BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 226/KH-BCA-C41 | Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
TỔNG KẾT VIỆC THI HÀNH LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY NĂM 2000 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2008)
Luật phòng, chống ma túy năm 2000 được Quốc hội khóa X thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2008. Trong thời gian qua, việc triển khai thi hành Luật phòng, chống ma túy đã góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Luật phòng, chống ma túy đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc nhất định. Để đánh giá kết quả đạt được, những vướng mắc, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy, Bộ Công an xây dựng Kế hoạch tổng kết Luật phòng, chống ma túy, gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích tổng kết
Trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, toàn diện Luật phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008), sau đây gọi chung là Luật phòng, chống ma túy:
a) Đánh giá kết quả sau 17 năm thực hiện Luật phòng, chống ma túy và 9 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy; làm rõ những tác động, tính phù hợp, khả thi của các quy định hiện hành, xác định những vướng mắc bất cập chính cần được điều chỉnh khi áp dụng Luật phòng, chống ma túy vào thực tiễn cuộc sống.
b) Căn cứ vào các bộ luật có liên quan, chỉ ra những bất cập giữa Luật phòng, chống ma túy với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật xử lý vi phạm hành chính.
c) Đề xuất giải pháp cụ thể trong sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đất nước và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
2. Yêu cầu tổng kết
a) Việc tổng kết cần được thực hiện nghiêm túc, khách quan, toàn diện trên phạm vi toàn quốc; nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế, có đánh giá, chứng minh, tránh làm theo kiểu thống kê, báo cáo thành tích. Báo cáo tổng kết phải được thực hiện đúng quy định về thời gian.
b) Đánh giá đúng tình hình thực hiện Luật phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành. Làm rõ những kết quả, thành tựu đã đạt được, những mặt còn hạn chế, tồn tại. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, triển khai các quy định của Luật phòng, chống ma túy.
II. NỘI DUNG, PHẠM VI, HÌNH THỨC VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG TỔNG KẾT
1. Phạm vi
Tổng kết việc thi hành Luật phòng, chống ma túy (số liệu tổng kết được tính từ khi Luật sửa đổi, bổ sung năm 2008 có hiệu lực đến 30/6/2017).
2. Nội dung tổng kết
1) Phân tích rõ kết quả, đánh giá những thành công, hạn chế, sơ hở trong quy định và tổ chức thực hiện Luật phòng, chống ma túy trên các lĩnh vực: trách nhiệm phòng, chống ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; cai nghiện ma túy; quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; hợp tác quốc tế, về phòng, chống ma túy.
2) Chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quy định của Luật phòng, chống ma túy và thực tiễn tổ chức thực hiện các quy định của Luật phòng, chống ma túy trong các lĩnh vực; phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập đó.
3) Rà soát, đánh giá những mối quan hệ giữa các quy định của Luật phòng, chống ma túy với Luật xử lý vi phạm hành chính, Chương XX của Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
4) Trên cơ sở đánh giá những bất cập trong việc triển khai Luật phòng, chống ma túy, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cụ thể các quy định trong Luật phòng, chống ma túy để phù hợp với các bộ luật hiện hành và phù hợp với tình hình thực tiễn.
3. Hình thức tổng kết
Căn cứ quy định của Luật phòng, chống ma túy, đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan khác có liên quan xây dựng Báo cáo tổng kết thi hành Luật phòng, chống ma túy và tùy theo tính chất, khối lượng công việc có thể quyết định tổ chức Hội nghị tổng kết. Nội dung báo cáo tổng kết của các Bộ ngành và địa phương cần bám sát đề cương hướng dẫn tổng kết (có gửi kèm theo).
Việc tổng kết quá trình thực hiện Luật phòng, chống ma túy được tổ chức ở các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, cụ thể như sau:
(a) Các Bộ, ngành:
Đề nghị các Bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể được quy định trong Chương V, Luật phòng, chống ma túy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy, tiến hành tổng kết và tổng hợp báo cáo gửi về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát).
