Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2692/KH-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH DO VI RÚT EBOLA TRONG NGÀNH DU LỊCH

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh do vi rút Ebola gây ra là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường và dụng cụ bị ô nhiễm dịch bệnh. Hiện nay dịch bệnh đã bùng phát tại 4 quốc gia vùng Tây Phi là: Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria. Tính đến ngày 06 tháng 8 năm 2014 đã ghi nhận tổng cộng 1.779 trường hợp mắc, trong đó có 961 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra các khuyến cáo nhằm hạn chế việc lây lan của virus Ebola.

Cho đến nay, bệnh do virus Ebola vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên, dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

I. TÌNH HÌNH BỆNH DO VI RÚT EBOLA TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

1. Trên thế giới

Vụ dịch đầu tiên được ghi nhận vào năm 1976 tại Sudan với hơn 600 trường hợp mắc. Từ đó đến nay dịch đã xảy ra tại 11 quốc gia châu Phi. Đặc biệt từ tháng 12/2013 đến ngày 01/8/2014 thế giới đã ghi nhận 1.603 trường hợp mắc bao gồm 887 trường hợp tại 04 nước Guinea (485 mắc/358 tử vong), Liberia (468 mắc/255 tử vong), Nigeria (4 mắc/1 tử vong) và Sierra Leone (646 mắc/273 tử vong). Đây là vụ dịch lớn nhất của căn bệnh này trong lịch sử 4 thập kỷ qua, đặc biệt đã ghi nhận trên 100 cán bộ y tế nhiễm vi rút Ebola.

2. Tại Việt Nam

Qua hệ thống báo cáo giám sát đến ngày 06/8/2014, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola.

3. Nhận định, dự báo

Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống do:

- Bệnh do vi rút Ebola lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.

- Tỷ lệ mắc và tử vong đang tăng cao từng ngày tại các quốc gia vùng Tây Phi.

- Nguy cơ bệnh có thể xâm nhập vào nước ta thông qua các khách du lịch, người lao động về từ các quốc gia vùng Tây Phi hoặc hành khách nhập cảnh có thời gian ở, đi qua các quốc gia vùng Tây Phi.

- Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.

II. KINH NGHIỆM PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CỦA BỘ Y TẾ

- Sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch và hỗ trợ tích cực của các Tổ chức quốc tế.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, đoàn thể, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào công tác phòng chống dịch.

- Chủ động chuẩn bị các hoạt động phòng, chống dịch từ trung ương đến địa phương: giám sát, thu dung, điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, trang thiết bị.

- Chia sẻ kịp thời thông tin giữa các đơn vị trong nước và quốc tế về tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống dịch.

- Chủ động cung cấp thông tin cho các đơn vị thông tấn, báo chí để định hướng thông tin và tuyên truyền cho người dân áp dụng các biện pháp phù hợp.

- Phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng quá tải cục bộ tại các bệnh viện tuyến cuối, tập trung các nguồn lực điều trị không để xảy ra tử vong ngay từ ca bệnh đầu tiên.

- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo các tình huống dịch để có các biện pháp ứng phó phù hợp.

- Các phòng xét nghiệm chuẩn bị đảm bảo an toàn sinh học phù hợp và xác định kịp thời chủng vi rút gây bệnh để có các biện pháp đáp ứng phù hợp.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh Ebola vào Việt Nam qua đường du lịch.

- Kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp lây nhiễm đối với khách du lịch, phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế Trung ương và địa phương trong việc phòng, chống và đảm bảo an toàn, sức khỏe cho khách du lịch và người lao động trong ngành du lịch.

- Thông tin rộng rãi đến khách du lịch và cán bộ nhân viên trong toàn ngành về dịch bệnh cùng những biện pháp phòng tránh theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Kịp thời theo dõi sức khỏe của khách du lịch và thông tin đến các cơ quan chức năng khi có dấu hiệu bất thường liên quan đến dịch bệnh.

2. Mục tiêu cụ thể (theo tình huống dịch bệnh do Bộ Y tế đề xuất)

2.1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam

- Tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong toàn ngành Du lịch về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Ebola qua đường du lịch.

- Xây dựng kế hoạch ứng phó, phòng, chống dịch bệnh của ngành du lịch từng địa phương, từng đơn vị.

