Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2639/KH-UBND

Hà Nam, ngày 14 tháng 9 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

XÓA BỎ CÁC LÒ VÔI THỦ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27 tháng 4 năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Theo Kết luận thanh tra số 660/KLTT-UBND ngày 23 tháng 3 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vôi và hoạt động cầu cảng của các cơ sở trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch xóa bỏ các lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2020, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Ban hành lộ trình xóa bỏ các lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27 tháng 4 năm 2015 của Bộ Xây dựng.

- Thực hiện xóa bỏ hoàn toàn các lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình của Chính phủ, Bộ Xây dựng và Kết luận thanh tra số 660/KLTT-UBND ngày 23/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Đảm bảo việc triển khai kế hoạch kịp thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp tại tất cả các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.

- Các Sở, ngành, các địa phương trong tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

II. MỤC TIÊU

Hoàn thành việc xóa bỏ hoàn toàn các lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra, trong đó:

1. Đợt 1: Có 03 cơ sở (Công ty CP Đức Hồng; Công ty TNHH Văn Hoa; Hộ ông Bùi Đức Nhân) với 14 trong tổng số 29 lò trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:

- Chấm dứt hoạt động tất cả các lò vôi thủ công chậm nhất trước ngày 31/10/2018.

- Tháo dỡ và xóa bỏ xong các cơ sở sản xuất vôi thủ công xong trước ngày 31/12/2018.

2. Đợt 2: Tất cả các cơ sở sản xuất vôi thủ công còn lại trên địa bàn tỉnh (15 lò của 10 cơ sở sản xuất). Cụ thể:

- Chấm dứt hoạt động tất cả các lò vôi thủ công chậm nhất vào ngày 31/10/2019.

- Tháo dỡ và xóa bỏ xong các cơ sở sản xuất vôi thủ công xong trước ngày 31/12/2019.

(Chi tiết theo Phụ lục đính kèm)

III. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP

1. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện kế hoạch và những quy định của nhà nước về định hướng phát triển các cơ sở sản xuất vôi công nghiệp, lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công trên phạm vi toàn quốc đến các cấp, các ngành và các cơ sở sản xuất vôi thủ công đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi theo kế hoạch; kiên quyết xử lý nếu các cơ sở sản xuất không thực hiện. Có biện pháp ngăn chặn và xử lý việc tái sản xuất.

3. Khuyến khích các cơ sở sản xuất vôi thủ công nghiêm chỉnh chấp hành, tạo điều kiện chuyển đổi sang sản xuất các loại hình khác để đảm bảo môi trường sinh hoạt cho dân cư xung quanh.

4. Tăng cường đôn đốc việc thực hiện đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất vôi công nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư để đảm bảo nhu cầu thị trường, không để tình trạng khan hiếm sản phẩm khi xóa bỏ hình thức sản xuất vôi thủ công; kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý thu hồi những dự án chậm triển khai thực hiện do năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu.

5. Xây dựng cơ chế hỗ trợ tháo dỡ lò vôi thủ công.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tuyên truyền, quán triệt việc triển khai thực hiện kế hoạch; kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện xóa bỏ các lò vôi thủ công trên địa bàn toàn tỉnh, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện;

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố giới thiệu địa điểm trong các khu quy hoạch chế biến vật liệu xây dựng tập trung cho các cơ sở sản xuất, hộ gia đình có lò nung vôi thủ công phải tháo dỡ khi có nhu cầu thực hiện dự án sản xuất vật liệu xây dựng.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc xử lý các vi phạm về đất đai, môi trường đối với các cơ sở sản xuất vôi thủ công.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Hướng dẫn chủ cơ sở sản xuất có nhu cầu chuyển đổi mục tiêu sản xuất kinh doanh thực hiện thủ tục chuyển đổi (phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch vật liệu xây dựng; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch ngành, lĩnh vực...), trình cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng các quy định hiện hành.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành kiểm tra, đôn đốc thực hiện đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất vôi công nghiệp đã được quyết định chủ trương đầu tư, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý thu hồi dự án đối với các chậm triển khai thực hiện, do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm.

4. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Liêm xây dựng cơ chế hỗ trợ khi tháo dỡ lò vôi thủ công đối với các cơ sở sản xuất, hộ gia đình; đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 10 tháng 10 năm 2018 để xem xét, quyết định về cơ chế hỗ trợ.

5. Các Sở, ngành liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc khi có yêu cầu. Kiểm tra giám sát và xử lý các đơn vị vi phạm chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh.

