Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 281/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 11 tháng 08 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG VỊT TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Kết luận số 250-KL/TU ngày 09/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI về tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025, Quyết định số 888/QĐ-UBND-HC ngày 09/8/2022 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển ngành hàng vịt tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

Từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành hàng vịt với các mục tiêu sau:

- Giảm dần tỷ trọng người nuôi vịt nhỏ lẻ, nuôi chạy đồng và tăng dần số hộ chăn nuôi vịt tập trung, quy mô lớn, nuôi trang trại.

- Củng cố lại hoạt động của các tổ hợp tác (THT) chăn nuôi vịt hiện có và hình thành thêm các THT, hợp tác xã (HTX), các mô hình chăn nuôi kiểu mẫu.

- Xây dựng mối liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối sản xuất - tiêu thụ giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp theo hướng bền vững.

1.2. Chỉ tiêu

1.2.1. Phấn đấu mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2022 - 2025 trung bình đạt 5%/năm1.

- Đến cuối năm 2022, tổng đàn vịt đạt 6,9 triệu con, tổng đàn thời điểm đạt 3,8 triệu con. Sản lượng thịt vịt xuất chuồng đạt 7.795 tấn; sản lượng trứng vịt đạt 327,92 triệu trứng. Tỷ lệ liên kết tiêu thụ đạt 50%, Tỷ lệ nuôi theo phương thức tiên tiến đạt 5%. Giá trị sản xuất đạt 779.637 triệu đồng (bao gồm vịt thịt đạt 214.952 triệu đồng; trứng vịt đạt 564.685 triệu đồng).

- Đến cuối năm 2023, tổng đàn vịt đạt 7,74 triệu con, tổng đàn thời điểm đạt 4,0 triệu con. Sản lượng thịt vịt xuất chuồng đạt 8.239 tấn; sản lượng trứng vịt đạt 344,32 triệu trứng. Tỷ lệ liên kết tiêu thụ đạt 60%. Tỷ lệ nuôi theo phương thức tiên tiến đạt 7%. Giá trị sản xuất đạt 820.111 triệu đồng (bao gồm vịt thịt đạt 227.198 triệu đồng; trứng vịt đạt 592.919 triệu đồng).

- Đến cuối năm 2024, tổng đàn vịt đạt 8,2 triệu con, tổng đàn thời điểm đạt 4,2 triệu con. Sản lượng thịt vịt xuất chuồng đạt 8.799 tấn; sản lượng trứng vịt đạt 364,98 triệu trứng. Tỷ lệ liên kết tiêu thụ đạt 80%. Tỷ lệ nuôi theo phương thức tiên tiến đạt 10%. Giá trị sản xuất đạt 871.123 triệu đồng (bao gồm vịt thịt đạt 242.629 triệu đồng; trứng vịt đạt 628.495 triệu đồng).

- Đến cuối năm 2025, tổng đàn vịt đạt 8,77 triệu con, tổng đàn thời điểm đạt 4,54 triệu con. Sản lượng thịt vịt xuất chuồng đạt 9.491 nghìn tấn; sản lượng trứng vịt đạt 390,53 triệu trứng. Tỷ lệ liên kết tiêu thụ đạt 90%. Tỷ lệ nuôi theo phương thức tiên tiến đạt 15%. Giá trị sản xuất đạt 934.201 triệu đồng(bao gồm vịt thịt đạt 261.711 triệu đồng; trứng vịt đạt 672.489 triệu đồng).

1.2.2. Về hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi, dự án khởi nghiệp, liên kết tiêu thụ

- Hàng năm, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 05 mô hình chăn nuôi vịt tuần hoàn. Giai đoạn 2022 - 2025: Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng được ít nhất 20 mô hình chăn nuôi vịt tuần hoàn.

- Hàng năm, tổ chức hội thảo kết nối cung cầu, giữa doanh nghiệp với các HTX, THT, người chăn nuôi/hoặc tham quan, gặp gỡ công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư, thu mua, chế biến sản phẩm từ vịt, tham quan học tập các mô hình chăn nuôi tiên tiến, hiệu quả (2 cuộc/năm). Từ năm 2022 - 2025, tổ chức ít nhất 08 lượt hội thảo kết nối cung, cầu.

