Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 240/KH-UBND

Lào Cai, ngày 14 tháng 9 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT NGĂN CHẶN HÀNH VI ĐƯA TẠP CHẤT, HÓA CHẤT, KHÁNG SINH CẤM VÀO TÔM, CÁC SẢN PHẨM THỦY SẢN TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Thực hiện Quyết định số 2419/QĐ-TTg ngày 13/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất (sau đây gọi tắt là Đề án; Kế hoạch số 9294/KH-BNN-QLCL ngày 02/11/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong tôm và ngăn chặn các hành vi đưa tạp chất, sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm chứa tạp chất; văn bản 1580/BNN-TTr ngày 20/2/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về đề nghị chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng vật tư nông nghiện và an toàn thực phẩm; Văn bản số 4556/BNN-QLCL ngày 02/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai đề án kiểm soát ngăn chặn tạp chất.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất, hóa chất, kháng sinh cấm vào tôm, các sản phẩm thủy sản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lào Cai” như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Ngăn chặn triệt để các hành vi sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, tạp chất vào tôm và các sản phẩm thủy sản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến hết năm 2017, 100% cơ sở nuôi thủy sản, thu gom, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh ký cam kết không sử dụng hóa chất, kháng sinh, đưa tạp chất vào tôm và các sản phẩm thủy sản; Kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm do sử dụng tạp chất, hóa chất, kháng sinh, chất cấm trong hoạt động nuôi, kinh doanh thủy sản;

Đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng sử dụng, đưa tạp chất, hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi, chế biến, kinh doanh tôm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, giáo dục hướng dẫn, vận động cho người sản xuất, kinh doanh hiểu rõ các quy định về an toàn thực phẩm: Hướng dẫn hỗ trợ tổ chức, cá nhân áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất nuôi thủy sản (tôm, cá nước ngọt, cá nước lạnh...), tuyên truyền, phổ biến cho cơ sở nuôi, chế biến, kinh doanh không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, tạp chất đối với sản phẩm thủy sản sử dụng làm thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

2. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi đưa tạp chất, sử dụng hóa chất, kháng sinh, chất cấm trong nuôi, kinh doanh tôm, thủy sản trên địa bàn.

3. Thống kê, rà soát và tổ chức cho các cơ sở thực hiện ký cam kết không sử dụng, thu mua, kinh doanh, chế biến các sản phẩm thủy sản chứa tạp chất.

4. Xây dựng đường dây nóng phản ánh các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, các hành vi đưa tạp chất vào tôm và các sản phẩm thủy sản; công khai vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người tiêu dùng cùng giám sát.

5. Tổ chức triển khai các hoạt động giám sát các sản phẩm chủ lực (cá hồi, cá tầm, thủy sản nước ngọt, tôm...) kịp thời cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về: Nguy cơ, tác hại của việc đưa tạp chất, hóa chất, kháng sinh cấm trong hoạt động nuôi trồng, khai thác, kinh doanh tôm và các sản phẩm thủy sản, phổ biến các quy định của pháp luật, các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo Luật an toàn thực phẩm;

- Thiết lập đường dây nóng phản ánh những vi phạm về tạp chất, hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh;

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tăng cường phối hợp với Phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) xây dựng các chương trình thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về kiểm soát, ngăn chặn tạp chất, hóa chất, kháng sinh cấm; giám sát các mẫu sản phẩm tôm, thủy sản tại các vùng nuôi, khu vực kinh doanh thủy sản để phát hiện và cảnh báo kịp thời nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, đánh giá điều kiều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật;

- Công khai tên, địa chỉ, kết quả xử lý các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người tiêu dùng cùng giám sát;

- Chủ trì phối hợp với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh (PC49), Sở Công Thương thực hiện: Thu thập và xử lý thông tin từ các nguồn tin trinh sát, các kênh tiếp nhận hành vi tố giác vi phạm về an toàn thực phẩm của các cơ quan, chính quyền các cấp tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành theo kế hoạch và đột xuất nhằm phát hiện và xử lý triệt để các hành vi vi phạm sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, tạp chất trong hoạt động nuôi, kinh doanh tôm, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Công an xử lý theo quy định.

2. Công an tỉnh

- Chỉ đạo các đơn vị có liên quan: Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), các lực lượng tuần tra giao thông tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin, trinh sát, đấu tranh phòng ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định;

- Thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện hoạt động đấu tranh phòng ngừa, thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm theo quy định;

- Phối hợp với các kênh thông tin đại chúng hoặc Website của Công an tỉnh đăng tải tin, bài về tình hình xử lý vi phạm sử dụng hóa chất, tạp chất, kháng sinh cấm trong nuôi, kinh doanh tôm và thủy sản.

