Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 234/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 29 tháng 9 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. BỐI CẢNH

Biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại với mức độ tác động ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Với vị trí là thành phố ven biển, Hải Phòng được đánh giá là 1 trong 13 thành phố cảng lớn trên thế giới có tỷ lệ tăng cao nhất về tài sản bị thiệt hại đến năm 2070 do biến đổi khí hậu (Nghiên cứu Tăng trưởng xanh ở Hải Phòng, Việt Nam - OECD 2016). Trong 57 năm gần đây (1961-2017), nhiệt độ trung bình năm trên địa bàn thành phố đã tăng khoảng 0,83°C; mực nước ven biển trong cùng thời kỳ tăng khoảng 2,8 mm/năm; thiên tai gia tăng cả về cường độ và tần suất. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố.

Nhận thức rõ tính nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và xác định ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ quan trọng, năm 2014 Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, năm 2017 ban hành Kế hoạch của thành phố thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Gần nhất, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 05/3/2020 thể hiện chủ trương, chính sách, nỗ lực và quyết tâm của thành phố trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Yêu cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai có vị trí quan trọng trong các quyết định phát triển.

b) Nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

c) Thích ứng với biến đổi khí hậu phải gắn với phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội và tận dụng các cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.

d) Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung: Tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu nói chung và hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

- Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu.

- Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Giai đoạn 2021-2025

Kế hoạch của thành phố xác định 03 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu, bao gồm:

a) Nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Các nhiệm vụ giải pháp bao gồm:

- Tham gia hoàn thiện khung pháp lý quốc gia về biến đổi khí hậu, các hoạt động, nhiệm vụ phục vụ cho việc xây dựng Luật Biến đổi khí hậu.

- Tham gia xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro khí hậu; bộ tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu, đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; lồng ghép biến đổi khí hậu với giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

- Thực hiện các nhiệm vụ nêu trong mục 2.1. Tăng cường năng lực quản lý, giám sát biến đổi khí hậu của Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Ủy ban nhân dân thành phố ban hành tại Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 05/3/2020.

b) Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu.

Nhóm nhiệm vụ này được thực hiện thông qua việc cải tạo cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các ngành, lĩnh vực; đầu tư, triển khai và nhân rộng các hoạt động, mô hình thích ứng. Tiếp tục tuyên truyền và đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nhiệm vụ, giải pháp bao gồm:

- Quản lý hiệu quả tài nguyên nước; giám sát và bảo vệ tài nguyên nước; nâng cao khả năng trữ nước và hiệu quả sử dụng nước trong điều kiện biến đổi khí hậu, ưu tiên cho các khu vực có nguy cơ hạn hán, thiếu nước, chịu tác động bất lợi của xâm nhập mặn.

- Nâng cấp, cải tạo, xây dựng các công trình giao thông đường bộ, đường thủy ở những vùng thường bị đe dọa bởi lũ, lụt, nước biển dâng. Thực hiện các giải pháp chống ngập cho các đô thị; các giải pháp cấp nước hiệu quả ở các khu đô thị, công nghiệp tại các vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng.

- Củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp, năng lượng nhằm nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu thông qua việc nâng cấp cải tạo các cơ sở, công trình năng lượng tại khu vực ven biển.

- Nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng, giảm tính dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc phát triển mạng lưới y tế, chăm sóc sức khỏe đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh và các bệnh mới phát sinh do biến đổi khí hậu.

- Nâng cao năng lực cho các đối tượng dễ bị tổn thương nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến cơ hội việc làm của người dân và thúc đẩy bình đẳng giới trong thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên tăng cường nhân lực, phát triển nguồn nhân lực nữ.

- Duy tu, bảo tồn và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình di tích lịch sử văn hóa nhằm nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

- Thực hiện các nhiệm vụ nêu trong mục 2.3. Thích ứng với biến đổi khí hậu và mục 2.4. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu của Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Ủy ban nhân dân thành phố ban hành tại Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 05/3/2020.

c) Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp liên quan đến tăng cường năng lực nhằm dự báo, cảnh báo sớm thiên tai và các điều kiện khí hậu, thời tiết cực đoan; cải thiện hệ thống quản lý rủi ro thiên tai nhằm giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương và tăng mức độ sẵn sàng ứng phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan; triển khai các giải pháp thích ứng kịp thời và hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn liên quan đến biến đổi khí hậu trong tương lai. Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể bao gồm:

- Sẵn sàng ứng phó với các hiểm họa do biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường năng lực giám sát biến đổi khí hậu, quan trắc khí tượng thủy văn, dự báo, cảnh báo, truyền tin về thiên tai và khí hậu cực đoan.

- Đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình thủy lợi, công trình phòng tránh thiên tai nhằm chủ động ứng phó với thiên tai có xu hướng gia tăng cả về tần suất và cường độ.