- Hàng năm, hướng dẫn xây dựng 05 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Giai đoạn 2022 - 2025, hướng dẫn xây dựng được ít nhất 10 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh dựa trên cơ sở các trang trại chăn nuôi kiểu mẫu, các mô hình nuôi vịt tuần hoàn và các THT chăn nuôi vịt.

- Phấn đấu mỗi năm hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng ít nhất 01 trang trại chăn nuôi vịt kiểu mẫu (sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết cung ứng - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bền vững); từ năm 2022 - 2025, hướng dẫn phát triển được ít nhất 04 trang trại chăn nuôi vịt kiểu mẫu liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp.

- Hàng năm, khuyến khích phát triển được 01 dự án khởi nghiệp về sơ chế, chế biến thịt, trứng vịt hoặc chế biến thức ăn nhanh từ vịt (fastfood) và phát triển các sản phẩm OCOP từ ngành hàng vịt để tăng giá trị gia tăng. Giai đoạn 2022 - 2025, hỗ trợ và phát triển được ít nhất 03 dự án khởi nghiệp từ ngành hàng vịt.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Định hướng, quy hoạch, xây dựng vùng chăn nuôi vịt tập trung

Định hướng, khuyến khích phát triển vùng chăn nuôi vịt tập trung tại các huyện Cao Lãnh, huyện Tháp Mười, huyện Tam Nông, huyện Thanh Bình, huyện Tân Hồng và một số vùng lân cận tùy theo tình hình, thế mạnh thực tế của từng địa phương.

2. Nâng cao năng suất, chất lượng con giống

- Hỗ trợ, củng cố 05 tổ hợp tác để đưa vào hoạt động có hiệu quả phát triển thêm các THT/ HTX chăn nuôi vịt, gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ.

- Hàng năm, xây dựng từ 01 - 02 trang trại chăn nuôi vịt kiểu mẫu (chuồng trại đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y, liên kết sản xuất - tiêu thụ; khuyến khích chăn nuôi kết hợp sản xuất điện năng lượng mặt trời để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích).

- Chọn tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, sự đồng nhất về sản phẩm của các giống vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng phương thức chăn nuôi và từng phân khúc thị trường.

- Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Viện Chăn nuôi) với các sở, ngành của Tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười, nhằm sớm đưa dự án Trạm nhân giống vật nuôi chất lượng cao đồng bằng sông Cửu Long đi vào hoạt động.

- Cơ quan thú y tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện công tác kiểm dịch, nhằm đảm bảo nguồn con giống có chất lượng, sạch bệnh được sản xuất trên địa bàn Tỉnh.

- Hỗ trợ con giống chất lượng cao cho các mô hình chăn nuôi vịt tuần hoàn nhằm tạo tiền đề để phát triển và nhân rộng mô hình trên địa bàn Tỉnh.

3. Tổ chức lại sản xuất ngành hàng vịt

- Củng cố lại quy mô và số lượng thành viên tổ hợp tác chăn nuôi vịt tại các huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh, Tam Nông và Thanh Bình, khai thác phụ phẩm nông nghiệp và phối hợp hiệu quả với việc phát triển ngành lúa gạo và cá tra của tỉnh, tạo ra giá trị gia tăng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có chất lượng cao, có hình thức chế biến phù hợp yêu cầu thị trường.

- Xây dựng lại chuỗi liên kết “Cung ứng - Sản xuất - Tiêu thụ”: Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Tỉnh. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ khả năng đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín và hỗ trợ, dẫn dắt người chăn nuôi sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Tạo liên kết giữa các hộ chăn nuôi (có tiềm năng vốn) với các đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi, thú y, con giống và các đơn vị bao tiêu thu mua và chế biến.

- Tổ chức sản xuất các ngành hàng sản phẩm chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi công nghiệp có ứng dụng công nghệ hiện đại và hiệu quả gắn với các chuỗi liên kết, trong đó phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp và hợp tác xã.

