Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 288/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 05 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH "SÓNG VÀ MÁY TÍNH CHO EM" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19;

- Công văn số 6235/VPCP-KGVX ngày 07/9/2021 của Văn phòng Chỉnh phủ về việc xây dựng và triển khai Chương trình "Sóng và máy tính cho em”;

- Công văn số 3961/BGDĐT-CĐN ngày 10/9/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam về việc vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục quyên góp ủng hộ "Máy tính cho em" để hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn;

- Kế hoạch số 3667/KH-BTTTT-BGDĐT ngày 21/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp triển khai Chương trình "Sóng và máy tính cho em”.

- Kế hoạch số 987/KH-BGDĐT ngày 01/10/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai Chương trình "Sóng và máy tính cho em";

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện Chương trình "Sóng và máy tính cho em" (viết tắt là Chương trình) bảo đảm đáp ứng yêu cầu dạy và học trực tuyến; vận động cung cấp, hỗ trợ các thiết bị công nghệ (máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh,...), nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có bố hoặc mẹ tử vong do dịch COVID-19 và chưa có máy tính để học trực tuyến tại các địa bàn phải tổ chức dạy và học trực tuyến.

- Thúc đẩy, hỗ trợ các địa phương, đơn vị tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để ủng hộ thực hiện Chương trình, góp phần hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ hạ tầng, nền tảng, máy tính và các thiết bị khác phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển chuyển đổi số, xã hội số.

2. Yêu cầu

- Tổ chức triển khai Kế hoạch kịp thời, thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu học trực tuyến của học sinh, sinh viên, đáp ứng việc học tập trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19; ưu tiên thực hiện tại các địa phương, đơn vị phải tổ chức dạy và học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

- Thực hiện công tác truyền thông và các hình thức kết nối đến tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân về ý nghĩa của Chương trình, từ đó huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ học sinh, sinh viên có đủ điều kiện học trực tuyến tiếp cận Chương trình nhanh chóng, đạt hiệu quả, thúc đẩy phát triển xã hội số.

- Tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, UBND các huyện, thành phố; bảo đảm không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, không hoàn thành chương trình học tập do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

- Các thiết bị, dịch vụ được hỗ trợ phải bảo đảm giao đúng thành phần, đúng đối tượng, không trùng lặp, phát huy hiệu quả hỗ trợ quá trình học tập của học sinh, sinh viên; không để xảy ra tiêu cực, thất thoát trong quá trình thực hiện.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng hỗ trợ

Học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, sinh viên trên địa bàn tỉnh mà gia đình chưa bảo đảm được các điều kiện học trực tuyến (không có thiết bị công nghệ hoặc gia đình không đủ điều kiện kết nối Internet) thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có bố hoặc mẹ tử vong do dịch COVID-19.

2. Phạm vi thực hiện

Thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh; áp dụng cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, học viên học chương trình GDTX, sinh viên trường Cao đẳng Bắc Kạn thuộc đối tượng được hỗ trợ.

3. Nguyên tắc hỗ trợ

Hỗ trợ 01 thiết bị công nghệ/01 học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hỗ trợ theo các mức ưu tiên sau:

a) Ưu tiên 1: Học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo.

b) Ưu tiên 2: Học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo.

c) Ưu tiên 3: Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là con trong gia đình có bố hoặc mẹ tử vong do dịch COVID-19 chưa có thiết bị thông minh để học trực tuyến.

4. Kinh phí thực hiện và hình thức hỗ trợ

- Kinh phí thực hiện: Từ các nguồn huy động, đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân tham gia ủng hộ bằng các hình thức dưới đây:

+ Ủng hộ bằng tiền.

+ Ủng hộ bằng các thiết bị công nghệ mới hoặc đã qua sử dụng nhưng vẫn dùng tốt và đáp ứng khả năng dạy và học trực tuyến (máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh...).

+ Ủng hộ bằng nền tảng công nghệ, phần mềm hỗ trợ dạy và học trực tuyến.

+ Ủng hộ bằng cơ chế, chính sách của các doanh nghiệp viễn thông.

