Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 09 tháng 02 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN SẮP XẾP, SÁP NHẬP CÁC THÔN, KHỐI PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012; Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 18/4/2013 của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, khối phố trên địa bàn các xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Để thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ thời gian và trình tự xây dựng Đề án sáp nhập các thôn, khối phố trên địa bàn của tỉnh, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

Tổ chức rà soát cơ cấu, quy mô số hộ gia đình, diện tích, vị trí địa lý thôn, khối phố trên địa bàn các xã, phường, thị trấn (cấp xã) từng bước thực hiện sắp xếp, sáp nhập để đảm bảo thôn, khối phố phải đạt quy mô về số hộ gia đình theo quy định: thôn phải có từ 200 hộ gia đình trở lên, khối phố phải có từ 300 hộ trở lên.

Thực hiện rà soát, sắp xếp, sáp nhập các thôn, khối phố nhằm thu gọn đầu mối quản lý, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, tinh giảm những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khối phố, giảm chi ngân sách nhà nước, tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, ở thôn, khối phố, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải nhỏ lẻ, gắn với xây dựng nông thôn mới của các xã và nâng cấp đô thị trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, khối phố phải dân chủ công khai; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành; sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả.

Xây dựng Đề án, hồ sơ sáp nhập các thôn, khối phố phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, chính xác, thống nhất, đồng bộ và phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành.

II. NỘI DUNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN:

Thực hiện theo lộ trình, từ năm 2018 đến năm 2030 chia làm 03 giai đoạn, cụ thể như sau:

1. Giai đoạn 1: Từ năm 2018 đến năm 2020:

1.1. Đối tượng thực hiện:

- Tập trung sáp nhập các thôn ở những nơi có điều kiện khó khăn, trọng tâm đối với các thôn có quy mô dưới 50 hộ gia đình, các khối phố có quy mô dưới 100 hộ gia đình. Thực hiện xong việc sáp nhập đối với 165 thôn và 04 khối phố theo đề xuất của các huyện.

- Riêng thành phố Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng có điều kiện hơn thực hiện sáp nhập đối với thôn có dưới 100 hộ gia đình, khối phố dưới 300 hộ gia đình.

1.2. Nội dung thực hiện:

Thực hiện theo các quý của năm trong từng giai đoạn, cụ thể như sau:

a) Quý I:

Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện rà soát đánh giá các điều kiện, tiêu chí, những thuận lợi, khó khăn khi sáp nhập đối với các thôn, khối phố không đảm bảo tiêu chuẩn quy mô về số hộ gia đình theo quy định; báo cáo, xin chủ trương của UBND tỉnh về việc sắp xếp, sáp nhập đối với các thôn, khối phố dự kiến thực hiện sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn.

b) Quý II:

- Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra UBND cấp xã xây dựng Đề án nhập thôn, khối phố, tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án.

- UBND cấp xã lập hồ sơ, Đề án nhập thôn, khối phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành Nghị quyết về Đề án.

c) Quý III:

- Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ, Đề án nhập thôn, khối phố trình UBND cấp huyện;

- Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét hồ sơ Đề án của UBND cấp xã, lập Tờ trình kèm theo bộ hồ sơ trình UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ thẩm định). Số lượng hồ sơ Đề án có 02 bộ theo quy định; Thời gian gửi hồ sơ Đề án về Sở Nội vụ trước ngày 30/8 trong năm thực hiện.

- Sở Nội vụ sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ Đề án đề nghị của UBND cấp huyện, tổ chức thẩm định theo quy định.

d) Quý IV:

Sau khi thẩm định hồ sơ Đề án của UBND cấp huyện, báo cáo UBND tỉnh kết quả thẩm định trước ngày 30/10 trong năm; dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm trong năm thực hiện Đề án nhập thôn, khối phố, xong trước ngày 15/11 năm thực hiện.

2. Giai đoạn II: Từ năm 2021 đến năm 2025:

2.1. Đối tượng thực hiện:

- Trọng tâm sáp nhập đối với các thôn có quy mô dưới 100 hộ gia đình, các khối phố có quy mô dưới 200 hộ gia đình.

- Riêng thành phố Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng thực hiện sáp nhập đối với thôn có dưới 200 hộ gia đình, khối phố có dưới 300 hộ gia đình.

2.2. Nội dung thực hiện:

Nội dung thực hiện các quý trong năm tương tự như nội dung thực hiện các quý trong từng năm của giai đoạn I.

3. Giai đoạn III: Từ năm 2026 đến năm 2030:

3.1. Đối tượng thực hiện:

Thực hiện sáp nhập đối với các thôn có quy mô dưới 200 hộ gia đình, các khối phố có quy mô dưới 300 hộ gia đình để đạt chuẩn về quy mô số hộ gia đình theo quy định.

3.2. Nội dung thực hiện:

Nội dung thực hiện các quý trong năm tương tự như nội dung thực hiện các quý trong từng năm của giai đoạn I.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; sau khi có Nghị quyết HĐND tỉnh, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định nhập thôn, khối phố theo quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xác định ranh giới địa lý, diện tích thôn, khối phố.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh, truyền hình tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các văn bản có liên quan, mục đích, ý nghĩa về việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, khối phố.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh, chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở trực thuộc tổ chức học tập, quán triệt các văn bản có liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, khối phố đến đoàn viên, hội viên nhằm nâng cao nhận thức, tích cực tham gia và vận động Nhân dân đồng thuận, tham gia thực hiện có ý nghĩa thiết thực về việc sắp xếp, sáp nhập thôn, khối phố.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Tổ chức, thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, khối phố theo đúng tiến độ và thời gian quy định; xem xét hồ sơ, Đề án nhập thôn, khối phố đảm bảo đầy đủ, tính thống nhất, tính pháp lý và chính xác.

b) Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQVN cùng cấp tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản của Trung ương và của tỉnh đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức ở cấp huyện, cán bộ chủ chốt ở cấp xã về thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, khối phố.

c) Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với Mặt trận tổ quốc cùng cấp tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản cấp trên về thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, khối phố đến đảng viên, cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khối phố, thành viên, hội viên MTTQ và Nhân dân địa phương.

d) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra UBND cấp xã tổ chức triển khai thực hiện đúng tiến độ, thời gian theo kế hoạch này.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị, thành viên Ban chỉ đạo phản ảnh về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ và đoàn thể tỉnh;
- Văn phòng và các Ban của Tỉnh ủy;
- Các Sở: NV, TNMT; TT&TT; Tư pháp;
- UBND các huyện, thành phố;
- Thành viên Ban CĐ, Tổ CV;
- Đài PTHT tỉnh; Báo LS;
- C, PCVP, TH, NC;
- Lưu: VT, NC (TTD).

CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Thưởng