- 1 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019
- 3 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
- 4 Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2020 về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 1169/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Đề án Truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 248/KH-UBND | Đà Nẵng, ngày 09 tháng 12 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 1169/QĐ-TTG NGÀY 11/10/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TRUYỀN THÔNG PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Thực hiện Quyết định số 1169/QĐ-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông phòng, chống tác hại của rượu bia đến năm 2030, theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 7101/TTr-SYT ngày 27/11/2024, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 1169/QĐ-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Đẩy mạnh, tăng cường thực hiện các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn thành phố để người dân trưởng thành, học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức về tác hại của rượu, bia, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; bảo vệ và nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình; đảm bảo an toàn giao thông, trật tự và an toàn xã hội.
2. Đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, xử lý, xử phạt để cán bộ, viên chức, người lao động và Nhân dân tuân thủ thực hiện quy định phòng, chống tác hại rượu, bia tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 16/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các văn bản khác của Trung ương, thành phố về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2030
1. 95% người trưởng thành đủ 18 tuổi trở lên, học sinh, sinh viên được truyền thông về tác hại của rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.
2. 100% người điều khiển phương tiện giao thông được truyền thông, phổ biến quy định của pháp luật về việc không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
3. 100% cơ sở giáo dục thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh viên.
4. 100% cơ sở kinh doanh rượu, bia; hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công được truyền thông, hướng dẫn các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định pháp luật khác có liên quan.
5. 100% báo in, báo điện tử trên địa bàn thành phố, 100% đài phát thanh, truyền hình thành phố và hệ thống đài truyền thanh cấp xã, phường đăng tải, phát thanh tin bài về phòng, chống tác hại của rượu, bia hàng tháng; 100% phóng viên, người tham gia hoạt động thông tin cơ sở được tập huấn, cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
III. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG
1. Đối tượng truyền thông: Người dân, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia.
2. Nội dung truyền thông: Chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.
IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện Đề án.
2. Xây dựng, phổ biến tài liệu truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp theo ngành, lĩnh vực và địa phương; cung cấp, phổ biến tài liệu truyền thông kịp thời, đa dạng về hình thức cho hệ thống truyền thông từ thành phố đến quận, huyện và xã, phường.
3. Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cho người tham gia công tác truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia từ thành phố đến quận, huyện và xã, phường.
4. Triển khai các hình thức truyền thông hiệu quả, phù hợp
a) Thường xuyên tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia dưới nhiều hình thức, trong đó có hình thức thông qua đội tuyên truyền lưu động; truyền thông gắn với các cuộc thi; các hoạt động, sự kiện y tế, văn hóa, thể thao và du lịch.
b) Thực hiện công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, internet, ứng dụng trực tuyến, điện thoại di động, tư vấn trực tuyến. Tham mưu sử dụng ngân sách hoặc các nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định để thực hiện truyền thông bằng các phương tiện, hình thức truyền thông, thông tin, báo chí.
c) Triển khai các hình thức truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia đến từng người dân; chú trọng truyền thông tại các địa điểm công cộng, khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho các cơ quan, tổ chức và người có liên quan.
Lồng ghép nội dung truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia vào trong hương ước, quy ước, thiết chế văn hóa của địa phương, khu dân cư; tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia trong cơ sở giáo dục phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh viên; triển khai, nhân rộng các sáng kiến, mô hình truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia tại nơi làm việc và tại cộng đồng dân cư.
5. Thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia từ thành phố đến quận, huyện và xã, phường; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi làm lan truyền các thông tin sai sự thật, không đúng quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học trong công tác truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia tại nơi làm việc và tại cộng đồng dân cư.
7. Định kỳ thực hiện khảo sát hoặc tổng hợp báo cáo từ các cơ quan thông tin, báo chí để thu thập thông tin, dữ liệu về việc thực hiện các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia tại nơi làm việc và tại cộng đồng dân cư; từ đó bổ sung, điều chỉnh các giải pháp triển khai cho phù hợp với thực trạng và tình hình thực tế.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
2. Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các sở, ban, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động cân đối, lồng ghép từ các chương trình, dự án để thực hiện Kế hoạch này từ nguồn dự toán được cấp hàng năm của các ngành, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) theo quy định để thực hiện (ưu tiên sử dụng nguồn xã hội hóa, nguồn đóng góp, tài trợ hợp pháp khác để thực hiện trước khi đề nghị ngân sách thành phố bố trí dự toán); đồng thời chịu trách nhiệm thanh quyết toán kinh phí đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính của các của các chương trình, dự án có liên quan.