6. Ủy ban nhân dân huyện Thanh Liêm:

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị trấn Kiện Khê và các phòng chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động đối với các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn theo Kế hoạch nêu trên. Trường hợp các cơ sở sản xuất không thực hiện chấm dứt hoạt động, không tháo dỡ lò vôi thủ công hoặc các cơ sở đang được hoạt động nhưng để xảy ra tình trạng mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường phải xử lý theo quy định và kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động ngay;

- Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất, xây dựng phương án hỗ trợ tháo dỡ lò vôi thủ công.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tiếp tục kiểm tra, rà soát trên địa bàn quản lý, nếu còn tồn tại hoạt động của các lò vôi thủ công phải chủ động xử lý các vi phạm theo quy định, đồng thời yêu cầu chấm dứt hoạt động trước ngày 31 tháng 10 năm 2019.

- Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu không xử lý kịp thời;

8. Ủy ban nhân dân thị trấn Kiện Khê:

- Đôn đốc, giám sát việc chấm dứt hoạt động và tháo dỡ các lò vôi thủ công trên địa bàn; chủ động đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện Thanh Liêm tình hình thực hiện.

- Xử lý, kiến nghị xử lý nếu các cơ sở sản xuất vôi thủ công không chấp hành thực hiện, hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình sản xuất.

- Có biện pháp xử lý, ngăn chặn các cá nhân, tổ chức cố tình khôi phục, sử dụng các lò vôi đã dừng hoạt động để tiếp tục sản xuất vôi; không để hình thành các lò vôi thủ công mới trên địa bàn.

9. Các cơ sở sản xuất vôi thủ công:

- Thực hiện chấm dứt hoạt động và xóa bỏ các lò vôi thủ công theo lộ trình trong Kế hoạch này;

- Chủ động nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án để chuyển đổi mục tiêu sản xuất kinh doanh khi thực hiện xóa bỏ lò vôi thủ công, đảm bảo hiệu quả khả thi, trình cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận.

- Khuyến khích các cơ sở sản xuất vôi thủ công chấm dứt, xóa bỏ trước thời hạn theo lộ trình.

10. Các cơ quan truyền thông của tỉnh: Tăng cường đưa tin về chủ trương của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xóa bỏ lò nung vôi thủ công để đảm bảo môi trường và chủ trương khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ gia đình nghiêm chỉnh chấp hành việc tháo dỡ cũng như chủ trương tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi sản xuất.

11. Căn cứ các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch, thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chấp hành nghiêm việc triển khai thực hiện. Kết quả thực hiện gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng./.

 


Nơi nhận:
- TTTU, TTHĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: XD, TNMT, KHĐT, TC, CT, TTTT;
- UBND các huyện, thành phố;
- CB Hà Nam; Báo Hà Nam, Đài PTTH tỉnh;
- VPUB: LĐVP(4), GTXD, KT, TN, NN, TH;
- Lưu VT; GTXD.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đông

 

PHỤ LỤC

KẾ HOẠCH XÓA BỎ LÒ VÔI THỦ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 2639/KH-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Stt

Danh mục

Địa chỉ

Tổng số lò

Kế hoạch thực hiện

I

Xóa bỏ lò vôi thủ công đợt 1

1

Công ty cổ phần Đức Hồng

Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm

09

- Chấm dứt hoạt động tất cả các lò vôi thủ công chậm nhất vào ngày 31/10/2018.

- Tháo dỡ và xóa bỏ xong các lò vôi thủ công trước ngày 31/12/2018.

2

Công ty TNHH Văn Hoa

Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm

03

3

Hộ gia đình ông Bùi Đức Nhân

Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm

02

II

Xóa bỏ lò vôi thủ công đợt 2

1

Công ty TNHH Chu Hà

Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm

03

- Chấm dứt hoạt động tất cả các lò vôi thủ công chậm nhất vào ngày 31/10/2019.

- Tháo dỡ và xóa bỏ xong các lò vôi thủ công trước ngày 31/12/2019.

2

Hộ gia đình ông Đỗ Văn Thịnh

Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm

04

3

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quý

Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm

01

4

Hộ gia đình ông Đỗ Văn Hải

Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm

01

5

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thiệu

Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm

01

6

Hộ gia đình ông Võ Tất Đỉnh

Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm

01

7

Hộ gia đình ông Đỗ Văn Sơn

Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm

01

8

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cương

Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm

01

9

Hộ gia đình ông Trương Đình Hướng

Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm

01

10

Công ty TNHH kinh doanh tổng hợp Hưng Lợi

Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm

01