- Cải thiện hệ thống quản lý rủi ro thiên tai, triển khai công tác xác định, phân vùng và dự báo cấp độ rủi ro thiên tai; tăng cường năng lực, biện pháp quản lý và thúc đẩy giảm nhẹ rủi ro thiên tai, chú trọng giải pháp quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy tri thức địa phương trong phòng tránh thiên tai nhằm giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương và tăng mức độ sẵn sàng ứng phó với các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan.

- Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai dưới tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn liên quan đến biến đổi khí hậu thông qua việc triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai kịp thời và hiệu quả, chú trọng các vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất; Chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đối phó với hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng; giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu.

2. Giai đoạn 2026-2030

Trong giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, phối hợp, lồng ghép các hoạt động trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao năng lực của các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, cộng đồng và hệ sinh thái để tăng cường khả năng chống chịu, sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. Tiếp tục nâng cao năng lực chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng, khả năng thích ứng của hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học; tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học trước tác động của biến đổi khí hậu. Thúc đẩy các hành động thích ứng mang lại đồng lợi ích trong giảm nhẹ rủi ro do biến đổi khí hậu và hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Giám sát và đánh giá tác động của các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu đối với thành phố Hải Phòng, xác định các giải pháp giảm thiểu tác động và tận dụng cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội.

3. Giai đoạn đến năm 2050

Giai đoạn sau năm 2030 cho đến năm 2050 sẽ phát huy kết quả đạt được của giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người, cơ sở hạ tầng và các hệ thống tự nhiên, nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và an toàn trước thiên tai. Thực hiện lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu trong tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực với quốc gia và cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

IV. DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ

Các nhiệm vụ cụ thể được triển khai thực hiện theo Danh mục các nhiệm vụ, dự án ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 ban hành kèm theo Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 05/3/2020 và Danh mục các nhiệm vụ bổ sung thực hiện (Phụ lục kèm theo Kế hoạch).

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm:

- Từ ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển, sự nghiệp khoa học công nghệ, sự nghiệp bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2030.

- Từ ngoài ngân sách nhà nước (nguồn vốn từ hỗ trợ quốc tế, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp khối tư nhân và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác).

- Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án có liên quan.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì cùng các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch; giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ; tổng hợp và dự thảo báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch để ủy ban nhân dân thành phố gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính trong việc cân đối, bố trí ngân sách thành phố để triển khai thực hiện Kế hoạch.

3. Sở Tài chính

Trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách thành phố hàng năm, tham mưu cho UBND thành phố bố trí kinh phí ngân sách thực hiện Kế hoạch.

4. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện

- Chủ động triển khai các nội dung công việc được phân công theo Danh mục các nhiệm vụ tại mục IV nêu trên đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu.

- Rà soát các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh để lồng ghép với các hoạt động của Kế hoạch để đảm bảo tính liên kết đồng bộ giữa các quy hoạch, kế hoạch.

- Vận động, thu hút sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng; tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, hỗ trợ thực hiện Kế hoạch.

- Đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố những biện pháp nhằm tối ưu hóa việc thực hiện Kế hoạch và những điều chỉnh cần thiết đối với Kế hoạch trong giai đoạn sau.

- Định kỳ trước ngày 18 tháng 12 hàng năm, các cơ quan được giao chủ trì nhiệm vụ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 22 tháng 12.

- Các Sở được giao nhiệm vụ trong Danh mục nhiệm vụ bổ sung theo Phụ lục xây dựng nội dung chi tiết, dự toán kinh phí từng nhiệm vụ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở xác định và bố trí kinh phí theo quy định.

- Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 05/3/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố./.

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch;
- Các Phó Chủ tịch;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các quận, huyện;
- CVP, các PVP;
- Phòng NNTNMT, TC-NS, XDGTCT;
- CV: KS, TC, QH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chuyến

 

PHỤ LỤC:

DANH MỤC NHIỆM VỤ BỔ SUNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA THÍCH ỨNG VỚI BĐKH GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 29/9/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Đ. Tài nguyên nước

TT

Nhu cầu thích ứng

Nhiệm vụ cụ thể

Thời gian thực hiện

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Ghi chú

1

Giảm thiểu tác động của BĐKH đến tài nguyên nước.

Xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

2021-2025

Sở TNMT

Các Sở, UBND các quận, huyện

 

Phân loại mức độ khan hiếm nước, đề xuất áp dụng các biện pháp tích trữ nước, tiết kiệm nước, hạn chế khai thác, sử dụng nước theo từng cấp độ khan hiếm nước.

2021-2025

Sở TNMT

UBND các quận, huyện

 

Nâng cấp, hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi với việc đầu tư trang thiết bị thông tin, hệ thống quan trắc tự động phục vụ công tác: quản lý, vận hành; chỉ đạo, điều hành phòng, chống lũ, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng; giám sát chất lượng nước trong công trình thủy lợi.