+ Các Quỹ ủng hộ Chương trình theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Hình thức hỗ trợ: Thực hiện ngay việc mua sắm, điều phối và giao thiết bị cho các địa phương, đơn vị khi có đủ nguồn cho ít nhất từ 01 một cơ sở giáo dục để kịp thời giao bàn giao thiết bị phục vụ tổ chức dạy và học trực tuyến được ngay.

5. Thời gian thực hiện

a) Giai đoạn 1: Năm 2022

Huy động, hỗ trợ thiết bị công nghệ cho học sinh, sinh viên thuộc đối tượng; trước mắt tập trung ưu tiên cho các địa bàn đang tổ chức dạy và học trực tuyến phải áp dụng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ cấp độ 2 trở lên (theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19").

b) Giai đoạn 2: Năm 2023

Tùy theo tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục phát động để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc đối tượng hỗ trợ được trang bị thiết bị công nghệ đáp ứng việc dạy và học trực tuyến.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 1 (năm 2022)

Phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ từ tháng 4/2022 đến hết tháng 7/2022, tiếp tục duy trì quyên góp ủng hộ đến hết năm 2022.

1.1. Khảo sát nhu cầu hỗ trợ thiết bị công nghệ và dịch vụ hỗ trợ dạy và học trực tuyến hoàn thành trong tháng 6/2022

a) Khảo sát nhu cầu thiết bị công nghệ của học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hỗ trợ.

b) Khảo sát các cơ sở giáo dục, địa bàn dân cư có học sinh thuộc đối tượng hỗ trợ chưa có kết nối Internet và chưa phủ sóng 3G, 4G. Rà soát, công bố các nền tảng dạy và học trực tuyến để khuyến nghị sử dụng; xác định các dịch vụ phục vụ dạy và học trực tuyến, học trên truyền hình (Các phần mềm hỗ trợ dạy - học trực tuyến, đường truyền Internet, gói cước viễn thông...)

1.2. Vận động, tiếp nhận nguồn tài trợ

a) Tuyên truyền các hoạt động của Chương trình và kế hoạch của tỉnh; động viên khích lệ, chia sẻ những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên, cơ sở giáo dục đã và đang vượt qua khó khăn để tổ chức dạy tốt, học tốt, bảo đảm tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học.

b) Phát động, kêu gọi các địa phương, cơ quan, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia quyên góp, ủng hộ thiết bị công nghệ, phần mềm, và các dịch vụ viễn thông.

c) Tiếp nhận tài trợ, phối hợp với nhà tài trợ và các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan kiểm tra thông tin thiết bị trao tặng (số lượng, thông số kỹ thuật của thiết bị); tổ chức tiếp nhận các nguồn đóng góp, tài trợ (tiền, thiết bị công nghệ, phần mềm); cập nhật thông tin vào hệ thống quản lý để phục vụ, quản lý, điều hành.

1.3. Điều phối nguồn tài trợ

a) Xây dựng tiêu chí, kế hoạch mua sắm, điều phối nguồn tài trợ cho các cơ sở giáo dục có học sinh được thụ hưởng.

b) Thực hiện điều phối nguồn tài trợ (tiền, thiết bị công nghệ, phần mềm) đến các địa phương, đơn vị có học sinh, sinh viên thuộc đối tượng nhận tài trợ; chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức mua sắm thiết bị (đối với các thiết bị không phải mua sắm tập trung) phục vụ học trực tuyến theo các quy định hiện hành và tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu tại Công văn số 3693/BTTTT-CNTT ngày 23/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc khuyến nghị các tiêu chuẩn kỹ thuật (cấu hình) cơ bản đối với các thiết bị trao tặng thuộc Chương trình "Sóng và máy tính cho em".

c) Hướng dẫn các địa phương, đơn vị có học sinh thuộc đối tượng được hỗ trợ triển khai thủ tục liên quan đến việc tiếp nhận nguồn tài trợ; tổ chức bàn giao đúng đối tượng.

d) Đối với các địa phương, đơn vị hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch nếu còn dư nguồn thì thực hiện điều chuyển nguồn tài trợ (tiền, thiết bị công nghệ) về Sở Giáo dục và Đào tạo để hỗ trợ các địa phương, đơn vị khác.