- Xác định các khâu trong chuỗi giá trị, đổi mới sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất sản phẩm phù hợp với thị hiếu thị trường.

- Tiếp tục phát triển cụm công nghiệp - dịch vụ: Mục đích kêu gọi xã hội hoá doanh nghiệp đầu tàu về chế biến, xuất khẩu; tận dụng phụ phế phẩm để phát triển thêm các nhóm sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng.

- Tổ chức lại sản xuất theo hướng “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” và “Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Đa dạng sản phẩm” và dựa trên 03 trụ cột chính là Kinh tế - Xã hội - Môi trường.

- Tiếp tục xây dựng, củng cố mối liên kết giữa “Nhà nước - Doanh nghiệp - Người chăn nuôi” trong xây dựng các cơ sở chăn nuôi tiêu biểu, các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi, các mô hình chăn nuôi hiệu quả, bền vững.

4. Tăng cường giám sát dịch bệnh

- Hàng năm, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 05 mô hình nuôi vịt tuần hoàn. Khuyến khích phát triển mô hình gắn với du lịch sinh thái.

- Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 10 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên cơ sở các trang trại chăn nuôi vịt kiểu mẫu; các mô hình chăn nuôi vịt tuần hoàn và các thành viên của các THT và HTX chăn nuôi vịt trên địa bàn Tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch giám sát lưu hành vi-rút, cảnh báo chủ động phòng chống dịch. Tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi.

- Hướng dẫn người chăn nuôi xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

5. Thực hiện tốt công tác khuyến nông và thông tin tuyên truyền

- Thực hiện tập huấn cho người chăn nuôi về kỹ thuật, quy chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

- Hướng dẫn xây dựng các mô hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín, kinh tế tuần hoàn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi để sản xuất sản phẩm chăn nuôi an toàn và hiệu quả, chuyển giao quy trình, công nghệ chăn nuôi cho nông hộ, trang trại phù hợp với từng đối tượng vật nuôi và vùng sinh thái.

- Đa dạng hóa các chương trình truyền thông nhằm từng bước thay đổi nhận thức và các thói quen không phù hợp trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi.

- Đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền thông qua báo, đài, hệ thống truyền thanh cơ sở, hệ thống màn hình, bảng điện tử, website, mạng xã hội...

6. Khuyến khích các dự án khởi nghiệp, phát triển, sơ chế, chế biến thịt, trứng vịt để tăng giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn thực phẩm

- Hàng năm xây dựng Kế hoạch tổ chức hội thảo kết nối giữa các chủ thể khởi nghiệp, các doanh nghiệp với các HTX, THT, người chăn nuôi hoặc tổ chức tham quan học tập các mô hình chăn nuôi tiên tiến để tạo điều kiện các chủ thể khởi nghiệp xác định ý tưởng và xây dựng dự án khởi nghiệp về chăn nuôi, chế biến, kinh doanh trong chuỗi ngành hàng vịt nhằm đảm bảo thực hiện chỉ tiêu 08 lượt kết nối cung cầu trong giai đoạn 2022 - 2025.

- Tạo điều kiện và triển khai hỗ trợ chính sách khuyết khích các dự án khởi nghiệp chế biến để làm tăng chất lượng, tăng giá trị sản phẩm; chế biến thức ăn nhanh từ vịt (fastfood) và phát triển các sản phẩm OCOP từ ngành hàng vịt nhằm đảm bảo thực hiện chỉ tiêu phát triển 03 dự án khởi nghiệp trong giai đoạn 2022 - 2025.

- Tăng cường giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm, phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, xử lý, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

7. Đào tạo nguồn nhân lực

- Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX, THT để nâng cao năng lực cho các thành viên Tổ hợp tác, Hợp tác xã và người chăn nuôi.

- Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nâng cao chuyên môn, năng lực quản lý cho cán bộ chăn nuôi, thú y các cấp, nhất là cấp cơ sở. Chú trọng đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho người chăn nuôi thông qua các chương trình khuyến nông, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn.

- Đẩy mạnh hình thức đào tạo đội ngũ bác sỹ thú y, kỹ sư chăn nuôi thực hành và đào tạo nghề cho người chăn nuôi.

