ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2438/KH-UBND | Tây Ninh, ngày 31 tháng 10 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
CAO ĐIỂM KIỂM TRA, XỬ LÝ CÁC VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, TẬP KẾT BẾN BÃI, KINH DOANH CÁT, SỎI
Thực hiện thông báo số 142/TB-VPCP ngày 12/4/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc Thông báo kết luận của đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cao điểm tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản”; đảm bảo hoạt động khai thác cát đúng quy định pháp luật, đảm bảo ổn định môi trường, an ninh nguồn nước, xử lý kiên quyết các hoạt động vi phạm pháp luật trong khai thác cát trên địa bàn tỉnh.
2. Các sở, ngành phối hợp quản lý chặt chẽ các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh, vận chuyển tập kết cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, chủ động phát hiện, xử lý đối với các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng tạo khan hiếm cát, sỏi để nâng giá, ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.
3. Tăng cường tuyên truyền, vận động để tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tự giác chấp hành và tố giác các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản.
4. Kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các địa bàn giáp ranh giữa Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An... không để xảy ra diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân.
II. ĐỐI TƯỢNG, TUYẾN, ĐỊA BÀN TRỌNG ĐIỂM
1. Đối tượng
- Các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển cát, sỏi để xây dựng, san lấp các công trình, dự án.
- Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác cát trái phép, có dấu hiệu can thiệp, bảo kê, ngăn cản người dân tố cáo, đấu tranh với hoạt động khai thác cát trái phép; các đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý đê điều để trục lợi.
2. Tuyến, địa bàn trọng điểm
- Tuyến sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và Hồ Dầu Tiếng địa phận tỉnh Tây Ninh.
- Địa bàn có đoạn sông, hồ giáp ranh giữa tỉnh Tây Ninh và các tỉnh Long An, Bình Dương, Bình Phước.
III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Sở Tài nguyên và môi trường
- Chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả tổ tác nghiệp theo Quyết định số 1250/QĐ-UBND ngày 10/6/2019 của UBND tỉnh, nhanh chóng thẩm định điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản cát trong hồ Dầu Tiếng và có báo cáo đề xuất từng trường hợp cụ thể để UBND tỉnh xem xét cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động lại, tránh trường hợp để các doanh nghiệp gửi đơn kiến nghị nhiều lần.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động và trữ lượng khai thác hàng ngày của các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản cát trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt kiểm tra, chấn chỉnh các doanh nghiệp hoạt động khai thác cát trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn, trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện theo đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt như việc lắp đặt trạm cân, camera, hồ lắng...đúng theo quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường. Nếu doanh nghiệp nào không đủ điều kiện thì tham mưu UBND tỉnh ra thông báo tạm ngưng hoạt động (thực hiện như trong hồ Dầu Tiếng).
2. Sở Giao thông vận tải
- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan kiểm tra bến bãi tập kết, kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các bến bãi dọc theo 02 bên bờ sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và hồ Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Kiên quyết xử lý nghiêm các bến bãi không có giấy phép hoạt động và xem xét không cấp lại các giấy phép đã hết hạn đối với những bến thủy không đảm bảo các điều kiện quy định tại Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT, ngày 17/10/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa.
- Xem xét vào trữ lượng, phương tiện, công suất khai thác hàng ngày của mỏ để cấp bến thủy nội địa cho phù hợp, tránh trường hợp một mỏ cấp nhiều giấy phép hoạt động bến thủy dẫn đến các đối tượng lợi dụng để neo đậu tàu trái phép.
3. Sở Công thương
Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan kiểm tra thực tế công suất tàu khai thác của các doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động khai thác cát trên sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, căn cứ vào công suất cho phép hoạt động trong 01 ngày để phê duyệt số lượng tàu cho phù hợp (thực hiện như các doanh nghiệp trong hồ Dầu Tiếng), nêu rõ số chuyến hoạt động trong ngày và yêu cầu các công ty, doanh nghiệp gắn thiết bị giám sát hành trình trên tàu để giám sát số chuyến hoạt động.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tiến hành kiểm tra giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của tất cả các phương tiện xe cơ giới, các tàu, thuyền hoạt động khai thác, vận chuyển cát trong hồ Dầu Tiếng để xử lý theo quy định.