1.4. Hỗ trợ tổ chức dạy và học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19

a) Miễn phí sử dụng các nền tảng, phần mềm hỗ trợ dạy, học trực tuyến đã được công bố.

b) Có chính sách hỗ trợ Data 4GB/ngày cho học sinh, sinh viên thuộc đối tượng theo Kế hoạch khi được hỗ trợ thiết bị công nghệ để học trực tuyến.

c) Có chính sách hỗ trợ cước Internet di động khi sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố.

d) Hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: đường truyền Internet; chính sách miễn, giảm giá cước Internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên khi tham gia dạy, học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

e) Phủ sóng các điểm chưa có kết nối Internet di động trên toàn tỉnh.

1.5. Tăng cường công tác phối hợp, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu; tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp

a) Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số tổ chức thực hiện Chương trình theo Kế hoạch số 3667/KH-BTTTT-BGDĐT ngày 21/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

b) Ứng dụng công nghệ thông tin trong báo cáo nhu cầu hỗ trợ, quản lý các nguồn tài trợ và phân phối để thực hiện Chương trình.

c) Tổ chức tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho việc thực hiện Chương trình theo kế hoạch.

2. Giai đoạn 2 (năm 2023)

2.1. Tùy theo tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục phát động để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới 100% học sinh, sinh viên thuộc đối tượng hỗ trợ được trang bị thiết bị công nghệ học trực tuyến.

2.2. Thực hiện kịp thời phân bổ các nguồn tài trợ và điều phối nguồn lực, hỗ trợ triển khai các thủ tục liên quan tới việc phân bổ nguồn tài trợ chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ sở giáo dục có học sinh thuộc đối tượng hỗ trợ để dạy và học trực tuyến.

2.3. Tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho việc thực hiện.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

- Phát động, kêu gọi các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và các cá nhân tham gia ủng hộ Chương trình theo kế hoạch.

- Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức vận động, quyên góp, ủng hộ thực hiện Chương trình.

- Hỗ trợ kinh phí từ các nguồn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh vận động, quản lý cho Chương trình.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Là cơ quan thường trực, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch

- Hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức khảo sát nhu cầu thiết bị công nghệ của học sinh, sinh viên thuộc đối tượng.

- Khảo sát danh sách các cơ sở giáo dục có học sinh thuộc đối tượng hỗ trợ chưa có kết nối Internet và chưa có phủ sóng 3G, 4G cung cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông.

- Hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy và học trực tuyến khai thác sử dụng có hiệu quả thiết bị và đường truyền Internet của Chương trình theo kế hoạch.

b) Thông báo các nền tảng dạy và học trực tuyến do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị sử dụng.

c) Đầu mối tiếp nhận hỗ trợ của Chương trình từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và từ các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, kết nối và điều phối nguồn lực. Trên cơ sở kết quả huy động nguồn tài trợ (tiền, thiết bị công nghệ, phần mềm), phối hợp thực hiện mua sắm, điều phối đến các địa phương, đơn vị có học sinh được hỗ trợ; điều phối nguồn tài trợ (tiền, thiết bị công nghệ, phần mềm) giữa các huyện, thành phố (nếu địa phương đã hoàn thành mục tiêu). Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức lựa chọn thiết bị theo tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu do Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị.

- Đầu mối tiếp nhận hỗ trợ:

+ Ông Đàm Ngọc Hùng - Chánh Văn phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo; điện thoại: 0914281000.

+ Ông Phan Văn Thắng - Phó Chánh Văn phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo; điện thoại: 0972280984.

+ Bà Nguyễn Quỳnh Hương - Chuyên viên phòng Kế hoạch tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo; điện thoại: 0914197123.

- Số tài khoản tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt:

+ Tên tài khoản: Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn.

