồng/bè thuộc quận Ô Môn và quận Bình Thủy (350 bè).

2. Điểm quan trắc

Điểm quan trắc đối với nguồn nước cấp của các khu vực sông nuôi cá tra thương phẩm, ương cá tra giống và lồng bè tập trung bao gồm:

a) Các điểm thành phố chủ trì thực hiện

- Điểm tại khu vực sông Cái Sắn (lưu vực thuộc Thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh);

- Điểm khu vực sông Hậu (lưu vực thuộc phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt);

- Điểm tại khu vực sông Hậu (lưu vực thuộc phường Thới Long, quận Ô Môn);

- Điểm tại khu vực sông Hậu (lưu vực thuộc điểm giữa phường Thới An, quận Ô Môn);

- Điểm tại khu vực sông vùng nuôi cá tra giống tập trung Cờ Đỏ (lưu vực thuộc xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ).

b) Các điểm Tổng cục Thủy sản chủ trì thực hiện, thành phố phối hợp:

- Điểm khu vực sông Cái Sắn (lưu vực thuộc xã vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh);

- Điểm khu vực sông Hậu (lưu vực thuộc phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt);

- Điểm khu vực sông Hậu (lưu vực thuộc phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt);

- Điểm khu vực sông Hậu (lưu vực thuộc điểm cuối phường Thới An, quận Ô Môn);

- Điểm khu vực sông Hậu (khu vực bến đò Bò Ót, quận Thốt Nốt);

- Khu vực nuôi cá bè thuộc quận Thốt Nốt;

- Khu vực nuôi cá bè thuộc quận Bình Thủy.

3. Thông số và tần suất quan trắc

a) Thông số phân tích

- Các thông số môi trường thông thường:Chỉ tiêu oxy và pH, nhiệt độ, độ mặn, COD, S2-, TSS, kiềm (HCO3-).

- Các chất dinh dưỡng: NH4 , NO2-, NO3-; PO43-.

- Các kim loại nặng và hóa chất độc hại: As, Cd, Pb, Hg.

- Hóa chất bảo vệ thực vật: nhóm cúc và carbamate.

- Vi khuẩn tổng số: Coliform, Aeromosnas spp.

b) Tần suất quan trắc

Các chỉ tiêu nhiệt độ, oxy, pH được đo định kỳ 12 lần/tháng tại thời điểm quan trắc.

Các chỉ tiêu NH4 , NO2-, NO3-; S2-, PO4-, TSS, COD, kiềm (HCO3-), Coliform, Aeromosnas spp được phân tích tại phòng thí nghiệm định kỳ với số mẫu thu như sau:

- Đối với mẫu khu vực nước cấp (sông; kinh cấp): Số lần = (5 khu vực quan trắc × 2 lần/tháng × 2 đợt kỳ cường/lần × 9 tháng) (5 khu vực quan trắc × 4 lần/tháng × 2 đợt kỳ cường/lần × 3 tháng) = 300 (lần).

- Đối với mẫu khu vực ao nuôi đại diện: Số lần = 5 khu vực quan trắc × 4 lần/tháng × 2 đợt kỳ cường/lần× 12 tháng = 480 (lần).

- Tổng số mẫu phân tích hàng năm = 300 480 (300 480) x 10% dự phòng = 858 lần phân tích.

- Số lần thu tương đương với số mẫu phân tích.

- Tổng số chỉ tiêu gửi phân tích hàng năm gồm thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng = 6 chỉ tiêu/mẫu × 3 lần/năm × 5 điểm = 90 chỉ tiêu (Thời điểm thu mẫu theo kế hoạch sản xuất lúa 3 vụ).

4. Thời gian thu mẫu cố định

Thu mẫu vào các ngày có con nước lớn của kỳ nước cường trong tháng.

Thành phố Cần Thơ có 2 đợt kỳ cường/ngày nên thời gian thu mẫu theo kỳ cường trong ngày là 2 lần thu/ngày.

Phương pháp thu mẫu này phù hợp với đặc điểm sinh học của thủy sinh vật, khác biệt với số liệu quan trắc nước mặt của Sở Tài Nguyên và Môi trường.

5. Phương pháp thu mẫu

Điểm thu mẫu khu vực nước cấp, vùng nước mở trong nuôi trồng thủy sản cần cách bờ từ 1/3 chiều rộng sông/kênh (đối với sông lớn) - 1/2 chiều rộng sông/kênh (đối với kênh rạch và sông nhỏ) và cách mặt nước khoảng 30-50cm đối với tầng nước mặt. Thu 03 điểm đầu kinh, giữa kinh và cuối kinh gần khu vực nuôi thủy sản, sau đó trộn thành 01 mẫu chung.

Thu mẫu nước trong ao: Thu 03 điểm theo đường chéo ao, sau đó trộn thành 01 mẫu.

Dụng cụ thu mẫu: Can nhựa 1 lít và bảo quản mẫu trong thùng lạnh.

6. Phương pháp phân tích mẫu

Các chỉ tiêu nhiệt độ, Oxy, pH đo bằng thiết bị quan trắc tự động và máy đo cầm tay tại điểm quan trắc do cán bộ địa phương thu và phân tích.