Hằng năm, cùng thời gian quy định về lập dự toán ngân sách nhà nước, các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan được giao nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch này, chủ động cân đối, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch, đề án do đơn vị chủ trì để lập dự toán kinh phí chi tiết theo nội dung chi, mức chi đúng chế độ, chi tiêu tài chính hiện hành và nguồn kinh phí thực hiện, gửi Sở Tài chính (đối với nguồn vốn chi thường xuyên) xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định Luật Ngân sách nhà nước.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể thành phố
a) Quán triệt, tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu bia là vô cùng cần thiết đối với mọi người, mọi nhà, yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động gương mẫu chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông; không uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.
b) Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực và địa bàn được phân công quản lý; thực hiện hiệu quả các giải pháp liên quan đến cơ quan, đơn vị, địa phương mình tại Mục IV Kế hoạch, đảm bảo các mục tiêu tại Mục II Kế hoạch.
c) Định kỳ hằng năm (trước ngày 15/12) báo cáo UBND thành phố (thông qua Sở Y tế) việc thực hiện các giải pháp, mục tiêu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
2. Sở Y tế
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.
b) Tiếp nhận, cập nhật tài liệu truyền thông và tài liệu chuyên môn từ các cơ quan, tổ chức, đoàn thể Trung ương, Bộ Y tế; chủ động xây dựng nội dung tài liệu chuyên môn, tài liệu truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; chia sẻ, cung cấp thông tin, tài liệu chuyên môn, tài liệu truyền thông, phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, địa phương các nội dung liên quan đến truyền thông phòng, chống tác hại rượu bia và các hoạt động, giải pháp tại Kế hoạch này.
c) Phối với cơ quan, đơn vị truyền thông trong việc xây dựng tin bài, chuyên trang, chuyên mục về ảnh hưởng của rượu, bia đến sức khỏe con người và truyền thông phòng, chống tác hại rượu bia.
d) Chủ động trong công tác truyền thông chính sách về phòng, chống tác hại rượu bia. Chủ trì theo dõi thông tin xấu độc, tin sai sự thật liên quan nội dung quảng cáo rượu, bia liên quan đến lĩnh vực y tế trên báo chí và mạng xã hội; đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp xử lý tin giả, tin sai sự thật (nếu có).
đ) Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; tổng hợp báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch của các sở, ban, ngành báo cáo UBND thành phố theo quy định.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố và hệ thống thông tin cơ sở thực hiện tuyên truyền phòng, chống tác hại rượu bia trên các phương tiện thông tin đại chúng.
b) Phối hợp Sở Y tế kiểm tra, xử lý thông tin sai sự thật liên quan nội dung quảng cáo rượu, bia đăng tải trên báo chí và mạng xã hội (nếu có).
4. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng
Chỉ đạo, triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia cho học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo trong phạm vi quản lý; chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia cho học sinh trên địa bàn các quận, huyện.
5. Sở Công Thương
Chỉ đạo, triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia trong lĩnh vực quản lý kinh doanh rượu; tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng sản xuất, kinh doanh rượu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
6. Sở Giao thông vận tải
Chỉ đạo, triển khai các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải, cơ sở đào tạo, dạy nghề trong lĩnh vực giao thông.
7. Sở Văn hóa và Thể thao
Chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia trong các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao ngoài trời, trong nhà trên địa bàn thành phố; Hướng dẫn các địa phương, cộng đồng dân cư không lạm dụng rượu, bia trong đám tang, đám cưới, lễ hội và đưa vào hương ước, quy ước nội bộ của tổ dân phố, thôn xóm, khu dân cư.
8. Sở Du lịch
Chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia trong các hoạt động du lịch, các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố.
9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chỉ đạo, triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với đối tượng người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và truyền thông cho người lao động tại nơi làm việc.
10. Công an thành phố
Chỉ đạo, triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; quy định về xử phạt vi phạm hành chính về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.
11. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể thành phố
a) Phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.
b) Phối hợp tham gia giám sát việc thực hiện công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với các cơ quan, tổ chức cùng cấp, các đơn vị, tổ chức thành viên, trực thuộc và cá nhân trên địa bàn thành phố.
12. UBND các quận, huyện
a) Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, tổ chức triển khai Kế hoạch tại địa phương; chỉ đạo UBND các xã, phường tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; hướng dẫn, tổ chức triển khai các chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
b) Tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng sản xuất, kinh doanh rượu trong phạm vi, địa bàn quản lý thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
c) Kiểm tra, giám sát, báo cáo tiến độ và kết quả việc thực hiện Kế hoạch.
13. Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, Cổng Thông tin điện tử thành phố và các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố
a) Triển khai xây dựng các tuyến tin, bài, phóng sự, chuyên mục tuyên truyền công tác phòng, chống tác hại của rượu bia.
b) Tăng cường thời lượng, dung lượng phát sóng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông.
Trên đây là Kế hoạch triển khai Quyết định số 1169/QĐ-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông phòng, chống tác hại của rượu bia đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện căn cứ triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo, đề xuất UBND thành phố (thông qua Sở Y tế) để xem xét, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch, đảm bảo hiệu quả các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia, đạt mục tiêu của Kế hoạch đã đề ra./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019
- 3 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
- 4 Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2020 về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 1169/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Đề án Truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành