Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/KH-UBND

Cà Mau, ngày 26 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau (gọi tắt là Kế hoạch), cụ thể như sau:

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung:

- Nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy của cộng đồng và xã hội. Góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

- Ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và hoạt động trên biển, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đến năm 2025:

- 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

- 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom.

- Định kỳ hàng năm phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển và khu vực ven biển.

b) Đến năm 2030:

- 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

- 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển.

- Nhân rộng các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển và khu vực ven biển quy mô địa phương và cộng đồng dân cư ven biển.

II. Nhiệm vụ, giải pháp:

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương:

a) Nội dung nhiệm vụ, giải pháp:

- Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về tác hại của các sản phẩm sử dụng một lần có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; các chương trình thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương; cách thức, ý nghĩa của việc phân loại chất thải tại nguồn, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt, các sáng kiến có giá trị, đồng thời triển khai nhân rộng mô hình tốt trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển, trên biển. Thông tin cụ thể, chính xác về những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các trường hợp vứt, đổ chất thải, rác thải nhựa không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.

- Đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy và hành vi xả rác thải, rác thải nhựa ra môi trường đối với cộng đồng cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch và các tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý chất thải, rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ quản lý ở các địa phương có biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

- Tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

b) Trách nhiệm thực hiện:

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, Báo Cà Mau và Ủy ban nhân dân các huyện ven biển xây dựng và thực hiện nội dung các chương trình truyền thông về tác hại của rác thải nhựa đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người gắn với việc tổ chức tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm; phát động các chương trình thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương; mở các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy và hành vi xả rác thải, rác thải nhựa ra môi trường đối với cộng đồng dân cư ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch; nâng cao năng lực quản lý chất thải, rác thải nhựa cho cán bộ chính quyền cơ sở ở các huyện có biển.

Thời gian thực hiện: Hàng năm, bắt đầu từ năm 2020 đến năm 2030.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện ven biển xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình quản lý, giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy tại các khu du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh.

Thời gian thực hiện: Hàng năm, bắt đầu từ năm 2020 đến năm 2030.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện có biển và các cơ quan có liên quan kiểm soát chặt chẽ rác thải nhựa phát sinh tại các khu bảo tồn, khu vực cộng đồng ngư dân ven biển; đồng thời có biện pháp kiểm soát tốt việc thải bỏ các ngư cụ xuống biển.

Thời gian thực hiện: Hàng năm, bắt đầu từ năm 2020 đến năm 2030.

2. Thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển:

a) Nội dung nhiệm vụ, giải pháp:

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bờ biển quy mô địa phương và cộng đồng dân cư ven biển; bố trí các thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường.

- Huy động sự tham gia của người dân trong việc thu gom, thống kê, phân loại rác thải nhựa đại dương và phối hợp xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về rác thải nhựa đại dương thống nhất, phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải của cả nước.

- Tạo điều kiện, khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở các lưu vực sông, khu vực các hệ sinh thái ven biển, rừng ngập mặn, khu du lịch ven biển, vùng nước ven biển.

b) Trách nhiệm thực hiện:

- Ủy ban nhân dân các huyện ven biển gồm: Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân, U Minh, Trần Văn Thời chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom làm sạch bờ biển; huy động sự tham gia của người dân sống ven biển trong thu gom, thống kê và phân loại rác thải nhựa đại dương; quy hoạch, bố trí khu vực lưu chứa tạm thời lượng rác thải nhựa được thu gom, đồng thời có biện pháp vận chuyển, xử lý đúng theo quy định đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường.

Thời gian thực hiện: Hàng năm, bắt đầu từ năm 2020 đến năm 2030.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện ven biển xây dựng cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa đại dương, phối hợp để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải trên cả nước.

Thời gian thực hiện: Hàng năm, bắt đầu từ năm 2020 đến năm 2030.

III. Tổ chức thực hiện:

1. Thủ trưởng các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện ven biển được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tại mục II chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả; định kỳ hàng năm (trước ngày 15 tháng 12) gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, đồng thời hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; định kỳ hàng năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Giao Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch này theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện ven biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện tốt nội dung Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các cơ quan, đơn vị tại Mục II;
- Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Phòng NN-TN (Nguyên, 11/02);
- Lưu: VP, L08/02.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Sử