ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 252/KH-UBND | Gia Lai, ngày 02 tháng 03 năm 2021 |
QUẢN LÝ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI CAO NGUYÊN KON HÀ NỪNG
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Công văn số 1929-TB/TU ngày 12/4/2017 Thông báo kết luận của Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, trong đó có giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sớm lập hồ sơ, thủ tục đề nghị các tổ chức trong và ngoài nước công nhận khu vực hành lang liên kết giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh trở thành Khu sinh quyển thế giới, tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (trực tiếp là Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật), Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh Quyển (MAB) Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên PanNature, các sở ngành, địa phương, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh xây dựng hồ sơ đề xuất Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai. Qua 3 năm thực hiện (2018 - 2020), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trực tiếp là Chi cục Kiểm lâm) đã tích cực phối hợp chặt chẽ với Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật xây dựng hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng. Đến nay, hồ sơ đã hoàn thiện theo nội dung quy định theo các tiêu chí của UNESCO thế giới về khu dự trữ sinh quyển, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình, được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đơn vị có liên quan tham gia góp ý và được UNESCO Việt Nam đệ trình lên UNESCO thế giới, xem xét công nhận.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng sau khi được Ủy ban Quốc gia UNESCO thế giới công nhận, với những nội dung cụ thể như sau:
1. Mục tiêu chung
Thiết lập cơ chế hợp tác liên ngành nhằm bảo vệ, duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái, bảo đảm phúc lợi của người dân và phát triển kinh tế, gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Huy động hiệu quả các nguồn lực và phát huy tối đa hiệu quả hợp tác giữa các bên liên quan, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Gia Lai trên các địa bàn thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng; đồng thời thực hiện trách nhiệm quốc gia trong việc triển khai Chiến lược UNESSCO/MAB 2015 - 2025 và Kế hoạch hành động LIMA 2016-2025.
Kế hoạch quản lý nhằm định hướng, xây dựng các hoạt động/chương trình/dự án để phát triển Khu Dự trữ sinh quyển (Khu DTSQ); làm cơ sở huy động, lồng ghép nguồn vốn: ngân sách (trung ương, địa phương), vốn ODA, vốn xã hội hóa,... từ các chương trình/dự án khác có liên quan đến hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, tạo sinh kế phát triển bền vững, nghiên cứu khoa học, ... trong Khu DTSQ.
2. Mục tiêu cụ thể:
Triển khai xây dựng và thực hiện hiệu quả mô hình quản lý hợp tác để quản lý tài nguyên rừng, giảm thiệt hại đến tài nguyên rừng.
Các hoạt động của Khu DTSQ được lồng ghép vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Diễn đàn quản lý hợp tác trong quản lý tài nguyên thiên nhiên được thiết lập với các bên liên quan tham gia.
Quảng bá rộng rãi hình ảnh và các giá trị của Khu DTSQ với các bên liên quan.
Xây dựng mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo tồn trong Khu DTSQ.
1. Cơ cấu quản lý khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng được thiết kế như sau:
Sơ đồ quản lý Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng
2. Chức năng và trách nhiệm của Ban quản lý (BQL).
2.1 Chức năng
Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Cao nguyên Kon Hà Nừng là cơ quan thường trực, tham mưu UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo, vận hành Khu dự trữ sinh quyển tuân theo các quy định của Việt Nam và với hỗ trợ kỹ thuật từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (UNESCO Việt Nam) và Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB).
2.2 Trách nhiệm
Xây dựng kế hoạch quản lý cho hoạt động của Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng với sự tham vấn với UNESCO Việt Nam, MAB Việt Nam và sau đó trình lên UBND tỉnh Gia Lai để phê duyệt và thực thi;
Tiến hành và thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án đã được phê duyệt từ cơ quan có thẩm quyền về bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng;
Tạo dựng cơ chế phối hợp quản lý cho các bên liên quan đến bảo tồn, quản lý và phát triển bền vững Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng; thông qua việc xác lập và tổ chức hội nghị với Hội đồng quản lý sử dụng rừng Kon Hà Nừng.
Tham mưu cho UBND tỉnh về việc thành lập Tổ tư vấn về bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng và được chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động của Tổ tư vấn theo quy định của pháp luật Việt Nam;
Huy động và tiếp cận các nguồn lực quốc tế và quốc gia để thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng tuân theo các luật và quy định hiện hành;
Thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức, giáo dục, khuyến khích để thúc đẩy Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng
Đề xuất nghiên cứu khoa học, hợp tác và cộng tác với quốc tế và các tổ chức quốc gia; thu nhận các kết quả nghiên cứu được thực hiện cho Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng;
Làm đầu mối liên hệ với UNESCO Việt Nam, MAB Việt Nam để chấp nhận và thực hiện các hoạt động liên quan đến Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng; tham gia vào mạng lưới thế giới của khu dự trữ sinh quyển nhằm tăng cường hợp tác với quốc tế và quốc gia, cùng các nhà khoa học thuộc mạng lưới MAB / UNESCO;
Quản lý, sử dụng vật tư, tài sản và các nguồn tài chính có liên quan để vận hành Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng hoạt động hiệu quả.
3. Kế hoạch thành lập và hoạt động 5 năm của BQL.
Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chuẩn bị hồ sơ về cơ cấu tổ chức, nhân sự, quy định về chức năng nhiệm vụ của BQL khu DTSQ và đệ trình UBND tỉnh ra quyết định thành lập BQL Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng. Thời gian là trong 3 tháng sau khi Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu DTSQ.
BQL Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng chuẩn bị thành phần, hồ sơ và đệ trình UBND tỉnh quyết định thành lập Tổ tư vấn cho quản lý khu DTSQ, gồm đại diện Liên hiệp hội KHKT tỉnh Gia Lai, Trung tâm lâm nghiệp nhiệt đới, các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Thời gian trong 2 tháng sau khi thành lập BQL khu DTSQ.
BQL Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng cùng với Tổ tư vấn xây dựng phương hướng hoạt động của BQL theo giai đoạn 5 năm và kế hoạch hoạt động trong năm thứ 1.
BQL tổ chức hội nghị tham vấn phương hướng và kế hoạch hoạt động cho khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng với Hội đồng quản lý phát triển rừng Kon Hà Nừng, bao gồm VQG Kon Ka Kinh, KBTTN Kon Chư Răng, các công ty lâm nghiệp, các huyện trong phạm vi của khu DTSQ, đại diện một số tổ lâm nghiệp cộng đồng, đại diện công ty du lịch và hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Gia Lai. Thời gian trong vòng 5 tháng từ khi thành lập BQL khu DTSQ.
Hoàn thiện kế hoạch hoạt động năm và dự toán, đệ trình UBND tỉnh bố trí ngân sách hoạt động cho BQL.
Họp giao ban định kỳ hàng quý trong BQL và báo cáo kết quả hoạt động cho UBND tỉnh.
Xây dựng các đề án theo phương án quản lý của khu DTSQ để kêu gọi nguồn ngân sách trong và ngoài nước.
Tổ chức hội nghị tổng kết hàng năm với sự tham gia của Hội đồng quản lý phát triển rừng Kon Hà Nừng.
Trên đây là Kế hoạch Quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai sau khi được UNESCO thế giới công nhận, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quốc gia MAB Việt Nam và Ủy ban Quốc gia MAB Việt Nam biết, cho ý kiến./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 62/2012/QĐ-UBND về Quy chế quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai
- 2 Quyết định 20/2020/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, phát triển du lịch tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, tỉnh Quảng Nam
- 3 Quyết định 36/2020/QĐ-UBND về Quy chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau do tỉnh Cà Mau ban hành