Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2867/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 10 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

BỒI DƯỠNG ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021-2026

Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025;

Thực hiện Văn bản số 1265/BNV-ĐT ngày 28/3/2021 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Văn bản số 2839/BTC-HCSN ngày 19/3/2021 của Bộ Tài chính về việc kinh phí bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của tỉnh Lâm Đồng, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục tiêu: Trang bị kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động của HĐND cũng như của từng đại biểu HĐND để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu Nhân dân.

2. Yêu cầu:

a) Các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức quán triệt và thực hiện tốt các nội dung Kế hoạch này; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc thực hiện đạt hiệu quả, mục đích, tiết kiệm.

b) Đảm bảo 100% đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động.

c) Các lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp xã mở tại các huyện, thành phố phải đảm bảo số lượng, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Đối tượng:

a) Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

b) Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện.

c) Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

2. Thời gian và tiến độ thực hiện:

a) Mỗi lớp bồi dưỡng tối đa 03 (ba) ngày.

b) Các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức tại tỉnh và các cụm huyện đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/5/2022.

c) Các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức tại các huyện, thành phố đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/7/2022.

3. Tài liệu:

a) Thực hiện theo Bộ tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do Bộ Nội vụ biên soạn, ban hành và chuyển giao cho các tỉnh.

b) Căn cứ tình hình, đặc điểm của từng địa phương để biên soạn, bổ sung các chuyên đề cho phù hợp với yêu cầu, đặc điểm, tình hình và từng đối tượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã (nếu có).

4. Kế hoạch bồi dưỡng cụ thể:

a) Đối với đại biểu HĐND tỉnh:

- Số lượng: 66 đại biểu. Căn cứ kế hoạch mở lớp và triệu tập của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Lâm Đồng cử đại biểu HĐND tỉnh tham gia.

- Thời gian: Trong Quý IV/2021.

- Đơn vị tổ chức và địa điểm tổ chức: Do Bộ Nội vụ thực hiện.

b) Đối với đại biểu HĐND cấp huyện:

- Sở Nội vụ phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, HĐND tỉnh, các sở, ngành có liên quan mở lớp bồi dưỡng đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện.

- Số lượng: 396 đại biểu.

- Số lớp: 04 lớp.

- Thời gian: 03 ngày/lớp, dự kiến trong Quý III, IV/2021.

- Đơn vị tổ chức: Sở Nội vụ phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, Trường Chính trị và các sở, ngành liên quan của tỉnh tổ chức.

- Địa điểm: tại Trường Chính trị và các cụm huyện.

c) Đối với đại biểu HĐND cấp xã:

- UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Trường Chính trị tỉnh mở lớp bồi dưỡng đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã thuộc địa phương mình.

- Số lượng: 3.365 đại biểu.

- Số lớp: UBND cấp huyện căn cứ vào số đại biểu HĐND cấp xã để bố trí cho phù hợp với đặc điểm tình hình và cơ sở vật chất phục vụ lớp học của từng địa phương.

- Đơn vị tổ chức: UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và Trường Chính trị tỉnh mở lớp.

- Thời gian: 03 ngày/lớp, dự kiến trong Quý I, II/2022.

- Địa điểm: Do cấp huyện bố trí.

5. Chế độ, chính sách bồi dưỡng:

a) Chế độ, chính sách đối với tham dự lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Văn bản số 2839/BTC-HCSN ngày 19/3/2021 của Bộ Tài chính về việc kinh phí bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

b) Các cơ quan, địa phương, đơn vị cử đại biểu tham dự lớp bồi dưỡng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên và các nguồn kinh phí hợp pháp khác của cơ quan, đơn vị để hỗ trợ một phần tiền ăn cho đại biểu tham dự đảm bảo nguyên tắc các khoản chi hỗ trợ này không vượt quá mức chi hiện hành của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

6. Nguồn kinh phí thực hiện:

a) Đối với đại biểu HĐND tỉnh: Do Bộ Nội vụ tổ chức và chi trả từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của Bộ Nội vụ theo phân cấp.