2021-2025

Sở NN&PTNT

UBND các quận, huyện

 

E. Cơ sở hạ tầng

TT

Nhu cầu thích ứng

Nhiệm vụ cụ thể

Thời gian thực hiện

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Ghi chú

I

Giao thông vận tải

1

Nâng cao năng lực chống chịu với BĐKH thông qua các biện pháp cải tạo cơ sở hạ tầng ngành GTVT.

Nâng cấp, cải tạo, xây dựng các công trình giao thông đường bộ, đường thủy ở những vùng thường bị đe dọa bởi lũ, lụt, nước biển dâng.

2021-2025

Sở Giao thông vận tải

UBND các quận, huyện

 

II

Xây dựng, đô thị

1

Nâng cao năng lực chống chịu với BĐKH thông qua các biện pháp cải tạo cơ sở hạ tầng ngành xây dựng và đô thị.

Thực hiện các giải pháp cấp nước hiệu quả ở các khu đô thị, công nghiệp tại các vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng.

2021-2025

Sở Xây dựng

UBND các quận, huyện

 

Hướng dẫn chủ đầu tư của các dự án và các đơn vị liên quan ứng dụng các công nghệ mới, sử dụng các loại vật liệu bền vững, có tính chống chịu cao với BĐKH trong lĩnh vực xây dựng và đô thị trên địa bàn thành phố.

2021-2025

Sở Xây dựng

Các Sở, UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan

 

III

Công nghiệp, thương mại và năng lượng

1

Củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp, năng lượng nhằm nâng cao năng lực chống chịu với BĐKH.

Triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2030 và các cơ sở năng lượng khác ở vùng ven biển.

2021-2025

Sở Công thương

Các Sở, UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan

 

G. Sức khỏe cộng đồng, Lao động - xã hội, văn hóa, thể thao, du lịch

TT

Nhu cầu thích ứng

Nhiệm vụ cụ thể

Thời gian thực hiện

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Ghi chú

I

Sức khỏe cộng đồng

1

Nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng, giảm tính dễ bị tổn thương trước những tác động của BĐKH.

Phát triển mạng lưới y tế, chăm sóc sức khỏe đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch, bệnh và các bệnh mới phát sinh do tác động của BĐKH.

2021-2025

Sở Y tế

- UBND các quận, huyện

- Các Sở liên quan

 

Phát triển hạ tầng cơ sở đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường tốt, thực hiện các giải pháp về công nghệ, trang thiết bị trong dự phòng và điều trị các bệnh liên quan đến BĐKH.

2021-2025

Sở Y tế

- UBND các quận, huyện

- Các Sở liên quan

 

II

Lao động - Xã hội

1

Hoàn thiện hệ thống chính sách và nâng cao năng lực cho các đối tượng dễ bị tổn thương nhằm hạn chế ảnh hưởng của BĐKH đến cơ hội việc làm của người dân và đảm bảo bình đẳng giới

Đào tạo kỹ năng mềm cho lực lượng lao động tham gia các ngành kinh tế mới theo hướng thích ứng BĐKH, ưu tiên lao động nữ.

2021-2025

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

UBND các quận, huyện

 

III

Văn hóa - Thể thao - Du lịch

1

Nâng cao năng lực chống chịu của các công trình, địa danh du lịch, di sản văn hóa, di tích lịch sử

Xây dựng đề án duy tu, bảo tồn các khu di tích văn hóa trong điều kiện BĐKH, chú trọng công tác duy tu, bảo tồn các khu di tích văn hóa

2021-2023

Sở Văn hóa và Thể thao

UBND các quận, huyện

 

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu du lịch, các điểm nghỉ dưỡng nhằm thích ứng với BĐKH

2021-2023

Sở Du lịch

UBND các quận, huyện

 

Nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình, di tích văn hóa, lịch sử, thể thao nhằm nâng cao khả năng chống chịu với BĐKH và xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp thích ứng với BĐKH

2021-2025

Sở Văn hóa và Thể thao

UBND các quận, huyện

 

Xây dựng và nhân rộng các mô hình ổn định đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng địa phương trong quá trình tái định cư dưới tác động của BĐKH nhằm bảo vệ các thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các tri thức địa phương trong thích ứng với BĐKH

2021-2025

Sở Văn hóa và Thể thao

UBND các quận, huyện

 

Tổng kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu tri thức địa phương về thích ứng và ứng phó với BĐKH; phổ biến tri thức địa phương trong cộng đồng, đặc biệt chú trọng vai trò của nghệ nhân và xây dựng mô hình cộng đồng thích ứng với BĐKH

2021-2025

Sở Văn hóa và Thể thao

UBND các quận, huyện