(b) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể được quy định tại Điều 37, Luật phòng, chống ma túy và tùy tình hình thực tế ở địa phương, lựa chọn hình thức tổng kết cho phù hợp, báo cáo tổng kết gửi về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát),
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan khác có liên quan chủ động thực hiện việc tổng kết và xây dựng báo cáo theo đề cương hướng dẫn và gửi về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát) trước ngày trước 30/11/2017 để tổng hợp, báo cáo.
2. Giao Tổng cục Cảnh sát hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai tổng kết Luật phòng, chống ma túy theo quy định; tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo việc thi hành Luật phòng, chống ma túy trình Bộ trưởng xem xét, quyết định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí phục vụ cho việc tổng kết Luật phòng, chống ma túy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan khác bố trí từ kinh phí thường xuyên nhà nước giao cho các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố. Giao cho V22 đảm bảo kinh phí thực hiện việc tổng kết Luật phòng, chống ma túy trong Bộ Công an./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO TỔNG KẾT
ĐÁNH GIÁ QUÁ TRÌNH CHỈ ĐẠO, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY NĂM 2000 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2008)
I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VIỆC THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY.
1. Đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế trong các quy định của Luật phòng, chống ma túy và trong thực tiễn tổ chức thực hiện các quy định của Luật phòng, chống ma túy.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, đề nghị các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố đánh giá theo nội dung:
- Đánh giá trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy (được quy định từ Điều 6 đến Điều 14, Chương II Luật phòng, chống ma túy).
- Đánh giá việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy (được quy định từ Điều 15 đến Điều 24, Chương III Luật phòng, chống ma túy).
- Đánh giá công tác cai nghiện ma túy (được quy định từ Điều 25 đến Điều 35, Chương IV Luật phòng, chống ma túy).
- Đánh giá công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy và trách nhiệm được phân công cho các Bộ, ngành và địa phương (được quy định từ Điều 36 đến Điều 45, Chương V Luật phòng, chống ma túy).
- Đánh giá công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy (được quy định từ Điều 46 đến Điều 51 Chương VI Luật phòng, chống ma túy).
- Đánh giá công tác khen thưởng và xử lý vi phạm (được quy định từ Điều 52 đến Điều 54, Chương VII Luật phòng, chống ma túy).
2. Đánh giá về mối quan hệ chồng chéo, mâu thuẫn giữa quy định của Luật phòng, chống ma túy với quy định của các Bộ luật có liên quan.
Đánh giá nội dung trong các quy định ở Luật phòng, chống ma túy có sự chồng chéo hoặc mâu thuẫn so với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác, nhất là Luật xử lý vi phạm hành chính và Chương XX của Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
3. Xác định những vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác phòng, chống ma túy chưa được Luật phòng, chống ma túy quy định và cần được pháp luật điều chỉnh.
Trong trường hợp các Bộ, ngành, địa phương thấy những nội dung phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật phòng, chống ma túy thuộc lĩnh vực quản lý của mình nhưng chưa được pháp luật quy định và cần được pháp luật điều chỉnh, thì đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá và đề xuất những nội dung đó.
4. Đánh giá về các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống ma túy có liên quan
II. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN NHẰM SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
- Về kết cấu của Luật phòng, chống ma túy
- Theo các vấn đề được nêu ở Mục I đề cương báo cáo
- 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
- 2 Bộ luật hình sự 2015
- 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- 4 Thông tư 33/2010/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 94/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống ma túy sửa đổi về quản lý sau cai nghiện ma túy về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 5 Nghị định 94/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống ma túy sửa đổi về quản lý sau cai nghiện ma túy
- 6 Chỉ thị 32/2008/CT-TTg thi hành Luật phòng, chống ma túy sửa đổi và Nghị quyết 16/2008/QH12 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Luật phòng, chống ma túy sửa đổi 2008
- 8 Luật Phòng, chống ma túy 2000
- 1 Chỉ thị 32/2008/CT-TTg thi hành Luật phòng, chống ma túy sửa đổi và Nghị quyết 16/2008/QH12 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Nghị định 94/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống ma túy sửa đổi về quản lý sau cai nghiện ma túy
- 3 Thông tư 33/2010/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 94/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống ma túy sửa đổi về quản lý sau cai nghiện ma túy về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 4 Công văn 1266/LĐTBXH-PCTNXH năm 2021 tổng kết thi hành quy định về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành