Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 240/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 11 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN LUẬT CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2019 - 2023

Thực hiện Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “tuyên truyền, phổ biến, Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023; Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tăng cường tuyên truyền đối ngoại về quản lý, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc và Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

- Quán triệt tinh thần và những nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2013 đến cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Gắn nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền, tập huấn Luật Cảnh sát biển Việt Nam với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong công cuộc quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; kết hợp các chương trình, đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có liên quan để phát huy hiệu quả thiết thực của Đề án.

2. Yêu cầu

- Tuyên truyền pháp luật về Luật Cảnh sát biển phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Phổ biến kịp thời, đầy đủ những nội dung của Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023

- Việc phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Cảnh sát biển phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung triển khai sâu rộng bằng các hình thức, biện pháp thiết thực hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng và phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục và đồng bộ nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật;

- Bảo đảm tính khả thi, kế thừa và phát triển các kết quả, mô hình, kinh nghiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Cảnh sát biển; đồng bộ, thống nhất và phối hợp với các chương trình, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng.

II. MỤC TIÊU, PHẠM VI

1. Mục tiêu chung:

- Mọi cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân nắm được đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc; nắm vững những vấn đề cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, làm chuyển biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc và trách nhiệm xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới.

- Tuyên truyền để các quốc gia trên thế giới và trong khu vực hiểu đầy đủ, chính xác hơn về chính sách, pháp luật quản lý, bảo vệ biển, đảo của Việt Nam nói chung, Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng; xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, có trách nhiệm, luôn tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế và sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức chung, hướng tới mục tiêu giữ gìn vùng biển ổn định, hòa bình, hội nhập và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Hàng năm, 100% báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; giáo viên, giảng viên các môn pháp luật, giáo dục công dân được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật về Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023.

b) Hàng năm, 95% cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, người lao động được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023 dưới các hình thức.

c) Đến hết năm 2019 có 70%, đến hết năm 2023 có trên 90% các tổ chức chính trị - xã hội được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023.

d) Đến hết năm 2019 có 60% đến 70%, đến hết năm 2023 có 80% đến 90% người dân ven biển được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023.

đ) Đến hết năm 2023, 90% chương trình đào tạo thuộc các loại hình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có nội dung về chính sách, pháp luật về Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023.

3. Phạm vi

Triển khai ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố Huế; cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và nhân dân trên phạm vi trong toàn tỉnh.

III. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Nhận, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam

a) Trách nhiệm tổ chức:

+ Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

+ Cơ quan phối hợp: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.

b) Danh mục tài liệu:

+ Luật Cảnh sát biển Việt Nam và văn bản quy định chi tiết, biện pháp thi hành Luật;

+ Sách hỏi, đáp về Luật Cảnh sát biển Việt Nam;

+ Đề cương tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật;

+ Xây dựng phần mềm hệ thống hỏi đáp tự động KBOT tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam;

+ Tài liệu tập huấn Luật Cảnh sát biển Việt Nam;

+ Luật Cảnh sát biển Việt Nam và catalog giới thiệu tổng quan về cảnh sát biển Việt Nam (song ngữ Việt - Anh, Việt - Trung và một số nước ASEAN có biển);

+ Tờ rơi pháp lý giới thiệu về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

c) Đối tượng phát hành:

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố Huế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan; nhân dân ở vùng ven biển, lực lượng chức năng thuộc sở, ban, ngành có liên quan tới biển và lực lượng Dân quân biển các huyện, thị xã: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc.

2. Tập huấn cán bộ

a) Nội dung tập huấn:

- Chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biển đảo Tổ quốc; pháp luật Việt Nam, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế về biển mà Việt Nam là thành viên;

- Luật Cảnh sát biển Việt Nam và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

b) Tổ chức tập huấn:

- Tập huấn cấp tỉnh:

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn, thời gian 01 ngày, thành phần gồm:

+ Lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;

+ Lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh;

+ Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế;

+ Chỉ huy trưởng, Chính ủy, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng; Trưởng ban Tác huấn, Tuyên huấn, Dân quân tự vệ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh;

+ Chỉ huy trưởng, Chính ủy, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng; Trưởng ban Tác huấn, Tuyên huấn Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh;

+ Ban Giám đốc và một số cơ quan chức năng Công an tỉnh;

- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức tập huấn, phổ biến luật cho cơ quan, tổ chức đơn vị trực thuộc; kế hoạch tập huấn do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định.

