Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 252/KH-UBND

 Đồng Tháp, ngày 13 tháng 07 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÂY XANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2030

Nhằm định hướng, chủ động trong phát triển cây xanh đô thị và nông thôn trong thời gian tới, UBND Tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển cây xanh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, cụ thể như sau:

I. Hiện trạng cây xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (đính kèm Phụ lục I)

1. Mặt được

- Toàn Tỉnh hiện có gần 200.000 cây xanh được trồng. Những loại cây xanh được trồng lâu năm và phổ biến nhất gồm:Dầu, Sao, Bằng Lăng, Phượng Vỹ, Xà Cừ, Lộc Vừng, Lim Xẹt, Kèn Hồng, Sanh, Osaka Vàng, Sanh, Giáng Hương, Dầu, Sao, Hoàng Yến.

- Nhiều các loại cây xanh hiện hữu tại các huyện, thành phố được đánh giá là rất phù hợp với địa phương, điển hình như:Dầu, Sao đen, Bằng Lăng, Lộc Vừng, Lim Xẹt, Kèn Hồng, Giáng Hương, Sanh, Osaka vàng, Hoàng Hậu, Phượng Vỹ. Đây là các loại cây xanh sinh trưởng tốt, phát triển đều và đẹp, cung cấp bóng mát, tăng thẩm mỹ cho Tuyến Đường, thích hợp trồng ở Tuyến Đường có vỉa hè hẹp.

- Thời gian qua, cây xanh đô thị được UBND Tỉnh và UBND huyện, thành phố quan tâm và thường xuyên được dành một phần ngân sách hàng năm để duy trì, phát triển cây xanh đô thị. Cây xanh nông thôn cũng được quan tâm và phát triển, nhất là cây xanh tại các Tuyến Đường Quốc lộ, Tỉnh lộ, Huyện lộ và các Tuyến Đường liên xã.

- Trước mùa mưa hàng năm, công tác quản lý cây xanh luôn được UBND Tỉnh và UBND cấp huyện lưu tâm, chỉ đạo kịp thời, góp phần hạn chế, giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão.

2. Mặt tồn tại, khó khăn

- Mặc dù nhiều cây xanh phù hợp với địa phương nhưng vẫn bộc lộ một số hạn chế nhất định như: Vướng dây điện nên cần cắt tỉa tán để tránh nguy hiểm (Dầu, Sao, Hoàng Hậu, Lim Xẹt); ảnh hưởng công trình bên trên (Sao, Dầu); tán lá phát triển chậm, ít bóng mát; không thích hợp trồng ở Tuyến Đường có vỉa hè nhỏ, hẹp (Dầu). Hoàng Yến, Cau vua, Bàng, Phượng Vỹ, Chuông Vàng,… cũng được các địa phương đánh giá là phù hợp với địa phương nhưng còn hạn chế.

- Một số loại cây được ghi nhận là không phù hợp với địa phương, như: Sò Đo Cam (ghi nhận tại thành phố Sa Đéc, thị trấn Mỹ An), Phượng Vỹ và Điệp (tại thị trấn Tràm Chim); không thích hợp trồng tuyến phố (Dong đỏ - tại thành phố Sa Đéc); chất lượng kém, bộ rễ thường bị hư nên dễ ngã (Móng Bò - ghi nhận tại Thị trấn Lấp Vò); dễ sâu bệnh, khó chăm sóc (Pơ Mu - tại thành phố Sa Đéc); gây ảnh hưởng công trình, nguy hiểm cho giao thông (nghiêng về phía Đường), hư hại vỉa hè, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng khi gặp thời tiết bất lợi (Xà Cừ - tại thành phố Cao Lãnh, thị trấn Lấp Vò, thị trấn Tràm Chim, thị trấn Thường Thới Tiền); có cành, nhánh dễ gãy, gây nguy hiểm (Xà Cừ - tại thành phố Cao Lãnh); lá rụng nhiều, gây khó khăn vệ sinh môi trường.

- Một số loài cây xanh được trồng, nhưng không phù hợp với địa phương hoặc gây nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão. Ngoài ra, nhiều cây xanh được trồng tuy phù hợp với địa phương nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về quản lý cây xanh.

- Nguồn vốn duy trì, phát triển cây xanh tuy đã được quan tâm, bố trí hàng năm, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển cây xanh của địa phương.

