ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2577/KH-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 6 năm 2014 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN THÁNG CAO ĐIỂM DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - NĂM 2014
Thực hiện Công văn số 2834/BYT -UBQG50 ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Bộ Y tế (Cơ quan thường trực phòng, chống AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm) về triển khai Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2014, Ủy ban nhân dân Thành phố đề ra Kế hoạch thực hiện Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn Thành phố Hồ Chi Minh - Năm 2014, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU, PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Mục tiêu chung: Hướng tới không còn trẻ nhiễm HIV từ mẹ.
2. Mục tiêu cụ thể: Góp phần đẩy mạnh các hoạt động để đạt mục tiêu năm 2014:
- Trên 97% phụ nữ mang thai được tư vấn đồng ý làm xét nghiệm HIV trong thời kỳ tiền sản;
- Trên 93% phụ nữ có thai nhiễm HIV được điều trị ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 99% con của họ được điều trị ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;
- Trên 85% con của bà mẹ nhiễm HIV được chuyển gởi thành công đến cơ sở nhi để tiếp tục theo dõi và chăm sóc sau khi sinh;
- Trên 70% bà mẹ nhiễm HIV được chuyển gởi thành công đến cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS người lớn và được tiếp tục theo dõi, quản lý, chăm sóc và nhận các can thiệp phù hợp sau sinh;
3. Phạm vi thực hiện: Kế hoạch được triển khai thực hiện tại 24/24 quận - huyện, 322/322 phường - xã - thị trấn và các Sở - ngành, Đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố.
4. Thời gian thực hiện: Từ ngày 01 tháng 6 đến ngày 30 tháng 6 năm 2014.
II. NỘI DUNG VÀ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
1. Về công tác chỉ đạo điều hành:
- Thủ trưởng các Sở - ngành, Đoàn thể, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn có trách nhiệm triển khai thực hiện Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
- Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đặc biệt là những phụ nữ, nam giới trong các nhóm đối tượng tác động chính của chiến dịch.
- Tăng cường sự phối hợp liên ngành từ cấp Thành phố đến địa phương trong các hoạt động liên quan đến chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
- Giám sát các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con triển khai trong Tháng cao điểm.
- Tổ chức tổng kết Tháng cao điểm.
2. Về hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông:
a) Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông:
- Tập trung thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt là tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 03 tháng đầu của thai kỳ, các can thiệp dự phòng lây truyền và hiệu quả của các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
- Quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại Thành phố.
- Xây dựng kế hoạch chi tiết cho hoạt động truyền thông phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho toàn Thành phố.
b) Hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông:
Linh hoạt áp dụng các hình thức khác nhau phù hợp với từng quận, huyện, phường xã, thị trấn, cơ quan, ban ngành, đoàn thể như: Phát sóng các đoạn phim ngắn, phóng sự, tiểu phẩm, tổ chức tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên các phương tiện truyền thông báo chí, đài phát thanh, truyền hình; Tổ chức mít tinh, các buổi truyền thông trực tiếp như nói chuyện, tư vấn, thăm gia đình, thảo luận nhóm; Phát hành tài liệu truyền thông (tờ rơi, cẩm nang) có thông điệp truyền thông về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
3. Cung cấp các dịch vụ can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con:
- Tăng cường cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho các thai phụ đến khám thai tại các cơ sở sản khoa trên địa bàn Thành phố.
- Tiếp tục duy trì hoạt động chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: Đảm bảo đủ sinh phẩm xét nghiệm HIV, thuốc ARV, sữa cho mẹ nhiễm HIV; cấp thuốc ARV và sữa thay thế sữa mẹ cho con của họ đến khi trẻ được 12 tháng tuổi tại 17 cơ sở y tế sản khoa có cung cấp dịch vụ trọn gói.
- Tiếp tục triển khai điều trị bằng 03 thuốc TDF/3TC/EFV sớm ngay khi phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV bất kể thời gian mang thai và số lượng CD4 (phương án B cộng) tại các cơ sở sản khoa có cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
- Triển khai tư vấn xét nghiệm cho chồng/bạn tình của thai phụ nhiễm HIV tại các cơ sở sản khoa có triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
- Tăng cường hoạt động chuyển gởi trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV sang phòng khám chăm sóc điều trị nhi đảm bảo trẻ được tiếp cận chăm sóc sau sinh (được cấp Cotrimoxazol điều trị dự phòng viêm phổi, được xét nghiệm PCR chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV của trẻ, được khám theo dõi tăng trưởng và tư vấn nuôi con).
- Tăng cường hoạt động chuyển gửi mẹ nhiễm HIV sang phòng khám ngoại trú người lớn để mẹ được tiếp tục chăm sóc và điều trị ARV liên tục.
4. Các hoạt động quản lý, điều phối:
- Tổ chức đoàn giám sát, hỗ trợ kỹ thuật định kỳ cho các đơn vị.
- Tổ chức họp mạng lưới các cơ sở y tế triển khai cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm nắm bắt tình hình, cập nhật thông tin, nhắc nhở các đơn vị.
- Tổng hợp báo cáo thực hiện kế hoạch Tháng cao điểm.
III. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Sở Y tế (Thường trực Ủy ban Phòng, chống AIDS Thành phố):
- Chủ trì phối hợp với các Sở - ngành, Đoàn thể là thành viên Ủy ban Phòng, chống AIDS Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai Kế hoạch Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
- Phối hợp với các cơ sở đào tạo để tập huấn, đào tạo mới và đào tạo liên tục cho các cán bộ y tế cung cấp dịch vụ, đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng và đúng theo quy định, hướng dẫn hiện hành.
- Phối hợp với các đơn vị tổ chức các đoàn giám sát, lồng ghép hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị có cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
- Phối hợp với các Sở - ngành, Đoàn thể trong công tác truyền thông, quảng bá chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
- Chủ trì xây dựng kế hoạch truyền thông dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
- Đảm bảo cung cấp kinh phí và cung ứng đủ các sinh phẩm xét nghiệm, thuốc ARV, sữa thay thế sữa mẹ, vật tư…đủ và kịp thời cho các cơ sở y tế sản khoa có cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
- Theo dõi, giám sát, đôn đốc các Sở - ngành, Đoàn thể, Ủy ban nhân dân các quận, huyện báo cáo kết quả thực hiện trong Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban Phòng, chống AIDS Thành phố đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ đông trực quan…
3. Các Sở - ngành, Đoàn thể liên quan:
Triển khai thực hiện công tác truyền thông chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lồng ghép vào kế hoạch truyền thông của đơn vị.
4. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
Chỉ đạo các phòng - ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương.
5. Các cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ chăm sóc thai sản:
- Thực hiện cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
- Đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp theo đúng quy định và hướng dẫn hiện hành.
- Hỗ trợ các Sở - ngành, Đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trong công tác truyền thông, quảng bá chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
- Thực hiện báo cáo theo đúng quy định.
IV. NGUỒN KINH PHÍ
Nguồn kinh phí thực hiện chi từ ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia; ngân sách Thành phố và các nguồn huy động hợp pháp từ các dự án, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ Kế hoạch này, yêu cầu các Sở - ngành, Đoàn thể Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn xây dựng, triển khai Kế hoạch Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2014 của địa phương, đơn vị mình theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Các đơn vị tổ chức mít-tinh, phải có Kế hoạch nêu rõ thời gian, địa điểm và nội dung mít-tinh gửi về Văn phòng thường trực Ủy ban Phòng, chống AIDS Thành phố chậm nhất là 10 ngày trước khi diễn ra mít-tinh.
3. Giao Sở Y tế (Thường trực Ủy ban Phòng, chống AIDS Thành phố) là cơ quan Thường trực, có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch; theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình và tổng hợp báo cáo theo quy định.
4. Các Sở - ngành, Đoàn thể Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện báo cáo kết quả Triển khai thực hiện Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2014 gửi về Văn phòng thường trực Ủy ban Phòng, chống AIDS Thành phố (số 121 đường Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3) trước ngày 15 tháng 7 năm 2014 để tổng hợp báo cáo chung, trình Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo Bộ Y tế theo quy định./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Nghị quyết 70/2014/NQ-HĐND về biện pháp phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020
- 2 Kế hoạch 02/KH-UBND thực hiện Đề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS, là nạn nhân của chất độc hóa học, khuyết tật nặng và bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2014 - 2020” trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 1 Nghị quyết 70/2014/NQ-HĐND về biện pháp phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020
- 2 Kế hoạch 02/KH-UBND thực hiện Đề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS, là nạn nhân của chất độc hóa học, khuyết tật nặng và bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2014 - 2020” trên địa bàn tỉnh Thái Bình