- Các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh tổ chức tập huấn cho cơ quan, đơn vị mình; kế hoạch tập huấn do người chỉ huy cơ quan, đơn vị quyết định.

- Thời gian: Quý I năm 2020.

3. Thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam

a) Trách nhiệm tổ chức:

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

- Cơ quan phối hợp: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam tại Huế (VTV8), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Thừa Thiên Huế.

b) Đối tượng tham gia:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh;

c) Thời gian:

- Phát động cuộc thi: Quý I năm 2021;

- Hoàn thành: Quý IV năm 2021.

d) Cơ cấu giải thưởng:

- Đối với tập thể, nhóm tác giả: 01 giải Nhất; 02 giải Nhì; 03 giải Ba; 05 giải Khuyến khích;

- Đối với cá nhân: 01 giải Nhất; 02 giải Nhì; 05 giải Ba; 05 giải Khuyến khích.

4. Xây dựng phóng sự, phim tuyên truyền

a) Trách nhiệm tổ chức:

- Cơ quan chủ trì: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam tại Huế (VTV8); Báo Thừa Thiên Huế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

b) Thể loại, chủ đề:

- Thể loại: Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh tiếp sóng Đài Truyền hình Việt Nam Phim tài liệu (phụ đề tiếng Anh, tiếng Trung và phiên bản tiếng các nước ASEAN có biển để tuyên truyền cho người nước ngoài); Phim phóng sự.

- Chủ đề:

+ Quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại gắn với sự nghiệp quản lý, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới;

+ Cảnh sát biển Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển;

+ Cảnh sát biển Việt Nam với vai trò quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm thực thi pháp luật trên biển;

+ Phát huy sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc thông qua hoạt động phối hợp của Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng chức năng của Nhà nước trên biển trong tình hình mới;

+ Hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam và phương hướng xây dựng vùng biển hòa bình ổn định, hợp tác và phát triển;

+ Vai trò của Cảnh sát biển Việt Nam trong thực hiện chính sách phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam giai đoạn hiện nay;

+ Xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biển Việt Nam giai đoạn hiện nay;

+ Cảnh sát biển Việt Nam - Người bạn đồng hành trên biển của ngư dân Việt Nam.

d) Xây dựng các video clip giới thiệu về hoạt động của các ngành trong Cảnh sát biển Việt Nam.

đ) Thời gian thực hiện: Hoàn thành và phát sóng từ quý I năm 2020 đến quý IV năm 2023.

5. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở và lồng ghép thông qua các hoạt động khác.

a) Tuyên truyền trên sóng Phát thanh - Truyền hình:

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền hình Việt Nam tại Huế (VTV8) tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong hệ thống chuyên mục định kỳ, đột xuất phù hợp;

- Chuyên mục Quốc phòng toàn dân, Chuyên mục Biên phòng toàn dân, Chuyên mục Vì an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong các chuyên mục tuyên truyền phổ biến pháp luật về an ninh, quốc phòng;

- Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã phát các tin, bài tuyên truyền phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

b) Tuyên truyền trên báo in, báo điện tử:

- Báo Thừa Thiên Huế; Văn phòng đại diện các báo Trung ương đóng trên địa bàn, Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy, Cổng Thông tin điện tử tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong hệ thống các chuyên mục định kỳ và đột xuất phù hợp.

c) Tuyên truyền lồng ghép thông qua các hoạt động khác:

- Thông qua báo cáo viên và hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở;

- Thông qua hoạt động cổ động, ứng dụng công nghệ thông tin;

- Thông qua các hoạt động của cộng đồng, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, ngoại giao, kỷ niệm các ngày lễ lớn để tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam;

- Thông qua hội thảo, hội nghị về thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam và quốc tế có lồng ghép nội dung về Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

6. Thời gian thực hiện đề án: Từ năm 2019 đến năm 2023.

a) Năm 2019:

- Hết quý IV năm 2019: Nhận tài liệu, bắt đầu tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam trên phạm vi toàn tỉnh, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở và lồng ghép thông qua các hoạt động khác.

b) Năm 2020:

- Hết quý I năm 2020: Tổ chức tập huấn Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và đội ngũ cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; hoàn thành xây dựng và phát sóng phim tài liệu, phóng sự, video clip tuyên truyền, phổ biến về Luật Cảnh sát biển Việt Nam và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam;

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và các đơn vị Quân sự, Công an, Biên phòng tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan, tổ chức mình và nhân dân ở vùng ven biển thông qua tổ chức hội nghị, phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở hoặc lồng ghép thông qua các hoạt động khác;

- Hết quý III năm 2020: Tổ chức tọa đàm về Luật Cảnh sát biển Việt Nam trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam trên phạm vi toàn tỉnh, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở và lồng ghép thông qua các hoạt động khác.

c) Năm 2021 đến năm 2023:

- Quý I năm 2021: Phát động cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam;

- Quý II và Quý III năm 2021: Hoàn thành cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam cấp tỉnh; chọn bài có chất lượng tham gia thi cấp bộ, ngành Trung ương;

- Quý IV năm 2021: sơ kết thực hiện Đề án, triển khai nhiệm vụ công tác tuyên truyền những năm tiếp theo;

- Từ quý I năm 2021 đến quý IV năm 2023: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong toàn tỉnh; trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ở 9 huyện, thị xã, thành phố Huế và các huyện, thị xã ven biển và các lực lượng vũ trang có liên quan tới biển;

- Quý IV năm 2023: Tổng kết thực hiện đề án.

7. Kinh phí bảo đảm

a) Từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước:

Hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ được giao trong Đề án, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung trong kế hoạch dự toán ngân sách hằng năm trình cấp có thẩm quyền quyết định.

b) Huy động từ các nguồn tài trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các nguồn hợp pháp khác.

IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh

- Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, trực tiếp là Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện Đề án này.

- Phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

- Kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện Đề án.

2. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hướng dẫn, triển khai; kiểm tra thực hiện Đề án chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho cơ quan, đơn vị thuộc quyền.

- Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cung cấp thông tin cho các cơ quan phát thanh, truyền hình, thông tấn, báo chí, xuất bản ở trung ương, địa phương, lực lượng chức năng có liên quan tới biển.

- Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo tổ chuyên mục Vì an ninh Tổ quốc Công an tỉnh, Chuyên mục Biên phòng toàn dân tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam; tuyên truyền hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh với Cảnh sát biển Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan, hằng năm phân bổ và bố trí ngân sách thực hiện Đề án.

- Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục lồng ghép nội dung Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào chương trình giáo dục, đào tạo về quốc phòng và an ninh, sự nghiệp quản lý, bảo vệ biển đảo Tổ quốc; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế, các cơ quan báo chí: tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam trong hệ thống các chuyên mục định kỳ và đột xuất phù hợp; nêu gương tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện Luật Cảnh sát biển Việt Nam và công cuộc bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế: Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Cảnh sát biển Việt Nam đến các cơ quan, đơn vị thuộc quyền.

+ Tổ chức và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị trực thuộc tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề có nội dung, chủ đề về Luật Cảnh sát biển Việt Nam và công cuộc bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.

+ Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Cảnh sát biển Việt Nam và công cuộc bảo vệ biển, đảo Tổ quốc cho lực lượng Dân quân biển, người dân ở vùng ven biển.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2019 - 2023.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp kết quả tại Báo cáo kết quả thực hiện đề án tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam theo định kỳ 6 tháng, 9 tháng, năm (trước ngày 05 tháng cuối quý) hoặc đột xuất khi có yêu cầu gửi về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Kinh phí bảo đảm thực hiện Kế hoạch này từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Kế hoạch và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.

Căn cứ nhiệm vụ tại Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì thực hiện các nhiệm vụ xây dựng dự toán thực hiện và tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí.

Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế chủ động cân đối, bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện Kế hoạch trong dự toán chi thường xuyên được giao hàng năm và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Giao Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, trực tiếp là Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan theo dõi, đôn đốc, tổng hợp định kỳ 6 tháng, 9 tháng, năm (trước ngày 15 tháng cuối quý) hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Tư lệnh Quân khu 4;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã và thành phố;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- BCH QS tỉnh, BCH BĐ BP tỉnh, CA tỉnh;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo TT Huế, VTV8;
- VP: CVP, các PCVP và các CV;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, NC, TTr.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