Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2532/KH-UBND

Bến Tre, ngày 04 tháng 6 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC GẮN VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” GIAI ĐOẠN 2014-2020

Căn cứ Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH

- Giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam; xây dựng văn hoá tiêu dùng dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc.

- Đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa các hàng hoá thiết yếu và hàng Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống người dân.

- Bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ nền sản xuất, môi trường kinh doanh hàng Việt Nam phát triển lành mạnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát: Trong giai đoạn đến năm 2020, để thực hiện chủ trương tại Thông báo số 264-TB/TW ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Ban Chấp hành Trung ương về Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam phát triển; các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, tích cực hưởng ứng các hoạt động phát triển thị trường thông qua Chương trình “Tự hào hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương phát động.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2015, 90% người tiêu dùng và 98% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến cuộc vận động, trên 80% biết đến các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, trên 85% người tiêu dùng trung thành với hàng Việt; xây dựng và duy trì được kênh truyền thông có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” thông qua báo giấy, báo điện tử, Đài Phát thanh Truyền hình… để tuyên truyền, quảng bá Cuộc vận động.

- Đến năm 2015, tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn trên 80%; phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 85% và triển khai xây dựng thí điểm các điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại các trung tâm thành phố, thị trấn trong tỉnh.

- Từ nay đến năm 2020, thường xuyên tổ chức các dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam trong tỉnh.

III. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác thông tin, tuyên truyền:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, để phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người tiêu dùng. Qua đó, giúp người tiêu dùng hiểu, biết, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ và khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, trí thức, cùng toàn thể người lao động trong đổi mới tư duy và công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến.

- Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang trên Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng Khởi, các loại đặc san để quảng bá về sản phẩm, hàng hoá Việt Nam; phản ánh, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về tình hình thực hiện Cuộc vận động của các cấp, các ngành, các địa phương.

- Vinh danh các doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động.

2. Phát triển hệ thống phân phối đối với hàng Việt Nam:

- Trên cơ sở quy hoạch thương mại, hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại để mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn.

- Xây dựng chương trình kết nối giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý để mở rộng độ bao phủ của hàng hoá, tăng hiện diện của hàng Việt Nam trên thị trường, thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt bền vững.

- Triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường một cách phù hợp, ưu tiên đưa hàng Việt vào hệ thống các điểm bán hàng bình ổn.

- Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, các chương trình khuyến mại hàng Việt trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức giới thiệu, quảng bá các tuyến điểm du lịch gắn với quảng bá các đặc sản của địa phương.

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam:

- Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh hướng dẫn các ngân hàng thương mại trong tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

- Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tác động của công nghệ thông tin đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm hướng tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác việc kinh doanh trên môi trường mạng.

- Liên kết với các tỉnh, thành phố để đưa các mặt hàng có thế mạnh tại địa phương, các sản phẩm của làng nghề tiếp cận với người tiêu dùng của nhiều vùng miền trên cả nước.

4. Kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Thực hiện giám sát các sự kiện xúc tiến thương mại hàng Việt Nam, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh để bảo đảm mục đích của Cuộc vận động và tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

- Các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lồng ghép với quảng bá, giới thiệu hàng Việt Nam đến người tiêu dùng.

5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn: Tổ chức, vận động, hỗ trợ, thu hút các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng mới đưa vào thị trường hoặc hàng có thương hiệu để tạo uy tín cho các phiên chợ. Bổ sung thêm các chương trình để nhằm thu hút lượng người đến tham quan, mua sắm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương:

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố hằng năm tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn và là cơ quan đầu mối kêu gọi các doanh nghiệp tham gia.

- Tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức sơ kết 05 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tổ chức khen thưởng cho các doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động.

- Tổ chức điều tra, khảo sát thị trường, thị phần, mạng lưới phân phối và nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các doanh nghiệp, các huyện, thành phố xây dựng các mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại các chợ, siêu thị.

- Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

- Tổ chức các lớp đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, Ban Quản lý chợ, các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn về kỹ năng bán hàng, nghiệp vụ quản lý chợ.

- Tổ chức phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại hàng Việt.

- Thực hiện triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam.

- Phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức các chương trình liên kết tiêu thụ sản phẩm của địa phương.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, gia tăng các biện pháp chống các hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu, gian lận thương mại nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.

2. Sở Tài Chính: Hằng năm tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho Sở Công Thương để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

3. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, định hướng cho các cơ quan báo chí, Đài truyền thanh các huyện, thành phố tuyên truyền vận động doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, sức cạnh tranh và xây dựng thương hiệu Việt cho sản phẩm hàng hoá, để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn các lợi thế của hàng Việt và tham gia mua sắm các sản phẩm hàng Việt.

4. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh: Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hưởng ứng Cuộc vận động trong nội bộ cơ quan, đơn vị bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; chủ động ưu tiên lựa chọn hàng Việt trong mua sắm, trang bị.

5. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố: Tạo điều kiện về thủ tục, cơ chế, chính sách, phối hợp với các cấp, các ngành để giúp cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng, nhất là ở địa bàn nông thôn, đặc biệt là vùng khó khăn.

Trên đây là nội dung Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ, đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Tuấn