- Tham mưu UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đối với các phương tiện xe cơ giới ra vào vận chuyển cát, các tàu, thuyền hoạt động trong hồ Dầu Tiếng theo quy định tại Khoản 7 Điều 13 Nghị định số 67/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
5. Công an tỉnh
- Xây dựng kế hoạch tập trung lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển (đường bộ, đường thủy), kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh, tập trung vào tuyến sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và hồ Dầu Tiếng. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ của ngành để đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác, tập kết, kinh doanh cát trái phép. Chú ý các đối tượng hoạt động trong khu vực thuộc địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Tây Ninh và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An. Trong đó tập trung đấu tranh mạnh các đối tượng nghi vấn cầm đầu hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép, các tụ điểm có hoạt động khai thác diễn biến phức tạp.
- Kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm đối với các tụ điểm, phương tiện khai thác cát trái phép, vận chuyển cát quá tải, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của khoáng sản cát, các phương tiện tự ý lắp đặt thêm các phương tiện, thiết bị khai thác cát không đúng với đăng kiểm.
- Tiếp tục phối hợp với Công an các tỉnh giáp ranh trong xây dựng kế hoạch kiểm tra xử lý các đối tượng khai thác trái phép, các tàu thuyền không nằm trong kế hoạch khai thác của các doanh nghiệp, thường xuyên trao đổi thông tin liên quan để có sự phối hợp và tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả.
- Phối hợp các sở, ngành có liên quan tiến hành khảo sát, kiểm tra các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng dọc các tuyến sông, các dự án, công trình có sử dụng cát san lấp về thủ tục giấy phép và nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản cát, kiên quyết xử lý các tụ điểm, bến bãi tập kết trái phép.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong trao đổi, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh lân cận để chỉ đạo phối hợp triển khai thống nhất cũng như những vấn đề còn vướng mắc trong phối hợp.
6. Cục thuế tỉnh
- Tăng cường kiểm tra các hóa đơn, chứng từ xuất nhập cát của các công ty, doanh nghiệp hoạt động khai thác, kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh để xử lý theo quy định.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cấp ủy chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, xác định công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của địa phương. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, nếu địa bàn nào để xảy ra tình trạng khai thác, tập kết, kinh doanh cát trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài thì phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu.
- Chỉ đạo các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản như Luật khoáng sản, Luật đất đai, Luật hình sự, các Nghị định xử lý vi phạm...Đặc biệt tuyên truyền rộng rãi cho người dân, doanh nghiệp nắm hậu quả tác hại đến môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản cát trái phép để người dân nắm không vi phạm, đồng thời tố giác các đối tượng vi phạm.
- Xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý. Tập trung chỉ đạo lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác cát trái phép, không để hình thành điểm nóng làm mất an ninh trật tự tại địa phương.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thời gian thực hiện cao điểm: từ ngày 01/11/2019 đến ngày 20/12/2019.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công đề nghị các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 25/12/2019.
Giao Công an tỉnh chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổng kết, đánh giá đợt cao điểm.
Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ nội dung Kế hoạch thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 67/KH-UBND về công tác quản lý thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 trên địa bàn do tỉnh Tây Ninh ban hành
- 2 Quyết định 679/QĐ-UBND năm 2019 phê duyệt Kế hoạch xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 3 Nghị định 67/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy lợi
- 4 Thông tư 61/2017/TT-BTNMT về quy định quy trình, phương pháp xác định và các mẫu biểu thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 5 Kế hoạch 3008/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quyết định 1675/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 6 Bộ luật hình sự 2015
- 7 Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2015 tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT quản lý cảng, bến thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 9 Luật đất đai 2013
- 10 Luật khoáng sản 2010
- 1 Kế hoạch 3008/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quyết định 1675/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 2 Quyết định 679/QĐ-UBND năm 2019 phê duyệt Kế hoạch xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 3 Kế hoạch 67/KH-UBND về công tác quản lý thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 trên địa bàn do tỉnh Tây Ninh ban hành
- 4 Quyết định 1435/QĐ-UBND năm 2021 về Quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản là cát sông, cát biển, đất cát giồng, đất sét, đất mặt ruộng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh