Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2840/KH-UBND

Gia Lai, ngày 22 tháng 6 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “CƠ SỞ DỮ LIỆU HỘ TỊCH ĐIỆN TỬ TOÀN QUỐC” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Thực hiện Luật Hộ tịch năm 2014, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch và Quyết định số 2173/QĐ-BTP ngày 11/12/2015 của Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch trên cơ sở phần mềm đăng ký hộ tịch theo Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” (CSDLHTDT) trên địa bàn tỉnh, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đăng ký, quản lý hộ tịch theo Luật Hộ tịch.

2. Yêu cầu

- Hiện đại hóa trong công tác đăng ký hộ tịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính của tỉnh.

- Kế thừa nguồn lực, dữ liệu hộ tịch điện tử, phần mềm đăng ký hộ tịch sẵn có, tránh lãng phí, phù hợp với yêu cầu đăng ký và quản lý hộ tịch theo Luật Hộ tịch.

II. NHIỆM VỤ

1. Nhiệm vụ trong giai đoạn 1 (từ 2016 - 6/2017)

1.1. Trang bị cơ sở vật chất để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin về đăng ký, quản lý hộ tịch:

Hoàn thiện trang thiết bị phục vụ đăng ký và quản lý hộ tịch bao gồm: máy tính, máy in, hạ tầng mạng...

Cơ quan thực hiện: UBND cấp huyện; UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh.

1.2. Chỉnh sửa phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch hiện có tại địa phương:

Đối với địa phương đã có phần mềm hộ tịch thì phải chỉnh sửa phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch hiện có (phần mềm đang sử dụng), đảm bảo cung cấp dữ liệu chuẩn cho CSDLHTDT theo các yêu cầu sau (không bắt buộc phải thay thế phần mềm đang sử dụng bằng phần mềm mới):

- Phần mềm đăng ký hộ tịch phải đảm bảo chức năng đăng ký toàn bộ các việc hộ tịch theo quy định của Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn, tương ứng với thẩm quyền của cơ quan đăng ký ở các cấp (cơ quan đăng ký hộ tịch ở các cấp chỉ sử dụng một phần mềm chuẩn dùng chung), với đầy đủ tính năng (như: in ấn biểu mẫu hộ tịch, lưu trữ dữ liệu hộ tịch đã đăng ký vào CSDLHTDT và trích xuất, cung cấp thông tin từ CSDLHTDT, bảo đảm khả năng đăng ký hộ tịch trực tuyến theo lộ trình, phù hợp với cơ chế một cửa điện tử…).

- Phần mềm hiện có của các cơ quan đăng ký hộ tịch cấp huyện, cấp xã phải được chỉnh sửa, nâng cấp để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu chung của CSDLHTDT.

- Phần mềm phải đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn chung về chức năng đăng ký và quản lý hộ tịch (như: khả năng kết nối, liên thông giữa các cơ quan đăng ký hộ tịch; chế độ phân quyền và cảnh báo đối với việc hiệu chỉnh, chỉnh sửa thông tin hộ tịch cá nhân đã được đăng ký trên hệ thống; chức năng từ chối tiếp nhận thông tin cá nhân trùng lắp nhằm đảm bảo 1 sự kiện hộ tịch của cá nhân chỉ được đăng ký 1 lần; chức năng thống kê dữ liệu hộ tịch nhanh chóng, kịp thời, chính xác theo các tiêu chí yêu cầu...). Dữ liệu hộ tịch được đăng ký, lưu trữ trên hệ thống điện tử phải bảo đảm thời gian tra cứu nhanh; cho phép độ trễ tối đa là 12 giờ (sự kiện hộ tịch chậm nhất sau 12 giờ kể từ khi đăng ký phải được cập nhật trên hệ thống để cơ quan quản lý cấp trên được phân quyền kiểm tra, hiệu chỉnh sai sót, nếu có).

- Phần mềm phải bảo đảm yêu cầu an ninh, bảo mật thông tin, phân quyền sử dụng cho từng cơ quan, cá nhân có thẩm quyền (có tính năng cảnh báo, phòng chống hiện tượng can thiệp, truy cập trái phép; phát hiện và ngăn chặn trường hợp rò rỉ thông tin trên hệ thống; truy nguyên, phát hiện đối tượng, khu vực đã truy cập trái phép hoặc hiệu chỉnh thông tin không đúng thẩm quyền…).

quan thực hiện: UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

2. Nhiệm vụ trong giai đoạn 2 (từ tháng 7/2017 - tháng 12/2019)

2.1. Bố trí đủ máy tính (có kết nối internet), máy in... phục vụ đăng ký và quản lý hộ tịch tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch; chỉnh sửa xong phần mềm đang sử dụng tại địa phương đảm bảo tương thích, kết nối với CSDLHTDT toàn quốc; tập huấn, hướng dẫn cho công chức làm công tác hộ tịch về sử dụng, cập nhật, khai thác phần mềm CSDLHTDT theo yêu cầu quản lý.

Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

2.2. Cài đặt, kết nối, vận hành phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung toàn quốc; thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch, giữa CSDLHTDT toàn quốc với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Hộ tịch và Luật căn cước công dân.

Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

2.3. Cập nhật dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy hiện đang lưu trữ tại UBND cấp huyện, UBND cấp xã vào CSDLHTĐT theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp.

Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

3. Nhiệm vụ trong giai đoạn 3 (từ 01/01/2020 trở đi)

Thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng hiện đại; quản lý, khai thác, sử dụng CSDLHTĐT an toàn, hiệu quả.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí mua máy tính, máy in, thiết bị mạng

Sử dụng kinh phí UBND tỉnh đã bố trí cho các địa phương để thực hiện việc kết nối, liên thông văn bản điện tử (kinh phí triển khai các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính) năm 2016.

Ngoài nguồn kinh phí đã bố trí nêu trên, UBND huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí để triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính và đăng ký hộ tịch cấp xã (nếu chưa được đầu tư).

2. Kinh phí chuyển đổi dữ liệu

Kinh phí cập nhật dữ liệu hộ tịch trên sổ giấy hiện đang lưu trữ tại UBND cấp huyện, UBND cấp xã vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc, do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp và được bố trí vào giai đoạn ổn định ngân sách.

Sở Tư pháp, Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng, thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

- Thường xuyên tổ chức thống kê số lượng công chức Tư pháp - Hộ tịch đảm bảo thực hiện CSDLHTĐT trên địa bàn tỉnh, để tổng hợp danh sách các trường hợp chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; báo cáo UBND tỉnh để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đạt yêu cầu.

- Quản lý, cập nhật, khai thác CSDLHTĐT theo quy định;

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

- Tổng hợp đề xuất, kiến nghị của UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh có hướng dẫn, giải quyết đúng quy định pháp luật.

2. Sở Nội vụ

- Phối hợp với UBND cấp huyện trong việc tham mưu UBND tỉnh bố trí công chức Tư pháp- Hộ tịch chuyên trách tại Phòng Tư pháp, UBND cấp xã theo quy định.

- Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho công chức làm công tác Tư pháp - Hộ tịch theo chương trình bồi dưỡng do Bộ Tư pháp ban hành.

3. Sở Tài chính

Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND cấp xã bố trí kinh phí chuyển đổi dữ liệu hộ tịch.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã

- Bố trí kinh phí, cơ sở vật chất đảm bảo việc đăng ký và quản lý hộ tịch đạt hiệu quả (kinh phí mua máy tính, máy in, chỉnh sửa phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch hiện có tại địa phương);

- Thực hiện việc chỉnh sửa phần mềm hiện có theo yêu cầu nêu tại điểm 1.2, mục 1, phần II Kế hoạch này trên tinh thần kế thừa tối đa việc sử dụng các phần mềm hiện có tại địa phương (tránh lãng phí nguồn lực cập nhật dữ liệu hộ tịch trên sổ giấy đang được lưu trữ vào CSDLHTĐT). Trường không có khả năng chỉnh sửa được thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để có phương án thay thế bằng phần mềm mới (phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch theo Đề án CSDLHTĐT toàn quốc).

- Triển khai thực hiện đăng ký các sự kiện hộ tịch theo quy định của Luật; mọi sự kiện hộ tịch khi đăng ký phải đảm bảo chính xác, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Quản lý, cập nhật, khai thác CSDLHTĐT và cấp bản sao trích lục hộ tịch theo quy định. Thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch, lưu trữ sổ hộ tịch và hồ sơ hộ tịch theo quy định.

- Chỉ đạo Phòng Tư pháp, UBND cấp xã phối hợp với các đơn vị tại địa phương đôn đốc, rà soát các việc sinh, tử chưa được đăng ký trên địa bàn, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân; Chỉ đạo công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện việc đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn lưu động tại các địa bàn dân cư không tập trung, điều kiện đi lại khó khăn, cách xa trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và những vi phạm trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch do buông lỏng quản lý.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, địa phương có liên quan kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp)./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp; báo cáo
- TT. Tỉnh ủy; báo cáo
- TT. HĐND tỉnh; báo cáo
- Các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Sở Thông tin và Truyền thông;
- Sở Tài chính, Sở Nội vụ;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT-NC-TTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Ngọc Thành