- Mở các lớp đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức về kỹ năng số cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hàng vịt.

8. Xây dựng các cơ sở dữ liệu

Thực hiện số hóa, trực quan hóa dữ liệu. Cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành hàng vịt tích hợp vào cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí dự trù thực hiện giai đoạn 2022 - 2025: 4.536 triệu đồng. Nguồn kinh phí: từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được phân bổ hàng năm; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án; nguồn vốn xã hội hoá của các tổ chức, cá nhân và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN (Kèm Phụ lục)

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này; ban hành Kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện trên địa bàn Tỉnh hàng năm; tham mưu xây dựng các đề án, phương án, kế hoạch có liên quan. Đề xuất, trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong từng thời kỳ; định kỳ hàng năm sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện và báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch.

- Xây dựng các mô hình chăn nuôi vịt tuần hoàn.

- Tổ chức kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; hướng dẫn các hộ chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

- Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hội thảo kết nối cung cầu.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn Tỉnh.

2. Sở Tài chính

- Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách và các nguồn thu hợp pháp, hàng năm Sở Tài chính xem xét, thẩm định và tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh trong việc phân bổ vốn ngân sách hàng năm của Tỉnh, cân đối, lồng ghép bố trí kinh phí hàng năm và khả năng ngân sách của địa phương thực hiện Kế hoạch.

- Hướng dẫn các cơ quan chức năng trong sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí theo cơ chế, chính sách hỗ trợ hàng năm theo quy định.

3. Sở Công Thương

Chủ trì, làm cầu nối để kết nối liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa các công ty, doanh nghiệp với các HTX, THT và người chăn nuôi. Đồng thời, quảng bá, nhân rộng các chuỗi liên kết thiết thực, hiệu quả và bền vững.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì thẩm định và đề nghị phê duyệt các dự án chăn nuôi, khuyến khích các dự án khởi nghiệp chế biến các sản phẩm gia tăng từ ngành hàng vịt.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

- Triển khai hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên cơ sở bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Trong đó, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về môi trường chăn nuôi và chế biến sản phẩm từ vịt, nhằm hạn chế dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường trên cơ sở đề xuất, đặt hàng của các ngành, đơn vị có liên quan.

- Hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền lợi cho các cơ sở chăn nuôi, chế biến được chứng nhận.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Tổ chức, thực hiện công tác tuyên truyền về phát triển ngành hàng vịt; tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm quảng bá thương hiệu, quảng bá các sản phẩm từ ngành hàng vịt nhằm đưa các sản phẩm từ ngành hàng vịt thông tin đến doanh nghiệp tiêu thụ và người tiêu dùng.

7. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch này theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025 theo nhu cầu thực tế và tiềm năng của địa phương. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực, chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện hàng năm.

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/ Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành liên quan của Tỉnh trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Xây dựng, củng cố các THT, HTX chăn nuôi, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết “Cung ứng - Sản xuất - Tiêu thụ bền vững”. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải phù hợp với các mục tiêu của Kế hoạch.

- Tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư; gắn kết người chăn nuôi với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài Tỉnh; xúc tiến thương mại.

- Tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi và doanh nghiệp liên kết cùng nhau phát triển bền vững.

8. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Tỉnh

- Căn cứ các quy định hiện hành, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến theo quy định.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc giới thiệu các đối tác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn theo kế hoạch kết nối của ngành ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ nuôi tiếp cận được nguồn vốn vay.

- Phối hợp các ngành liên quan xây dựng thí điểm mô hình tín dụng trong sản xuất, chế biến trong đó ngân hàng có vai trò điều phối vốn.

9. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội

Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần tự lực, tự chủ, vươn lên của nông dân và dân cư nông thôn; phát huy dân chủ cơ sở, khuyến khích cộng đồng và dân cư nông thôn chủ động tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp, quản lý tài nguyên thiên nhiên theo hướng “nông dân chuyên nghiệp”. Xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả từ ngành hàng vịt làm cơ sở nhân rộng điển hình.

Yêu cầu Thủ trưởng sở, ngành, đơn vị liên quan, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt nội dung Kế hoạch này. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào 06 tháng (trước ngày 20/5) và hàng năm (trước ngày 01/12). Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh giải quyết kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- TT/TU; TT/HĐND Tỉnh;
- CT, các PCT/UBND Tỉnh;
- UBMTTQVN Tỉnh;
- Các Sở: NNPTNT; KHĐT; TC; KHCN; CT; TTTT;
- Ban QLKhu KT Tỉnh;
- NHNN-Chi nhánh Tỉnh;
- HLHPN Tỉnh; Hội Nông dân Tỉnh;
- Đoàn TNCS HCM Tỉnh;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Lưu VT, NC/KT(VA).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Minh Tuấn

 

PHỤ LỤC

PHÂN CÔNG, LỘ TRÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ
(Kèm theo Kế hoạch số 281/KH-UBND ngày 11/08/2022 của UBND tỉnh Đồng Tháp)

STT

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

CHỦ TRÌ

PHỐI HỢP

THỜI GIAN

I

Giải pháp định hướng, quy hoạch, xây dựng vùng chăn nuôi vịt tập trung

1

Tập huấn, đào tạo, tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất và chế biến, xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

2

Tiếp tục phối hợp với các địa phương và đơn vị có liên quan thực hiện định hướng, khuyến khích phát triển vùng chăn nuôi vịt trong thời gian tới: huyện Tháp Mười, huyện Tam Nông, huyện Cao Lãnh, huyện Thanh Bình và các huyện lân cận vùng trọng điểm (theo tình hình, thế mạnh thực tế tại địa phương).

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

3

Tập trung phát triển theo hướng giống và nuôi lấy thịt để tạo nguyên liệu, định hướng liên kết hoặc xã hội hoá đầu tư nhà máy chế biến. Quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi vịt.

UBND huyện, thành phố

Sở Nông nghiệp và PTNT

Hàng năm

4

Tiếp tục tuyên truyền vận động người chăn nuôi vịt chuyển đổi sang phương thức chăn nuôi tập trung quy mô lớn và an toàn sinh học.

UBND huyện, thành phố

Các tổ chức chính trị - xã hội; Sở Nông nghiệp và PTNT

Hàng năm

5

Xây dựng các chính sách đặc thù nhằm củng cố và vận động nông dân tiếp tục thành lập các tổ chức sản xuất tại các vùng được quy hoạch; xây dựng mô hình liên kết và hướng đến thành lập các THT, HTX để thực hiện liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành Tỉnh; UBND huyện, thành phố

2022 - 2023

6

Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan hỗ trợ THT, HTX xây dựng mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất để cung ứng vật tư cho THT, HTX và từ đó đề xuất chính sách đặc thù đối với mô hình liên kết này.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành Tỉnh; UBND huyện, thành phố

2022 - 2023

7

Tiếp tục duy trì và củng cố hoạt động của các THT chăn nuôi vịt hiện có và từng bước đưa các THT đi vào hoạt động có hiệu quả, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đạt các chứng nhận theo yêu cầu của chuỗi liên kết tiêu thụ.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành Tỉnh; UBND huyện, thành phố

Hàng năm

II

Tăng cường giám sát dịch bệnh

1

Xây dựng kế hoạch giám sát, chủ động phòng chống dịch bệnh.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

2

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khi phát hiện đối với các cơ sở và đơn vị sản xuất, chế biến nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

3

Theo dõi tình hình sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp. Rà soát và đề xuất quỹ đất phục vụ kêu gọi đầu tư vào sản xuất, chế biến.

