Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 231/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 26 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

KHẢO SÁT, ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP VỀ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2023

Căn cứ Quyết định số 45/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về hiệu quả quản trị và hành chính công ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2023, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thu nhận được các thông tin khách quan về nhận định, đánh giá, mức độ hài lòng, nhu cầu, mong đợi của người dân, doanh nghiệp về hiệu quả quản trị và hành chính công ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; từ đó có các giải pháp phù hợp, hiệu quả nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

- Tạo điều kiện, cơ hội để người dân, doanh nghiệp bày tỏ ý kiến của mình; tăng cường sự giám sát của người dân đối với công tác quản trị và hành chính công của chính quyền địa phương, cơ sở.

2. Yêu cầu

- Việc khảo sát đảm bảo khoa học, khách quan, đúng đối tượng, công khai và minh bạch; phải có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.

- Các câu hỏi khảo sát rõ ràng, đúng trọng tâm, dễ hiểu, dễ trả lời, phù hợp với trình độ của đối tượng khảo sát.

- Kết quả khảo sát phải phản ánh trung thực đánh giá và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hiệu quả quản trị và hành chính công ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đối tượng khảo sát

Đối tượng khảo sát là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, đại diện cho hộ gia đình, doanh nghiệp và hiện đang cư trú tại các ấp, khu phố trên địa bàn các xã, phường, thị trấn được chọn khảo sát.

2. Nội dung khảo sát

Năm 2023, tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về hiệu quả quản trị và hành chính công ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trên 8 lĩnh vực sau:

a) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở

b) Công khai, minh bạch

c) Trách nhiệm giải trình với người dân

d) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công

đ) Thủ tục hành chính công

e) Cung ứng dịch vụ công

g) Quản trị môi trường

h) Quản trị điện tử

3. Đơn vị được khảo sát và số lượng phiếu khảo sát

- Khảo sát tổng cộng 88 xã, phường, thị trấn (đơn vị) trên địa bàn tỉnh. Trong đó: 63 đơn vị đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận kiểu mẫu trong quản trị và hành chính công các năm 2020, 2021, 2022; 25 đơn vị đăng ký kiểu mẫu trong quản trị và hành chính công năm 2023.

- Mỗi đơn vị khảo sát 40 phiếu. Tổng số phiếu khảo sát: 88 đơn vị x 40 phiếu/đơn vị = 3.520 phiếu.

4. Phiếu khảo sát

Mẫu phiếu khảo sát được xây dựng thống nhất chung cả tỉnh, phù hợp với các nội dung khảo sát, đảm bảo dễ đọc, dễ hiểu, dễ trả lời.

5. Khảo sát viên

- Sử dụng đội ngũ khảo sát viên là nhân viên ngành Bưu điện của tỉnh.

- Chọn những khảo sát viên đã có kinh nghiệm điều tra Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính - SIPAS hàng năm (theo kế hoạch của Bộ Nội vụ) để thực hiện.

6. Giám sát khảo sát và phúc tra kết quả khảo sát

Công chức Sở Nội vụ (lãnh đạo và chuyên viên Phòng Cải cách hành chính) thực hiện giám sát quá trình khảo sát và phúc tra kết quả khảo sát.

7. Cách thức khảo sát

- Dựa trên danh sách do Sở Nội vụ cung cấp, Khảo sát viên phát phiếu khảo sát trực tiếp đến đối tượng khảo sát và giải thích phiếu khảo sát (không được gợi ý trả lời); thanh toán tiền cung cấp thông tin cho đối tượng khảo sát và thực hiện chứng từ tài chính theo quy định; kiểm tra để đảm bảo phiếu khảo sát đã được trả lời đầy đủ; thu, sắp xếp, bảo quản phiếu khảo sát đã hoàn thành; giao nộp phiếu khảo sát; đảm bảo bí mật thông tin trả lời trên phiếu khảo sát và thông tin về người trả lời khảo sát.

- Cơ quan chủ trì khảo sát tổ chức hướng dẫn khảo sát (giải thích phiếu khảo sát và cách thức trả lời) cho Khảo sát viên trước khi tiến hành khảo sát.

8. Thời gian thực hiện

Hoàn thành và báo cáo kết quả khảo sát gửi Ủy ban nhân dân tỉnh trong tháng 11 năm 2023.

9. Kinh phí thực hiện

Các nội dung chi, mức chi để thực hiện Kế hoạch này theo Thông tư số 26/2019/TT-BTC ngày 10/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước; Thông tư số 33/2022/TT-BTC ngày 09/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2019/TT-BTC ngày 10/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Nguồn kinh phí: sử dụng từ nguồn kinh phí không thực hiện tự chủ (kinh phí cải cách hành chính) do Sở Nội vụ quản lý để thực hiện.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chọn và lập danh sách người dân, doanh nghiệp thuộc đối tượng khảo sát theo từng địa bàn trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tổng hợp danh sách đối tượng khảo sát để cung cấp cho khảo sát viên.

- Phối hợp với Bưu điện tỉnh để tiến hành khảo sát, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Chủ trì xây dựng, hoàn thiện phiếu khảo sát. Nhập dữ liệu phiếu khảo sát và phân tích, báo cáo kết quả khảo sát. Trên cơ sở kết quả khảo sát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản trị và hành chính công ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

- Dự toán kinh phí thực hiện, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và thanh toán, quyết toán kinh phí theo quy định.

2. Sở Tài chính

Trên cơ sở dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch do Sở Nội vụ tổng hợp, Sở Tài chính thẩm định theo quy định hiện hành.

3. Bưu điện tỉnh

Phối hợp với Sở Nội vụ để tiến hành khảo sát, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; chọn những khảo sát viên đã có kinh nghiệm để thực hiện.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Tuyên truyền Kế hoạch này đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn được khảo sát biết và tạo điều kiện thuận lợi cho khảo sát viên tiến hành khảo sát đạt yêu cầu;

Đảm bảo việc khảo sát là khách quan, trung thực, chính xác, minh bạch, công khai; không can thiệp, tác động dưới bất kỳ hình thức nào nhằm thay đổi ý kiến đánh giá của người dân, doanh nghiệp.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân phối hợp tham gia cung cấp thông tin tích cực, khách quan cho quá trình khảo sát ý kiến.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đề nghị Báo Ấp Bắc

Tăng cường thông tin về kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh Tiền Giang; thông tin, tuyên truyền về nội dung Kế hoạch này, quá trình khảo sát và kết quả khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về hiệu quả quản trị và hành chính công ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Trên đây là Kế hoạch khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về hiệu quả quản trị và hành chính công ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2023. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở ngành tỉnh liên quan;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VPUB: CVP, các PCVP, các phòng nghiên cứu, TTTH-CB, TPVHCC&KSTT;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Ấp Bắc;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KSTT(Hiếu).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Vĩnh