- Thời gian qua, Kế hoạch phát triển cây xanh trên địa bàn Tỉnh nói chung cũng như tại từng địa phương nói riêng chưa được ban hành nên chưa tạo được cơ sở để địa phương chủ động trong việc phát triển cây xanh.

II. Mục tiêu và nguyên tắc thực hiện

1. Mục tiêu

- Đánh giá hiện trạng cây xanh, phát huy thành quả đạt được và định hướng phát triển phù hợp với địa phương kết hợp thay thế những cây không phù hợp, cây nguy hiểm. Phát triển cây xanh công cộng phục vụ mảng xanh đô thị và nông thôn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

- Tạo cơ sở để UBND huyện, thành phố ban hành Kế hoạch phát triển cây xanh tại địa phương đến năm 2030 theo từng giai đoạn, là cơ sở cho việc triển khai các dự án duy trì, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống cây xanh hiện hữu tại đô thị và nông thôn.

- Cụ thể hóa các định hướng quy hoạch cây xanh đô thị trong các đồ án quy hoạch đô thị. Cải tạo, duy trì và phát triển cây xanh đô thị hiện có để các chỉ tiêu về mảng xanh đô thị đáp ứng các tiêu chí công nhận, nâng cấp đô thị. Tăng cường diện tích cây xanh sử dụng công cộng tại các xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới và huyện nông thôn mới nâng cao.

- Huy động tối đa nguồn lực của xã hội, nhằm từng bước nâng cao chất lượng và độ che phủ của rừng, tăng cường sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

2. Nguyên tắc thực hiện

- Tiếp tục duy trì những cây xanh phù hợp với địa phương, góp phần tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường. Đồng thời, có kế hoạch thay thế những cây xanh không phù hợp với địa phương và cây nguy hiểm. Tránh che khuất tầm nhìn của hệ thống báo hiệu giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

- Kế hoạch phát triển cây xanh phù hợp với quy hoạch được duyệt, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Việc đầu tư, phát triển cây xanh chú trọng yếu tố kinh tế - kỹ thuật và phù hợp tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ, quản lý cây xanh.

III. Kế hoạch phát triển cây xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030

1. Danh mục định hướng phát triển cây xanh đến năm 2030

- Danh mục định hướng phát triển cây xanh đến năm 2030 được thể hiện chi tiết tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Kế hoạch này, bao gồm khu vực đô thị và nông thôn. Danh mục được chia thành hai giai đoạn thực hiện, với số lượng cây xanh dự kiến phát triển đến năm 2030 hơn gấp ba lần số lượng cây xanh hiện hữu.

- Dựa trên danh mục định hướng phát triển cây xanh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, UBND huyện, thành phố rà sốt, xác định danh mục phát triển cây xanh đến năm 2030 và ban hành kèm theo Kế hoạch phát triển cây xanh tại địa phương để triển khai thực hiện. Theo đó, danh mục cũng phải bao gồm khu vực đô thị và nông thôn để thuận lợi trong việc triển khai thực hiện.

2. Nguồn vốn thực hiện:

Nguồn vốn thực hiện Kế hoạch phát triển cây xanh trên địa bàn Tỉnh đến năm 2030 bao gồm:

- Vốn ngân sách nhà nước gồm: ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện theo khả năng cân đối; ngân sách cấp huyện đối ứng thực hiện theo từng năm.

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Căn cứ Kế hoạch này, UBND huyện, thành phố tổ chức xây dựng, ban hành Kế hoạch phát triển cây xanh tại địa phương đến năm 2030 để triển khai thực hiện. Thời gian thực hiện chậm nhất đến tháng 9 năm 2022.

Sau khi ban hành, UBND huyện, thành phố có trách nhiệm gửi Kế hoạch phát triển cây xanh đến năm 2030 trên địa bàn về Sở Xây dựng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, theo dõi.

2. Yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ các chức năng, nhiệm vụ đã được quy định, quan tâm, phối hợp và thực hiện tốt Kế hoạch này.

3. Định kỳ tháng 12 hàng năm, UBND huyện, thành phố báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển cây xanh tại địa phương, gửi về Sở Xây dựng (khu vực đô thị) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (khu vực nông thôn) tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Xây dựng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- TT/TU, TT/HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT/UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành Tỉnh;
- Đài THĐT, Báo Đồng Tháp;
- UBND huyện, thành phố;
- LĐVP;
- Lưu VT NC/ĐTXD.nbht

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Minh Tuấn