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

III

Tăng cường giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm

 

UBND huyện, thành phố

 

 

Hàng năm, phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ, các kênh phân phối, tiêu thụ; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, xử phạt, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

IV

Đổi mới, tổ chức lại sản xuất để giảm giá thành và xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng

1

Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng ít nhất 02 trang trại chăn nuôi vịt kiểu mẫu (sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết cung ứng - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bền vững), gắn với phát triển năng lượng tái tạo (điện năng lượng mặt trời) và dịch vụ du lịch.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Công Thương, UBND huyện, thành phố

Hàng năm

2

Phát triển ít nhất 01 dự án khởi nghiệp về phát triển, sơ chế, chế biến thịt, trứng vịt hoặc chế biến thức ăn nhanh từ vịt (fast food) và phát triển các sản phẩm OCOP từ ngành hàng vịt để tăng giá trị gia tăng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân Tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tỉnh, UBND huyện, thành phố; Câu lạc bộ khởi nghiệp

Chậm nhất 2024

3

Tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ khả năng đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín và hỗ trợ, dẫn dắt người chăn nuôi sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, UBND huyện, thành phố, công ty, doanh nghiệp

Hàng năm

4

Tổ chức sản xuất các ngành hàng sản phẩm chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi công nghiệp có ứng dụng công nghệ hiện đại và hiệu quả gắn với các chuỗi liên kết, trong đó phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp và hợp tác xã (lấy doanh nghiệp làm trung tâm)

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

5

Xác định các khâu trong chuỗi giá trị, đổi mới sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất sản phẩm phù hợp với thị hiếu thị trường, phân khúc thị trường

Sở Công Thương

Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện, thành phố

Năm 2022

6

Tổ chức lại sản xuất ngành hàng vịt, củng cố mở rộng quy mô và số lượng thành THT chăn nuôi vịt tại các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông và Thanh Bình. Khai thác hết phụ phẩm nông nghiệp và phối hợp hiệu quả với việc phát triển ngành lúa gạo và cá tra của tỉnh, tạo ra giá trị gia tăng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có chất lượng cao, có hình thức chế biến phù hợp thị hiếu.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Công Thương, UBND huyện, thành phố

Hàng năm

7

Tiếp tục phát triển cụm công nghiệp - dịch vụ: Mục đích kêu gọi xã hội hoá doanh nghiệp đầu tàu về chế biến, xuất khẩu; tận dụng phụ phế phẩm để phát triển thêm các nhóm sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng.

Ban Quản lý khu Kinh tế Tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện, thành phố

Hàng năm

V

Công tác khuyến nông và thông tin tuyên truyền

1

Đẩy mạnh chương trình khuyến nông chăn nuôi theo chuỗi khép kín, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm người chăn nuôi có thể làm chủ được kỹ thuật để sản xuất sản phẩm chăn nuôi an toàn và hiệu quả, chuyển giao quy trình, công nghệ chăn nuôi cho nông hộ, trang trại phù hợp với từng đối tượng vật nuôi và vùng sinh thái

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện, thành phố

Hàng năm

2

Đa dạng hóa các chương trình truyền thông nhằm từng bước thay đổi nhận thức và các thói quen không phù hợp trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

3

Tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ phụ trách, nhân viên thú y toàn Tỉnh, người chăn nuôi về kỹ thuật, quy chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị hiếu. Liên kết sản xuất, liên kết tiêu thụ.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

4

Tập trung phát triển theo hướng giống và nuôi lấy thịt và trứng, định hướng liên kết hoặc xã hội hoá đầu tư nhà máy chế biến. Quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi vịt. Phát triển ngành vịt trở thành một ngành sản xuất chiến lược của Tỉnh.

UBND huyện, thành phố

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương

 

5

Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, UBND huyện, thành phố

Hàng năm

6

Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về phát triển kinh tế hợp tác, tích cực vận động nông dân tham gia các mô hình liên kết, thành lập tổ hợp tác chăn nuôi, liên kết “Cung ứng - Sản xuất - Tiêu thụ”, xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi.

