Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/KH-UBND

Hòa Bình, ngày 28 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 28-CT/TU NGÀY 10 THÁNG 02 NĂM 2017 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CÁC CẤP ỦY ĐẢNG TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp thường xuyên, liên tục của các cơ quan, ban, ngành trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

- Việc tổ chức thực hiện phải đồng bộ, rộng khắp mang lại hiệu quả cao.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông

- Thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; triển khai rộng khắp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đến toàn thể nhân dân.

- Đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông bằng nhiều hình thức khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.

- Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông gắn việc xây dựng “Văn hóa giao thông” vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

- Kịp thời biểu dương khen thưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

2. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông

- Tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật, hệ thống văn bản về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, theo chức năng nhiệm vụ, chủ động tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh nội dung cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung xây dựng mới các quy định về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xác định công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ thường xuyên, kiên trì và liên tục. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về sự chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện trong lĩnh vực, địa bàn mình được giao quản lý.

- Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát của các ngành, các cấp trong việc phối hợp quản lý hành lang an toàn đường bộ tại địa bàn.

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh được ban hành tại Quyết định số 2080/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đặc biệt nêu cao vai trò của Tổ công tác liên ngành tại các huyện, thành phố; căn cứ quy định của Nhà nước và pháp luật từng bước xử lý triệt để các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ; bước đầu tập trung tại các khu vực đô thị, khu đông dân cư và các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với các đơn vị quản lý đường bộ và các lực lượng chức năng liên quan.

- Các cơ quan quản lý đường bộ (Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã,...) tổ chức quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ theo quy định để duy trì khả năng của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

3. Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông

- Tập trung các nguồn lực, tổ chức triển khai đầu tư xây dựng các công trình theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 439/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2013.

- Nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

- Vận dụng cơ chế chính sách thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong nước và quốc tế để đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình giao thông góp phần đảm bảo tuổi thọ khai thác của kết cấu hạ tầng giao thông cũng như an toàn giao thông khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

4. Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông; nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe

- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn hoặc các hội nghị chuyên đề cho lực lượng công an, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông để các lực lượng kịp thời cập nhật, nắm bắt các quy định mới về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; trao đổi phương thức thực hiện để cùng thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

- Xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng và các địa phương để thực hiện bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

- Lực lượng nhận nhiệm vụ đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe phải đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định; yêu cầu lực lượng này phải chủ động, kịp thời cập nhật các quy định mới về lĩnh vực liên quan đến công tác của mình. Không để phương tiện không đủ điều kiện quy định tham gia giao thông; không để người không đủ điều kiện quy định được cấp giấy phép lái xe.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải

- Rà soát các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đề xuất các nội dung cần điều chỉnh, sửa đổi bổ sung nhằm đảm bảo yêu cầu về quản lý, bảo vệ và lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ.

- Xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng và các địa phương để thực hiện bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện thành phố thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ.

- Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

- Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ được giao quản lý; hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra các cơ quan quản lý đường bộ khác trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường đô thị, đường giao thông nông thôn theo quy định.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các huyện thành phố tổng hợp, phân bổ kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kinh phí giải tỏa hành lang an toàn đường bộ.

3. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra công tác lập và thực hiện quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, khu thương mại, dịch vụ dọc theo các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện. Quy hoạch các khu chức năng có đấu nối vào quốc lộ phải phù hợp với quy hoạch đường gom, đường nhánh vào các quốc lộ; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương trong việc cấp phép và quản lý xây dựng công trình không được vi phạm hành lang an toàn đường bộ.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hòa Bình, Báo Hòa Bình

Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn thể người dân biết và thực hiện.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất thuộc hành lang an toàn đường bộ; xử lý các tồn tại về quản lý, sử dụng đất thuộc hành lang an toàn đường bộ.

6. Công an tỉnh

Chỉ đạo hướng dẫn lực lượng trong ngành kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền; phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hỗ trợ giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn công cộng khi các cơ quan nhà nước có yêu cầu về tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng không đúng quy định.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông để nâng cao nhận thức, tính tự giác của người dân trong việc chấp hành pháp luật. Đặc biệt là các tổ chức, cá nhân sinh sống dọc theo các tuyến đường trên địa bàn, khu vực đông dân cư (thành phố, thị trấn, thị tứ...) thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; không lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng, lề đường, vỉa hè hành lang an toàn đường bộ để làm nơi buôn bán, kinh doanh, tập kết hàng hóa, vật liệu xây dựng, phơi nông sản, xây dựng lều bạt, nhà cửa trái phép...

- Thực hiện trách nhiệm của mình được quy định tại Điều 41 Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trách nhiệm  “Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ” được quy định tại Điều 42 Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ.

- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp tự ý lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ. Tổ chức thực hiện cưỡng chế giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ, các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường bộ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn.

- Khi ký xác nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở và cấp giấy phép xây dựng nhà ở các công trình thuộc thẩm quyền nằm dọc hai bên tuyến đường thuộc địa bàn quản lý phải phù hợp với quy định của pháp luật.

- Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.

8. Các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nội dung của Kế hoạch này, xây dựng Kế hoạch cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị mình để triển khai thực hiện (hoàn thành trước ngày 15 tháng 4 năm 2017). Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giao thông vận tải trước ngày 15/12 hằng năm để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ GTVT;
- TT Tỉnh ủy;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh;
- Ban An toàn giao thông tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Các Sở: KH&ĐT, TC, XD, GTVT, TN&MT, TTTT;
- UBND các huyện, thành phố;
- VP/UBND tỉnh: Chánh VP, PCVP Nguyễn Tuấn Anh;
- Lưu: VT, CNXD (M.28b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Khánh