b) Ngân sách cấp tỉnh đảm bảo kinh phí các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện.

c) Ngân sách cấp huyện đảm bảo kinh phí các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã. UBND các huyện, thành phố lập dự toán và bố trí kinh phí thực hiện theo phân cấp ngân sách.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ:

a) Tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cử đúng, đủ số lượng và thành phần đại biểu tham dự các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND tỉnh do Bộ Nội vụ triệu tập.

b) Trên cơ sở nội dung, chương trình bồi dưỡng đại biểu HĐND do Bộ Nội vụ ban hành, chủ trì, phối hợp với Trường Chính trị và các sở, ngành chức năng tổ chức biên soạn bổ sung các chuyên đề cho phù hợp với yêu cầu, đặc điểm, tình hình thực tiễn của địa phương; tổ chức in ấn, cấp phát tài liệu bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã theo đúng quy định.

c) Thông báo triệu tập đại biểu HĐND cấp huyện; chủ trì, phối hợp với Trường Chính trị, HĐND tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai mở lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện theo kế hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm chất lượng, hiệu quả đúng yêu cầu, tiến độ quy định; tổng hợp, báo cáo Bộ Nội vụ, Thường trực HĐND và UBND tỉnh kết quả bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất (nếu có) trong quá trình thực hiện theo quy định.

d) Theo dõi, đôn đốc UBND cấp huyện thực hiện bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã theo đúng quy định.

đ) Xây dựng dự toán chi tiết tổ chức các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình phê duyệt theo quy định. Đồng thời, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh theo quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

2. Sở Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt dự toán chi tiết và nguồn kinh phí để tổ chức bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp theo quy định.

b) Hướng dẫn Sở Nội vụ, Trường Chính trị, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức lớp bồi dưỡng HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định.

3. Trường Chính trị:

a) Căn cứ tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 của Bộ Nội vụ, chủ động phối hợp với Sở Nội vụ và phân công giảng viên biên soạn bổ sung bài giảng, tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã cho phù hợp với yêu cầu, đặc điểm, tình hình thực tiễn của địa phương.

b) Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã, bảo đảm chất lượng, hiệu quả đúng yêu cầu, tiến độ quy định.

c) Bố trí, phân công giảng viên phụ trách giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã.

d) Cấp Giấy chứng nhận cho các đại biểu đã tham dự các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND theo quy định.

đ) Quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh theo quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

e) Tổng hợp báo cáo kết quả bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất (nếu có) trong quá trình thực hiện, gửi Sở Nội vụ tổng hợp theo quy định

4. Các sở, ban, ngành chức năng liên quan theo chức năng, nhiệm vụ:

a) Phối hợp với Sở Nội vụ và Trường Chính trị tỉnh cử cán bộ, công chức, viên chức là đại biểu HĐND các cấp tham dự các lớp bồi dưỡng theo kế hoạch mở lớp của Sở Nội vụ.

b) Phân công cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, kinh nghiệm tham gia phổ biến, truyền đạt các chuyên đề cho đại biểu HĐND tỉnh theo đề nghị của Sở Nội vụ hoặc Trường Chính trị.

c) Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là đại biểu HĐND các cấp được cử đi bồi dưỡng theo quy định hiện hành.

5. UBND các huyện, thành phố:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Trường Chính trị tổ chức mở lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã bảo đảm chất lượng, hiệu quả đúng yêu cầu, tiến độ quy định.

b) Thông báo, cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã tham gia bồi dưỡng đầy đủ theo quy định.

c) Bố trí kinh phí theo phân cấp hiện hành để tổ chức các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã được cử đi bồi dưỡng theo quy định hiện hành.

d) Tổng hợp, đánh giá kết quả bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026, gửi Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Bộ Nội vụ và UBND tỉnh theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp phát sinh vướng mắc, các cơ quan, địa phương, đơn vị kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để được hướng dẫn, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCTUBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Trường Chính trị tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Lâm Đồng;
- LĐVP;
- Lưu VT, TKCT.

CHỦ TỊCH




Trần Văn Hiệp