3. Sở Công Thương

- Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện các đoàn thanh kiểm tra liên ngành, đột xuất theo kế hoạch để điều tra, xác minh cụ thể các hành vi vi phạm về tạp chất và xử lý theo quy định pháp luật. Kịp thời đưa tin, bài phản ánh các trường hợp vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng;

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường: Tổ chức kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về tạp chất. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức cho các hộ chuyên doanh tôm tại các chợ tổ chức ký cam kết không bơm tạp chất vào tôm, không kinh doanh tôm có tạp chất.

4. Sở Tài chính

Đề xuất UBND tỉnh hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính phục vụ cho công tác kiểm soát, ngăn chặn hành vi về tạp chất theo hướng cho phép các cơ quan trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ ngăn chặn tạp chất được sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm hành chính để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của việc đưa tạp chất, hóa chất vào tôm và các sản phẩm thủy sản, các chế tài xử phạt hành vi vi phạm. Tiến hành rà soát thống kê số lượng cơ sở nuôi thủy sản và tổ chức cho các cơ sở ký cam kết theo phân cấp quản lý, công khai danh sách cơ sở ký cam kết trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Ban hành kế hoạch, chương trình thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định pháp luật về kiểm soát, ngăn chặn tạp chất trong hoạt động nuôi, kinh doanh thủy sản trên địa bàn theo phân cấp quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

- Chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tạp chất theo quy định, bao gồm cả việc xem xét xử lý trách nhiệm chính quyền các cấp khi xảy ra vi phạm về tạp chất, hóa chất, kháng sinh cấm trong hoạt động nuôi, kinh doanh tôm thủy sản tại địa phương.

- Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi xảy ra vi phạm về tạp chất, hóa chất, kháng sinh cấm trong hoạt động nuôi, kinh doanh tôm thủy sản tại địa phương.

6. Hiệp hội cá nước lạnh Sa Pa

- Tuyên truyền, phổ biến, vận động hội viên tuân thủ các quy định pháp luật về kiểm soát ngăn chặn các hành vi vi phạm về tạp chất, hóa chất, kháng sinh cấm trong hoạt động nuôi, kinh doanh, chế biến thủy sản, các hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh thủy sản (cá hồi, cá tầm).

- Cung cấp kịp thời các thông tin về hành vi đưa tạp chất, sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm vào hoạt động nuôi thủy sản nước lạnh, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan đơn vị có liên quan căn cứ Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Định kỳ trước ngày 20 hàng tháng tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT (theo mu gửi kèm về Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản; Địa chỉ: Khối 8, phường Nam Cường, thành phố Lào Cai; Điện thoại: 02143.823.298; Email: ccqlnlts-snnptnt@laocai.gov.vn) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN và PTNT;
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Tài chính;
- Công an tỉnh;
- UBND các huyện, TP;
- Chi cục Quản lý chất lượng NLS;
- Hiệp hội cá nước lạnh Sa Bộ phận;
- Lãnh đạo văn Phòng;
- Ban biên tập cổng TTĐT;
- Lưu: VT, TH1, NLN1,2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Thể


 

MẪU BÁO CÁO
(Kèm theo Kế hoạch số:240/KH-UBND ngày 14/9/2017 của UBND tỉnh Lào Cai)

BÁO CÁO KẾT QUẢ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN 2419
Tháng……. năm ……….

Huyện/thành phố:………………………………………

1. Kết quả tổ chức ký cam kết cho các cơ sở sản xuất kinh doanh

- Tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh tôm trên địa bàn: …………….. cơ sở

Kết quả

Thực hiện trong tháng

Lũy kế

Số cơ sở đã ký cam kết

 

 

2. Kết quả thanh, kiểm tra vi phạm tạp chất

Kết quả

Thực hiện trong tháng

Lũy kế

a) Thanh tra thường xuyên

 

 

Số lượt thực hiện (lượt cơ sở)

 

 

Số vụ phát hiện vi phạm

 

 

Số lượng lô hàng vi phạm (kg)

 

 

Số vụ công bố công khai vi phạm

 

 

Số tiền xử phạt (triệu đồng)

 

 

Số vụ xem xét xử lý trách nhiệm chính quyền địa phương

 

 

b) Thanh kiểm tra đột xuất, liên ngành

 

 

Số lượt thực hiện (lượt cơ sở)

 

 

Số vụ phát hiện vi phạm

 

 

Khối lượng lô hàng vi phạm (kg)

 

 

Số vụ công bố công khai vi phạm

 

 

Số tiền xử phạt (triệu đồng)

 

 

Số vụ xem xét xử lý trách nhiệm chính quyền địa phương

 

 

3. Các kết quả khác đã triển khai trong tháng

- Phổ biến tuyên truyền

- Đào tạo nghiệp vụ thanh, kiểm tra phát hiện tạp chất

- Thiết lập và công bố đường dây nóng.

4. Kiến nghị, đề xuất