Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/KH-HĐTĐKT

Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “DOANH NGHIỆP VIỆT NAM HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN”

Ngày 11 tháng 10 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào, thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” (gọi tắt là phong trào thi đua). Để phong trào thi đua được triển khai rộng khắp, đạt kết quả toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Bộ, ngành, địa phương) phát động và triển khai hiệu quả phong trào thi đua góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

- Các doanh nghiệp tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả với mục tiêu xây dựng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 01 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có những doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

- Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua, phát huy và khuyến khích tính sáng tạo của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

2. Yêu cầu

- Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng nội dung, chỉ tiêu thi đua thiết thực, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân là thước đo hiệu quả hoạt động.

- Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng trong các doanh nghiệp. Thi đua trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung phong trào thi đua gắn với đẩy mạnh việc thực hiện cơ cấu lại, đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

- Gắn kết chặt chẽ, kết quả thực hiện phong trào thi đua với công tác khen thưởng. Quan tâm khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp cho cộng đồng, giải quyết nhiều việc làm, khuyến khích phong trào khởi nghiệp. Việc khen thưởng, tôn vinh đảm bảo chính xác, công khai, công bằng và kịp thời, tạo động lực để tập thể và cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

II. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA

Phong trào thi đua được phát động nhằm tạo động lực góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, với những nội dung cần tập trung là:

1. Đối với các Bộ, ngành, địa phương

- Thi đua nâng cao năng lực xây dựng và thực thi cơ chế chính sách đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp phát triển với mục tiêu giảm thời gian và chi phí, nâng cao năng lực hội nhập cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

- Thi đua áp dụng phương thức quản lý hiện đại (quản lý rủi ro, phân loại doanh nghiệp...), tạo dựng môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm pháp luật để đảm bảo sự bình đẳng, môi trường lành mạnh, an toàn cho các doanh nghiệp kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

- Thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công, đảm bảo gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử để công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua môi trường mạng, đảm bảo hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

- Thi đua hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, trên các nội dung:

+ Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ; triển khai hiệu quả đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp gắn kết với hoạt động của mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu.

+ Hỗ trợ doanh nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân Việt Nam tham gia tiến trình hội nhập quốc tế.

+ Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cao, kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại, đạo đức kinh doanh và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, dân tộc. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65-70%.

2. Đối với doanh nghiệp

- Thi đua đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như từng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cụ thể; tăng doanh thu, lợi nhuận; đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ, ngành, địa phương theo tiến độ, kế hoạch đã đề ra.

- Thi đua cải tiến khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện tái cấu trúc và định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, tạo giá trị gia tăng cao, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

- Thi đua xây dựng và nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Xây dựng và gìn giữ văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh của doanh nhân Việt Nam, thực hiện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng.

- Thi đua tập trung nguồn lực, tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và “chữ tín” trong kinh doanh.

- Thi đua đảm bảo an toàn lao động; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cao.

- Thi đua thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước đảm bảo đủ và vượt chỉ tiêu kế hoạch, thực hiện tốt chính sách tín dụng, bảo hiểm, quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp góp sức vì cộng đồng, an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, có những việc làm thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đối với các Bộ, ngành, địa phương:

- Tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tại Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng Chương trình hành động và triển khai thực hiện Nghị quyết; tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm (2016-2020) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”.

- Căn cứ yêu cầu, đối tượng cụ thể tổ chức phát động triển khai sâu rộng phong trào thi đua. Việc phát động phong trào thi đua cần được tiến hành với nội dung, tiêu chí cụ thể, phương thức phù hợp gắn với yêu cầu hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp với tinh thần “Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp.

- Quán triệt cán bộ, công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

2. Đối với các doanh nghiệp: Căn cứ vào mục tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm hoặc chiến lược phát triển của doanh nghiệp để tổ chức các phong trào thi đua, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn thi đua phù hợp với đặc điểm, đặc thù của đơn vị mình, gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, bảo vệ môi trường..., tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn thể công nhân viên và người lao động, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra của doanh nghiệp trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

IV. TIÊU CHUẨN THI ĐUA VÀ HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG

1. Tiêu chuẩn thi đua

a. Đối với các Bộ, ngành, địa phương

- Xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật đảm bảo chất lượng, công khai, minh bạch, đúng thời hạn, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp trên các lĩnh vực.

- Thực hiện hiệu quả các giải pháp hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Bám sát thực tiễn, nghiên cứu bổ sung kịp thời các hướng dẫn, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

b. Đối với các doanh nghiệp

- Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt các quy định về thuế, tín dụng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; đảm bảo môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động...

- Sản xuất kinh doanh hiệu quả. Tổng doanh thu, lợi nhuận thực hiện cao hơn kế hoạch. Doanh nghiệp không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1.

- Đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sử dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Thực hiện tốt việc trích lập và sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ để thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ.

- Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nộp ngân sách của kế hoạch năm, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

- Nội bộ đoàn kết. Tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo; có đóng góp cụ thể, thiết thực trong xây dựng nông thôn mới.

c) Đối với cá nhân:

Doanh nhân có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất, sáng kiến vào mở rộng quy mô, phát triển doanh nghiệp bền vững, đóng góp ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

2. Hình thức khen thưởng.

a. Hàng năm, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương lấy kết quả triển khai tổ, chức thực hiện Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” là một trong những nội dung để đánh giá thi đua và xem xét khen thưởng cho các đơn vị cấp dưới.

b) Khen thưởng sơ kết, tổng kết giai đoạn 2017-2020:

- Về khen thưởng sơ kết:

Các Bộ, ngành, địa phương tiến hành sơ kết, đánh giá và lựa chọn các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu để khen thưởng theo thẩm quyền.

- Về khen thưởng tổng kết:

+ Khen thưởng các Bộ, ngành, địa phương: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương lựa chọn một số bộ, ngành, địa phương có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong tổ chức và thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

+ Khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu: Trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương lựa chọn các doanh nghiệp và doanh nhân tiêu biểu nhất trong Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc trình Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Hồ sơ khen thưởng gửi về Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Trình tự, thủ tục khen thưởng thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

V. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Căn cứ kế hoạch này, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể đế triển khai thực hiện hiệu quả và tổ chức sơ kết, tổng kết kịp thời.

2. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức tổng kết phong trào thi đua vào năm 2020.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ kế hoạch, điều kiện cụ thể để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và triển khai tổ chức thực hiện đảm bảo nội dung và chất lượng, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được phân công tại Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ.

2. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan thường trực giúp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương theo dõi, đôn đốc tổ chức thực hiện Kế hoạch này, định kỳ hàng năm báo cáo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

3. Định kỳ hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình tổ chức và kết quả thực hiện phong trào thi đua về Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tổng hợp, báo cáo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tổng hợp, báo cáo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các đ/c thành viên HĐ TĐKT Trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tập đoàn kinh tế và Tổng Công ty Nhà nước;
- Vụ, phòng, Ban TĐKT các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương;
- Ban TĐKT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, Vụ II.

TM. HỘI ĐỒNG
PHÓ CHỦ TỊCH THỨ NHẤT




Đặng Thị Ngọc Thịnh