Hội Nông dân Tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, huyện, thành phố

Hàng năm

VI

Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu

1

Triển khai có hiệu quả việc xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

2

Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, THT, HTX xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và tổ chức thẩm định vùng, cơ sở an toàn toàn dịch bệnh theo Thông tư số 14/2016/TT- BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, thân thiện với môi trường nhất là ở các vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu; tăng cường kiểm soát và phòng, chống đề kháng kháng sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi sản xuất và cung cấp những sản phẩm sạch cho thị trường tiêu thụ.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố; các công ty, doanh nghiệp; HTX, THT chăn nuôi vịt

Hàng năm

3

Tiếp tục xây dựng, củng cố mối liên kết giữa “Nhà nước - Doanh nghiệp - Người chăn nuôi” xây dựng các cơ sở chăn nuôi tiêu biểu, các HTX, THT chăn nuôi, các mô hình chăn nuôi hiệu quả, bền vững.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Huyện, TP; các công ty, doanh nghiệp; HTX, THT chăn nuôi vịt

Hàng năm

4

Thực hiện hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm ngành hàng vịt với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp chế biến. Áp dụng biện pháp an toàn sinh học. Hỗ trợ việc trang bị các máy móc thiết bị, công nghệ mới vào trong sản xuất.

Sở Công Thương

Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện, thành phố

Hàng năm

VII

Nâng cao năng suất, chất lượng con giống

 

 

 

1

Kết hợp công ty, viện, trường, trung tâm nghiên cứu để đầu tư phát triển con giống.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố; các công ty, viện, trường, trung tâm nghiên cứu

Hàng năm

2

Hỗ trợ tích cực cho chương trình xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc.

 

 

 

3

Tiếp thu nhanh các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học của thế giới. Trong đó, cần chú trọng việc bảo tồn, khai thác đặc điểm sinh học quý của các nguồn gen, giống bản địa nhằm tạo ra các sản phẩm giống mang thương hiệu Tỉnh. Hướng dẫn quy trình sản xuất giống, quy trình nuôi nhốt, an toàn sinh học, an toàn thực phẩm.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

4

Hợp tác, liên kết với các Trung tâm, cơ sở sản xuất giống gia cầm bố mẹ để cung cấp giống vịt trứng, vịt thịt chất lượng cung cấp cho nông dân. Đồng thời, phát triển dòng sản phẩm thức ăn chăn nuôi từ nguồn phụ phẩm từ cám gạo, dầu cá, bột cá.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

VIII

Đào tạo nguồn nhân lực

 

 

 

1

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX, THT để nâng cao năng lực cho các thành viên HTX, THT và người chăn nuôi.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

2

Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nâng cao chuyên môn, năng lực quản lý cho cán bộ chăn nuôi, thú y các cấp, nhất là cấp cơ sở xã, phường, thị trấn

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

3

Chú trọng đào tạo cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên sâu một số lĩnh vực quan trọng như giống, dinh dưỡng, chăn nuôi thú y, công nghệ chế biến thức ăn và sản phẩm chăn nuôi...

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

4

Chú trọng đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho người chăn nuôi thông qua các chương trình khuyến nông, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

5

Đẩy mạnh hình thức đào tạo đội ngũ bác sỹ thú y, kỹ sư chăn nuôi thực hành và đào tạo nghề cho người chăn nuôi.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố

Hàng năm

IX

Định hướng phát triển thị trường và xúc tiến thương mại

 

 

 

1

Giai đoạn đến 2025 sẽ tập trung vào thị trường trong nước theo yêu cầu cao và mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đã qua chế biến đến các nước Đài Loan, Trung Quốc, Đức, Singapore…

Sở Công Thương

Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND Huyện, thành phố

Hàng năm

2

Cung cấp thông tin và dự báo về tình hình thị trường của các sản phẩm tái cơ cấu. Chủ động thông tin các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu phát sinh để thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp, hộ nuôi trong Tỉnh.

Sở Công Thương

Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện, thành phố

Hàng năm

3

Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai các chính sách đổi mới công nghệ, sản phẩm chế biến, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm.

Sở Công Thương

Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện, thành phố

Hàng năm

4

Chủ trì đề xuất và triển khai, nhân rộng các chuỗi liên kết có gắn doanh nghiệp phục vụ cho việc tái cơ cấu ngành hàng.

Sở Công Thương

Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện, thành phố

Hàng năm

 



1 Phù hợp theo Chiến lược Phát triển chăn nuôi của Tỉnh nêu tại Kế hoạch 201/KH-UBND ngày 01/07/2021.