- Không đưa khách du lịch đến các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola. Hạn chế, cân nhắc việc đưa khách du lịch đến các nước liên quan đến dịch bệnh.

- Hợp tác với cơ quan y tế thực hiện kiểm dịch đối với khách du lịch đến Việt Nam từ các nước có dịch bệnh.

2.2. Tình huống 2: Xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam

- Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra đột xuất, thường xuyên trong toàn ngành và cộng đồng du lịch địa phương về các phương pháp phòng, chống dịch bệnh Ebola theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

- Tuyệt đối không đưa khách du lịch quốc tế và nội địa đến những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

- Thông tin chính xác, kịp thời đến các thị trường, các hãng lữ hành gửi khách nước ngoài về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, đặc biệt những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao.

2.3. Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng.

- Không đưa khách du lịch quốc tế và nội địa đến những khu vực đã được khoanh vùng, có nguy cơ lây nhiễm cao.

- Tập trung đảm bảo tuyệt đối an toàn, sức khỏe của du khách và cán bộ, người lao động trong ngành du lịch.

- Triển khai triệt để các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công điện gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành, các cơ quan chức năng trong toàn ngành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Ebola theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổng cục Du lịch có công văn gửi đến các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Ebola. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Hiệp Hội Du lịch Việt Nam có văn bản chỉ đạo các Hiệp hội du lịch địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

2. Công tác thông tin, truyền thông

- Tăng cường công tác truyền thông về dịch bệnh trên cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (bvhttdl.gov.vn) và Tổng cục Du lịch (www.vietnamtourism.gov.vn) về tình hình diễn biến dịch bệnh và công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đối với việc phòng, chống dịch bệnh Ebola trong ngành Du lịch.

- Thường xuyên cập nhật website của Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng (vncdc.gov.vn) về diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Việt Nam.

3. Công tác kiểm tra, báo cáo tình hình

- Trong trường hợp xuất hiện những dấu hiệu bất thường về việc lây nhiễm vi rút Ebola đối với khách du lịch, cần tổ chức Đoàn kiểm tra giám sát tình hình ở cấp trung ương hoặc địa phương tùy theo mức độ ảnh hưởng của sự việc và theo chỉ đạo của cơ quan y tế chuyên ngành.

- Các tỉnh/thành cần cập nhật báo cáo kết quả triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Ebola của ngành Du lịch địa phương về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch để kịp thời nắm bắt tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

- Trường hợp phát hiện những dấu hiệu bất thường của dịch bệnh liên quan đến khách du lịch, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch địa phương cần báo cáo kịp thời đến cơ quan y tế và báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch để có biện pháp chỉ đạo phù hợp.

V. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI

1. Tổng cục Du lịch:

- Là đơn vị thường trực công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola trong ngành du lịch

- Thành lập một Tổ công tác do Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trực tiếp làm phụ trách với sự tham gia của Lãnh đạo các Vụ chức năng của Tổng cục Du lịch để thường xuyên cập nhật tình hình, có biện pháp hướng dẫn các đơn vị trong ngành triển khai các hoạt động phòng, chống dịch theo sát diễn biến tình hình chung.

- Mở một chuyên mục trên website của Tổng cục Du lịch để thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh và công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch trong toàn ngành.

2. Cục Hợp tác quốc tế:

- Tham mưu cho lãnh đạo Bộ không cử cán bộ đi công tác đến vùng có dịch bệnh cho đến khi có khuyến cáo mới của Bộ Y tế.

- Nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh và những vấn đề liên quan đến hoạt động đối ngoại văn hóa nói chung và du lịch nói riêng để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch bệnh Ebola.

- Tăng cường hợp tác quốc tế, thông tin đến các đối tác, bạn bè quốc tế về công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam để khách du lịch luôn yên tâm khi đi du lịch Việt Nam.

3. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra các địa phương, các địa bàn trọng điểm du lịch có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Ebola theo 03 kịch bản của Bộ Y tế.

- Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Du lịch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Ebola của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú, dịch vụ du lịch.

4. Các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ:

- Tăng cường công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

5. Vụ Kế hoạch-Tài Chính:

Đề xuất nguồn kinh phí dự phòng phục vụ cho công tác truyền thông, tuyên truyền phòng, chống dịch theo các phương án do các đơn vị trong Bộ đề xuất tùy vào tình hình diễn biến dịch bệnh trong và ngoài nước.

6. Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh trên trang web của Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng (vncdc.gov.vn) và thông tin chỉ đạo điều hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch trên website của Tổng cục Du lịch (www.vietnamtourism.gov.vn).

- Chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Ebola cho ngành Du lịch địa phương, kịp thời phối hợp với các Sở, Ban, ngành chức năng tại địa phương tham mưu cho Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp cần thiết ứng phó với dịch bệnh Ebola cơ sở Kế hoạch phòng, chống bệnh do vi rút Ebola trong ngành du lịch.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện trên địa bàn xử lý kịp thời các tình huống liên quan đến dịch bệnh.

- Thường xuyên thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn về tình hình, diễn biến dịch bệnh và các chỉ đạo của trung ương, địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Ebola tại đơn vị.

7. Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các địa phương:

- Thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh Ebola trên các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp qua website của Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng (vncdc.gov.vn) và thông tin chỉ đạo, điều hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ (bvhttdl.gov.vn) và của Tổng cục Du lịch (www.vietnamtourism.gov.vn) để chủ động trong công tác truyền thông, có biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách du lịch, kịp thời ngăn chặn lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thông qua con đường du lịch.

- Chỉ đạo các Hiệp hội du lịch địa phương, các doanh nghiệp hội viên tích cực nắm bắt tình hình, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và tăng cường phối kết hợp với các cơ quan chức năng y tế để đảm bảo an toàn, sức khỏe của khách du lịch và người lao động trong doanh nghiệp.

- Trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ bùng phát ở quy mô khu vực hoặc toàn cầu, đe dọa đến việc giao lưu và du lịch quốc tế, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý du lịch trên địa bàn hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch tích cực triển khai các chương trình du lịch nội địa hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch 2014-2015 với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đáp ứng nhu cầu du lịch của nhân dân, tăng cường quan tâm đến sức khỏe an toàn của khách du lịch.

8. Các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc:

- Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế không đưa khách du lịch đến các quốc gia đang bùng phát dịch bệnh Ebola. Khi đón các đoàn khách quốc tế đến từ các thị trường liên quan đến dịch bệnh cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch y tế, thực hiện các thủ tục kiểm tra sức khỏe theo đúng quy định.

- Các khách sạn, cơ sở lưu trú cần có phương án phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên theo dõi sức khỏe của khách lưu trú, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế địa phương để phòng, chống dịch bệnh cho khách du lịch, thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng về những dấu hiệu bất thường liên quan đến dịch bệnh, có phương án cách ly khách du lịch trong trường hợp phát hiện nghi vấn liên quan đến dịch bệnh và kịp thời liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để chữa trị.

- Quán triệt cán bộ công chức, người lao động có nhận thức đúng về nguy cơ tiềm tàng của dịch bệnh Ebola đối với hoạt động du lịch của Viêt Nam trong thời gian tới, có biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho khách du lịch và người lao động trong đơn vị.

- Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh trên trang web của Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng (vncdc.gov.vn) và thông tin chỉ đạo điều hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch trên website của Tổng cục Du lịch (www.vietnamtourism.gov.vn) để có giải pháp ứng phó kịp thời trước những diễn biến khó lường, liên tục của dịch bệnh trong tình hình hiện nay.

Yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch này và có báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Tổng cục Du lịch) để kịp thời điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh, đạt được mục tiêu đề ra./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó TTg Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- VP Chính phủ (để phối hợp);
- Vụ KGVX, VPCP;
- Các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải (để phối hợp);
- Tổng Du lịch (để triển khai);
- Thanh tra Bộ VHTTDL (để thực hiện);
- Cục HTQT, Vụ KHTC (để thực hiện);
- Hiệp hội Du lịch Việt Nam (để triển khai);
- Các Sở VHTTDL (để thực hiện);
- Cổng TTĐT Bộ VHTTDL (để đưa tin);
- Báo Văn hóa (để đưa tin);
- Trung tâm TTTDL (để đưa tin);
- Lưu: VT, TCDL; LH (10). 100

BỘ TRƯỞNG




Hoàng Tuấn Anh