Các chỉ tiêu NH4 , NO2-, NO3-, S2-, PO43-, TSS, COD, kiềm (HCO3-), Aeromosnas spp được đo bằng phương pháp quang phổ, chuẩn độ, sấy, đếm lạc khuẩn theo quy định Thông tư 20/2017/TT-BTNMT ngày 08/8/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định công tác quan trắc.

Các chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật (nhóm cúc và carbamate), dư lượng kim loại nặng (As, Cd, Pd, Hg) được gửi các trung tâm được chỉ định để phân tích.

7. Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực phân tích

Đào tạo, tập huấn cho 04 cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật về các phương pháp thu mẫu, phương pháp phân tích chất lượng nước phục vụ nuôi trồng thủy sản và phương pháp tổng hợp đánh giá các chỉ tiêu quan trắc môi trường.

Đào tạo 04 cán bộ nhằm nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng kiểm soát môi trường nhằm phát triển trồng nuôi thủy sản bền vững.

Đào tạo 05 cán bộ phân tích trong phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017.

Xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017.

8. Báo cáo kết quả quan trắc

Kết quả quan trắc được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật, xử lý báo cáo Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y và thông báo đến Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân quận, huyện có điểm quan trắc môi trường và phổ biến đến người nuôi trên địa bàn.

9. Quản lý kế hoạch và kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch

Định kỳ và đột xuất kiểm tra, giám sát các nội dung thực hiện theo kế hoạch đã được duyệt.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí thực hiện là 6.293.630.450 đồng (Sáu tỷ hai trăm chín mươi ba triệu sáu trăm ba mươi ngàn bốn trăm năm mươi đồng), trong đó:

Số TT

Nội dung

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

01

Quan trắc môi trường Nuôi trồng thủy sản

806.407.613

811.607.613

806.407.613

811.607.613

02

Nâng cao năng lực cán bộ

50.000.000

50.000.000

50.000.000

50.000.000

03

Chứng nhận và duy trì ISO 17025 -2017

205.000.000

50.000.000

50.000.000

50.000.000

04

Quan trắc tự động

800.000.000

1.200.000.000

150.000.000

225.000.000

05

Thông tin tuyên truyền và cảnh báo

15.400.000

15.400.000

15.400.000

15.400.000

06

Quản lý, kiểm tra và giám sát thực hiện kế hoạch

16.500.000

16.500.000

16.500.000

16.500.000

Tổng

1.893.307.613

2.143.507.613

1.088.307.613

1.168.507.613

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo đơn vị chuyên môn Chi cục Thủy sản tổ chức thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương sau khi kế hoạch được phê duyệt. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát, đôn đốc việc thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường trên địa bàn.

- Cung cấp thông tin hoạt động nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện của đơn vị quan trắc môi trường; trong vòng 01 (một) ngày kể từ khi nhận kết quả quan trắc, gửi báo cáo kết quả cho Tổng cục Thủy sản, cơ quan quản lý thủy sản cấp huyện, UBND xã, vùng quan trắc và các đơn vị liên quan.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp cung cấp thông tin thời tiết, thông tin thủy văn, kết quả quan trắc nước mặt phục vụ sinh hoạt nhằm cung cấp thông tin có liên quan để nhận định đánh giá diễn biến thời tiết có ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước cũng như việc ra dự báo đảm bảo chính xác hơn nhằm khuyến cáo người nuôi trồng có kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả.

3. Sở Tài chính

Thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ kinh phí thực hiện kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản hàng năm trên địa bàn thành phố theo đúng quy định.

4. Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo kết quả quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình triển khai thực hiện thu mẫu và các nội dung có liên quan đến công các quan trắc, cảnh báo môi trường nước nuôi trồng thủy sản.

5. Đơn vị quan trắc môi trường có trách nhiệm thực hiện quan trắc

- Thu thập các thông tin nuôi trồng thủy sản, tình hình dịch bệnh động vật thủy sản và kết quả quan trắc môi trường từ các bộ phận khác để đánh giá, tổng hợp và bổ sung kết quả quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản;

- Thực hiện đo, phân tích, tổng hợp, xử lý số liệu, báo cáo kết quả quan trắc và biên soạn bản tin quan trắc theo kế hoạch quan trắc môi trường;

- Trong vòng 03 (ba) ngày, kể từ khi thu mẫu, đơn vị quan trắc môi trường phải gửi báo cáo và bản tin quan trắc môi trường đến Chi cục Thủy sản.

6. Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản

- Theo dõi, giám sát môi trường tại cơ sở nuôi trồng thủy sản; ghi chép đầy đủ thông tin, số liệu thu thập, các biện pháp xử lý môi trường vượt ngưỡng cho phép theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản và đơn vị thực hiện quan trắc;

- Cung cấp thông tin, số liệu về quan trắc môi trường, phòng bệnh động vật thủy sản nuôi khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý triển khai thực hiện hoạt động quan trắc môi trường kịp thời, hiệu quả.

Trên đây là Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2025, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo về Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, đề xuất báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết theo đúng quy định./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hè