+ Số tài khoản: 111000186408; Mở tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt nam - Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn.

d) Tuyên truyền các hoạt động của Chương trình; động viên, khích lệ, chia sẻ với các cơ sở giáo dục và giáo viên để tổ chức dạy tốt, học tốt, bảo đảm tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Rà soát, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai phủ sóng các điểm chưa có kết nối Internet trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nội dung sau:

- Kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số công bố và miễn phí các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, đề xuất miễn phí cước kết nối Internet di động tới các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam; nghiên cứu đề xuất phương án hỗ trợ đối với gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy, học trực tuyến tại các khu vực khi phải tổ chức dạy và học trực tuyến.

- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng và tổ chức triển khai phương án bảo đảm học sinh, sinh viên tiếp cận Internet an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

4. Sở Tài chính

Chủ trì thực hiện việc mua sắm thiết bị (đối với những thiết bị phải thực hiện mua sắm tập trung) theo kế hoạch đảm bảo theo các quy định hiện hành; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và truyền thông lựa chọn thiết bị mua sắm đảm bảo đúng quy định và hướng dẫn hiện hành.

5. Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh

Tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội và doanh nghiệp ngoài Hiệp hội hưởng ứng ủng hộ (tiền, thiết bị công nghệ, phần mềm) cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng hỗ trợ theo kế hoạch.

6. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh

Triển khai, phối hợp thực hiện kế hoạch đảm bảo phù hợp, hiệu quả; vận động, kêu gọi các nguồn lực ủng hộ, hỗ trợ để góp phần hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng hỗ trợ có thiết bị công nghệ, kết nối Internet đáp ứng điều kiện dạy và học trực tuyến.

7. Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn, Cổng Thông tin điện tử tỉnh

- Tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Chương trình; tuyên truyền kế hoạch triển khai thực hiện của tỉnh, kêu gọi sự vào cuộc ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, nhân dân.

- Tuyên truyền chất lượng dạy và học của ngành Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh và công tác dạy và học trực tuyến trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Viễn thông xây dựng, lắp đặt trạm BTS, đường truyền Internet; giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình xây dựng, lắp đặt trạm BTS và đường truyền Internet trên địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo các phòng chuyên môn, cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai phát động ủng hộ tại địa phương.

- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giáo dục và Đào tạo) về số lượng học sinh cần hỗ trợ, nguồn lực huy động, kết quả thực hiện Chương trình theo kế hoạch tại địa phương.

- Giao Phòng Giáo dục và Đào tạo là đầu mối tiếp nhận hỗ trợ của Chương trình, kết nối và điều phối nguồn lực; thực hiện điều tiết đến các trường trên địa bàn quản lý có học sinh thuộc đối tượng nhận hỗ trợ.

- Điều phối nguồn tài trợ (tiền, thiết bị công nghệ) về Sở Giáo dục và Đào tạo để hỗ trợ các địa phương khác (nếu địa phương đã hoàn thành mục tiêu).

9. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh

- Rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng, đáp ứng yêu cầu kết nối phục vụ việc dạy và học trực tuyến: phủ sóng 3G, 4G, lắp đặt cáp quang đến các thôn, khu dân cư để sẵn sàng kết nối Internet.

- Nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ các gói cước Internet phục vụ việc dạy và học trực tuyến cho đối tượng được hỗ trợ từ Chương trình và của ngành Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh.

- Tham gia ủng hộ nguồn lực (tiền, thiết bị công nghệ, phần mềm...) cho Chương trình theo kế hoạch.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phân loại các thiết bị công nghệ do các tổ chức, cá nhân ủng hộ; rà soát, sửa chữa các thiết bị còn bảo đảm để phân bổ tới các đối tượng thực hiện việc dạy, học trực tuyến.

Trên đây là Kế hoạch triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giáo dục và Đào tạo) để phối hợp, chỉ đạo giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (B/c);
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (B/c);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các hội, đoàn thể tỉnh;
- VP Tỉnh ủy và các Ban xây dựng đảng;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh;
- Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ tỉnh;
Hiệp hội các DN tỉnh; Hội doanh nhân trẻ tỉnh;
- Liên minh Hợp tác xã và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh;
- Các DN bưu chính, viễn thông tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP;
- Lưu: VT, VXNV (V).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng